[Thông tin 114] Lưu ý khi mắc kẹt trong thang máy
Thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được câu hỏi của bạn đọc gửi đến hỏi về việc, trên cả nước đã từng xảy ra một số sự cố trong thang máy, có thể liên quan thang máy bị mất điện, thang máy bị treo, cửa thang máy bị kẹt, thang máy chạy quá tốc độ – rơi tự do, lỗi hệ thống điều khiển… Khi bị mắc kẹt trong thang máy, người dân cần phải làm gì?
Ảnh minh họa
Về vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho biết, để giảm thiểu những tác động nguy hiểm khi gặp sự cố mắc kẹt trong thang máy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân thực hiện 4 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Khi gặp sự cố, mọi người trong thang máy cần giữ bình tĩnh để có phương án xử lý tối ưu. Nên hạ thấp trọng tâm bằng cách ngồi xuống hoặc hơi khụy gối, nắm chắc tay vịn, đặc biệt khi thang có hiện tượng trôi nhanh, rung lắc, nhằm đề phòng bị chấn thương khi thang va đập. Do thang máy kín, không gian hẹp, hệ thống quạt thông gió có thể ngừng hoạt động, nếu càng la hét và hoạt động mạnh sẽ nhanh chóng làm không khí trở nên ngột ngạt, khó thở vì khi đó lượng ôxy trong khu vực thang sẽ giảm nhanh, điều đó khiến trẻ nhỏ, người già hoặc những người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc 2: Khi thang máy đã ở trạng thái ổn định, hãy thử bấm nút mở cửa, nếu cửa thang mở thì mọi người có thể lần lượt thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trước khi bước ra ngoài cần quan sát cẩn thận, tránh trường hợp thang dừng lại ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng, nếu bước ra ngoài không chú ý dẫn đến bước hụt và tụt xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp, khi bấm nút mở cửa nhưng thang không mở, cần bình tĩnh suy xét và bấm các nút khẩn cấp khác (các nút khẩn cấp có hình cái chuông hoặc hình ống nghe điện thoại) để báo động cho bên ngoài đến hỗ trợ.
Nguyên tắc 3: Trong quá trình đợi người bên ngoài đến cứu, để ngăn ngừa tình trạng ngột ngạt, khó thở do thiếu không khí, mọi người trong thang có thể dùng các vật cứng như chìa khóa để lách vào khe cửa thang máy, sau đó kết hợp dùng các vật dụng khác có kích thước lớn hơn để chèn vào khe cửa thang.
Trường hợp trong thang máy có sóng điện thoại, phải nhanh chóng gọi theo số đường dây nóng ghi trên thang máy để thông báo cho bộ phận kỹ thuật kịp thời đến hỗ trợ. Hoặc có thể gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114. Ngoài ra, cũng có thể liên hệ với bộ phận trực thang máy hoặc liên lạc với những người bên ngoài bằng cách gọi to, gõ vào thành thang máy để phát tín hiệu. Tuy nhiên, không nên đập mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa thang vì có thể làm thang bị trượt, đứt cáp tời dẫn đến thang rơi tự do.
Nguyên tắc 4: Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài, mọi người không nên tìm cách mở cửa trên nóc thang và thoát nạn qua đó, vì rất dễ bị trượt, ngã dẫn đến những chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng.
40 phút nghẹt thở cứu bệnh nhân Covid-19
Ngày 14/5, khi số bệnh nhân mắc Covid-19 còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã giảm dần, ThS.BS Đồng Phú Khiêm- Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và một số đồng nghiệp mới được về với gia đình, sau cả tháng ăn ngủ tại bệnh viện. Hiện, BS Khiêm được bệnh viện huy động nhân lực, tạm thời về cơ sở 1 để khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh khác. Và chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng anh trong khoảng thời gian ngắn ngủi và được nghe anh kể về những khoảnh khắc, cảm xúc không thể nào quên khi giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng từ tay tử thần.
Ths.BS Đồng Phú Khiêm chia sẻ, trong giai đoạn dịch Covid-19, tại Khoa Hồi sức tích cực có điều trị 5 bệnh nhân nặng. Việc điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân này vô cùng khó khăn. Diễn biến tình trạng sức khoẻ của họ thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó, đây cũng là 1 bệnh mới, 1 căn nguyên mới và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên đòi hỏi các bác sĩ vừa phải tìm phác đồ điều trị cho phù hợp với mỗi bệnh nhân vừa phải nghiên cứu các tài liệu, tình hình dịch trên thế giới. Họ luôn tạo áp lực cho mình hàng ngày, cố gắng làm những gì tốt nhất có thể để cứu chữa cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Chia sẻ về bệnh nhân số 19, BS Khiêm cho biết, bệnh nhân 19 nhập viện ngày 7/3, đây là 1 trong 5 bệnh nhân nặng có thời gian điều trị dài nhất. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bệnh nặng tuổi cao, có các bệnh lý nền như huyết áp, tim. Vì vậy, khi được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân bị biến chứng, gây tràn khí màng phổi, ô xy máu tụt nhiều và diễn biến vô cùng nguy kịch. Ngay lúc ấy, các bác sĩ nhận định chỉ có cách duy nhất là đặt tim phổi nhân tạo (ECMO) mới có thể giữ được mạng sống của người bệnh.
