Thư gửi vợ!
Anh thèm được một lần, khi buổi sáng tỉnh dậy, em giục anh tắm rửa rồi xuống ăn sáng… cho dù bữa sáng đó chỉ là một gói mỳ tôm em úp bằng nước sôi.
Vân à!
Mấy bữa nữa là đến ngày kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng mình. Sau 9 năm chung sống, sắp có hai mặt con, vậy mà dường như chúng ta chẳng hiểu về nhau. Cả anh và em, trước khi lấy nhau đều chẳng chuẩn bị gì về tâm lý cho cuộc sống hôn nhân, đặc biệt là vai trò của mỗi người trong gia đình. Âu cũng là do hoàn cảnh.
Cả gia đình ông bà nội, và ông bà ngoại chưa bao giờ nói với chúng ta về cuộc sống hôn nhân, về trách nhiệm, vai trò của người chồng, người vợ trong gia đình. Chúng ta lấy nhau, tạo dựng nên một gia đình, đơn giản là vì chúng ta yêu nhau rồi lấy nhau, đứa làm vợ, đứa làm chồng, thật đơn giản phài không em?
Chúng ta đem những khái niệm, những thói quen cư xử với nhau trong lúc còn yêu nhau vào một không gian mới rộng hơn, với nhiều mối quan hệ, sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ. Chính sự thay đổi đó đã gây ra nhiều xáo trộn và thường thì những xáo trộn này mang chiều hướng tiêu cực.
Đã có giai đoạn, quan hệ vợ chồng khủng hoảng, tưởng như bị đổ vỡ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, chẳng hạn như việc đi ngủ, nấu cơm, chăm sóc con hoặc như chuyện đối xử với người này, người kia bên nội, bên ngoại như thế nào. Và cũng lại do hoàn cảnh, cả hai vợ chồng mình trước khi yêu nhau đều là bạn thân của nhau, hai bên gia đình lại cùng làng, cùng xã. Với đặc điểm này, cả anh và em đều công nhận, mặt thuận thì rất nhiều nhưng mặt nghịch cũng không phải là ít.
Chúng ta bị ít nhiều chi phối bởi mối quan hệ phức tạp, dựa trên cái tôi, cái ta, bên tôi, bên ông với nền tảng là phân bì, so sánh cao thấp, hơn thiệt theo kiểu ti tiện, hiềm khích của người nhà quê. Thành thật mà nói rằng, những quan hệ đó đã len lỏi vào cuộc sống gia đình. Chẳng hạn như tết năm nay biếu người bên nội nhiều hơn, sao không biếu người bên kia như thế? Hoặc như, đến nhà ông này chơi sao không vào nhà bác nọ thăm v.v… Có những lần về quê, chỉ vì những chuyện như vậy mà vợ chồng tiếng bấc, tiềng chì, giận hờn cả vài tuần sau khi từ quê lên.
Cả hai vợ chồng mình trước khi yêu nhau đều là bạn thân của nhau! (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Anh còn nhớ có một lần, cả nhà vào thăm gia đình anh Hoàng trong Nam, chẳng biết lúc cao hứng, anh nói lỡ điều gì vậy mà em hậm hực, để đến mức vợ chồng cãi nhau trong đó, anh phải đặt vé sớm để ra ngoài này. Cho dù việc anh quay lại Bắc sớm đã không xảy ra nhưng từ đó, anh đã nhận ra một điều, dù anh có là chồng em nhưng chưa bao giờ anh được em coi là người quan trọng nhất trong cuộc đời em. Lúc đó, anh thấy chua xót lắm!
Đến tận cả hôm nay, ngồi viết cho em những dòng này, nghĩ đến điều này lại thấy tủi thân, hổ thẹn trong lòng. Việc chúng ta bằng tuổi nhau, là bạn, dẫn đến một điều là cách tiếp cận và xử lý mối quan hệ giữa vợ và chồng không còn thuần khiết là vợ – chồng nữa. Anh có cảm giác như có lúc quan hệ giữa chúng ta như kiều hai người khác giới vừa là bạn, lại vừa là người họ hàng. Bên cạnh đó, cả anh và em đều coi trọng cái tôi của mình nên mối quan hệ chồng – vợ cứ nhờ nhờ chẳng phải chồng, cũng chẳng còn phải là vợ.
