Thu “hụi chết”, ba kiểm lâm bị đình chỉ
Từ thông tin Pháp Luật TP.HCM cung cấp, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã đình chỉ công tác ba kiểm lâm để làm rõ hành vi nhận tiền của các xưởng cưa.
Ngày 19/6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết vừa đình chỉ công tác đối với các ông Lưu Ngọc Tân, Trạm trưởng Trạm Kiểm Lâm Thanh Sơn – Ngọc Định ở huyện Định Quán (Đồng Nai); đình chỉ công tác ông Trịnh Văn Toàn và một cán bộ kiểm lâm khác của trạm này để làm rõ hành vi vòi vĩnh, nhận tiền các xưởng mộc trong địa bàn mà trạm kiểm lâm quản lý.
Đây là kết quả xử lý ban đầu sau khi Pháp Luật TP.HCM cung cấp thông tin cho lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai về việc các kiểm lâm có hành vi vòi vĩnh tiền của các xưởng cưa.
Thay cha đóng hụi
Theo các chủ xưởng cưa, xưởng mộc ở khu vực xã Thanh Sơn và Ngọc Định (huyện Định Quán), định kỳ ba tháng, các chủ xưởng cưa, xưởng mộc ở đây phải đóng hụi chết cho lực lượng kiểm lâm địa bàn. Nếu không sẽ bị kiểm tra, hạch hỏi đủ chuyện.
Ngày 11/6, kiểm lâm Trịnh Văn Toàn đến xưởng mộc của anh H. ở xã Ngọc Định kiểm tra nhưng anh H. đi vắng. Vì không gặp được anh nên tối hôm sau ông Toàn gọi điện nhắc nhở. Theo anh H., do làm ăn khó khăn nên anh và con trai phải bỏ xưởng mộc lên TP Biên Hòa làm ăn, chưa kịp “đóng hụi”. Dù ngưng hoạt động nhưng sợ cơ sở của mình bị làm khó, anh H. bèn cho con trai về “làm nghĩa vụ” cho kiểm lâm.
Kiểm lâm Toàn nhận tiền. (Ảnh cắt từ clip) Ảnh: DĐ
Video đang HOT
Theo lời dặn của ông Toàn, sáng 13/6, con trai của anh H. đến trạm kiểm lâm địa bàn Thanh Sơn đưa tiền. Khi đến giờ hẹn, ông Toàn yêu cầu người này đến một quán cà phê mà ông đang ngồi cùng đồng nghiệp để đưa tiền.
Tại quán cà phê, trước mặt nhiều người, có cả cán bộ kiểm lâm, ông Toàn thản nhiên nhận 500.000 đồng của con trai ông H. và cẩn thận đếm lại số tiền trước khi cất vào túi. Khi người con trai chủ xưởng mộc ra về, ông Toàn lịch sự nói với theo: “Nói bố cho bác cảm ơn”.
Khi chúng tôi hỏi ông Toàn về “mặt bằng” chung chi cho cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra các hộ kinh doanh đồ gỗ trong địa bàn, ông Toàn nói: “Khoảng cỡ năm trăm được rồi em ơi”.
Muốn yên thân phải đóng “hụi chết”
Theo các chủ xưởng cưa, xưởng mộc ở khu vực xã Thanh Sơn và Ngọc Định, các xưởng cưa ở đây phải đóng tiền để “mua sự bình yên” cho cơ sở làm ăn của mình.
Một chủ xưởng mộc ở xã Thanh Sơn cho biết dù là cơ sở nhỏ hay lớn, có giấy phép hay không đều bị các cán bộ kiểm lâm bắt bẻ. Với việc hỏi giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ của gỗ và sau đó là chê xưởng dơ, các cán bộ kiểm lâm khéo léo “vòi vĩnh” từ 500.000 đến 1 triệu đồng. “Họ kiểm tra định kỳ, phải cho mấy ông đó ít nhất là 500.000 đồng gọi là tiền cà phê theo luật ngầm” – anh S., một chủ xưởng cưa ở xã Ngọc Định, nói.
Đếm cẩn thận trước khi bỏ túi. Ảnh: DĐ
Tương tự, chị N., vợ của chủ xưởng cưa ở ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, kể: “Tết vừa rồi ông Toàn gọi điện mời nhà em đi ăn tất niên nhưng nhà em bận không đi được. Mấy hôm sau, ông ấy đến nhà hỏi mã số giấy phép kinh doanh. Nhiều khi họ vào kiểm tra cả đoàn nên rất ngại. Muốn xong chuyện, mình phải chung tiền để yên ổn làm ăn”.
Nhiều xưởng cưa, mộc ở khu vực này bức xúc trước hành vi vòi vĩnh, gây khó dễ cho họ bằng nhiều cách. Theo anh Nh., một chủ xưởng mộc khác ở xã Thanh Sơn, thì: “Em cũng có giấy phép kinh doanh, giấy tờ đầy đủ nhưng vẫn bị mấy ổng làm khó nên thôi thì cứ phải theo luật, cho mấy ổng ít tiền cho xong chuyện”.
