Thủ Dầu Một đề xuất cho bán ăn uống mang về, mở lại chợ, đi lại trong phường
Đề xuất vẫn duy trì giãn cách theo chỉ thị 16 nhưng cho phép đi lại trong nội bộ phường, áp dụng thẻ thông hành vắc xin và cho bán ăn uống mang về, mở cửa lại chợ truyền thống, trung tâm thương mại…
Nếu được chấp thuận sẽ áp dụng từ 10-9.
Một chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại ngã tư Lê Hồng Phong – đường Phú Lợi thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương – Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 9-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Dầu Một đã có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương về việc xem xét chấp thuận một số biện pháp kiểm soát người và phương tiện sau ngày 10-9, theo hướng vẫn duy trì giãn cách xã hội nhưng có nới lỏng một số nội dung.
Cụ thể, đề xuất vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ ngày 10-9 đến hết ngày 15-9 và thực hiện “giới nghiêm” từ 20h đến 5h (rút ngắn so với trước kia là từ 18h-6h).
Video đang HOT
Người dân được phép lưu thông trong phạm vi phường, dừng các chốt kiểm soát liên khu phố nhưng vẫn duy trì các chốt kiểm soát liên phường, liên huyện và liên tỉnh.
Về việc áp dụng “thẻ thông hành vắc xin”, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Dầu Một là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Dương đề xuất áp dụng: cho lưu thông ngoài phạm vi phường cư trú nếu đã tiêm 1 mũi vắc xin đủ 20 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi. Khi đi phải mang theo đầy đủ giấy tờ chứng minh đã tiêm vắc xin và đảm bảo quy định chống dịch.
Về hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống, đề xuất được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ cho bán mang về. Các chợ truyền thống, trung tâm thương mại muốn hoạt động trở lại phải đảm bảo phương án phòng chống dịch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù đề xuất “nới lỏng” một phần đi lại cho người dân nhưng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Dầu Một vẫn khuyến khích người dân hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết, không tập trung đông người ở các nơi công cộng ngoài phạm vi công sở, trường học và thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế.
Dự kiến trong hôm nay 9-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương sẽ xem xét các ý kiến theo tờ trình của thành phố Thủ Dầu Một.
Tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục ghi nhận thêm 3.172 ca mắc mới (ngày 8-9), nâng tổng số ca phát hiện trong cộng đồng là 141.765 ca mắc (khoảng 5,5% dân số nhiễm COVID-19).
Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một ghi nhận thêm 128 ca F0 chủ yếu tại cơ sở y tế và trong khu phong tỏa. Bốn huyện “vùng xanh” của Bình Dương là Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng cũng vẫn ghi nhận thêm ca dương tính, chủ yếu trong khu phong tỏa.
TP Hồ Chí Minh: Từ ngày 7/9, chợ Bình Điền sẽ mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trở lại
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tổ chức lại điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền từ 7/9 để tiếp nhận vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về thành phố tiêu thụ.
TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu mở cửa lại một số chợ truyền thống khi đảm bảo an toàn phòng dịch.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, việc tổ chức lại các điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền nhằm giúp các thương nhân đưa hàng hóa về cung ứng tại các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể... Đây cũng là một trong số các phương án được triển khai lần lượt nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân sau ngày 15/9.
"Đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có cơ sở để nói sau 15/9 nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng đột biến ở thành phố. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, Sở vẫn có những phương án để đảm bảo lưu trữ, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân. Sở cũng đang có kế hoạch cho mở lại các chợ truyền thống nhiều hơn trong tương lai gần", ông Nguyễn Nguyễn Phương nói.
Trong khi đó, theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, việc đưa vào hoạt động nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối Bình Điền nhằm bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, qua đó ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ tăng giá trên địa bàn.
Dự kiến điểm tập kết, trung chuyển là khu vực sân giữa hai nhà lồng B-D và D-F, chia làm 20 ô với 720m2/ô để chuyển hàng cho các ngành hàng thủy hải sản, rau củ quả, lợn, gà, nghêu, trái cây... Thông qua điểm trung chuyển này, nguồn hàng đến từ nhiều nơi như các tỉnh miền Đông, miền Tây, cao nguyên Đà Lạt... với khả năng cung ứng từ 100-150 tấn/đêm sẽ được đưa về đến các hệ thống bán lẻ trên địa bàn cũng như các chợ truyền thống được phép hoạt động.
Tại khu tập kết, trung chuyển này, mỗi thương nhân tham gia được phép đăng ký 5 lao động. Tùy theo tình hình thực tế, thương nhân có thể đăng ký điều chỉnh tăng nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch với nguyên tắc không an toàn thì không tổ chức.
Các thương nhân sẽ phải đăng ký trước cho Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền các thông tin bao gồm chủng loại, số lượng hàng hóa, số lượng xe cùng biển kiểm soát, họ tên thương lái, giờ vào chợ để được công ty bố trí, sắp xếp vị trí. Hàng hóa không được sơ chế tại điểm tập kết.
Để bảo đảm an toàn phòng dịch cho các hoạt động trong chợ, trong thời gian này, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền sẽ khử khuẩn toàn bộ chợ ít nhất 1 lần/tuần, khử khuẩn sau mỗi ngày tại các khu vực kinh doanh, làm việc.
Đối với những người tham gia hoạt động tại chợ đều phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, khai báo y tế điện tử, kiểm tra thân nhiệt tại cổng ra vào và phải tuân thủ nguyên tắc 5K.
Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cũng bố trí máy sát khuẩn nhanh, khẩu trang y tế dự phòng, thùng rác lớn có nắp đậy tại mỗi ô, vựa tập kết hàng hóa.
TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có chủ trương mở lại chợ truyền thống Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố chưa có chủ trương và chỉ đạo cụ thể nào về việc mở lại chợ truyền thống. Chiều 6/9, TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp các thông tin liên quan đến công tác chống dịch tại địa bàn....