Thông tin mới nhất về tiêm vaccine cho trẻ em và Nanocovax
Một số nội dung liên quan đến tiêm vaccine cho trẻ em, Nanocovax, ứng dụng phòng chống Covid-19… đã được chia sẻ tại hội thảo liên quan Nghị định 128 và Quyết định 4800 diễn ra sáng 29/10.
Hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ diễn ra sáng 29/10. Tại đây, nhiều nội dung được quan tâm, trong đó có vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, cấp phép Nanocovax, thực hiện Nghị quyết 128 tại các tỉnh thành, ứng dụng phòng chống Covid-19…
Tiêm vaccine cho trẻ em ra sao?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước diễn biến dịch bệnh, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng tích cực nghiên cứu, sản xuất vaccine. Hiện Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Vaccine Nanovax cũng đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng tích cực trong vấn đề ngoại giao vaccine. Dù thế, theo ông, vấn đề cung cầu vaccine giữa các nước trên thế giới khá khó khăn.
Theo hé lộ của lãnh đạo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam tiếp cận được trên 107 triệu liều vaccine, đã tiêm khoảng 78 triệu liều. Việc tiêm chủng được triển khai trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của WHO, các đơn vị sản xuất vaccine. Sau thời gian tổ chức tiêm thì đến nay đạt được tỷ lệ tiêm cơ bản tốt.
Về vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trước mắt sẽ được thực hiện theo tiêu chí có trọng điểm, trước mắt là nhóm 16-17 tuổi, khu vực nguy cơ cao. Về nguồn vaccine, đến nay, Việt Nam có 2 loại được cấp phép có thể tiêm được cho trẻ em là Pfizer và Mordena. Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine của cả năm nay và 2022, đề cập rõ đối tượng trong nhóm 12-17 tuổi để báo cáo về Bộ Y tế. Bộ sẽ tiếp cận thông tin báo cáo, tổng hợp và phân bổ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết ngay chiều 29/10 sẽ tổ chức tập huấn cho các tỉnh thành về vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em (Ảnh minh họa: IT).
Dù thế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, vấn đề tiếp cận vaccine tuy rất tích cực nhưng số lượng về chưa đạt yêu cầu nên khi Bộ tiếp cận thông tin tổng hợp cũng sẽ phải căn cứ vào số vaccine tiếp nhận được, đặc biệt là vaccine tiêm cho trẻ em, diễn biến dịch bệnh của từng địa phương thì sẽ báo cáo để phân bổ cho hợp lý.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết ngay chiều 29/10 sẽ tổ chức tập huấn cho 63 tỉnh, thành về vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em.
Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay tỷ lệ tiêm 2 mũi với người trên 18 tuổi đạt được gần 40%, trên tổng số trên 70 triệu liều vaccine được tiêm. Trước mắt, việc ưu tiên vẫn tập trung tối đa cho người trên 50 tuổi, sau đó mở rộng đến trẻ em. Hiện nay, nhiều địa phương đã rà soát đối tượng, xây dựng triển khai tiêm cho trẻ 16-17 tuổi.
Sẽ thống nhất một ứng dụng quét mã QR từ 1/11
Liên quan đến vấn đề về ứng dụng phòng chống Covid-19, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông cho biết đến 1/11 sẽ có thể thống nhất được công nghệ phòng chống Covid-19. Cụ thể, liên quan đến mã QR, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp thống nhất với Bộ Công an để thống nhất ứng dụng, đi đến đâu cũng quét được. Sắp tới, Bộ sẽ làm việc với Bộ Công an, thống nhất triển khai kỹ thuật để triển khai. Việc thống nhất một mã QR đã có chủ trương và giờ chỉ triển khai thực hiện.
Theo thông tin, đến hiện tại đã có 2 triệu điểm QR code sẵn sàng cho ứng ứng dụng.
Hiện người dân cả nước vẫn băn khoăn trong việc dùng một ứng dụng quét mã QR trong phòng chống dịch Covid-19. PC-Covid sẽ được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với các nguồn dữ liệu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 do Bộ Y tế quản lý và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.
Trước đó, ngày 28/10, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông báo nâng cấp tính năng khai báo di chuyển nội địa của PC-Covid theo hướng phù hợp quy định của Bộ Giao thông vận tải, phát triển thêm tính năng trích xuất thông tin cho các đơn vị được chỉ định của Bộ Giao thông. Cùng ngày, trên cơ sở đó, Bộ Giao thông cũng có quy định điều chỉnh hướng dẫn quy định với hành khách đi lại bằng máy bay. Cụ thể là khách chỉ cần khai báo y tế trên phần khai báo di chuyển nội địa của ứng dụng PC-Covid.
Hộ chiếu vaccine đang ra sao?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, vấn đề hộ chiếu vaccine đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Bộ Ngoại giao được giao chủ trì phối hợp với các bộ khác. Hơn 72 quốc gia đã công nhận. Còn Việt Nam ngay từ đầu ban hành giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Hộ chiếu vaccine bản chất là giấy chứng nhận tiêm đủ số mũi vaccine theo quy định và Bộ Y tế cũng đã có mẫu, cung cấp cho Bộ Ngoại giao và một số đại sứ quán ở Hà Nội. Giấy sẽ được cập nhật vào nền tảng CNTT để đến đâu có mã QR là kiểm tra sẽ ra.
Về vaccine, ông cho biết người nước ngoài tiêm đủ liều vaccine theo quy định, các bộ đã thống nhất sẽ có đầu mối hướng dẫn cập nhật vào hệ thống để người nước ngoài vào Việt Nam đi đâu cũng quét được QR code.
Tiến độ vaccine Nanocovax
Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, với vaccine Nanocovax, hiện tại đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đã thông qua Hội đồng Đạo đức, chuyển sang cho Hội đồng xem xét cấp phép. Tuy nhiên, phía Hội đồng sau khi xem xét hồ sơ để cấp phép thì thấy đơn vị sản xuất vaccine cần cung cấp bổ sung đầy đủ các hồ sơ để hội đồng tiếp tục nghiên cứu và xem xét vấn đề cấp phép này.
Hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép Nanocovax
Đại diện Học viện Quân y ngày 28/9 cho biết đã hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung để xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax, gửi Bộ Y tế hôm qua.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress sáng nay, đại diện Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cho biết chưa nhận được các hồ sơ cập nhật do nhóm nghiên cứu vaccine nộp, vì vậy chưa thể thẩm định hồ sơ của vaccine Nanocovax.
Cuộc họp gần nhất là hôm 18/9, Hội đồng Đạo đức đánh giá vaccine Covid-19 Nanocovax "đạt yêu cầu về tính an toàn, chưa có dữ liệu đánh giá hiệu lực bảo vệ".
Theo trình tự, hồ sơ hoàn chỉnh cùng biên bản nghiệm thu từ Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ được Cục Quản lý Dược chuyển Hội đồng Tư vấn xem xét.
Nếu được thông qua, Hội đồng Tư vấn sẽ đề xuất Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp cho Nanocovax. Sau đó, vaccine chỉ được sử dụng có điều kiện theo số lượng và kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt. Hội đồng Tư vấn cũng có thể không thông qua, tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất bổ sung hồ sơ.
Thông thường, một vaccine mới phải mất khoảng 5 năm từ nghiên cứu đến thử nghiệm, cấp phép. Trong những tình huống đặc biệt, như đại dịch Covid-19, vaccine có thể được cấp phép khẩn cấp nhằm kịp thời đưa vào tiêm chủng dù chưa hoàn thành toàn bộ quy trình thử nghiệm. Sau khi đã đủ hồ sơ dữ liệu, vaccine có thể tiến tới được cấp phép chính thức (hoàn toàn). Hiện trên thế giới, chỉ mới vaccine của hãng Pfizer được cấp phép hoàn toàn.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine là điều cần thiết dù chưa đủ thời gian để theo dõi trong thời gian dài như thông lệ. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn của vaccine, vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ.
Như thông lệ quốc tế, tất cả vaccine Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam, kể cả vaccine nước ngoài và nội địa, đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.
Vaccine Nanocovax tại nhà máy của Công ty Nanogen trong khu công nghệ cao TP HCM, ngày 23/6. Ảnh: Quỳnh Trần
Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, có một liệu trình hai liều tiêm. Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ 11/6, chia thành hai pha gồm 3a thử nghiệm trên 1.004 người tình nguyện ở Hà Nội và Long An, theo tỷ lệ cứ 6 người tiêm vaccine thì có một người tiêm giả dược; 3b thử nghiệm trên 12.000 người, tỷ lệ hai người tiêm vaccine, một người tiêm giả dược, tại Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Tiền Giang.
Thử nghiệm được làm mù, tức nghiên cứu viên và người tình nguyện không biết ai được tiêm vaccine, ai được tiêm giả dược. Tỷ lệ các nhóm tuổi tham gia nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3a là 60% người từ 18-45 tuổi, 22% từ 46-60 tuổi, hơn 17% còn lại là nhóm trên 60 tuổi.
Hiện các tình nguyện viên đã được tiêm đủ hai liều, bước vào quá trình đánh giá, theo dõi. Báo cáo giữa kỳ pha 3a và 3b đã được Nanogen gửi tới Bộ Y tế, được Hội đồng Đạo đức thẩm định hai lần vào 22/8 và 18/9, đồng ý sử dụng các kết quả nghiên cứu để xem xét cấp phép khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Nanogen đã ký các thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất Nanocovax với hai đối tác Ấn Độ và Hàn Quốc vào ngày 10 và 20/8. Trong đó, đối tác Hàn Quốc sẽ sản xuất và phân phối vaccine ở quy mô toàn cầu, trừ Việt Nam và Ấn Độ. Ở trong nước, tỉnh Đồng Tháp đã giao một công ty đặt trước 200.000 liều vaccine Nanocovax.
Gần 140 thai phụ TP HCM tiêm vaccine Covid-19 Gần 140 phụ nữ mang thai trên 13 tuần được tiêm vaccine Covid-19, trong ngày đầu tiên Bệnh viện Hùng Vương triển khai tiêm chủng cho thai phụ. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, ngày 12/8 cho biết bệnh viện khởi động tiêm vaccine Covid-19 cho các bà bầu từ 13 tuần...