Thú câu cá và thiên đường hút chích
Câu cá là cái thú vui mà không phải ai cũng chơi được bởi nó đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự tĩnh tâm cao độ. Vậy mà đột nhiên, khoảng vài năm nay cứ vào dịp hè, con đường từ trung tâm Thủ đô ra ngoại thành lại nườm nượp những xe 2 bánh, 4 bánh mỗi dịp cuối tuần. Hỏi ra mới biết, các bác rủ nhau đi câu. Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, nhiều chủ hồ câu đã bày ra đủ chiêu để “câu” lại khách. Và chuyện đi câu không chỉ còn là câu cá mà còn là đủ thứ trên giời xảy ra nơi trăng thanh gió mát.
Ngày không đi được thì phải đi đêm
Trong cái nắng 39o của mùa hè, không ít dân chơi Hà thành đã tính cách giải quyết sự nóng nực bằng thú vui… vác cần đi câu. Chiều thứ 6, giải quyết xong công to việc lớn, bỏ lại vợ con sau lưng, cánh đàn ông tụ tập, rủ nhau ra các vùng ngoại ô câu cá. Ban đầu, chỉ đi cho vui nhưng lâu rồi thành nghiện. Không đi được ban ngày, các chiến hữu rủ nhau đi câu đêm.
Bước vào ngôi nhà lá ba gian nằm ven hồ, dưới chân đê Đa Tốn (Gia Lâm – Hà Nội) đập ngay vào mắt mọi người là hình ảnh chủ hồ đặt con cá trắm cỏ trên bàn cân, chiếc kim chỉ đúng vào con số 8 tròn trĩnh. Nhìn thấy cá to như thế, thợ câu nào chẳng mê tít. Bác Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội) đến đây câu cá cho biết: “Rỗi việc theo bạn đi chơi nhưng không ngờ, lần đầu tiên trong đời được dòng con cá to khiến tôi nghiện câu từ đó”. Chiều nào cũng vậy, bác vác đồ nghề đi câu đến tận khuya mới về. Nhóm bạn câu đêm của bác có gần chục người. Bác Hiệp nói: “Câu cá là một thú vui tao nhã. Rảnh thì đi câu ngày, bận thì đi buổi tối, vừa mát mẻ lại có nhiều thời gian để mình suy nghĩ sâu một vấn đề gì đó mà ở cơ quan hay về nhà không có không gian tốt như thế này để nghĩ, với lại câu cá còn rèn được sự trầm tĩnh”.
Cuối tuần, nhóm bạn của anh Tam (Thanh Xuân – Hà Nội) lại rủ nhau đi câu ở tận bên Đầm Vạc, Vĩnh Phúc. Ở đây nổi tiếng là nơi đầm rộng, thoáng mát lại có nhiều cá to. Anh Tam (khách câu) chia sẻ: “Câu ở Đầm Vạc sướng lắm, hồ rộng, cá to. Nhưng nếu câu đêm hơi ớn bởi trời thì tối mà vạc cứ kêu trong đêm, thậm chí có con bay qua mặt phần phật, giật hết cả mình”. Mặc dù, đi câu đêm “ớn” là vậy nhưng hầu hết các cao thủ câu cá đều thích đi câu đêm. Ban đêm, không gian yên lặng, không khí trong lành tạo cảm giác thư thái và tĩnh tâm. Hơn nữa, mùa hè thời tiết oi bức, gió nóng bốc lên hầm hập nên câu cá vào buổi tối rất hợp lý. Một khi đã nghiện câu đêm, khó có người nào bỏ được. Nhiều người còn phải trốn vợ, trốn con để đi câu đêm.
Trên diễn đàn forum.hanoifishing.com, một tay câu có nickname “laohac” tâm sự về lần đi câu đêm đầu tiên của mình. Mặc dù câu đêm, ngồi trên bờ thì đàn muỗi dày đặc như trấu đâm vào da thịt, không may ngã xuống hồ lại gặp phải… rắn và đến khi lọ mọ về được đến nhà thì anh lại bị vợ cằn nhằn, “giời ơi là giời, câu với kéo, ra hồ mà ngủ với cá”. Nhưng anh không thể nào từ bỏ thú vui này vì “câu kéo nó đã ngấm vào cái máu nghiện rồi thì ai mà bỏ được”. Anh còn tự an ủi mình gặp vận đen và không quên hẹn bạn câu “hôm sau đẹp trời ta lại đi câu đêm tiếp”.
Cuộc chiến không ngừng của thợ câu và chủ hồ
“Câu cá là một nghệ thuật, người đi câu là một nghệ sĩ và người làm cần câu là một thiên tài” là câu nói vui nổi tiếng trong giới cao thủ câu cá. Vì theo lời các tay cao thủ này cuộc chiến giữa người đi câu và chủ hồ luôn diễn ra bởi khách câu thì mong muốn mang được cá to về nhà còn chủ hồ thì tìm mọi cách để hạn chế tối đa những tổn thất về kinh tế, thậm chí tìm trăm phương nghìn kế để đối phó với các chiêu thức của thợ câu.
Trong những ngày nắng nóng, nhu cầu của khách câu tăng liên tục. Cá trong hồ câu có hạn, để giữ chân được khách, chủ hồ không còn cách nào khác ngoài việc mua cá bên ngoài thả vào hồ. Nhưng oái oăm thay, biết nơi nào có cá to là các tay săn cá chuyên nghiệp có mặt nhằm “câu cơm”. Nên chủ hồ cũng phải tìm mọi cách nhằm triệt đường làm ăn của các tay “rái cá” này. Chiêu bài quen thuộc nhất được các chủ hồ sử dụng là thả ruột xúc vật đã bốc mùi xuống lòng hồ cho cá tụ lại thành đàn rỉa thịt thối và tránh xa mồi câu. Hơn nữa thợ câu cũng đành bó tay vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên ở những khu vực nhiều cá này. Không những thế, các thợ câu còn truyền tai nhau, đi câu ở những hồ câu thả nhiều cá to, hồ lại trồng nhiều cây ăn quả xung quanh thì phải cảnh giác. Những vị trí đẹp ấy rất dễ bị chủ hồ thả đất đèn. Chỉ cần ném một viên đất đèn nhỏ bằng ngón tay xuống nước thì cá to sẽ tản đi các khu vực khác, chỉ có cá nhỏ đến rỉa quanh mồi câu…
Ngược lại với các chiêu giữ cá của chủ hồ thì thợ câu lại ra sức kéo cá to lên bờ. Hơn nữa các ao cá là nơi làm ăn của những tay “sát cá” và bọn đạo chích. Cường “Ngã Tư Sở” là tay được liệt vào dạng “phù thủy” làm mồi câu của đất Hà thành. Cái khoảnh đất 5m sau nhà Cường như một thế giới riêng của hắn, quanh năm suốt tháng ở mảnh đất đó nồng nặc đủ thứ mùi kinh khủng của ốc sên xay thối, nhái ngâm muối, bỗng rượu chua…. Cường lúc nào cũng tự tin vào khả năng pha chế mồi của mình là độc nhất vô nhị, cứ đến hồ câu là lũ cá không thể cưỡng lại được mùi hấp dẫn sẽ nhao đến như thiêu thân.
Còn Huy (Gia Lâm – Hà Nội) lại bật mí bí kíp săn cá của mình bằng… phân lợn: “cho phân vào nửa bao tải dứa, buộc thật chặt rồi ném ra ao dụ cá. Chỉ 30 phút sau mang cần ra đặt, cứ giật gọi là mỏi tay”. Huy còn hả hê tiết lộ, với chiêu này gã đã làm cho nhiều chủ hồ câu khoán ở vùng Đa Tốn, Bát Tràng (Hà Nội), Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) lỗ nặng. “Chỉ cần tải phân và cái cần câu đểu lưỡi ngon, một ca 3 tiếng cứ giật đều tay cũng làm được tạ cá ngay trước mũi chủ hồ. Mỗi lần tao ra tay thì hồ cá đó chẳng khác nào bị trộm viếng” – Huy cho biết.
Video đang HOT
Thiên đường ngủ ngủ và hút chích
Nhằm khai thác hết tiềm năng của dịch vụ câu cá, chủ hồ không chỉ nghĩ ra các chiêu thức giữ cá mà còn kết hợp với các dịch vụ “chui” nhằm móc túi khách hàng. Khu vực Gia Lâm vốn nổi tiếng là “thiên đường nhà nghỉ” thì nay ở đó còn được mệnh danh là “thiên đường câu cá”. Nhiều chủ hồ câu khôn khéo còn kết hợp dịch vụ “2 trong 1″. Có một số hồ câu tại đây được chủ hồ thiết kế khoảng hơn hai chục lều mái lá, cột kèo tre nứa nổi ngay mép hồ nhằm thu hút những cặp tình nhân. Tối đến, các cặp tình nhân già có, trẻ có rủ nhau ra hồ tranh thủ tâm tình, âu yếm trong lúc… chờ cá cắn câu.
Xung quanh khu vực hồ câu còn có một loạt các nhà nghỉ mọc lên chủ yếu phục vụ cho các khách đi câu cá thì ít mà “câu người” thì nhiều. Lân la hỏi khách đi câu, phóng viên tìm đến nhà nghỉ H Hà nằm ngay trước cửa một hồ câu tại Ngọc Thụy, Gia Lâm. Ngay quầy lễ tân, nhân viên đã tỏ ra hết sức chuyên nghiệp: “Khách câu vào thuê phòng hả anh?”. Thấy phóng viên đi một mình, cô nhân viên nhanh nhảu: “có câu cá 45 kg không anh? Tàu nhanh 250.000 đồng qua đêm thì giá khác, “hàng họ” anh không ưng thì đổi”. Cô tiếp viên ấy còn tiết lộ rằng không chỉ có những khách làng chơi đến tìm gái mà nhiều cặp trung niên cũng lén lút vào đây thuê phòng nhân dịp đi câu nghỉ dưỡng cuối tuần. Chuyện các cụ cao tuổi lấy cớ sang đây đi câu cá để tranh thủ tìm “của lạ” cũng không hiếm. Có cụ, đêm hôm khuya khoắt đang làm chuyện chăn gối trên tầng 4, nghe tiếng người kháo nhau dưới hồ câu được con cá 4 kg cũng háo hức “bỏ dở công việc”, mở cửa sổ nhìn chưa đã, cụ tồng ngồng chạy ra lan can xem cá cho thỏa thê, lúc vào ngượng tím tái vì phát hiện thân mình trần như nhộng.
Tiếp cận với hồ câu Chiến Thắng, thôn 1, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, phóng viên được biết mặc dù nhìn bề ngoài là một nơi yên ả, thanh bình nhưng bên trong hồ câu này lại là tụ điểm chích hút ma túy. Theo phản ánh của người dân sống quanh đây, cứ chập choạng tối là khách câu đến đông nghịt. Nhưng lạ một điều, sau khi tới hồ câu Chiến Thắng, hầu hết các khách câu đều nấp vào phòng trọ đóng kín cửa. Sau này mới biết, khách câu ở đây đa số là dân nghiện đến để thực hiện hành vi chích hút ma túy do chủ hồ câu là Lê Minh Phượng cung cấp. Mới đây vào ngày 9-7-2012, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy CA huyện Thanh Trì phối hợp với Đội Công an phụ trách xã về ANTT đã bất ngờ đột kích vào khu vực hồ câu Chiến Thắng của Lê Minh Phượng và thu được 11 dao sắt, 3 kiếm sắt, 1 bình xịt hơi cay, 1 dùi cui điện, 5 dao bấm các loại, 2 tẩu hút shisa, 2 viên thuốc nghi ma túy tổng hợp, 1 két sắt chưa mở. Trong đó có 7/8 đối tượng dương tính với ma túy. Các đối tượng khai nhận được Phượng bán ma túy “đá” và sử dụng ngay tại phòng thuê trọ xung quanh hồ câu.
Nhu cầu giải trí bằng thú vui câu cá của người dân là một hoạt động lành mạnh. Nhưng dựa vào nhu cầu đó của người dân mà nhiều chủ hồ tổ chức các hoạt động kinh doanh trái pháp luật là điều cần ngăn chặn. Trước tình trạng hồ câu giải trí ngày càng gia tăng, các nhà quản lý cần phải có các biện pháp thiết thực nhằm kiểm soát các hoạt động “giải trí” nằm ngoài thú chơi câu cá của chủ hồ, đừng để các tệ nạn từ thành thị kéo về phá hỏng khung cảnh yên bình của các làng quê ngoại thành Hà Nội thông qua việc trá hình kinh doanh dịch vụ câu cá.
