Thứ làm sinh vật kỷ Jura tuyệt chủng đang “hồi sinh”?
Đá vôi từ một thị trấn Ý đã tiết lộ về một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt kỷ Jura và thứ mà các nhà khoa học gọi là “lời cảnh báo từ vực sâu”
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Duke (Mỹ) đã phát hiện một manh mối quan trọng trong đá vôi ở ngoại ô thị trấn Mercato San Severino – Ý, làm sáng tỏ sự tuyệt chủng hàng loạt của sinh vật biển vào giữa kỷ Jura.
“Sự kiện này và những sự kiện tương tự là những ví dụ tốt nhất mà chúng ta có về những gì sẽ xảy ra với Trái Đất trong những thập kỷ và thế kỷ tiếp theo” – tờ SciTech Daily dẫn lời PGS Michael A. Kipp, trưởng nhóm nghiên cứu.
Đá vôi Ý thu thập từ khu vực Mercato San Severino ở miền Nam nước Ý chứa các dấu vết phân tử của hóa học đại dương cổ đại – Ảnh: Mariano Remírez/ĐẠI HỌC GEORGE MASON
Trong kỷ Jura, khi các loài bò sát biển như ngư long và thằn lằn cổ rắn phát triển mạnh, hoạt động núi lửa ở khu vực nay là Nam Phi đã giải phóng khoảng 20.500 tỉ tấn carbon dioxide (CO 2) trong hơn 500.000 năm.
Lượng khí thải khủng khiếp này đã làm nóng các đại dương, khiến chúng mất oxy.
Nghiên cứu trầm tích đá vôi mang theo các hóa chất có niên đại từ thời điểm núi lửa phun trào, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có thời điểm, oxy đã cạn kiệt hoàn toàn ở 8% đáy biển toàn cầu cổ đại, một khu vực có diện tích gấp 3 lần nước Mỹ ngày nay.
Điều này khiến sinh vật biển bị ngạt thở và tuyệt chủng hàng loạt vào 183 triệu năm trước.
Video đang HOT
Có một điều đáng sợ: “Tử thần” quá khứ đang quay lại, do chính con người.
Kể từ khi cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ XVIII và XIX, hoạt động của con người đã thải ra lượng khí thải CO 2 tương đương 12% lượng khí thải trong thời kỳ núi lửa kỷ Jura.
Nhưng PGS Kipp cho biết tốc độ giải phóng CO 2 trong khí quyển nhanh chóng như hiện nay là chưa từng có trong lịch sử, khiến cho việc dự đoán thời điểm xảy ra một cuộc tuyệt chủng hàng loạt khác hoặc mức độ nghiêm trọng của nó là rất khó khăn.
Tuy vậy, hoạt động của con người thừa sức tạo ra một sự kiện thảm khốc tương tự kỷ Jura. Rõ ràng, khí thải nhà kính của con người đang làm một số vùng đại dương mất oxy.
“Lời cảnh báo từ vực sâu” này không chỉ đe dọa sinh vật biển, mà còn đe dọa một sinh vật trên hành tinh, bao gồm con người. Bởi một cuộc tuyệt chủng hàng loạt gây mất cân bằng sinh thái đến vậy luôn có tầm ảnh hưởng quy mô toàn cầu.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.
Phát hiện về "người khác loài cuối cùng" ở Tây Tạng
Những phát hiện mới từ một hang động Tây Tạng cho thấy người khác loài Denisovans chỉ mới biến mất khỏi thế giới lâu nhất là 32.000 năm trước
Một nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố trên tạp chí Nature đã đem đến thông tin mới về thời điểm mà người khác loài Denisovans thực sự tuyệt chủng: Không thể là trên dưới 40.000 năm trước, mà ít nhất 32.000 năm trước, họ hãy còn sống ở Tây Tạng.
Họ là một loài anh em với Homo sapiens chúng ta, cùng thuộc chi Homo (chi người), từng giao phối dị chủng với tổ tiên chúng ta.
Nhiều cộng đồng trên thế giới hãy còn mang DNA của vị tổ tiên này trong dòng máu, "đậm đà" nhất là người châu Á - Thái Bình Dương.
Một cuộc tìm kiếm bằng chứng về người khác loài ở hang động Baishiya Karst ở Tây Tạng, dẫn đầu bởi Đại học Lan Châu (Trung Quốc) - Ảnh: VGC
Theo Sci-News, phát hiện về những "người khác loài cuối cùng" ở Tây Tạng dựa trên việc phân tích 2.500 mẩu xương hỗn tạp được các nhà khoa học thu thập từ hang động Baishiya Karst trong nhiều năm làm việc.
Số xương này bao gồm của nhiều loài động vật khác nhau có dấu vết tương tác của con người và cả xương sườn được xác định là của người Denisovans.
Trước đó, vào năm 2019, một chiếc xương hàm có niên đại 160.000 năm cũng từ hang động này được xác định là có nguồn gốc từ người Denisovans.
Vào năm 2020, mtDNA của loài người cổ này được tìm thấy trong trầm tích của hang động, cho thấy sự hiện diện của họ vào các giai đoạn khoảng 100.000 năm trước, 60.000 năm trước và có thể là 45.000 năm trước.
Xương sườn mới của người Denisova từ hang động Baishiya Karst có niên đại khoảng 48.000-32.000 năm trước.
Phát hiện mới giúp làm sáng tỏ hơn câu hỏi: "Khi nào và tại sao những người Denisovans trên cao nguyên Tây Tạng lại tuyệt chủng?".
Ngoài xương người, số xương trong hang động bao gồm xương cừu bharal, bò Tây Tạng hoang dã, ngựa, tê giác lông đã tuyệt chủng và linh cẩu đốm.
"Bằng chứng hiện tại cho thấy chính người Denisovans, chứ không phải bất kỳ nhóm người nào khác, đã chiếm giữ hang động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn tài nguyên động vật có sẵn trong suốt thời gian họ chiếm đóng" - TS Jian Wang từ Đại học Lan Châu (Trung Quốc), đồng tác giả, cho biết.
Quá trình phân tích bằng khối phổ cho phép các nhà khoa học trích xuất thông tin có giá trị từ các mảnh xương thường bị bỏ qua, cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các hoạt động của con người.
Điều này cho thấy ngoài ăn thịt động vật, những người cổ đại này cũng dùng xương động vật để làm công cụ chế tác các công cụ đá khác.
Trước đây, người ta cho rằng những người khác loài cuối cùng - bao gồm loài Denisovans và loài Neanderthals - đã tuyệt chủng đâu đó khoảng 40.000 năm trước.
Vài năm gần nhất, một số bằng chứng kéo lùi dấu mốc này vào khoảng giữa 30.000-40.000 năm trước. Phát hiện mới nhất ở Tây Tạng đã tiếp tục điều chỉnh dòng lịch sử.
Chưa kể, phát hiện trên không cho thấy bất kỳ lý do nào khiến họ tuyệt chủng mà chỉ cung cấp dấu vết của một cuộc sống có nguồn thức ăn phong phú cho đến ít nhất 32.000 năm trước.
Như vậy, hoàn toàn có khả năng họ đã tồn tại song song với loài chúng ta lâu hơn nhiều.
Lộ diện "8 thế giới bị vùi lấp" của vũ trụ Hai đài quan sát mạnh mẽ đã hợp sức tìm ra 8 vật thể vũ trụ bị bạn đồng hành sáng hơn che giấu trước mắt người Trái Đất. Kết hợp sức mạnh từ thiết bị GRAVITY của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) được gắn trên Kính viễn vọng Very Large đặt ở Chile và vệ tinh lập bản đồ bầu trời...