Thu hồi nợ xấu: Phát mãi tài sản vẫn là rào cản
Ngành ngân hàng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể đánh tan. Trong đó, nợ xấu của ngành chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, nhưng quá trình xử lý nợ hiện gặp nhiều khó khăn và mất thời gian dài để phát mãi được tài sản thế chấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm dưới ngưỡng 2% – ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01 vừa được ban hành đầu năm 2019.
Nhờ hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, giá trị nợ xấu xử lý trong năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017. Dù vậy, đây chỉ là kết quả ban đầu và các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản ủy thác, phải thu khó đòi… của các tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, nhà băng yếu kém chậm cải thiện.
Thực tế cho thấy, dù Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các nhà băng, nhưng việc thu hồi nợ xấu chưa phải đã được gỡ rối. Trong đó, phát mãi tài sản vẫn là rào cản lớn trong xử lý nợ. Đơn cử trường hợp Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng ( VAMC) đã “nổ phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản giá trị 7.000 tỷ đồng của Sài Gòn One Tower theo Nghị quyết 42 từ tháng 8/2017, nhưng đến nay khối tài sản này vẫn chưa bán được vì nhiều lý do. Trong đó, có lý do chưa có sự đồng thuận giữa các cổ đông của bên bán.
Ads by AdAsia
Sacombank cho biết, Ngân hàng đang nỗ lực thanh lý hàng loạt bất động sản để xử lý nợ xấu. Trong đó, có 3 lô đất được nhà băng này rao bán “đại hạ giá” gần 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, dự án bất động sản nghìn tỷ lớn đầu tiên mà Sacombank đang rao bán tại quận Bình Tân, TP.HCM là toàn bộ Dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 cũng tại phường Bình Trị Đông B. Khối bất động sản được rao bán với giá khởi điểm 6.029 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với cách đây nửa năm.
Khối bất động sản tiếp theo là Dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 3.424 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với nửa năm trước. Trước đó, vào tháng 10/2018, Ngân hàng đã rao bán Dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở quận Bình Chánh với giá chào bán là 6.650 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với mức giá chào bán ban đầu.
Như vậy, 3 lô đất này đã được Sacombank rao bán nhiều lần trong thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ và hiện chỉ chào giá hơn 16.100 tỷ đồng, tức giảm tới gần 3.000 tỷ đồng so với cách đây nửa năm.
Tương tự, tại BIDV, đối với khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú – thuộc đối tượng xử lý theo quy định của Nghị quyết 42, Ngân hàng đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của công ty này (thay vì bán tài sản), nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được nợ.
Theo lãnh đạo một nhà băng, có nhiều bất hợp lý trong quá trình phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản hiện nay. Thứ nhất, dù đã có quy định cho phép ngân hàng được giữ nguyên hiện trạng tài sản khi phát mãi, nhưng các cơ quan chức năng lại buộc nhà băng chuyển tình hình sử dụng đất từ đất ở sang đất dự án đầu tư mới đồng ý cho phát mãi. Điều này rất khó và bất hợp lý đối với ngân hàng.
Ngoài ra, dù nhà băng đã chấp nhận thủ tục thế chấp rõ ràng với khách hàng, nhưng xuất hiện tình trạng có thêm đối tượng thứ ba xen vào tranh chấp tài sản và cho biết, đã mua tài sản thế chấp mà khách hàng đem thế chấp cho ngân hàng bằng giấy tờ viết tay. Sau đó, tài sản thế chấp được chuyển sang tình huống là tài sản có tranh chấp, khiến các ngân hàng rất khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo khi khoản vay trở thành nợ xấu. Đây là kẻ hở cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng.
Video đang HOT
Trong khi đó, nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng khi sức mua thị trường và tồn kho chưa cải thiện, nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể đánh tan. Trong đó, nợ xấu của ngành chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, nhưng quá trình xử lý nợ hiện gặp nhiều khó khăn và mất thời gian dài để phát mãi được tài sản thế chấp.
Mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, năm 2019, toàn ngành ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu… Đây là hướng mới của toàn ngành trong việc ngăn chặn, xử lý nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo 2019 – 2020.
Vì vậy, NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, Nghị quyết 42 quy định phải thành lập thị trường mua – bán nợ, đến thời điểm hiện tại, thị trường này đã có nhưng thành phần thu hẹp chỉ bao gồm ngân hàng thương mại, VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ, đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua – bán nợ với sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Ngân hàng nỗ lực tất toán nợ xấu
Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của Quốc hội đi vào thực tiễn đã tác động tích cực lên quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các nhà băng. Nhưng sau 5 năm, các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó bắt đầu quay lại ngân hàng nếu chưa được xử lý. Đó cũng là lý do các ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC để nỗ lực tất toán sớm.
ACB đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về 0,84% vào cuối tháng 9/2018
Tất toán trái phiếu VAMC
Theo cơ chế mua nợ xấu, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Đến thời điểm này, tròn 5 năm đã trôi qua, các trái phiếu lần lượt đáo hạn, các tổ chức tín dụng nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC nếu vẫn không xử lý được, dẫn đến nợ xấu nội bảng của nhiều ngân hàng tăng lên.
Còn nhớ tháng 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam một đầu mối xử lý nợ xấu đặc thù ra đời - VAMC, mua lại nợ xấu các tổ chức tín dụng nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm.
Tính từ tháng 10/2013 đến 31/12/2017, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là trên 307.930 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.
Từ năm 2018, công ty này đã hạn chế mua thêm, chuyển dần sang mua theo giá thị trường. VAMC cũng đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua vào năm 2022; kế hoạch năm 2018 là xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc; đã thu hồi 30.641 tỷ đồng trong năm 2017; đã bán 865 khoản nợ với giá 6.472 tỷ đồng và 4.865 tỷ đồng tài sản đảm bảo...
Quả thực, 5 năm về trước, nếu hạch toán và ghi nhận đúng mức nợ xấu, hệ thống các tổ chức tín dụng không đủ sức để gánh vác, cũng như không đủ điều kiện để thực hiện các yêu cầu tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất... nên VAMC ra đời như một giải pháp tạm giãn một phần gánh nặng đó. Nhưng sau 5 năm, nợ xấu lại quay về.
Với những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh và nỗ lực trong xử lý nợ xấu thì việc tất toán trái phiếu VAMC và xử lý các khoản nợ nhận lại không quá khó. Trong số các ngân hàng, Vietcombank là nhà băng sớm tất toán trái phiếu VAMC từ năm 2017. Techcombank cũng tất toán trái phiếu VAMC hơn 400 tỷ đồng vào 2017.
Tương tự, ACB, MB... cũng là các nhà băng đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về lần lượt 0,84% và 1,57% trên tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9/2018, từ đó, kéo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí hoàn nhập vào tổng lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, ACB đạt 4.476 tỷ đồng trước thuế 3 quý đầu năm 2018 nhờ dự phòng nợ xấu 9 tháng đầu năm giảm mạnh 56% xuống còn 660 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 312.778 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 218.543 tỷ đồng, tăng 11%. Trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng cũng tăng 11%, đạt 267.975 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng 461 tỷ đồng, lên 1.850 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 0,84% dư nợ cho vay khách hàng tại ACB. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 0,71% hồi đầu năm, song nhìn chung đang ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng các ngân hàng hiện nay. Sau 5 năm kể từ vụ án bầu Kiên, ACB đã và đang từng bước lấy lại hình ảnh của một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhì hệ thống.
Sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận
Giới phân tích đưa ra nhận định, ACB có thể lãi 6.333 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ hoàn nhập dự phòng và thu hồi nợ xấu, cao hơn mục tiêu lợi nhuận trước thuế nhà băng này đề ra đầu năm 2018 ở mức 5.699 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, với việc đã xử lý hết nợ xấu tại VAMC và nợ nhóm G6 liên quan đến "bầu" Kiên, thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ tăng cao và cùng với hoàn nhập dự phòng thúc đẩy lợi nhuận tăng trong năm 2018 của ACB lên mức cao. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của ACB ổn định ở mức 3,56% cao hơn so với mức 3,53% trong năm 2017.