Điều may mắn là tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kỹ thuật này không phải lần đầu tiên được bệnh viện triển khai. Sau khi bàn bạc, trao đổi về tình trạng bệnh của bệnh nhân, bệnh viện huy động 4 bác sĩ cùng với ê kíp điều dưỡng thực hiện kỹ thuật đặt ECMO cho bệnh nhân.
"Bình thường khi thực hiện đặt ECMO, các bác sĩ cũng đã quen, chắc tay. Tuy nhiên, trong thời khắc bệnh nhân nguy kịch, diễn biến xấu rất nhanh, lúc đó cũng có cảm giác sợ rằng không kịp cứu sống bệnh nhân, nên khá căng thẳng. Rất may, khoảng chưa đầy 1 tiếng, khi hoàn thành và thiết lập hệ thống ECMO, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định rất nhanh. Lúc đó, cả ê kíp mới phần nào thở phào nhẹ nhõm"- BS Khiêm kể.
Những ngày sau đó, bệnh nhân 19 cũng có tiến triển tốt lên. Ngày 4/4/2020, bệnh nhân được rút ECMO khiến các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng của Khoa vô cùng vui mừng, bởi việc rút được ECMO cho thấy, bệnh nhân đã đi được 70% chặng đường điều trị khỏi Covid-19. Tuy nhiên, do có bệnh lý nền về tim mạch nên sau khi rút ECMO được 4 ngày, vào khoảng 0h45 phút ngày 8/4, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn.
"Rất may thời điểm đó bệnh viện chưa quá tải nên có đủ nguồn lực để theo dõi sát diễn biến sức khỏe và phát hiện tình trạng bệnh của bệnh nhân kịp thời. Bởi việc cấp cứu ngừng tuần hoàn mà phát hiện muộn, nếu bệnh nhân sống được thì cũng để lại di chứng, đặc biệt là tổn thương não, sẽ hôn mê, sống đời sống thực vật"- BS Khiêm nói.
BS Khiêm cho biết, thời điểm đó bệnh nhân 19 ngừng tuần hoàn 1 lần trong 40 phút, các bác sĩ phải sốc điện đến 3 lần mới tạo được nhịp độ ổn định hơn cho bệnh nhân. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân trong vòng 40 phút thực sự là khủng khiếp.
"Ê kíp ép tim lúc đó có khoảng 8 người gồm 4 bác sĩ và 4 điều dưỡng, thay nhau thực hiện. Với người khỏe, nếu thực hiện ép tim khoảng 1 phút là tay đã rã rời. Bởi thông thường 1 phút sẽ phải ép khoảng 120 lần. Nếu tay ép lỏng hoặc ép không đúng kỹ thuật sẽ không đảm bảo được tuần hoàn cho bệnh nhân, việc ép tim sẽ không thành công. Để ép chuẩn kỹ thuật thì sẽ tương đối mệt"- BS Khiêm chia sẻ.
BS Khiêm nhớ lại, ê kíp thực hiện ép tim được khoảng 30 phút, bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu khả quan, khi đó cả ê kíp đã nghĩ sẽ phải buông tay, không chiến thắng được tử thần. Nhưng rất may sau đó, trái tim của bệnh nhân số 19 đã đập trở lại. Thêm 1 lần nữa, các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng lại thở phào sau những phút nghẹt thở, nỗ lực đến bơ phờ.
Với kinh nghiệm trong nghề, các bác sĩ hiểu rõ việc ngừng tuần hoàn làm bệnh nhân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: tình trạng nhiễm trùng tăng lên, suy thận, tổn thương phổi nhanh. Vậy là đội ngũ nhân viên y tế lúc này lại phải bước vào một cuộc chiến mới để giúp BN19 hồi phục. Nhưng không vì thế mà họ chùn bước, tất cả nhân viên y tế dù mệt mỏi vẫn cố gắng từng chút để giữ được thành quả.
"Mặc dù phải bắt đầu lại từ đầu nhưng rất may bệnh nhân ổn định dần. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, bỏ được thợ máy, thậm chí không phải thở ô xy. Bệnh nhân cũng đã dậy tập đi lại. Đối với các bác sĩ, bệnh nhân ổn định là điều vô cùng mừng, đó là điều không gì có thể tuyệt vời hơn"- BS Khiêm chia sẻ.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhieu đieu duong, ho sinh đa cung voi cac bac si nỗ lực tham gia phong chong dich suốt nhiều ngày liền trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao.
Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Thị Thường chia sẻ, việc chăm sóc các bệnh nhân nặng nói chung và bệnh nhân Covid-19 rất vất vả, khiến điều dưỡng gặp phải những khó khăn nhất định. Hàng ngày, các nhân viên điều dưỡng liên tục thay phiên nhau để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng. Công việc của điều dưỡng là phải túc trực bên bệnh nhân 12 tiếng/ngày để chăm sóc, hỗ trợ các bác sĩ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, ECMO, lọc máu hay hỗ trợ đặt ống thở cho bệnh nhân. Công việc vất vả và có nguy cơ phơi nhiễm cao nên đôi khi cũng khiến các điều dưỡng lo lắng, căng thẳng. Với các bệnh nhân nước ngoài, thể trạng họ nặng, trọng lượng thường tầm 90kg, trong khi đó việc chăm sóc, điều trị cho họ đều là chăm sóc toàn diện. Vì vậy từ khâu vệ sinh, tắm rửa cho bệnh nhân, nghiêng trở bệnh nhân hàng ngày thực sự không hề dễ dàng.
Chị Thường cũng cho biết, 14 năm làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng đây là thời điểm chị xa gia đình nhiều ngày nhất và là thời gian chị ở lại bệnh viện lâu nhất. Hai tháng chưa được về nhà, mắt chị bỗng đỏ hoe và rơm rớm khi nhắc đến 2 cô con gái còn nhỏ đã lâu chị chưa được ôm hôn, chăm sóc.
Chị Thường kể, những lúc các con nhớ mẹ, chồng chị đã đưa 2 con đến cổng bệnh viện để được nhìn mẹ. "Tuần đầu tiên xa nhà, khi gặp các con đứng ở cổng bệnh viện, nhìn các con gầy hẳn mình thấy xót, thương các con lắm, cảm thấy chạnh lòng vì không được chăm sóc cho các con"- chị Thường nói.
Làm công việc điều dưỡng tuy vất vả, căng thẳng nhưng những tình cảm chân thành từ người bệnh đã giúp họ vượt qua, tan tuy voi cong viec.
"Trong quá trình bệnh nhân 19 nằm ở khoa, có nhiều thời điểm bệnh nhân tỉnh, ý thức được, khi chưa thể giao tiếp được, bệnh nhân đã ghi ra những dòng chữ khiến các điều dưỡng rất cảm động như "Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều, tôi không quên ơn các bạn"- chị Thường kể.
Chứng kiến bệnh nhân hồi phục, nhìn thấy những bệnh nhân mình tận tâm chăm sóc, điều trị có những kết quả nhất định, các bác sĩ, điều dưỡng đều rất vui mừng. Đó chính là động lực để mọi người động viên nhau cùng cố gắng.
"Điều mong muốn nhất của mình vào thời điểm hiện tại là các bệnh nhân được ra viện hết và mình được trở về với gia đình, tiếp tục nhịp sống bình thường trong cuộc sống"- chị Nguyễn Thị Thường- Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.
Trưa 14/5, chúng tôi có dịp được vào thăm bệnh nhân 19 đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân mặc dù còn mệt do vấn đề về tim mạch, giọng nói tuy còn yếu nhưng bà vẫn muốn bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn đối với các y bác sĩ đã trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bà trong hơn 2 tháng qua.
"Hiện tôi cảm giác đã khoẻ được tới 70%, tuy tôi chưa tự bước đi được. Các y bác sĩ và mọi người rất quan tâm, tôi rất cảm ơn sự thương yêu, động viên để tôi có sức khoẻ và hồi phục. Tôi vô cùng cảm động, bởi trong 1 tháng trời, các y bác sĩ còn phải mặc bỉm để luôn túc trực quanh tôi, tôi rất biết ơn"- bệnh nhân 19 chia sẻ.
Bệnh nhân cũng cho biết, hàng ngày, nhân viên điều dưỡng cũng hỗ trợ, giúp bà tập vận động, đi lại.
"Tôi chỉ biết cảm ơn Nhà nước, các y bác sĩ đã tạo điều kiện chăm sóc, điều trị cho tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Điều tôi mong mỏi nhất là sau khi khỏi bệnh là được về nhà. Khi nào khoẻ mạnh, tôi sẽ đến bệnh viện để cảm ơn tất cả mọi người"./.
Sai lầm tai hại khi ăn trứng vịt lộn Nếu không biết cách ăn trứng vịt lộn, rất có thể người ăn sẽ bị ngộ độc thực phẩm nguy hiểm tới tính mạng. Trứng vịt lộn là thức ăn phổ biến mặc dù không phải ai cũng dũng cảm để thưởng thức. Chứa hàm lượng đạm cao, trứng vịt lộn là món ăn tốt cho những chị em trong quá trình giảm...