Thu hút và giải ngân vốn FDI lập “đỉnh” mới
Một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019, đó là cả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đều rất tích cực. Vốn đăng ký đạt đỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây – đạt 38 tỷ USD, còn vốn giải ngân thiết lập kỷ lục mới, với 20,38 tỷ USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài chính là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019. Trong ảnh: Nhà máy của USM (Nhật Bản) tại Hà Nam. Ảnh: Đức Thanh
“Đỉnh” mới được thiết lập
Một điều chắc chắn, thu hút đầu tư nước ngoài chính là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019. Báo cáo vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD.
Nhìn lại tình hình thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua, có thể nói, con số trên 38 tỷ USD là rất đáng ghi nhận. Năm 2008, sau 1 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt, đạt 72 tỷ USD. Đây là kỷ lục rất khó để “xô đổ”.
Năm đó, rất nhiều dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư. Chẳng hạn, Dự án Thép Vinashin – Lion (Malaysia), 9,8 tỷ USD; Liên hợp Thép Formosa, 7,9 tỷ USD; Lọc dầu Nghi Sơn, 6,2 tỷ USD; Dự án New City 4,3 tỷ USD… Nhưng không ít dự án trong số này là dự án ảo, sau đó không lâu thì “đứt gánh giữa đường”. Bởi thế, sau này, ngay cả cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài cũng rất ít nhắc đến kỷ lục của năm 2008 như một thành tựu rất đáng ghi nhận.
Nếu bỏ kỷ lục 72 tỷ USD của năm 2008 sang một bên, thì con số 38 tỷ USD chính là “đỉnh” mới. Đây là con số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hơn nữa, xu hướng đầu tư những năm gần đây cho thấy, đây đều là các dự án “thật”, ít có chuyện đăng ký dự án “ảo” như những năm trước đây.
Nhưng quan trọng hơn cả, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) giải ngân năm 2019 đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Đây là con số kỷ lục, mà trong hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam mới có thể có được. Nếu như khoảng 10 năm trước, giải ngân vốn FDI chỉ quay quanh con số khoảng 10 tỷ USD, thì nay lần đầu tiên, đã chạm ngưỡng 20 tỷ USD.
“Đây là khoản tiền vào túi thật của nền kinh tế, nên rất có ý nghĩa”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói và khẳng định, đây chính là một điểm sáng của thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay.
“Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ”, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định.
Video đang HOT
Định hình xu hướng mới
Nhìn lại tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019, có thể thấy, xu hướng đầu tư mới được định hình khá rõ. Đó là đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần đang tăng rất mạnh.
Năm 2019, trong tổng vốn đầu tư trên 38 tỷ USD, vốn FDI chỉ là 22,55 tỷ USD. Phần còn lại là của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, qua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Thực tế, ngoài vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng 56,4% so với năm 2018, thì cả vốn cấp mới và tăng thêm đều thấp hơn so với năm trước. Chính sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần đã “kéo” đầu tư nước ngoài tăng 7,2% so với năm trước.
Thừa nhận xu hướng này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đang tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký; còn năm nay, đã tăng lên 40,7%.
Xu hướng lớn đến nỗi, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đã đến lúc cần có chính sách “nắn dòng” vốn ngoại, theo hình thức FDI hay M&A.
“Cần đánh giá toàn diện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019, nhất là qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, xem xét các thương vụ M&A lớn để thấy rõ mặt được, chưa được, từ đó rút ra bài học về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài giai đoạn tới”, ông Phan Hữu Thắng bày tỏ quan điểm.
Thu hút và cả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài là rất tích cực trong năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, vẫn còn nhiều điều đáng chú ý. Chẳng hạn, quy mô dự án FDI đăng ký mới đang có xu hướng giảm xuống, chỉ còn 4,3 triệu USD, so với mức 5,9 triệu USD của năm ngoái.
Ngay cả các dự án tăng thêm cũng vậy. Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh.
Và một điểm khác, dù vốn FDI giải ngân là kỷ lục, song theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã xuất hiện xu hướng giảm tốc. Năm 2017, vốn FDI thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 tăng 9,1% so với năm 2017, nhưng năm nay chỉ còn tăng 6,7% so với năm ngoái. Đây là xu hướng rất đáng chú ý.
Một số dự án FDI quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư và điều chỉnh năm 2019
Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD.
Dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 650 triệu USD, tại TP.HCM.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng -Trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD tại Hà Nội.
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.
Dự án Công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập), tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD tại TP.HCM, để thực hiện dịch vụ lữ hành.
Nguyên Đức
Theo baodautu.vn
Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút vốn FDI tạo lực đẩy thị trường bất động sản "cất cánh"
Sự phát triển vượt bậc trong thu hút vốn FDI của Bắc Ninh thời gian qua đã thúc đẩy mạnh mẽ thị trường BĐS công nghiệp phát triển. Đặc biệt, sự tác động này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới từ năm 2020.
Theo số liệu mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong tháng 11 Bắc Ninh thu hút thêm 219 dự án mới với tổng vốn đăng ký 791 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp đạt 1.436 triệu USD, dẫn đầu toàn khu vực phía Bắc (nếu không tính thủ đô Hà Nội).
Câu chuyện thu hút đầu tư FDI của Bắc Ninh từng được xem là kỳ tích. Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh Bắc ninh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu là dự án nhỏ, quy mô vốn thấp, tập trung vào các ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng cao cấp. Riêng công nghiệp điện tử chỉ có 2 dự án của Canon, với vốn đầu tư 130 triệu USD, chiếm 14% tổng số vốn đầu tư vào khu công nghiệp Bắc Ninh.
Hai mươi năm sau đó, Bắc Ninh đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phồn thịnh của Việt Nam, đứng đầu toàn quốc về thành tích đầu tư nước ngoài. Hiện Bắc Ninh có 1.134 dự án đầu tư, đạt tổng số tiền khổng lồ 17,79 tỷ USD trên diện tích 6.397,68ha, tập trung tại 16 khu công nghiệp. Thành công lớn nhất trong chiến lược trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh là thu hút được Tập đoàn Sam Sung. Đại bản doanh của Sam Sung đặt tại KCN Yên Phong, đây là KCN thu hút vốn đầu tư FDI cao nhất Việt Nam. Bình quân 1ha tại đây thu hút được 0,04 tỷ USD vốn đầu tư.
Hiện tại Bắc Ninh tập trung gần 30 nghìn lao động, trong đó gần 20 nghìn lao động làm việc ở các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với đủ các thành phần sắc tộc: Việt, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thu nhập bình quân ở khu vực FDI của Bắc Ninh ngày càng tăng. Năm 2014 đạt 6,78 triệu đồng/người/tháng... Năm 2018 là 11,2 triệu đồng/người/tháng, gấp 1,55 lần khu vực đầu tư trong nước, đưa Bắc Ninh nhanh chóng trở thành Top đứng đầu toàn quốc về thành tích đầu tư nước ngoài.
Sự phát triển vượt bậc trong thu hút vốn FDI của Bắc Ninh thời gian qua đã thúc đẩy mạnh mẽ thị trường BĐS phát triển. Cùng với số lượng nhà máy mọc lên liên tục, gần 30 nghìn lao động đổ về tạo nên một lượng cầu "khổng lồ" về nhà ở chất lượng cao tại Bắc Ninh. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp đồng loạt đổ về Bắc Ninh thời gian gần đây để đầu tư xây dựng các dự án chất lượng cao.
Nếu như trước kia chỉ có một hai doanh nghiệp coi Bắc Ninh là điểm đến thì nay thêm những cái tên mới như Vingroup, Him Lam, FLC, Apec Group.... Cùng với đó, số lượng các khu đô thị từ chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay đến nay đã lên đến hai con số, đặc biệt là sự xuất hiện những khu đô thị hoàn chỉnh "all in one" trước đây chỉ xuất hiện tại những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM thì nay đã có mặt tại thành phố Bắc Ninh.
Quan sát thực tế cho thấy, từ năm 2017, cuộc đua mở rộng thị phần của các đại gia tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt về quỹ đất. Khi quỹ đất tại trung tâm thành phố ngày càng eo hẹp, giá bất động sản tại khu vực này luôn ở mức cao. Các dự án Bất động sản bắt đầu chuyển ra khu vực trung tâm thành phố mở rộng và kề cạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn của tỉnh.
Cùng với việc mở rộng của các "ông lớn", thị trường cũng chứng kiến xu hướng đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê của người dân địa phương. Bên cạnh đó là làn sóng của giới nhà giàu Hà Nội đổ về đầu tư nhà liền kề, biệt thự, căn hộ cho chuyên gia nước ngoài thuê tại các dự án BĐS cao cấp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với vị trí địa lý thuận lợi, dư địa tăng giá cao, GDP đầu người luôn ở top 10 cả nước khiến Bắc Ninh trở thành mảnh đất màu mỡ dành cho các đại gia BĐS. Đặc biệt, trong thời gian tới Bắc Ninh đang hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, sẽ đón nhận làn sóng mới của các doanh nghiệp sản xuất đổ về.
"Khi có chiến tranh thương mại, lượng nhân công từ Trung Quốc sẽ đổ về Việt Nam, tất yếu phát sinh nhu cầu về văn phòng, nhà ở và nhu cầu du lịch. Như vậy, BĐS nhà ở, văn phòng và du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt ở phân khúc cao cấp sẽ được hưởng lợi", GS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên & Môi trường từng nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư này, nhu cầu BĐS công nghiệp và nhà ở cao cấp - bình dân được dự báo sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở các địa bàn các tỉnh lân cận Trung Quốc, nơi có khả năng đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường đầu tư thông thoáng, hợp lý.
Nhật Nam
Theo Trí thức trẻ
Nhiều nhân sự tài chính, kiểm toán nổi bật tại Việt Nam gia nhập FLC Bà Đặng Thị Lưu Vân sẽ đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Tài chính Thương mại của Tập đoàn FLC còn bà Trần Thu Hà đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Kế toán. Bà Đặng Thị Lưu Vân, Trưởng ban Tài chính Thương mại của Tập đoàn FLC Tập đoàn FLC vừa tiến hành bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao trong...