Cùng với đó, giới phân tích cho rằng, trong tương lai, ACB có thể hạch toán thu nhập không thường xuyên từ thu hồi được nợ xấu hoán đổi với trái phiếu VAMC đã trích lập hết. Đây được xem là cơ sở tác động tích cực lên lợi nhuận của ACB.
Mặt khác, ACB là ngân hàng tập trung vào khách hàng SME và cá nhân. Trong việc mở rộng các khách hàng SME, Ngân hàng đặt mục tiêu thu hút các nhà cung cấp và nhà phân phối của các doanh nghiệp cốt lõi trong chuỗi cung ứng thông qua chính sách giá hợp lý về lãi suất và phí. Hơn nữa, ACB áp dụng các giải pháp dài hạn và đồng bộ trong việc cung cấp các gói sản phẩm cho khách hàng.
Nhân viên của các khách hàng SME cũng là nguồn khách hàng cá nhân trả lương qua ngân hàng, trong đó ACB đặt mục tiêu tăng doanh thu bằng các hình thức gia tăng sản phẩm, cho vay tín chấp bằng thẻ tín dụng và cung cấp các khoản vay tiêu dùng khác. Phân khúc này hiện có trên 1,8 triệu khách hàng và đang phát triển tốt. ACB đặt mục tiêu có 5 triệu khách hàng vào năm 2019.
Đối với phân khúc khách cá nhân siêu giàu, ACB đặt kế hoạch tăng huy động và tăng thu nhập từ bancassurance và thẻ tín dụng. ACB có thế mạnh về cho vay tiêu dùng, nhưng các khoản vay này chủ yếu có thế chấp, thay vì tín chấp.
Dư nợ cho vay tín chấp đạt khoảng 900 tỷ đồng, chỉ bằng 0,41% tổng dư nợ cho vay, chủ yếu là thông qua thẻ tín dụng cho các khách hàng phân khúc thu nhập khá (có thu nhập cao hơn 200 triệu đồng mỗi năm) với tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
Ngân hàng bắt đầu tiến hành lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM trong quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019, nhưng Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín chấp ở mức vừa phải.
Để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung khách hàng cá nhân, ACB tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin. ACB dành 30 - 35 triệu USD/năm để đầu tư vào công nghệ thông tin, bao gồm hai loại chi phí chí là chi phí hoạt động (giải pháp công nghệ thông tin, bảo trì phần mềm, thay thế phần cứng,...) và chi phí vốn (máy chủ, thiết bị, ngân hàng số,..).
Đại hội đồng cổ đông 2018 đã thông qua việc đầu tư 500 tỷ đồng vào các quỹ khoa học và công nghệ. Kể từ quý IV/2018, ACB sẽ bắt đầu thay thế các máy ATM với CDM hiện đại hơn. Số lượng máy CDM lắp đặt vài năm tới là 500 máy.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, ACB sẽ phát hành trái phiếu cấp 2 hàng năm để cải thiện tỷ lệ ant toàn vốn (CAR) bên cạnh các biện pháp nhằm nâng cao vốn cấp 1 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ CAR hiện tại theo Basel II là trên 8%, dự kiến sẽ đạt gần 10% vào cuối năm 2019.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, các ngân hàng đã tăng cường đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít ngân hàng còn đối mặt thách thức với quý trình xử lý nợ xấu vì nhiều thương vụ đấu giá tài sản đảm bảo bất thành, phải đấu giá lại nhiều lần.
Điển hình là khu phức hợp Saigon One Tower ở trung tâm TP.HCM, với mức đấu giá được VAMC đưa ra hơn 6.110 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một năm trôi qua, đến nay, khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua.
Tương tự, cuối năm 2017, Sacombank chào bán 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (Long An) với giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng, nhưng không bán được. Sau đó, Sacombank phải giảm giá gần 800 tỷ đồng mới bán được 3 tài sản này với giá 9.200 tỷ đồng, đồng thời chấp nhận cho bên mua trả chậm trong vòng 7 năm.
Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 07/11/2018 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Nợ xấu dềnh lên, ngân hàng tăng chi phí dự phòng Trong khi tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành giảm, thì nợ xấu của nhiều ngân hàng lại có dấu hiệu tăng lên do các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quay về. Mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ...