Thông tin chính thức vụ khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 09/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định tố tụng đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 11/7, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết, cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 08/11/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 09/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định tố tụng đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 10/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng: ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, đối với:
1. Vũ Huy Hoàng, sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương;
2. Hồ Thị Kim Thoa, sinh năm 1960, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương;
3. Phan Chí Dũng, sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.
Video đang HOT
Ba bị can bị khởi tố
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các bị can và các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có thể đối diện án tù cao nhất 20 năm
Theo luật sư, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có thể đối mặt mức hình phạt cao nhất 20 năm tù, nếu gây thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên.
Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Những vi phạm của ông Hoàng liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Ông Vũ Huy Hoàng khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương. (Ảnh: Xuân Hoa)
Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc xử lý thêm một cựu Bộ trưởng do liên quan đến kinh tế, cho thấy rõ sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc chỉnh đốn Đảng, xử lý kiên quyết các cán bộ, Đảng viên suy thoái, sai phạm.
Theo phân tích của luật sư, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can là giai đoạn đầu của quy trình tố tụng hình sự. Công an sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị can là người có chức vụ, quyền hạn, là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng cố ý vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên.
Trong vụ việc này, ngoài việc xem xét yếu tố về chủ thể, về vai trò, nhiệm vụ, chức năng trong việc quản lý tài sản nhà nước, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản bị thất thoát, lãng phí là bao nhiêu. Nếu trường hợp tài sản thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 10 năm đến 20 năm tù.
"Với quy định của Bộ Luật Hình sự hiện nay, vị cựu Bộ trưởng này có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, trong trường hợp tài sản của nhà nước bị thất thoát từ 1 tỷ đồng trở lên", luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường nhận định, đối với những vụ án tội phạm về chức vụ, kinh tế, tham nhũng thì thường sẽ có đồng phạm, có tổ chức, liên quan đến yếu tố thu lợi bất chính. Bởi vậy trong vụ việc này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định vai trò, trách nhiệm pháp lý.
Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có cá nhân, cán bộ, nhân viên khác có cùng ý chí thực hiện tội phạm thì những người này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
"Trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện ra các hành vi vi phạm khác về chức vụ, kinh tế thì sẽ xem xét, nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì tiếp tục khởi tố về các tội danh khác và có thể đối với những người khác có liên quan", luật sư Cường nói.
Ông Vũ Huy Hoàng từng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Sau khi ông Hoàng nghỉ hưu, từ cuối năm 2016-2017, Ban Bí thư và Chính phủ quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm.
Ông Hoàng được xác định thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội", luật sư Cường chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố.
Ban Bí thư xác định, các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Hoàng.
Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố, "cấm túc" Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa bị khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tối 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn...