Thu 4.600 tỷ đồng tiền thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C?
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định pháp luật, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các dự án đều phải kê khai nộp thuế với thuế suất 20% (từ 1/1/2016). Với mức thuế suất trên, tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C có thể lên tới hơn 4.600 tỷ đồng.
1 tỷ USD, Big C Việt Nam về tay đại gia Thái Lan
Như đã đưa tin, Tập đoàn Casino (Pháp) đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C Việt Nam cho Central Group – một tập đoàn đến từ Thái Lan với giá trị thương vụ lên đến 920 triệu EUR, xấp xỉ 1,04 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng).
Do Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại Hồng Kông còn đối tác nhận chuyển nhượng là tập đoàn Central Group (Thái Lan) nên nhiều câu hỏi được đặt ra quanh vấn đề thu thuế chuyển nhượng với thương vụ này.
Trao đổi trên VTV, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù trụ sở chính của hai đơn vị này đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hệ thống Big C có phát sinh thu nhập từ Việt Nam, do vậy phải chịu thuế.
“Các thương vụ này đều phải kê khai nộp thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là Thông tư 78 năm 2014: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các dự án đều phải kê khai nộp thuế với thuế suất 22%; từ ngày 1/1/2016 là 20%” – ông Nguyễn Đầu, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết.
Ngoài ra, Thông tư 203 của Bộ Tài chính về tránh đánh thuế 2 lần quy định doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài không phải đóng thuế hoặc thấp hơn 10% thì doanh nghiệp đó phải chịu thuế tại nơi phát sinh thu nhập. Do đó, Big C Việt Nam phải chịu thuế chuyển nhượng tại Việt Nam do Hồng Kông nơi đóng trụ sở chính của doanh nghiệp này không thu thuế.
Như vậy, với mức thuế suất trên, tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C có thể lên tới hơn 4.600 tỷ đồng.
Casino Group đã có hơn 18 năm để phát triển hệ thống và thương hiệu Big C tại Việt Nam với 10 cửa hàng tiện lợi và 33 siêu thị. Doanh thu trong năm 2015 chưa bao gồm thuế đạt 586 triệu EUR (khoảng 665 triệu USD).
Video đang HOT
Được biết, trước đó, cơ quan thuế cũng đã thu được 1.900 tỷ đồng thuế chuyển nhượng hệ thống siêu thị METRO Cash & Carry giữa Tập đoàn METRO và Tập đoàn TCC của Thái Lan.
Theo dan tri
Cuộc chiến tỷ đô để thâu tóm Big C Việt Nam: Cuộc "đổ bộ" của đại gia ngoại
Cuộc đua giành quyền mua chuỗi siêu thị BigC Việt Nam đang bước vào giai đoạn gay cấn, có đại gia chấp nhận bỏ ra đến 1,3 tỉ USD để được sở hữu chuỗi bán lẻ này...
"Cuộc chiến" tỷ đô hút đại gia ngoại
Một số nguồn tin giấu tên của hãng Bloomberg cho biết hết hạn đăng ký đấu giá hệ thống Big C Việt Nam của Casino (Pháp) ngày hôm qua 10/3, đã có ít nhất 3 tập đoàn gồm Lotte (Hàn Quốc), TCC Holding và Central Group (đều của Thái Lan) đã nộp đơn xin tham gia.
Trước đó, giới thạo tin cho biết ngoài những cái tên kể trên, có khá đông các tập đoàn bán lẻ lớn có mong muốn tham gia cuộc đua sở hữu chuỗi bán lẻ Big C Việt Nam như Dairy Farm (Singapore), Berli Jucker (Thái Lan)...
Tập đoàn Casino (chủ sở hữu BigC Việt Nam) chưa có công bố chính thức nhưng theo nguồn tin của báo Người Lao Động, có đến 21 nhà đầu tư tham gia cuộc đua này, trong đó có cả một vài "ông lớn" của Việt Nam cũng tham gia bỏ thầu.
Được biết, cuộc đua giành quyền mua chuỗi siêu thị BigC Việt Nam đang bước vào giai đoạn gay cấn với mức giá khởi điểm được chào bán lên đến 900 triệu Euro (khoảng 980 triệu USD). Có nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra đến 1,3 tỉ USD để được sở hữu chuỗi bán lẻ này. Trong vài ngày nữa, tập đoàn Casino (chủ sở hữu BigC Việt Nam) sẽ có thông tin chính thức về các nhà đầu tư vào vòng trong và dự kiến, đến cuối tháng 4 thương vụ này sẽ hoàn tất.
Theo giới phân tích, sức hút lớn của BigC Việt Nam đến từ những "tài sản" mà nhà bán lẻ này đang sở hữu, gồm hệ thống điểm bán lẻ đứng thứ 2 Việt Nam (sau Saigon Co.op) với 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi C Express, trang thương mại điện tử Cdiscount.vn; lượng khách hàng lên đến hơn 50 triệu lượt khách/năm và 2,8 triệu khách hàng thành viên.
Ngoài ra, sự hấp dẫn của BigC Việt Nam còn ở chỗ thương vụ này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đua giành vị trí số 1 về bán lẻ Việt Nam. Nhiều thông tin bên lề cho rằng đến 99% BigC Việt Nam sẽ về tay tập đoàn TCC; cùng với việc sở hữu Metro Cash & Carry Việt Nam hồi năm ngoái, tập đoàn này sẽ trở thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam.
Sự hấp dẫn của BigC Việt Nam còn ở chỗ thương vụ này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đua giành vị trí số 1 về bán lẻ Việt Nam. (Ảnh minh họa).
DN Việt Nam đã chủ quan?
Báo Doanh nhân Sài Gòn đưa tin, có một điều rất rõ ràng rằng thị trường bán lẻ Việt Nam tuy đã rời top những thị trường hấp dẫn nhất nhưng vẫn nhiều tiềm năng. Minh chứng rõ nét là Metro và sau này là Big C đều có những mức giá hời, thậm chí các đại gia đang tranh nhau mua chuỗi Big C.
Cũng chính vì thế, hiện nay hầu như các tên tuổi bán lẻ lớn nước ngoài đều đã có mặt ở Việt Nam và không ngừng mở rộng hệ thống theo những chiến lược dài hơi.
Trong khi DN Việt Nam hiện chỉ có 2 cái tên khá mạnh là Saigon Coop và Vingroup, còn Satra hay Hapro để cạnh tranh cần có thêm những cuộc chuyển mình mạnh mẽ hơn, nhất là Hapro.
Thực ra việc các đại gia bán lẻ ngoại đến Việt Nam và nhanh chóng mở rộng chuỗi cũng không có gì lạ, bởi họ có trong tay nguồn tài chính khổng lồ, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bán lẻ... Song cũng không thể phủ nhận rằng chúng ta cũng có phần chủ quan.
Có một câu nói đã trở nên quá quen thuộc với nhiều DN nội, đó là người Việt có thế mạnh hiểu rõ văn hóa Việt. Nhưng thực tế lại đang chứng minh các nhà đầu tư nước ngoài cũng không hề lơ mơ với văn hóa Việt.
Nếu ai đó nói rằng vì Big C đã đến Việt Nam gần 20 năm nên đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng thì cần phải xem xét lại, bởi AEON mới đến Việt Nam chưa lâu nhưng các siêu thị của họ lại luôn đông cứng khách hàng. Phải chăng họ đã đánh trúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Hay Emart cũng mới chỉ khai trương chưa lâu nhưng thu hút một lượng khách hàng không nhỏ. Rồi cũng có thời gian chúng ta nhắc đến chính sách bảo vệ DN nội của Nhà nước là ENT (một loại rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực bán lẻ các nước phải chấp thuận để đánh đổi lấy việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ của mình).
ENT được thiết kế như một công cụ cho phép chúng ta kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, giới hạn số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể.
Song thực tế lại đang cho thấy rào cản này không có tác dụng khi các chuỗi ngoại đang ngày một nhiều. Thậm chí DN ngoại còn lách luật bằng cách liên kết với nhà bán lẻ trong nước.
Như gần đây nhất là cái bắt tay của AEON với 2 chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam: Fivimart ở phía Bắc và Citimart ở phía Nam. Chuỗi Citimart hiện tại có 30 siêu thị, tuy nhiên sau khi thương vụ hoàn tất, AEON tuyên bố mở thêm 500 siêu thị AEON - Citimart trong vòng 10 năm...
Và khi các nhà bán lẻ nội lép vế hơn trên chính sân nhà của mình, sẽ kéo theo hệ lụy là hàng Việt sẽ khó khăn hơn trong việc có mặt trên các kệ hàng, nhất là kệ hàng của người Thái.
Mặc dù bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, khẳng định không nhà bán lẻ nào chỉ tập trung vào một số mặt hàng và đặc biệt là chỉ bán các mặt hàng của đất nước mình.
Tuy nhiên, theo cái nhìn của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, khi đánh giá trường hợp TCC mua thành công chuỗi Big C Việt Nam.
Đó là TCC trước nay đã sở hữu nhiều công ty sản xuất quy mô lớn của Thái, cùng với việc sở hữu chuỗi bán sỉ, lẻ đa dạng ở Việt Nam đúng lúc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, họ chắc chắn áp dụng việc thu mua, buôn bán theo chuỗi, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Với xu thế này, cơ hội bán hàng của DN Việt vào chuỗi của họ, vào chính hệ thống phân phối-bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam sẽ càng khó, không phải như số thống kê là tỷ lệ hàng Việt chiếm 95% số hàng bán trong hệ thống siêu thị Big C như tổng kết của Bộ Công Thương năm 2015.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Hệ thống Big C Việt Nam chưa hoàn thành quá trình chuyển nhượng Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định rằng tiến trình chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu và chưa hoàn thành như một số báo đài đưa tin trong những ngày gần đây. Khách chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng...