Thu hồi nợ đọng thay vì tăng thuế
Nợ đọng thuế tính đến hết tháng 9.2018 đã lên tới gần 83.000 tỉ đồng, trên 42% trong số đó không có khả năng thu hồi.
Vẫn còn thêm một quý cuối cùng của năm để ngành thuế nỗ lực, nhưng gần như chắc chắn đưa tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% như mục tiêu Chính phủ đề ra hồi đầu năm là rất khó.
Có thể nhận thấy, ngành thuế đã rất nỗ lực trong việc thu hồi nợ thuế trong thời gian qua bằng nhiều giải pháp đôn đốc, quản lý, cưỡng chế… Giải pháp “bêu tên” các doanh nghiệp (DN) chây ì trước đây chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội thì nay đã được nhiều tỉnh, thành áp dụng. Thế nhưng nợ đọng, đặc biệt là nợ không có khả năng thu hồi vẫn tăng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, do nhiều người nộp thuế đã chết, mất tích, phá sản…
Các nguyên nhân này đều đúng, nhưng nếu ngành thuế và các cơ quan có thẩm quyền tiền kiểm, hậu kiểm đầy đủ, thường xuyên, chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều. Thực tế hàng thập niên qua, có tình trạng các đối tượng lợi dụng việc thông thoáng trong thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, giải thể, phá sản DN… để thành lập, điều hành nhiều DN. Sau đó, lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản để gian lận trốn thuế.
Có DN lại dùng kế “kim thiền thoát xác”, hiểu nôm na là nợ thuế, đóng cửa DN để né thuế rồi thành lập DN khác tiếp tục hoạt động. Con số DN thành lập và DN phá sản, mất tích ở nhiều giai đoạn cũng phần nào phản ánh điều này. Hoặc những DN nợ thuế hàng trăm tỉ đồng, nợ nhiều tháng, nhiều năm nhưng không phải vì khó khăn, không có tiền mà là ôm tiền đi đầu tư dự án mới. Tình trạng này khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản, không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Video đang HOT
Còn nhớ cuối năm 2017 khi nợ đọng thuế gia tăng, liên quan đến việc cung cấp thông tin, phối hợp quản lý DN, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư nói về tình trạng này và đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý DN để khắc phục tình trạng DN lợi dụng gian lận. Từ đó đến nay, không biết việc phối hợp giữa 2 bộ thế nào nhưng kết quả thì như nói trên, tình trạng nợ đọng thuế và nợ không có khả năng thu hồi vẫn gia tăng.
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, Bộ Tài chính liên tục đề xuất, điều chỉnh 5 sắc thuế gồm GTGT, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, thu nhập cá nhân, thu nhập DN. Trong đó có những sắc thuế nếu tăng sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới đời sống người dân, giá cả hàng hóa, hoạt động của DN. Nên thay vì nhăm nhăm tăng thuế, Bộ Tài chính nên tăng cường quản lý và tìm các giải pháp thu hồi nợ thuế hiệu quả hơn. Cách này vừa tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch mà lại không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tận mâm cơm của mỗi gia đình.
Nguyễn Khanh
Theo thanhnien.vn
TP.HCM công bố 4 doanh nghiệp có hóa đơn không còn giá trị sử dụng
Đây là 4 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất trong số những doanh nghiệp nợ thuế vừa bị Cục Thuế TP.HCM công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Thuế TP.HCM vừa công bố danh sách 887 doanh nghiệp nợ thuế tháng 9/2018 với tổng số tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp lên đến 1.252,6 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp vừa bị Cục Thuế TP.HCM "bêu tên" trên các phương tiện thông tin đại chúng, có 4 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền hơn 720 tỷ đồng, có 14 doanh nghiệp nợ thuế trên 10 tỷ đồng. Riêng nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có 342 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp 834,5 tỷ đồng...
Trong 9 tháng năm 2018, tổng số tiền thu được qua các biện pháp cưỡng chế thuế của Cục Thuế TP.HCM là hơn 9.500 tỷ đồng. Ảnh:Baohaiquan.
Cụ thể, Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy (trụ sở tại số 65 Nguyễn Du, Q.1) nợ nhiều nhất với số tiền nợ thuế lên đến 350,3 tỷ đồng. Công ty này hiện là chủ đầu tư dự án Spring Light City, nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Q.1. Kế đến là CTCP Xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy nợ 161,3 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TP.HCM nợ 117,3 tỷ đồng; CTCP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang nợ 92 tỷ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cho biết, biện pháp trước mắt đối với những doanh nghiệp này là ngăn chặn sử dụng hóa đơn, tức là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Ngoài ra, cơ quan này cũng sử dụng một số biện pháp thu hồi nợ thuế khác như trích tiền từ tài khoản ngân hàng để thu hồi nợ, gửi công văn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh...
Theo báo cáo mới đây của Cục Thuế TP.HCM, trong 9 tháng năm 2018, cơ quan này đã ban hành gần 2,9 triệu lượt thông tin nợ thuế; ban hành trên 25.000 quyết định cưỡng chế thuế, với tổng số tiền nợ thuế trên 10.300 tỷ đồng.
Đồng thời, công khai thông tin trên 3.800 lượt người nộp thuế chây ì, không nộp thuế đúng hạn trên phương tiện thông tin đại chúng... Tổng số tiền thu được qua các biện pháp cưỡng chế thuế trong 9 tháng qua là hơn 9.500 tỷ đồng.
Tính đến nay, tổng số nợ thuế tại Cục Thuế TP.HCM là hơn 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu hơn 11.433 tỷ đồng; nợ đang xử lý 544 tỷ đồng, nợ đang khiếu nại 916 tỷ đồng và hơn 10.000 tỷ đồng thuộc diện nợ khó thu.
Nợ thuế chủ yếu tập trung ở các sắc thuế như: Thuế giá trị gia tăng hơn 6.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 3.000 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 1.600 tỷ đồng, tiền sử dụng đất hơn 1.000 tỷ đồng...
Theo nguoitieudung.com.vn
Ngân hàng phải cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành Thuế? Mặc dù Dự thảo Luật Quản lý thuế mới nhất đã sửa đổi một số nội dung, nhưng nhiều người vẫn không khỏi e ngại việc cơ quan thuế yêu cầu nắm nhiều thông tin riêng tư của khách hàng. Nhiều tranh cãi xung quanh yêu cầu ngân hàng phải cung cấp số tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế(Trong ảnh:...