Theo ANTD
Tấp nập đi câu trộm cá Hồ Tây
Mặc dù Hồ Tây đã được UBND Thành phố Hà Nội giao cho quận Tây Hồ quản lý từ tháng 10/2009 nhưng đến nay tình trạng câu trộm cá ở Hồ Tây vẫn diễn ra khá rôm rả, thậm chí cảnh câu trộm cá ở đây có vẻ ngày càng tấp nập...
Ngồi vắt vẻo qua thành lan can sắt ven Hồ Tây, người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi, đầu đội mũ bảo hiểm, một tay cầm cần câu, tay kia cầm ống cước vừa kéo vừa giật, mỗi lần kéo lưỡi câu lên không thấy cá mắc phải người đàn ông này lại lẩm bẩm "đen thật". Đó là một trong vô số cảnh câu trộm cá đang diễn ra tại hồ Tây.
Dọc đường Thanh Niên, đến đường ven Hồ Tây, đường Thụy Khuê thậm chí trong Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc, Hà Nội tình trạng câu trộm cá diễn ra công khai.
Chỉ tính riêng khoảng 500m trên đường Thanh Niên, Hà Nội đã có khoảng gần 40 tay câu cá trộm, đa phần là đàn ông, người già nhất cũng trên 60 tuổi, trẻ nhất khoảng 19 - 20. Đặc biệt trên mỗi khu vực có người câu trộm cá đều xuất hiện một người phụ nữ túc trực để mua cá từ những tay câu trộm ven hồ.
Ông Trần Văn Việt (54 tuổi), ở 24 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội cho hay, muốn ăn cá ngon, rẻ chỉ cần ra Hồ Tây để mua lại từ những người câu cá trộm, giá rẻ chỉ bằng giá ở ngoài chợ.
Cũng theo ông Việt, tình trạng câu cá trộm ở hồ Tây đã diễn ra từ lâu, mặc dù hồ Tây có bảo vệ nhưng mỗi khi bảo vệ đến thì các đối tượng câu cá trộm lại tản ra và bảo vệ vừa đi khỏi thì tình trạng câu trộm cá lại diễn ra công khai.
Người câu cá bằng cần, kẻ câu cá bằng ống bơ sắt (có gắn mồi vào lưỡi câu với dây cước rất dài) rồi quăng ra xa, khi nào có cá mắc lưỡi câu ống bơ sẽ kêu và chủ nhân câu trộm cứ thế ra để "thu hoạch" cá.
PV báo điện tử Infonet đã ghi lại một số cảnh câu trộm cá công khai tại hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội:
Hai người đàn ông (đứng) câu trộm cá bằng ống bơ sắt ở gần khu vực phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh Xuân Hải.
Cá cắn câu khiến ông bơ sắt kêu to, người đàn ông vội vàng cuốn cước. Ảnh Xuân Hải.
Người đàn ông câu trộm cá ở hồ Tây ngồi thu lu một góc ở ngay lối cổng vào chùa Trấn Quốc, Hà Nội. Ảnh Xuân Hải.
Chú cá chép nặng gần 1kg đã cắn câu của gã câu trộm cá. Ảnh Xuân Hải.
Còn người đàn ông này lại chọn một chỗ khuất dưới lùm cây trong chùa Trấn Quốc để câu trộm cá. Ảnh Xuân Hải.
Ngồi như này để câu trộm cá to ở Hồ Tây sẽ không ngã khi cá mắc câu. Ảnh Xuân Hải.
Để xe ngay bên cạnh vừa câu trộm cá vừa trông xe máy và rút lui nhanh khi bị phát hiện
Để câu được cá người đàn ông này lại đứng cả ra ngoài thành lan can sắt. Ảnh Xuân Hải.
Thậm chí lội hẳn xuống hồ Tây để câu trộm cá. Ảnh Xuân Hải.
Khi câu trộm được cá những người câu trộm sẽ bán cá cho những "chợ cá" lưu động như thế này. Ảnh Xuân Hải.
Theo Infonet
Hiểm hoạ ma tuý vỉa hè Thâm nhập vào các đường dây mua bán chất ma túy tại TP. HCM, chúng tôi kinh hoàng khi phát hiện nhều tụ điểm mua bán, hút chích ngang nhiên nơi vỉa hè. Một cảnh con nghiện ma tuý đang vật vã đợi hàng ở vỉa hè Có tận mắt chứng kiến cảnh các con nghiện đói thuốc, nằm vật vã trong những...