Tất cả những điều đó làm cho quan hệ gia đình mình càng ngày càng thấy tẻ nhạt, bế tắc. Nhiều lúc anh tự hỏi: anh là ai, em là ai và chính xác ra, chúng ta là gì của nhau nhỉ? Một điều không may mắn nữa là không ai chia sẻ cho em về kinh nghiệm quan hệ hôn nhân. Những gì sau 10 năm em thấy đều quanh quẩn là những người bạn của em ở công ty, những người mà theo em nói, là họ không thể có sự hiểu biết, tư duy giống như vợ chồng mình. Chúng ta trong con mắt của một số người nào đó, đều là những người thành đạt. Bản thân anh và em đều cho rằng, chúng ta gặp nhiều may mắn. Thành thật mà nói rằng, em thành công hơn anh và do vậy em cũng chịu vất vả nhiều hơn so với anh. Tuy nhiên, nó cũng là điều không may cho quan hệ vợ chồng. Anh có lần đã nói với em rằng, “Trong không gian gia đình, nhà này chẳng có ai làm Sếp”. Có thể anh nói hơi quá nhưng đó cùng là ước vọng của anh.
Chúng ta đều mải mê theo công việc và sau 9 năm, dường như cả hai đứa mình đã quên mất chúng ta là ai? Đã khi nào em tự hỏi: “Có phải em đang làm vợ không nhỉ?”. Tất nhiên, anh cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, anh chưa thực sự làm hết trách nhiệm của người chồng. Em biết không, những lần về nhà chơi cùng hai mẹ con, anh thèm được một lần, khi buổi sáng tỉnh dậy, em giục anh tắm rửa rồi xuống ăn sáng, cho dù bữa sáng đó chỉ là một gói mỳ tôm em úp bằng nước sôi, thay vì cả nhà kéo nhau ra ngoài tiệm ăn. Hoặc chỉ là một bữa ăn thường mà em và anh cùng đi chợ, cùng nấu vào một ngày anh về thăm nhà.
Phải chăng em đã quên hết bổn phận làm vợ của mình? (Ảnh minh họa)
Anh cũng không chắc, em biết anh có bao nhiêu cái quần, bao nhiêu cái áo trong tủ, cái nào lành, cái nào rách, cái nào tuột cúc, sổ chỉ. Có khi, ngay cả khi nhìn thấy người giúp việc khâu vá cho anh, em cũng chẳng thèm bận tâm. Lần về nước trước đó, sau khi từ quê lên, em chỉ đôi tất màu xám tro để trong giỏ xe máy và nói rằng: “Cho anh đôi tất”. Anh thấy ngạc nhiên và buồn vô cùng! Ngạc nhiên vì em vẫn còn nhớ đến bản năng làm vợ, còn buồn là vì không biết vợ mình mua cho mình đôi tất gần nhất cách đây bao nhiêu năm rồi nhỉ? Có thể nói những người như em rất bận rộn và vất vả và đó là lí do viện ra để giải thích cho tất cả nhưng nếu em tinh ý, đã có một lần, anh kể cho em một câu chuyện nhỏ về bà Thát – chơ, cựu thủ tướng Anh quốc. Bà ấy nói rằng, bà ấy có một thói quen là vào buổi sáng, trước khi đi làm đều cố pha cho chồng bà một ly cà phê. Và cũng có một điều anh thắc mắc rằng, trước khi cái Sáu rời khỏi nhà mình, nó nói một câu đại ý là: “Cháu mà còn ở lại thì sẽ làm hại chú”.
Tình dục là một phần của quan hệ vợ chồng nhưng đời sống đó của vợ chồng mình như thế nào nhỉ? Trừ lần đi Boracay (philippines), dường như chúng ta chưa bao giờ thấy thực sự thỏa mãn. Em ngại ngùng khi âu yếm anh, thậm chí em cũng chẳng biết cách làm nũng anh. Nhưng em biết đó, người chồng sẽ cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi cô vợ nũng nịu đòi yêu thương? Dường như, đời sống riêng tư của chúng ta cũng đơn điệu như chính chúng ta vậy!
Chúng ta hình như dang hủy hoại đời sống hôn nhân của chính mình. Chúng ta, ban đầu cùng với tình yêu để dựng nên một gia đình nhưng đến bây giờ nhìn lại, cái tình yêu đó sau bao rơi vãi, còn được mấy phần? Dù vậy, những đứa con vẫn còn là sợi dây níu kéo lại tình cảm của vợ chồng mình. Đến bây giờ, vẫn chưa có kẻ thứ ba xen vào cuộc sống vợ chồng mình… có lẽ cũng chính vì những đứa con và quan trọng hơn là tình yêu chúng ta vẫn chưa chết hẳn!
Anh viết những dòng này, mong em đọc và suy ngẫm.
ANH (Theo Bưu Điện Việt Nam)
Đau lòng nhìn cảnh bố đánh đập mẹ
Tôi không thể cầm lòng được mỗi khi nhìn những giọt nước mắt tủi hờn rơi trên mắt mẹ (Ảnh minh họa)
Đời người phụ nữ, điều đau khổ nhất chính là có một người chồng không hiểu mình...