Sau khi tiếp nhận thông tin mà chúng tôi cung cấp, ông Nguyễn Hữu Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, nói: “Đây là hành vi không thể chấp nhận, vi phạm nghiêm trọng đạo đức của ngành. Chi cục sẽ triệu tập ông Toàn để làm rõ. Tùy theo mức độ, cơ quan sẽ có hình thức xử lý thích đáng và không loại trừ khả năng sa thải khỏi lực lượng kiểm lâm”.
Ông Toàn: Anh nghe! Anh H.: Có phải anh Toàn kiểm lâm phải không ạ. T.: Ờ. H.: Anh Toàn ơi, lúc sáng anh điện cho em thì em ngại quá, thì thôi ngày mai con em cũng được ngày nghỉ, em cho con em gửi vào cho anh được không? T.: Ừ, em gửi vào trạm kiểm lâm cho anh cũng được. H.: Dạ, trạm chỗ nào anh? Con em nó không biết đường, anh chỉ đường cho nó được không? T.: Thì em qua phà Thanh Sơn, đi về phía ủy ban, qua ủy ban khoảng độ 800 m, nó có cái trạm ghi là trạm kiểm lâm bên tay phải đó. H.: … Anh cứ nói thẳng cho em được biết. T.: Khoảng cỡ năm trăm được rồi em ơi, anh em vui vẻ ấy mà. H.: Dạ dạ, thế thì mai con em nó gửi cho anh nha, bên kia sông phải không anh. … T.: Rồi mai anh ghé quán chú Vân, mà cháu nó có biết mặt anh không đó? H.: Dạ em cho nó số điện thoại của anh, mà anh qua đó khoảng mấy giờ anh? T.: Anh qua đó khoảng độ 7 giờ, 8 giờ…
Theo 24h
Vụ cây xăng quyền lực: Chuyển hồ sơ cho CQĐT
Thanh tra Công an tỉnh Đồng Nai bước đầu đã làm rõ việc các cây xăng trên quốc lộ 20 nhận tiền của các lái xe hằng tháng, hứa hẹn sẽ chung chi cho Trạm CSGT Phú Túc để bỏ qua việc xử phạt mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.
Theo đó, đã có 4/5 cây xăng bị phản ánh đã thừa nhận việc nhận tiền hằng tháng của lái xe. Tuy nhiên, chủ những cây xăng này cho rằng việc làm trên là do các nhân viên tự ý thực hiện, còn nhân viên thì cho rằng họ nhận tiền nhưng không chung chi cho CSGT.
Trong loạt bài của mình, Pháp Luật TP.HCM không chỉ đề cập việc nhân viên cây xăng nhận tiền, mà còn có chứng cứ về những lời hứa hẹn của các chủ cây xăng.
Thanh tra Công an tỉnh Đồng Nai nhận định đây là sự việc phức tạp cần tiếp tục làm rõ. Cuối tuần qua cơ quan này đã kiến nghị ban giám đốc công an tỉnh chỉ đạo chuyển vụ việc qua cơ quan cảnh sát điều tra.
Những "cây xăng quyền lực" trải dài theo quốc lộ 20. Đồ họa: Song Phương
Trong một diễn biến khác trước đó, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ các dấu hiệu trung gian nhận mãi lộ của các cây xăng trên quốc lộ 20 thuộc địa bàn tỉnh này mà báo đã đề cập. Đồng thời, đã điều chuyển 26 cán bộ chiến sĩ CSGT khỏi lực lượng, đưa về công an các huyện và không tiếp tục bố trí làm CSGT. Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã thay thế toàn bộ ban chỉ huy trạm CSGT Phú Túc và giao Thượng tá Huỳnh Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng CSGT trực tiếp chỉ đạo hoạt động kiểm soát giao thông trên tuyến quốc lộ này.
Liên quan đến việc một cây xăng nhận tiền để bảo kê xe vi phạm vượt trạm cân Dầu Giây mà loạt bài đề cập, Khu quản lý đường bộ 7 cho biết đã cử một phó trưởng phòng tổ chức cán bộ xuống trực tiếp chỉ đạo điều hành trạm cân để ngăn ngừa mãi lộ. Lãnh đạo Khu quản lý đường bộ 7 cho biết nếu xảy ra tiêu cực, vượt trạm chắc chắn phải có vai trò của Tổ CSGT Đồng Nai làm việc ở khu vực trạm cân. Theo vị này, nhân viên trạm cân không có thẩm quyền chặn dừng hay cho xe vi phạm đi qua, trạm chỉ quản lý kỹ thuật, cân xe, phát hiện vi phạm qua cân và chuyển kết quả cho CSGT và thanh tra giao thông.
Đến nay, sau loạt bài điều tra, nhiều cơ quan đã đồng loạt vào cuộc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ trưởng GTVT, Bộ Công an và Bộ Công Thương, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, UBND và Giám đốc công an hai tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai đã chỉ đạo làm rõ. Báo cũng đã cung cấp cho cơ quan công an các tài liệu liên quan đến loạt bài.
Theo 24h
Đâm chết nhân viên bảo vệ vì không kêu tiếp viên Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đang tạm giữ hình sự Chung Thanh Phong (ngụ số 160/6G, đường Lý Thường Kiệt, phường 6, TP Mỹ Tho) để tiếp tục điều tra về hành vi giết người. Khoảng 3h15 ngày 7/6, khoảng 10 thanh niên đến quán karaoke "Cosy" đập cửa và yêu cầu nhân viên bảo vệ mở cổng để vào thuê...