Thú đam mê kỳ lạ của người đàn bà hoài cổ
Không như những nhà sưu tập khác phái đa phần chăm chút tuyển các món đồ cổ mang hơi hướng đàn ông như kiếm, súng, trống đồng, áo giáp…, chị Tú Anh, người con đất Hà thành hiện sinh sống tại TPHCM lại quan tâm đến những vật trang sức của phụ nữ người Việt cổ.
Cùng với gương soi, vòng đeo tay, đeo chân, dây chuyền hàng ngàn năm tuổi, kỳ lạ và đặc biệt nhất là bộ sưu tập khuyên tai quý và hiếm trên các mặt, chỉ nghe gọi tên thôi đã đủ thấy lạ như khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai hình 2 đầu thú, khuyên vú bằng vàng ròng…
1. Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, hoạt động trong ngành Du lịch hơn 20 năm, chị Tú Anh cho biết thú đam mê nghiên cứu, sưu tầm cổ vật của chị “có từ bé”. Chị kể ngày ấy, nhà ngoại thờ mẫu nên những hình tượng thánh thần, linh thú cổ kính, uy nghiêm như nghê, hổ, rồng, phượng, tượng bà chúa mẫu, các vị la hán… vô tình mà hữu duyên ăn sâu vào tâm khảm mình: “Đến với niềm đam mê sưu tầm đồ xưa, lúc đầu tôi chú trọng những đồ thờ cúng bị người ta thay mới mà vứt bỏ. Sau đó tôi mở rộng niềm đam mê bằng việc góp nhặt những gì thuộc về ngàn xưa và hình thành gần 40 bộ sưu tập như chó đá, công cụ đá, con nghê, đồ gỗ, đồ trang sức tùy táng đeo cổ, đeo tay, đeo chân…, trong đó có bộ sưu tập khuyên tai của phụ nữ người Việt cổ”.
Hơn 2 thập kỷ cần mẫn nhặt nhạnh, kiếm tìm, chị Tú Anh đã gầy dựng được bộ sưu tập khuyên tai đồ sộ hàng trăm món với nhiều chất liệu xương thú, đá bán quý, ngọc, thủy tinh, thạch anh, nhôm, đồng, ngà voi, mạ vàng, vàng… của các nền văn hóa từ Bắc chí Nam như Gò Mun, Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh, Chăm Pa và các triều vua Nguyễn.
Chị Tú Anh bên bộ sưu tập khuyên cổ ngàn năm tuổi hình vành khăn và sừng ngà voi của phụ nữ người Việt cổ.
Chiếm số lượng phong phú nhất trong bộ sưu tập khuyên tai cổ của chị là những chiếc khuyên hình vành khăn với chất liệu đá bán quý được tìm thấy tại các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn. Những chiếc khuyên được tìm thấy ở nền văn hóa Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi) ngoài hình vành khăn còn có hình 2 đầu thú kỳ lạ.
Theo giải thích của chị Tú Anh, khuyên tai hình hai đầu thú là loại trang sức cổ độc đáo của phụ nữ xưa thời văn hóa Sa Huỳnh, được tìm thấy ở các tỉnh ven biển miền Trung. “Gọi là khuyên tai hai đầu thú hay khuyên thú bởi những chiếc khuyên tai này được người xưa tạo dáng hình đầu thú, thường là dê, trâu, chim… Những chiếc khuyên thú này phần lớn được tạc từ xương thú, một số ít từ chất liệu đá ngọc dáng mỏng dẹt, khắc họa mặt thú…
Video đang HOT
Khó có thể tưởng tượng được hàng ngàn năm trước, chỉ với công cụ thô sơ mà người xưa đã đẽo tạc những cục xương gồ ghề, tạc những phiến đá ngọc thành những chiếc khuyên tai có hình dáng nhỏ nhắn, đường nét tinh xảo mà khi cận cảnh, người xem thấy rõ những chi tiết đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo như mắt, miệng, mũi, sừng, trán, móc đeo…
“Lần đầu nhìn thấy chiếc khuyên đầu thú, tôi ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng ở thời đại cách chúng ta hàng ngàn năm mà người thợ xưa đã khéo tay, có óc thẩm mỹ đến tuyệt đỉnh như vậy” – chị Tú Anh, thổ lộ: “Khi ấy tôi có cảm giác mình đang thưởng lãm một tác phẩm hội họa hơn là tác phẩm điêu khắc”.
Từ cuộc trò chuyện về những chiếc khuyên cổ hình đầu thú, vành khăn, mới biết sau hàng ngàn năm ngủ yên dưới lòng đất, được thời gian và những biến động địa chất tôi luyện, đá biến thành đá quý hoặc ngọc, được người xưa kiếm tìm và đẽo tạc thành các vật trang sức. Ẩn sâu những di vật làm đẹp của cổ nhân tưởng chừng vô tri vô giác kia là nhiều thông điệp chứa đựng nhiều tầng văn hóa tinh hoa, ly kỳ của người Việt xưa.
“Thưởng lãm bộ sưu tập khuyên tai, nhiều người cứ nghĩ những chiếc khuyên hình vành khăn loại lớn là của những phụ nữ lớn tuổi nhưng sự thật không phải vậy. Có khi trong cùng một cổ mộ, người ta phát hiện cả chục bộ khuyên tai vành khăn lớn nhỏ khác nhau. Tất cả đều là đồ tùy táng của người chết, là biểu hiện của tục chia của theo quan niệm “Của đồng chia 3 của nhà chia đôi”.
2. Hỏi chị Tú Anh rằng một số nhà sưu tầm cổ vật nói giá trị nhất trong bộ sưu tập khuyên tai cổ của chị là 3 chiếc khuyên hình bầu vú bằng vàng ròng, điều đó có chính xác. Thay câu trả lời, “bà hoàng cổ vật” vào trong lấy báu vật cho khách mục ngưỡng.
Khó có thể diễn tả cảm giác hồi hộp lẫn phấn khích khi được tận mắt chứng kiến những chiếc hoa tai bằng vàng của các bà, các chị hơn 2.000 năm trước. Ánh nắng chiếu xuyên qua các tầng lá, rọi thẳng vào cổ vật bằng vàng hắt lên luồng sáng ma mị như muốn kể lại những câu chuyện của ngàn xưa tưởng mãi ngủ yên dưới lòng cổ mộ!
Với chị Tú Anh, bất kỳ chiếc khuyên tai cổ nào cũng là báu vật, có sức hút mãnh liệt và những chiếc khuyên vú bằng vàng ròng là điển hình nhất. Chị thổ lộ sức hút ấy đến từ nhiều phương diện, từ cái dáng hình khêu gợi, no căng tràn đầy sức sống của những đôi gò bồng đảo ngàn năm, từ sự hiếm hoi và từ chất liệu vàng, thứ kim loại quý hiếm, giá trị mà hầu như ai cũng khát khao sở hữu: “Cặp đôi khuyên vú được phát hiện tại nền văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi và cái lẻ ở thời kỳ Óc Eo tại tỉnh An Giang. Cặp khuyên vú Sa Huỳnh có 6 bầu vú căng mọng đậu trên những đài hoa được chạm khắc tỉ mỉ, công phu. Ciếc khuyên Óc Eo to hơn, gồm 8 bầu vú hừng hực sức sống” – “bà hoàng khuyên cổ” bật mí: “Biết tôi hay sưu tầm những vật trang sức của người xưa nên khi đào, mua được những món đồ trang sức, người ta hay liên lạc báo tin, có khi họ cho, có khi họ tặng, cũng có khi họ bán rẻ. Với 3 chiếc khuyên kia, tôi có chúng bởi sự tình cờ, không phải quá tốn kém như nhiều người nghĩ”.
Cận cảnh chiếc khuyên hai đầu thú và khuyên vú bằng vàng ròng.
Sau những sẻ chia, chị Tú Anh, chia vui: “Cái Óc Eo tôi có trước. Điều lạ là Bảo tàng tỉnh Cần Thơ cũng có một chiếc y hệt. Nên khi được mời tham gia trưng bày bộ sưu tập trang sức, trong đó có chiếc khuyên vú này tại Triển lãm cổ vật tại Cần Thơ vào năm 2007, tôi rất bất ngờ và phấn khích”.
Ngoài giá trị vàng, khi được hỏi 3 chiếc khuyên tai hình bầu vú kia có giá trị nào khác, như được khơi đúng mạch, “bà hoàng khuyên cổ” đất Sài thành, say sưa nói rằng chúng giá trị bởi sự quý hiếm. Bởi không chỉ chị mà nhiều nhà sưu tập khác đều thừa nhận từ trước đến nay, chưa thấy ai khác ngoài chị có được nguyên vẹn đôi khuyên tai hình bầu vú bằng vàng thuộc kỷ văn hóa Sa Huỳnh.
Rồi chị giải thích: “Trải qua hơn 2.000 năm, những cổ mộ của người xưa đứng trước nạn san bằng, hủy diệt của tự nhiên, đặc biệt là nạn đào bới tìm báu vật của những kẻ trộm mộ. Ngày trước, có lẽ những kẻ trộm đào được rất nhiều đồ tùy táng bằng vàng của người xưa, trong đó có những đôi khuyên tai hình bầu vú nhưng lúc bấy giờ do thú sưu tầm cổ vật chưa phổ biến, những đồ tùy táng trong các cổ mộ chưa được xem trọng nên khi có được vàng, người ta đem nấu chảy, đúc khối, nên những chiếc khuyên tai hình bầu vú bằng vàng hầu như chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”.
Chỉ là những chiếc khuyên bằng vàng nhưng chị Tú Anh phát hiện chúng ẩn chứa nhiều thông điệp cổ. “Để đeo được những chiếc hoa tai hình vành khăn và đặc biệt khuyên vú, người phụ nữ ngày trước phải có dái tai rộng, nong bự. Mặt khác, chủ nhân của những chiếc khuyên bằng vàng phải là người giàu có, thế lực bởi chỉ những phụ nữ nhà quyền quý mới có thể sở hữu những món đồ trang sức giá trị. Thế nên người nằm dưới cổ mộ phải là mệnh phụ phu nhân hay người thuộc tầng lớp quý tộc” – chị Tú Anh đoán định.