Cuộc đời của mẹ tôi là vậy!
Mẹ lấy bố khi mẹ 24 tuổi, cái tuổi ở quê người ta bảo là ế. Đám cưới diễn ra nhanh chóng vì ông bà bảo bố tôi hiền và khỏe mạnh, thế là đủ để xây dựng một gia đình. Thế nhưng, đâu có biết được một điều về người đàn ông thương vợ ấy lại là một người độc đoán.
Bố thương mẹ. Tôi không phủ nhận điều đó, thậm chí rất yêu thương. Ngày mẹ ốm vì triệt sản và chửa ngoài dạ con, bố chăm mẹ bằng gà tần ngải cứu, bằng tam thất hấp mật ong trứng gà, đấy là một điều mà không phải bất cứ người chồng nào cũng làm được.
Nhưng kiểu yêu thương của bố rất kì quặc. Bố không hiểu mẹ và không tin tưởng mỗi khi mẹ đi ra ngoài. Bố không thích mẹ gặp gỡ bạn bè, lớp mẹ họp lớp, bố cấm mẹ đi. Mẹ đi với bạn - những người bạn chung của bố mẹ và mỗi lần đi chơi về, bố đánh chửi, đuổi mẹ đi khỏi nhà... và không biết đã bao nhiêu lần như thế! Vì thế nên mỗi lần đi đâu, mẹ thường đưa tôi đi cùng hoặc nhờ tôi chở đi chứ không bao giờ dám đi một mình nữa.
Tôi thật sự bất lực đứng nhìn cảnh bố đánh đập, chửi mắng, đuổi mẹ ra khỏi nhà như vậy ư? (Ảnh minh họa)
Hè vừa rồi, lớp cũ của mẹ tổ chức đi Sầm Sơn nghỉ 2 ngày, bố cấm mẹ và không cho đi. Lúc ấy tôi cũng nghỉ hè về, thấy mẹ buồn vì bố không cho đi, tôi xin mãi, cuối cùng bố cũng đồng cho mẹ con đi. nhưng rồi, một chuyện gần đây nhất đã khiến mẹ tôi rất buồn. Hôm ấy, mẹ đi thăm bạn ốm, rồi cùng đi ăn tối với bạn. Trong lúc đang ăn thì bố gọi điện liên tục bắt mẹ về nhà... vậy là mẹ lại vội vội vàng vàng bỏ dở bữa ăn với bạn để về nhà. Nhưng khi mẹ vừa về đến nhà thì bố lại đuổi mẹ đi, không cho vào nhà nữa...
Tôi không hiểu cái kiểu ghen tuông kì quái của bố. Những giọt nước mắt của mẹ đủ làm tôi đau vì thương mẹ. Mỗi lần về quê ít ngày, thấy bố mẹ cãi nhau, tôi bất lực và chỉ muốn trở lại trường ngay lập tức. Anh em tôi đã không làm được gì giúp mẹ, đã không khuyên được bố để bố tin tưởng mẹ hơn. Điều duy nhất tôi có thể làm từ trước đến nay là 2 lần mang về cho mẹ 2 cái giấy báo đỗ đại học với điểm số cao. Vậy thôi...
Mẹ bảo: "Chỉ cần mình mẹ chịu là đủ, các con không cần phải lo, lo mà học tốt để trả nợ cho mẹ thôi!". Tôi khóc vì thương mẹ quá! Gia đình cũng có những ngày hạnh phúc nhưng những lúc bố nổi máu ghen tuông như thế thì đúng là một sự bất hạnh!
Tôi không biết phải làm sao để giúp mẹ nữa? Cũng không biết nên làm thế nào để bố hiểu và thương mẹ hơn... Những trận đòn roi, những lần mắng chửi của bố, những lúc đuổi mẹ ra khỏi nhà... tôi không thể cầm lòng được mỗi khi nhìn những giọt nước mắt tủi hờn rơi trên mắt mẹ. Chẳng nhẽ... tôi thật sự bất lực đứng nhìn cảnh bố đánh đập, chửi mắng, đuổi mẹ ra khỏi nhà như vậy sao?
Mong các bạn hãy cho tôi lời khuyên để tôi có thể làm được một điều gì đó nhỏ nhoi giúp mẹ mình!
Lê Thương (Theo Bưu Điện Việt Nam)
Yêu phải đúng thời điểm Tình yêu sẽ chắp cánh cho các bạn trẻ nếu yêu đúng người và đúng thời điểm (ảnh minh họa). Tình yêu đâu phải là bản năng như ta ăn uống hằng ngày, thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống. Con hỏi mẹ "Khi đang đi học, nếu biết yêu có ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này không?". Con gái, một...