Thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng 4 tuy giảm với cùng kỳ nhưng có dấu hiệu hồi phục
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu xét về giá trị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018). Mức độ giảm trong 4 tháng cũng ít hơn so với 3 tháng đầu năm.
4 tháng đầu năm thu hút gần 1000 dự án FDI mới
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà ĐTNN lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016). Mức độ giảm trong 4 tháng cũng ít hơn so với 3 tháng đầu năm.
Cơ cấu vốn đầu tư đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019
(Nguồn: Bộ KHĐT)
Trong đó, có 984 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư tăng là do trong 4 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,9 triệu USD năm 2019 lên 6,9 triệu USD năm 2020.
Về vốn điều chỉnh, có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn điều chỉnh tăng đột biến sau khi giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm 2020 do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD. Tuy nhiên số lượt dự án điều chỉnh vốn trong 4 tháng đầu năm vẫn giảm 5,2% so với cùng kỳ.
Video đang HOT
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,77 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ, từ 48,9% trong 4 tháng năm 2019 xuống 20,1% trong 4 tháng năm 2020.
Lĩnh vực chế biến chế tạo thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ky. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là lĩnh vực bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD và 665 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm
Theo đối tác đầu tư, đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Xinh-ga-po dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,07 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,16 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,…
Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 265 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 135 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 116 dự án, Xinh-ga-po đứng thứ tư với 81 dự án,…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố, trong đó Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 32,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với 1,31 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương,…
Nếu xét theo số lượng dự án thì thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 369 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 223 dự án, Bắc Ninh đứng thứ ba với 65 dự án,…
Tính đến ngày 20/4/2020, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đăng Huy
Thành phố Hồ Chí Minh thu hút trên 1 tỷ USD vốn FDI
Tính từ đầu năm đến ngày 20/3, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được trên 1,052 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giảm 33% tổng vốn so với cùng kỳ năm trước.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 20/3, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được trên 1,052 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giảm 33% tổng vốn so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thành phố có 290 dự án cấp mới với vốn đăng ký 142,5 triệu USD, tăng 14,2% về số dự án và giảm 50,7% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh vốn đầu tư có 46 lượt dự án với số vốn tăng thêm 80,8 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thành phố cũng đã chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần 1.342 trường hợp với tổng vốn đạt 829,3 triệu USD.
Ngành thương nghiệp tiếp tục dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài trong quý 1 với 132 dự án, vốn đầu tư 91,2 triệu USD, chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư cấp phép mới. Kế đến là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 62 dự án, vốn đầu tư 18,3 triệu USD, chiếm 12,8%; thông tin và truyền thông 45 dự án, vốn đầu tư 9,5 triệu USD, chiếm 6,7%; xây dựng 12 dự án, vốn đầu tư 6,8 triệu USD; công nghiệp chế biến, chế tạo 6 dự án, vốn đầu tư 5,5 triệu USD...
Theo đối tác đầu tư, trên địa bàn thành phố đã có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Trong số đó, Singapore có 45 dự án, vốn đầu tư 39,2 triệu USD, chiếm 27,5% tổng vốn cấp mới; Hong Kong (Trung Quốc) 23 dự án, vốn đầu tư 26,3 triệu USD, chiếm 18,4%; Nhật Bản 29 dự án, vốn đầu tư 23,5 triệu USD, chiếm 16,5%....
Tổng số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 20/3 là 9.462 đơn vị, với tổng vốn đăng ký 47,5 tỷ USD.
Về vốn đầu tư trong nước, từ đầu năm đến ngày 15/3, thành phố đã cấp phép thành lập mới 8.121 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 95.057 tỷ đồng. So cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 2,2% và vốn giảm 30,7%.
Chiều ngược lại, từ đầu năm đến ngày 29/2, trên địa bàn thành phố đã có 240 doanh nghiệp giải thế, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp chuyển đi tỉnh thành khác là 348 đơn vị, tăng 46,8%; doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn là 4.309 đơn vị, tăng 45,1%./.
H.Tuấn
Thu hút và giải ngân vốn FDI lập "đỉnh" mới Một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019, đó là cả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đều rất tích cực. Vốn đăng ký đạt đỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây - đạt 38 tỷ USD, còn vốn giải ngân thiết lập kỷ lục mới, với 20,38 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài...