Thu 100.000 đồng tiền tự nguyện không đủ hỗ trợ học sinh
Thu trước tiền hỗ trợ trang thiết bị bán trú sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo trần thu các khoản ngoài học phí, lãnh đạo Trường Tiểu học Trung Văn khẳng định đã trả nhưng phụ huynh cho hay họ bị ép ký nhận dù chưa nhận được tiền.
Bức xúc
Trao đổi với PV, một số phụ huynh có học đang theo học Trường TH Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc vì trường thu tiền hỗ trợ bán trú đối với từng cấp học và tiền nước hàng tháng cao hơn quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Trường TH Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội).
Một phụ huynh cho biết: “Học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 trường thu tiền hỗ trợ bán trú/năm của mỗi phụ huynh từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (cao nhất là khối lớp 1 và giảm 100.000 đồng theo từng khối lớp). Như con tôi học lớp 3 phải đóng thêm 200.000 đồng”.
Theo phản ánh, trường cũng thu tiền nước uống của phụ huynh là 20.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối chiếu với mức quy định các khoản thu ngoài học phí của Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành ngày 11/9: Tiền trang thiết bị phục vụ bán trú không quá 150.000 đồng/HS/năm với bậc tiểu học tiền nước không quá 12.000 đồng/HS/tháng, thấy trường thu cao hơn nên phụ huynh đã có ý kiến với nhà trường.
Phụ huynh có con học lớp 3 của trường thông tin: “Sáng 29/9, nhà trường đã họp toàn bộ phụ huynh học sinh để công bố tình hình tài chính. Vì phải đóng tiền trước đó rồi nên nhiều người đã không tới họp vì nghĩ sẽ phải đóng thêm tiền.
Trong buổi họp, lãnh đạo nhà trường cũng giải thích việc thu vượt quy định. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Hương còn nói vì trường trót chi tiêu rồi nên khoản thu thêm mong phụ huynh ủng hộ.
Chúng tôi phải ký đã nhận tiền nhưng thực tế đến ngày 9/10 vẫn chưa nhận được. Biết thế nhưng phụ huynh nào dám lên tiếng vì con còn đang học ở đây”. Một số phụ huynh có con học lớp 5 bổ sung: “Trong khi nhà tôi còn có cháu học Trường TH Đặng Trần Côn A (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trường thu 18.000 đồng/HS/tháng tiền nước nhưng đã thực hiện trả lại”.
Video đang HOT
Trường khẳng định đã trả tiền cho phụ huynh
Chiều 9/10, trao đổi với PV, hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định: “Tới thời điểm này toàn bộ tiền thu thêm trường giữ hộ ban đại diện cha mẹ học sinh(BĐD) đã được gửi trả lại đầy đủ. Trường không nhận được ý kiến phản hồi nào của phụ huynh rằng họ chưa nhận được tiền”.
Theo văn bản Trường TH Trung Văn cung cấp, trường đã họp lấy ý kiến các lớp. Tổng số tiền thu thêm khoản hỗ trợ trang thiết bị bán trú BĐD đã nhận và trả phụ huynh là 212.900.000 đồng.
Do khai giảng vào 6/9 và với tổng số 814/hơn 1000 học sinh toàn trường học bán trú nên theo bà Hương: “Trường phải dự trù kế hoạch thu chi phục vụ bán trú. Số tiền (từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng) BĐD cũng đã đồng ý.
Sau thời điểm 11/9 trường đã nhận chỉ đạo của huyện Từ Liêm và đến 28/9 đã triệu tập BĐD thông báo sẽ chỉ thu tiền hỗ trợ trang thiết bị bán trú của mỗi học sinh là 100.000 đồng. Tiền thừa sẽ trả lại phụ huynh”.
Theo bà Hương: “Như vậy, so với quy định mới của Sở, trường chỉ thu 100.000 đồng/HScòn thu thấp hơn mức tối đa 150.000 đồng tới 50.000 đồng”. “Ngày 29/9, chúng tôi họp phụ huynh toàn trường nhưng rất ít người đến.
Do đó, BĐD phải gặp từng phụ huynh để trả lại tiền thu thêm. Ở đây hoàn toàn không có chuyện ép buộc. Các phụ huynh đã nhận hết số tiền này” – bà Hương khẳng định. Theo văn bản trường cung cấp, tổng số tiền BĐD đã nhận và trả phụ huynh là 212.900.000 đồng.
Tuy nhiên, sáng 10/10, trao đổi với PV, một số phụ huynh vẫn khẳng định “chưa nhận được tiền trả lại của trường”. Về tiền nước, vị hiệu trưởng cho hay: “Trước nay trường vẫn thu 16.500 đồng/HS/tháng do phải rải đều cho hoạt động của học sinh/năm vì trường có hoạt động về hè. Hiện chúng tôi mới tạm thu 100.000 đồng của các phụ huynh”. Nhân câu chuyện, bà Hương cũng phân trần: “Làm bán trú thực tế rất áp lực.
Nhiều phụ huynh thậm chí không biết, cho rằng “Nhà nước thu 100.000 đồng tiền trang thiết bị, thiếu bao nhiêu nữa sẽ cấp bù” nhưng đâu phải vậy.
Học sinh, nhất là lớp 1 học bán trú phải sắm từng cái khăn, chậu, khay ăn, cốc… Từ khi lên chuẩn quốc gia năm 2010, số học sinh vào trường tăng quá nhanh từ 400 cháu năm 2010 giờ đã lên hơn 1000 cháu.
Văn bản của Sở lần này ra muộn khiến trường bối rối, ít nhiều lúng túng trong thực hiện”. Với khoản thu 100.000 đồng, theo chia sẻ của bà Hương “không đủ chi tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ học sinh”.
Theo Vietnamnet
Khi phụ huynh không dám đối mặt với "lạm thu"
Đã có văn bản pháp lý để làm cơ sở căn cứ khi tham gia đóng góp các khoản đầu năm học nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ bức xúc của mình về việc "lạm thu". Tuy nhiên, họ không dám phản ánh trực diện bởi lo sợ ảnh hưởng đến con em mình.
Phụ huynh "tiếp tay" cho lạm thu
Qua đường dây nóng của báo điện tử Dân trí, một bậc phụ huynh tên T. ở huyện Thường Tín (Hà Nội) bức xúc chia sẻ: "Theo dõi thông tin báo đài thấy Sở GD-ĐT quy định không thu tiền bảo vệ, trông xe, quét dọn nhưng trường tiểu học T.T vẫn "xé rào" thực hiện". Khi PV hỏi khoản này có biên lai thu hay không thì phụ huynh này chỉ ngậm ngùi nói: "Nhà trường chỉ nói bằng miệng không có văn bản hay phiếu thu".
Đó là một trong hàng trăm tình huống liên quan đến công tác thu chi đầu năm ở Hà Nội mà chúng tôi tiếp nhận được. Qua đây mới thấy, không khó để các trường "lách luật" lạm thu nhưng vấn đề đặt ra: Phụ huynh biết khoản thu là không đúng quy định nhưng vẫn "nhắm mắt" nộp cho xong!
Giải thích về "nghịch lý này" này, chị L.T.P ở quận Đống Đa chia sẻ: "Mình mà có ý kiến với giáo viên chủ nhiệm thì thế nào con mình cũng bị "đì". Chính vì thế ấm ức là thế nhưng không dám nói ra". Khi PV đặt vấn đề, nếu phụ huynh đã sợ như vậy thì sao lại đi phản ánh sự việc với người bên ngoài lỡ đến tai nhà trường thì sao? Chị chỉ cúi đầu im lặng!
Lo sợ nên nhiều phụ huynh không dám lên tiếng dù biết trường thu sai (ảnh minh họa)
Khi PV đem những chia sẻ của bậc phụ huynh tâm sự với cô L.T.Y - hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc Quận Ba Đình, cô lắc đầu chia sẻ: "Tôi không biết phụ huynh lo ngại gì khi phản ánh những cái không đúng để qua đó nhà trường rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Là một nhà giáo, tôi thiết nghĩ chẳng có một ai lại dại dột đi "trù dập" học sinh, bởi không chỉ nhà trường mà còn có cả xã hội giám sát".
Cũng theo cô Y, thì tâm lý lo ngại sợ thầy cô "đì" con em mình đã ngấm vào tư tưởng của không ít phụ huynh. Chính vì thế biết trường làm sai nhưng lại không dám góp ý, lên tiêng. Tư duy này cần phải được sớm thay đổi.
"Cá nhân tôi luôn công khai số điện thoại cá nhân cho phụ huynh biết. Bất kì điều gì mà phụ huynh thắc mắc hoặc chưa hiểu rõ, tôi sẵn sàng gặp để giải thích kỹ càng. Thiết nghĩ, ngày nay không khó để phụ huynh có thể gặp gỡ nhà trường để trao đổi, góp ý nhưng không ít người lại từ chối làm điều đó." - cô Y. bộc bạch.
Và những điều khó hiểu
Phụ huynh ngại lên tiếng với nhà trường thì còn có thể đưa ra những lời biện minh nhưng nhiều khi, ngay bản thân phụ huynh với nhau cũng "sợ". Để chấn chỉnh công tác thu chi cũng như định hướng Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động đúng mục đích, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 55 trong đó nếu rõ quyền của cha mẹ HS. Theo đó, cha mẹ HS có thể từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ HS lớp, Ban đại diện cha mẹ HS trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện; Thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ HS hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ HS...
Rõ ràng, rành mạnh là thế nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh lại quên đi cái quyền đáng có của mình. "Thấy Ban đại diện cha mẹ HS bảo đóng bao nhiêu thì mình nộp như vậy. Với lại ai cũng đóng mà mình từ chối thì cũng không hay" - phụ huynh tên L. ở quận Đống Đa chia sẻ.
Theo tìm hiểu, thì phần lớn các cuộc họp Hội cha mẹ phụ huynh HS đều có sự xuất hiện của giáo viên chủ nhiệm các lớp. Do đó tâm lý ai cũng ngại "va chạm". Thậm chí có người còn tiết lộ: "Mình phản đối có khi lại bị chính Ban đại điện cha mẹ phụ huynh HS trao đổi lại với thầy cô. Im lặng là vàng!".
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số ít người dám lên tiếng phản đối khi thấy Ban đại diện cha mẹ HS đưa ra các khoản thu chi không minh bạch. Chị H., một trong những phụ huynh "hiếm hoi" của một trường mầm non ở quận Cầu Giấy (Hà Nôi) từ chối đóng góp các khoản không hợp lệ, chia sẻ: "Chẳng có kế hoạch gì nhưng lại yêu cầu đóng góp các khoản quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, tiền làm sàn gỗ... lên đến tiền triệu. Tôi cương quyết không nộp vì thấy bất hợp lý". Cũng theo lời chị H. thì ngay khi Ban đại diện cha mẹ phụ huynh HS phát động thì phần lớn phụ huynh đã đóng góp cho dù ấm ức trong lòng.
Khi được hỏi chị có lo ngại điều gì không, chị H. thành thật chia sẻ: "Tất nhiên là cũng có. Nhưng cũng may mắn là cháu mới học ở bậc mẫu giáo. Nếu không phù hợp thì mình có thể xin chuyển ra học ở trường tư".
Với việc phụ huynh "lo sợ" nên dẫn đến "vô cảm" trước các khoản thu không đúng quy định thì dù có ban hành văn bản hay giám sát chặt chẽ bao nhiêu đi nữa thì bài toán lạm thu không bao giờ có lời giải cuối cùng. Chỉ khi nào chính bản thân các phụ huynh phải là người tiên phong trong việc chống lạm thu và dẹp đi được mối "lo sợ" không đáng có, lúc đó bài toán này có lẽ mới có lời giải đáp.
S.H
Theo dân trí
Tiền trường: Khéo thu chi thì "ấm" Thuộc quận nội thành có mức sinh hoạt cao nhưng qua khảo sát thực tế, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy cho biết, các trường thuộc địa bàn đều thống nhất một mức thu chung với quỹ phụ huynh là khoảng 200.000 đồng/học sinh/học kỳ. Việc thu chi này đòi hỏi khả năng quản lý của nhà trường và phụ huynh trên...