Thông tin tiếp về vụ án khiến người dân bao vây tòa đòi xét xử lại: Các nhân chứng không được nói tại phiên xét xử?
Theo phản ánh của chị Vân, trong bản cáo trạng có tên của chị nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử, TAND huyện Yên Lạc đã “quên” không gọi chị ra làm chứng.
Ngày 17-7, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc đưa ra xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Phạm Văn Quyết, SN 1980 (có hộ khẩu thường trú tại thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và bị hại anh Lê Anh Quyền, SN 1986 (thường trú tại thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc).
Chị Phan Thị Vân (40 tuổi, ở thôn Trung, thị trấn Yên Lạc) là người đã chứng kiến hết vụ việc, nhưng không hiểu vì lý do gì, khi phiên tòa diễn ra chị Vân lại không được gọi ra làm chứng.
CQCA huyện Yên Lạc đã lấy lời khai của chị Phan Thị Vân nhưng bản cáo trạng số 33/KSĐT -TA do VKS huyện Yên Lạc lập ngày 25-6-2012 lại không ghi lời khai của nhân chứng này đã khiến phiên xét xử đi theo chiều hướng khác.
Anh Phạm Văn Quyết và người trực tiếp chứng kiến vụ việc- chị Phan Thị Vân
Theo phản ánh của chị Vân, trong bản cáo trạng có tên của chị nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử, TAND huyện Yên Lạc đã “quên” không gọi chị. Chị Vân bức xúc: “Trước khi phiên tòa diễn ra, CQĐT huyện Yên Lạc đã gọi tôi lên và lấy lời khai. Tuy nhiên, khi đọc trong biên bản thì tôi kể một đường, CA ghi một nẻo vì vậy, tôi đã nhất quyết không ký vào biên bản. Sau đó, đồng chí công an ghi vào một tờ khác, khi tôi đang kể thì đồng chí này đã cầm tờ biên bản đó và xé trước mặt tôi” (!?)
Video đang HOT
Cô Phạm Thị Hải (ở thôn Trung, thị trấn Yên Lạc)- người làm chứng trong phiên tòa tòa bức xúc nói: “Tôi cũng là người chứng kiến sự việc và được mời lên để làm chứng trong phiên tòa. Nhưng khi tôi mới nói được hai câu trước tòa thì bị giằng mất micro và không cho tôi nói. Thử hỏi, gọi tôi lên làm chứng mà không cho tôi nói thì gọi lên để làm gì…”.
PV báo PL&XH đã có cuộc trao đổi với chị Phan Thị Vân để tìm hiểu sự việc, chị Vân kể lại: “Khoảng 20g ngày 17-5, tôi đang tưới hành ở đồng Hốc Sau cách ruộng nhà anh Quyết 30m thì thấy chị Từ đang trồng hành hộ anh Quyết nhưng 2 người cách nhau khá xa. Một lúc sau, Đại Văn Phú, SN 1995 (là con chị Từ) và Lê Văn Quyền, SN 1986 (là cháu, gọi chị Từ là dì ruột) phóng xe máy đến và chửi nhau với anh Quyết. Trên tay Quyền lăm lăm một thanh típ sắt và dọa đánh anh Quyết.
Thấy vậy, bà Từ, mẹ Phú gọi Phú và Quyền rồi bảo: “Mày đánh người ta thì mày đâm tao đây này…”. Sau đó, hai bên tiếp tục giằng co thì tôi thấy anh Quyết lội qua mương rồi bỏ chạy. Tôi chạy ra hỏi bà Từ ai đánh ai trước thì bà Từ trả lời là cu Quyền đánh anh Quyết trước. Thấy máu từ trán anh Quyền chảy xuống ngực nên bà Từ bảo Phú chở Quyền đi trạm xá.”
Được biết, khoảng 15 phút sau khi ẩu đả, anh Phú đã rủ một người bạn mang kiếm và côn vào đồng tìm anh Quyết để trả thù nhưng không gặp nên đã ra về.
Rõ ràng, chỉ vì nghi ngờ một cách vô cớ chị Từ và anh Quyết có quan hệ tình cảm với nhau nên gia đình chị Từ đã cho người đến đánh anh Quyết trước. Khi đi, Quyền và Phú mang theo một thanh gậy sắt, một con dao bấm. Việc anh Quyết dùng gậy tre vạng vào đỉnh đầu anh Quyền là hành vi “cố ý gây thương tích” hay thực chất là hành vi tự vệ chính đáng?
Thêm nữa, sau khi xảy ra ẩu đả, anh Quyết đã lên CA thị trấn Yên Lạc trình bày sự việc. Thế nhưng, khi lên đến nơi anh bị xét hỏi và bắt giữ.
Người dân địa phương sau khi dự phiên tòa đều tỏ ra bất bình, cô Đại Thị Quý, người dân địa phương cho biết: “Đi xem phiên tòa mà thấy quá là bức xúc, người không có tội thì thành có tội mà người có tội thực sự thì lại nhởn nhơ”?
Ông Lê Tam Điệp thường trú tại khu 3, thôn Trung, thị trấn Yên Lạc cho chúng tôi biết: “Sau khi nằm viện 3 ngày, tôi thấy Quyền vẫn đi chơi bóng chuyền vậy mà cơ quan pháp y lại giám định tổn hại 22% sức khỏe.”
Báo PL&XH sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin mới nhất về vụ án trên.
Theo PLXH
Tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Dân vây tòa án đòi xét xử lại
Đến 9h30' phiên tòa kết thúc, hàng trăm người dân đến dự phiên tòa bức xúc trước phán quyết của tòa đối với bị cáo Quyết và yêu cầu TAND huyện Yên Lạc phải xét xử lại.
Khoảng 8h, ngày 17/7, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc đưa ra xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" đối với bị cáo Phạm Văn Quyết, SN 1980 (có hộ khẩu thường trú tại thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và bị hại anh Lê Anh Quyền, SN 1986 (thường trú tại thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc).
Bị cáo Phạm Văn Quyết và người chứng kiến vụ việc.
Theo bản cáo trạng số 33/KSĐT-TA của VKSND huyện Yên Lạc ra ngày 25/06/2012 có ghi: " Do nghi ngờ chị Dương Thị Từ, SN 1967 ở thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc có quan hệ tình cảm với anh Phạm Văn Quyết, SN 1980 thường trú tại thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên lạc, nên gia đình chị Từ cấm và ngăn cản.
Khoảng 19h40', ngày 17/05/2012 khi thấy chị Từ và anh Quyết ngồi tâm sự với nhau tại ruộng hành của gia đình anh Quyết ở cánh đồng Hốc Sau thuộc thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc nên Đại Văn Phú, SN 1995 (là con chị Từ) và Lê Văn Quyền, SN 1986 (là cháu, gọi chị Từ là dì ruột) đến yêu cầu chị Từ đi về. Sau đó, Quyền chửi và yêu cầu Phạm Văn Quyết không được quan hệ với chị Từ nữa, tiếp đó Quyền túm cổ áo và dùng tay, chân đấm đá vào người anh Quyết.
Khi đi, Quyền mang theo một thanh gậy sắt dài 60cm, trong quá trình hai bên xô xát, Quyền đã dùng gậy sắt gõ nhiều lần vào chiếc đòn gánh bằng tre của Quyết và vạng vào đầu anh Quyết. Quyết đã dùng đòn gánh bằng tre dài 91cm đánh một nhát vào đỉnh đầu bên trái của Quyền rồi bỏ chạy.
Về nhà, Quyết thay quần áo rồi đến CA thị trấn Yên Lạc đầu thú về hành vi phạm tội của mình và giao nộp cho CA thị trấn Yên Lạc một chiếc đòn gánh bằng tre. Ngay sau đó Quyết bị CA huyện Yên Lạc giữ lại để điều tra. Còn Quyền, được Phú đưa vào BVĐK huyện Yên Lạc điều trị sau đó chuyển đến Bệnh viện quân y 109 Vĩnh Yên, với tỷ lệ thương tích là 22% sức khỏe.
TAND huyện Yên Lạc kết luận, bị cáo Phạm Văn Quyết đã phạm tội "cố ý gây thương tích" quy định tại Khoản 2 điều 104/BLHS và bị phạt 2 năm tù giam đồng thời phải bồi thường 32 triệu đồng cho gia đình bị hại Lê Anh Quyền.
Đến 9h30' phiên tòa kết thúc, hàng trăm người dân đến dự phiên tòa bức xúc trước phán quyết của tòa đối với bị cáo Quyết và yêu cầu TAND huyện Yên Lạc phải xét xử lại. Phiên tòa đã kết thúc từ sáng nhưng đến gần 15h chiều cùng ngày, hàng trăm người bất bình trên mới chịu ra về.
Rất nhiều người dân cho rằng, hành vi của anh Quyết là chỉ tự vệ chứ không chủ ý đánh anh Quyền như VKSND huyện Yên Lạc đã nêu.
Theo PLXH
Trưởng công an xã bắn vào đùi học sinh để... tự vệ Ít ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng khiến một học sinh học lớp 10 phải nhập Bệnh viện E để phẫu thuật, chúng tôi đã tìm gặp ông Lê Thanh Tùng (54 tuổi), Trưởng công an xã Kim Chung (H.Đông Anh, TP.Hà Nội). Ông Tùng chính là người đã rút súng nổ hai phát đạn, trong đó có một phát đạn...