Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây trước Tết
Sáng 10/1 tới, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ thông xe đoạn đầu tuyến từ nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao Vành Đai II (quận 9); không thu phí trên toàn đoạn đường dài 4km này. Dự kiến, vào trung tuần tháng 2 sẽ thông xe toàn tuyến cao tốc.
Thông tin trên được ông Phạm Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam ( VEC) – cho biết trong buổi công bố thông tin về dự án vào chiều 7/1.
Phương án tổ chức giao thông tại nút giao An Phú
Theo VEC, đoạn đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với 4 làn xe ô tô lưu thông với tốc độ 80km/h và không hạn chế tốc độ tối thiểu; 2 làn dừng xe khẩn cấp. Từ 7/1, sẽ phát hành 50.000 tờ bướm hướng dẫn các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc cho đến ngày thông xe.
Việc thông xe đoạn đường trên giúp các phương tiện từ trung tâm thành phố kết nối với đường cao tốc nhanh hơn, thuận tiện hơn khi rút ngắn được khoảng 5km so với việc đi theo lộ trình lên đường cao tốc tại nút giao Vành đai II như trước đây. Bên cạnh đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Duy Trinh, đặc biệt là khu vực vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2).
Video đang HOT
Ông Phạm Hồng Quang khẳng định, trước Tết Nguyên đán sẽ thông xe toàn bộ tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài gần 55km. Hiện một số hạng mục đang được đẩy nhanh tiến độ thi công với 3 ca/ngày. Các nhà thầu đã thi công xong 17km, trong khi đó 14km còn lại cũng đã đạt 80%. Dự kiến, ngày 8/2, sẽ thông xe toàn tuyến.
Trong khi đó, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng Sở GTVT TP cho biết, hiện 500m đầu của đoạn đường trên địa bàn quận 2 cho phép xe gắn máy lưu thông. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cho phép xe gắn máy lưu thông trên đoạn đường từ nút giao An Phú đến nút giao Vành Đai II, ở làn đường dừng xe khẩn cấp khi các điều kiện an toàn được đảm bảo.
Tại nút giao An Phú (quận 2), các loại xe tải trên 3,5 tấn hướng từ Hầm Thủ Thiêm, phà Cát Lái trên đường Mai Chí Thọ chỉ được rẽ phải lên đường cao tốc tại nhánh B1, không được rẽ phải tại nhánh B2. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại nút An Phú, theo ông Đậu An Phúc, Sở GTVT tiếp tục mở rộng các hướng rẽ, lắp đặt các biển báo, điều chỉnh đèn tín hiệu cho phù hợp, đặc biệt là điểm rẽ trái từ đường Mai Chí Thọ lên đường cao tốc, với lượng lớn xe container từ xa lộ Hà Nội dồn về.
Quốc Anh
Theo Dantri
Đã xuất hiện hàng rong hai đầu cầu Nhật Tân
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội, cầu Nhật Tân là công trình đẹp của Thủ đô nên có nhiều người đi xe đạp, đi bộ lên tham quan. Đến nay, khu vực hai bên đầu cầu Nhật Tân đã xuất hiện hàng rong.
Ngày 7/1, UBND thành phố Hà Nội làm việc với các sở ngành bàn phương án sắp xếp lại trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên một số tuyến đường, trong đó có cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ đánh giá, tình hình giao thông trên cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp sau 3 ngày thông xe khá lộn xộn và phức tạp. Công việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân được CATP giao cho đội CSGT số 15 mới được thành lập.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, cầu Nhật Tân là công trình đẹp của Thủ đô nên từ khi khánh thành nhiều người dân thường xuyên đi xe đạp, đi bộ lên tham quan. Đến nay, khu vực hai bên đầu cầu đã xuất hiện hàng rong.
Những ngày đầu, lực lượng chức năng chưa xử phạt người dân vi phạm luật trên cầu mà chỉ nhắc nhở chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Để đảm bảo giao thông trên cầu Nhật Tân tốt hơn, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội kiến nghị cần tổ chức, sắp xếp lại biển báo giao thông ở hai bên cầu và các điểm giao cắt với dân cư khu vực xung quanh cho hợp lý.
Cây cầu là niềm mong chờ của người dân thủ đô (Ảnh: Tiến Nguyên)
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định, cụm công trình đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây đều là những công trình lớn, vì vậy ông Hùng yêu cầu đơn vị liên quan tổ chức khai thác sao cho hiệu quả nhất. Do đó, ông Hùng giao Sở GTVT và CATP tổ chức lại giao thông trên toàn bộ tuyến đường cũng như cầu Nhật Tân.
Ông Hùng giao các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức giao thông ở những khu vực dân cư lân cận, điểm kết nối với các tuyến đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên... Những nút giao từ cầu Nhật Tân về nội đô như nút Bưởi, Xuân La, Cầu Giấy, trục đường Âu Cơ, Nghi Tàm cũng cần nghiên cứu, tổ chức lại để hạn chế thấp nhất việc xảy ra ùn tắc.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu các đơn vị phân luồng cho toàn bộ xe tải từ các tỉnh Đông Bắc bộ đi Tây Bắc theo đường 5 kéo dài, qua cầu Đông Trù, đi Nhật Tân. Điều đó có nghĩa là xe tải đi theo hướng trên không được lưu thông qua cầu Thanh Trì vào Vành đai 3 để giảm lưu lượng phương tiện đi vào thành phố.
Tại những điểm giao cắt trên đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân, lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT ứng trực 24/24h. Tất cả những công viên liên quan đến tổ chức, sắp xếp lại giao thông trên tuyến đường mới của Hà Nội, lãnh đạo Thành phố yêu cầu phải hoàn thành trong tuần này.
Quang Phong
Theo Dantri
Rút ngắn thêm 5 km đường vào cao tốc TP HCM - Long Thành Từ 10/1, khi đoạn An Phú đến nút giao Vành đai 2 được đưa vào sử dụng, ôtô từ Sài Gòn đi lên cao tốc tốc TP HCM - Long Thành rút ngắn thêm 5 km so với trước. Toàn bộ các tuyến của cao tốc sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán. Chiều 7/12, ông Phạm Hồng Quang, Phó tổng giám đốc...