Thông xe kỹ thuật cầu An Phước nối hai bờ sông Vàm Cỏ Đông
Ngày 17/3, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu An Phước, nối liền hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, đi từ các xã cánh Tây với phường An Hòa và trung tâm thị xã Trảng Bàng, thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Cắt băng khánh thành cầu An Phước. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Đây là công trình kết nối giao thông quan trọng, rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa, giúp học sinh thuận tiện đến trường, thỏa lòng mong đợi của người dân tại thị xã Trảng Bàng. Đây cũng là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, kết nối các xã biên giới với trung tâm các huyện, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng biên giới của tỉnh.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh, cầu An Phước là cây cầu có quy mô lớn, có tổng chiều dài 453m, đường dẫn vào cầu dài hơn 5,7km, với 11 nhịp, bề rộng mặt cầu là 12m, bao gồm phần xe chạy 11m. Cầu có nhịp thông thuyền là 80m, được thi công với công nghệ hiện đại, đúc hẫng cân bằng. Tổng mức đầu tư là hơn 399 tỷ đồng, công trình được khởi công vào tháng 7/2019 đến nay đã hoàn thành.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng khẳng định, đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và cũng là dự án giao thông huyết mạch của khu vực. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khả năng huy động vật tư, nhân sự và phương tiện gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần quyết tâm cao của các đơn vị thi công, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và được sự ủng hộ của người dân, công trình đã hoàn thành trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân trong khu vực.
Thông xe cầu An Phước. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Video đang HOT
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ huy động các nguồn vốn tiếp tục đầu tư nhiều dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thị xã Trảng Bàng (đường liên tuyến N8-787B-789, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án đường Hồ Chí Minh, cảng Hưng Thuận…).
Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn người dân thị xã Trảng Bàng tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa thị xã Trảng Bàng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trong thời gian tới. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2021-2025.
Tại buổi lễ, nhằm chia sẻ niềm vui với địa phương, các nhà thầu thi công công trình đã tặng kinh phí hỗ trợ cho 2 xã Phước Bình, Phước Chỉ và phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, mỗi địa phương 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng/căn.
Phát hiện nhiều cửa hàng bán thuốc cấm có thể gây ung thư
Kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh phát hiện 3 cửa hàng bán các loại thuốc có chứa chất cấm lưu hành, có khả năng gây ung thư cho người.
Ngày 27/2, Công an Tây Ninh cho biết, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý 3 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng.
Theo cơ quan công an, vào ngày 24/2, Công an thị xã Trảng Bàng tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp H.T. (phường Gia Bình, Trảng Bàng) do bà L.T.A.N. làm chủ.
Tại đây, tổ công tác phát hiện ông T. (chồng bà N.) đang bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng cho một người dân.
Theo cơ quan công an, các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam theo Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 8/2/2017.
Trong đó, 2,4D là chất có thể gây ung thư, là một thành phần trong chất độc da cam, một loại hóa chất gây hậu quả khủng khiếp và kéo dài nhiều thế hệ. Còn Paraquat là một loại hóa chất diệt cỏ có thể độc hại với gan, thận, tim và hệ hô hấp khi hít phải.
Các loại thuốc chứa hoạt chất Glyphosate, Chlopyrifon, Fipronil cũng đã bị cấm buôn bán, sử dụng từ năm 2021 theo thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020.
Kiểm tra cửa hàng, Công an thị xã Trảng Bàng phát hiện có 98 chai thuốc bảo vệ thực vật có ghi các thành phần như 2,4D-Dimethylamine, Paraquat và nhiều thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng, thuốc không có hóa đơn chứng từ.
Tại cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp L.Đ. do bà N.T.C.H. làm chủ, công an phát hiện 30 chai thuốc bảo vệ thực vật có chứa các thành phần ghi trên bao bì là Paraquat, Glyphosate, Chlopyrifon, 2,4D và nhiều thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng, thuốc không có hóa đơn chứng từ.
Tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp N.T. do bà L.T.T.T. làm chủ, công an thu giữ 421 chai thuốc bảo vệ thực vật có chứa các thành phần ghi trên bao bì Paraquat, Glyphosate, Chlopyrifon, 2,4D, Fiponil, Chlorpynisos và nhiều thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng, thuốc không có hóa đơn chứng từ.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ 3 cửa hàng trên khai nhận đã chủ động móc nối với các nhóm tiếp thị thuốc bảo vệ thực vật để nhập các thuốc cấm trên về bán vì lợi nhuận rất cao. Mỗi lần nhập về từ 100-350 lít rồi cất giấu ở cửa hàng để bán cho người dân ở khu vực thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) và huyện Đức Huệ (tỉnh Long An).
Ngoài ra, các cửa hàng này còn nhập các loại thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng để bán cho những người nông dân không hiểu rõ công dụng của thuốc.
Chủ các cửa hàng này còn khai nhận nhập về các loại phân bón không đảm bảo hàm lượng ghi trên bao bì với khối lượng từ 5-15 tấn mỗi lần để bán kiếm lời.
Cần Thơ thông xe kỹ thuật đường tỉnh 922 Sáng 28/1, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật gói thầu số 01, dự án đường tỉnh 922 đoạn nối từ Quốc lộ 91B đến thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. Nghi thức cắt băng khánh thành lễ thông xe. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm...