Thu gọn bộ máy nhưng hiệu quả phải cao hơn
Ngày 4-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội.
Tinh gọn bộ máy chính quyền sẽ nâng cao hiệu quả công việc cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người dân
(Trong ảnh: Niềm nở với người dân tại bộ phận một cửa huyện Từ Liêm, Hà Nội)
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã trình bày việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP đã từng bước được xác định lại rõ ràng hơn, giảm được sự chồng chéo hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý của bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, thị xã ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quy hoạch và bố trí cán bộ theo quy hoạch ở một số nơi còn bất cập. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có lúc chưa thường xuyên, đồng bộ. Một số cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất còn cồng kềnh. Việc sáp nhập 3 Sở (Thể dục thể thao, Du lịch, Văn hóa thông tin) thành Sở VH-TT&DL không phát huy được, thậm chí làm giảm tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Việc sáp nhập Ban Tôn giáo vào Sở Nội vụ cũng gây khó khăn nhất định cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết vấn đề tôn giáo của thành phố…
Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Hà Nội đã đạt được những thành công đáng khích lệ, tạo ra bước chuyển biến mới về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Tuy vậy, hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở trên các lĩnh vực như quản lý đất đai, đô thị, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông… có việc đạt hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý, vi phạm kỷ luật phải xử lý gây bức xúc dư luận.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước đánh giá, nhìn tổng thể, bộ máy của TP Hà Nội đã tinh gọn hơn trước đây. Vai trò, vị trí, hiệu quả, chất lượng hoạt động đã tăng lên dù sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP phải đối diện với khối lượng công việc khổng lồ có tính phức tạp cao hơn trước đây. Đi vào từng bộ phận cụ thể, Chủ tịch nước cho rằng, ở khối cơ quan Đảng, cơ cấu là tương đối phù hợp. Tuy vậy, TP cũng còn không ít khó khăn phải xử lý. Chẳng hạn như công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh việc sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú còn hình thức, hiệu quả thấp tiêu chí đánh giá, phân loại Đảng viên, cơ sở Đảng còn có vấn đề…
Chủ tịch nước dành nhiều thời gian để nói về bộ máy tổ chức khối chính quyền, “nơi còn hàng loạt vấn đề cần phải giải đáp”. Chủ tịch nước chỉ ra một số vấn đề lớn như chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức còn có độ vênh mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn chưa rõ việc hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành sự thiếu thống nhất trên bình diện quốc gia về mô hình tổ chức xã phường thị trấn và cơ cấu bên dưới vai trò giám sát của các đoàn thể… Kiểm tra thực tế hiện nay ở cấp cơ sở cho thấy, còn rất nhiều hạn chế trong quản lý đô thị, đất đai, môi trường, giao thông…
Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề biên chế của cán bộ ở cấp cơ sở. Chủ tịch nước khẳng định: “Đây là vấn đề đại sự. Hiện nay, bộ máy rất đông nhưng chưa thực sự mạnh. Nhiều xã phường có tới 300-400 cán bộ nhưng vẫn kêu thiếu. Tới đây, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí cán bộ, không thể để chồng chéo, nhùng nhằng như giai đoạn trước đây…”. Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, tinh gọn bộ máy song phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao lên. Đồng chí cũng chỉ ra cốt lõi của vấn đề: “Số lượng biên chế phải đi đôi với trình độ, chất lượng. Hiện nay, số lượng thì ngày một phình ra trong khi đời sống lại chưa đảm bảo. Do đó, câu chuyện không thể né tránh là tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Phải làm sao để cán bộ sống được bằng tiền lương”. Chủ tịch nước lưu ý, phải tính toán kỹ lưỡng khâu kiểm tra, giám sát để giảm tiêu cực trong bộ máy, hạn chế được những cán bộ thoái hóa, biến chất, rời xa dân…
Video đang HOT
Theo ANTD
Cử tri muốn biết rõ số cán bộ thoái hóa, biến chất
Tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng chục đảng viên lão thành đã bày tỏ tâm tư về "một bộ phận không nhỏ cán bộ" thoái hóa, biến chất. Nhiều người lo ngại, Nghị quyết trung ương 4 sẽ không đạt kết quả.
Ngày 1/12, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn San (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, có chính quyền là có tham nhũng nên phòng chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, nó làm đất nước nghèo đi, yếu đi.
"Vấn đề làm thế nào hạn chế và để người ta ghê sợ, coi tham nhũng như ăn cắp ăn trộm, như tội đáng khinh bỉ nhất. Tôi đề nghị Quốc hội tăng cường kiểm tra giám sát các bộ phận dễ xảy ra tham nhũng", ông San nói.
Dẫn lời Tổng bí thư từng nói, cử tri Nguyễn Đình Chiêu (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, "đã bắt đúng bệnh, đã có thuốc uống hữu hiệu nhưng bệnh nhân hình như chưa uống đủ liều nên bệnh tham nhũng còn dai dẳng, kéo dài".
Băn khoăn về vấn đề cán bộ thoái hóa, biến chất, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) chất vấn Tổng bí thư: "Tôi xin hỏi, bộ phận không nhỏ chiếm bao nhiêu phần trăm? Bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu? Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu cả".
Sau khi nêu lại số liệu 48%, thậm chí có tỉnh 70% quyết định của chính quyền liên quan đất đai là sai, là oan cho dân ông Thịnh bày tỏ: "Các đồng chí nói nhiều về việc kỳ vọng sang năm bỏ phiếu tín nhiệm, tôi cũng rất là vui nhưng cũng rất lo. Nếu mang tư tưởng của 48%, 70% vào nghị trường mà bỏ phiếu thì kết quả đi đến đâu? Tôi thực sự lo ngại".
Ông Trần Viết Hoàn: "Tham nhũng làm suy sụp đất nước, làm xấu quốc thể". Ảnh:Nguyễn Hưng.
Chuẩn bị sẵn bài phát biểu công phu, cử tri Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịchbày tỏ nhiều tâm tư. Theo ông, Nghị quyết trung ương 4 khóa 11 của Đảng đã chỉ rõ bộ mặt thật của một "bộ phận không nhỏ" những kẻ tranh thủ một thời làm quan, cậy quyền vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước.
"Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, làm cái lọng che thân, làm cái cân cho công lý, làm cái cần cho lý trí và tiền với họ là hết ý. Vì vậy, đó là những kẻ quá giàu có, giàu hơn cả thời địa chủ, tư bản. Đảng, Nhà nước, và nhân dân coi đây là giặc nội xâm, giặc quốc nạn", ông Hoàn ví von.
Vị lão thành cách mạng này cho rằng, chưa bao giờ có nghị quyết của Đảng mà dân coi Tổng bí thư là kiến trúc sư và lại được dân chúng đón nhận, tranh luận như "trời hạn gặp mưa rào". Song, ông lo ngại cho Nghị quyết này cũng như Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, bởi "nếu làm không làm triệt để thì mọi thứ lại trở về như cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn".
"Đảng chắc không còn nghị quyết nào hơn nữa, Quốc hội chắc không còn Luật Phòng chống tham nhũng nào hơn nữa. Và như vậy, Đảng, Nhà nước gặp gian nguy gấp bội phần. Theo dõi bước tự phê bình, phê bình vừa qua thì như hòa cả làng, chẳng biết ai tốt ai xấu. Theo dõi những buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp tại kỳ họp quốc hội vừa rồi, cử tri hài lòng bao nhiêu với chất vấn thì lại không hài lòng bấy nhiêu với trả lời chất vấn", ông Hoàn nói.
Giãi bầy thêm vài điều về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông cho rằng, cuộc vận động mang nặng hình thức, tốn kém, "đi vào lòng dân nhưng chưa vào lãnh đạo", bởi hàng loạt vụ việc như Vinashin, Vinalines, nợ xấu ngân hàng, trấn áp dân như ở Tiên Lãng, Văn Giang... bị phanh phui.
"Nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng không hiểu sao bộ máy công quyền vẫn chưa thực sự quyết tâm. Chẳng lẽ diễn ra tình hình như bây giờ, tham nhũng hàng trăm nghìn tỷ chỉ cần một lời xin lỗi là xong hay sao? Nếu vậy muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng mà hơn", ông Hoàn nói và cho hay, mong mỏi của người dân là phải trị bằng được quốc nạn này.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đấu tranh có lý có tình nhằm tất cả cùng tiến lên chứ không phải kỷ luật nhiều thì mới đúng. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phát biểu trước hàng trăm cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, lần đầu tiên nhiều nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Sự gắn kết của Quốc hội với nhân dân thông qua báo chí rất rõ và ông có cảm giác "toàn dân đang bàn việc nước chứ không chỉ Quốc hội".
Xung quanh câu chuyện giám sát, Tổng bí khẳng định, lần này Quốc hội đã có một bước tiến xa là lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, song ông cũng ghi nhận ý kiến cử tri là cần quy trình chặt chẽ, giám sát kiểm tra, bởi nếu không sẽ lại méo mó.
Tổng bí thư chia sẻ, ông "xúc động với tình cảm của các bác, các đồng chí", bởi sau khi biết kết quả hội nghị Trung ương 6, có tâm tư thất vọng, bực bội, thậm chí bảo thất bại, không kỷ luật được ai cả. "Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ làm cho mỗi nhiệm kỳ này mà cho cả nhiệm kỳ sau vì nó liên quan tới sự sống còn của Đảng. Đấu tranh có lý có tình nhằm tất cả cùng tiến lên chứ không phải kỷ luật nhiều thì mới đúng. Cái tính Việt, tư tưởng nhân văn và tư tưởng Hồ Chí Minh của nghị quyết là như thế", ông nói.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu trước mắt đối với cán bộ, đảng viên trước hết phải cảnh tỉnh, đánh thức những người lâu nay bỏ quên những nguy cơ đối với sự sống còn của Đảng. Tiếp đó, là cảnh báo, răn đe và ngăn chặn, cuối cùng mới xử lý kỷ luật.
"Ta ví như nhóm một cái lò, có thể có củi khô, củi ướt. Cái quan trọng là lúc đầu phải nhóm cái lò lên, tạo thành hơi ấm, hơi nóng thì lúc đó củi khô, củi tươi vào cháy hết. Cần đồng lòng nhất trí nhóm lò lên", lãnh đạo Đảng nói và cho rằng, tự phê bình, phê bình không chỉ là kỷ luật, cần khuyến khích, động viên tính tự giác của mỗi người thì mới bền vững", Tổng bí thư nói.
Trước chất vấn của các cử tri về "một bộ phận không nhỏ" cán bộ thoái hóa, biến chất, Tổng bí thư thẳng thắn: "Trả lời câu hỏi này không đơn giản". Dù điều này đã được nói đến từ lâu nhưng chỉ rõ ra bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì "khó" và "trừu tượng". Tuy nhiên, ông khẳng định, phải tìm cho ra những yếu tố trọng tâm trọng điểm, nếu không sẽ "hòa cả làng".
"Nói xây dựng Đảng, tổ chức thì điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng con người. Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu. Đụng đến lợi ích của mình là phản ứng, nhất là lợi ích nhóm khi đã móc ngoặc với nhau thì vô cùng phức tạp", Tổng bí thư nói.
Giải đáp các băn khoăn về dự án bô xit ở Tây Nguyên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, được nghiên cứu từ lâu. Với trữ lượng bô xit lên tới 5,5 tỷ tấn (chiếm 1/3 trữ lượng thế giới trong đó chủ yếu nằm ở Tây Nguyên), ông khẳng định đây là nguồn lực cần phải khai thác. Khi khai thác phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không làm đời sống người dân khó khăn. Việc khai thác chủ yếu do Việt Nam tự làm và chỉ thuê thuê một số hạng mục công trình của nước ngoài.
Theo VNE
Quyết định nhân sự của Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị đã ban hành 6 quyết định về nhân sự, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Đó là các Quyết định số 158-QĐ/TW về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương;...