Cũng theo chị Tú Anh, những chiếc khuyên tai bầu vú nhiều khả năng ra đời trong giai đoạn văn hóa phồn thực, mẫu hệ ở thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh và Óc Eo, coi trọng vị thế của người phụ nữ nói riêng, người mẹ nói chung. Những chiếc khuyên bầu vú có thể xem là biểu tượng của người mẹ (cha trời, mẹ đất), là biểu trưng của sức sống và nguồn gốc của sự sống thời bấy giờ”.
3. Trước khi đến với “bảo tàng” tại gia của “bà hoàng khuyên cổ” nằm trên một con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, chúng tôi được nghe nhiều nhà sưu tầm cổ vật ở TP HCM tâm tình họ và nhiều đại gia khoái sưu tầm đồ lạ sẵn sàng trả khoản tiền nhiều tỷ đồng để đổi quyền sở hữu được sở hữu những chiếc khuyên tai hai đầu thú và 3 chiếc “hoa vú” bằng vàng bé xíu xiu trên 2.000 năm tuổi mà chị Tú Anh đang lưu giữ.
Nghe kể lại điều này, chị nhoẻn miệng cười, bảo đúng là có người ngỏ ý muốn có được mấy chiếc khuyên nhưng chỉ tế nhị hỏi thăm, không ai đưa ra đề nghị tiền bạc sỗ sàng. “Phải may mắn lắm tôi mới có được những chiếc khuyên tai ấy nên không có chuyện trao đổi hay bán chác”.
Đã từng chạm mặt những pho tượng phụ nữ để ngực trần, những thạch trụ, bệ đá khổng lồ chạm hàng chục bầu vú căng tròn tại các đền tháp Chăm ở Ninh Thuận, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) nhưng không hiểu sao khi được mục diện kho báu ngàn năm của “bà hoàng cổ vật”, nhất là 3 chiếc khuyên tai hình bầu vú bằng vàng hàng ngàn năm tuổi kia, cảm giác hồi hộp đến lạ trong tôi bỗng ập đến, như thể mình đang đối diện với những nền văn hóa rực rỡ, huy hoàng, thịnh vượng tưởng đã ngủ yên nay đang… hồi sinh. Cảm giác ấy càng vi diệu hơn khi chủ nhân của những chiếc khuyên cổ tâm sự mỗi khi ngắm nhìn những chiếc khuyên phồn thực ấy, cảm giác rạo rực, tràn đầy sự sống lan tỏa trong chị!
Đời người không phải ai cũng có cơ may được sống cùng di sản mà tiền nhân để lại. Đây chính là lý do mà chị Tú Anh nâng niu những bộ trang sức ngàn tuổi đời mà chị tâm huyết gọi là “nhan sắc ngàn năm” như tài sản tinh thần vô giá. “Tôi sẽ gìn giữ cho thế hệ mai sau. Chứ nếu bán đi rồi, các món đồ sẽ nằm kín trong tư gia của những người giàu có, khi ấy thế hệ con cháu sẽ chẳng có cơ hội được mục diện di vật của tổ tiên” – lúc chia tay, chị Tú Anh nhắn gửi.
Theo Dantri
Tiếp tục khai quật di tích Phôi Phối - Bãi Cọi
Bảo tàng Quốc gia Việt Nam và Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh sẽ phối hợp khai quật, nghiên cứu di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) đợt 3.
Thời gian dự kiến từ ngày 20-11 đến 20-12-2012. Đợt khai quật, nghiên cứu lần này nhằm xác định cụ thể hơn vành đai ảnh hưởng, lan tỏa của di tích tìm kiếm khu mộ táng mở rộng, khu cư trú điều tra xác định các thông tin liên quan đến tập tục tín ngưỡng của cư dân Bãi Cọi xưa để xây dựng nguồn tư liệu khoa học, so sánh nghiên cứu chung với các nền văn hóa cổ có niên đại tương đồng trong vùng và trong khu vực...
Được biết, tại di tích khảo cổ học này đã diễn ra hai cuộc khai quật vào năm 2008 và năm 2010. Qua đó bước đầu, các nhà khoa học đã xác định đây là một khu mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh. Những hiện vật được tìm thấy tại khu di tích được xác định có niên đại từ 2.000 năm trước cũng cho thấy sự giao thoa với nền văn hóa Đông Sơn.
Theo ANTD
Trống đồng Cảnh Thịnh: Tỏa sáng tinh thần Tây Sơn Trống Cảnh Thịnh được đúc vào tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh đời Nguyễn Quang Toản (năm 1800, thời đại Tây Sơn) tại xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Trống Cảnh Thịnh được lưu giữ tại chùa Nành (chùa Linh Ứng, Gia Lâm, Hà Nội). Trống được đúc...