Thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi
Ngày 19-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ ( sửa đổi). Luật gồm bảy chương, 50 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ (Ảnh: VGP).
Theo Luật này, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.
Video đang HOT
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chức năng và phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Chính phủ tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.
Cùng với đó, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, Chính phủ ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.
Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quyết định các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền con người, quyền công dân.
Chính phủ quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đối với chính quyền địa phương, Chính phủ thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước một năm hai lần.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Kinh phí hoạt động của Chính phủ do Quốc hội quyết định từ ngân sách nhà nước.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2016.
Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
ANH CHI
Theo_Báo Nhân Dân
Biểu quyết thông qua nghị quyết giám sát năm 2016
- Sáng nay 18-6, QH đã chính thức thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 với 433 phiếu tán thành/435 ĐB tham gia chiếm 87,47%.
Trước đó, các ĐB đã được nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bàybáo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH và Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Ngô Thị Minh trình bày dự thảoNghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.
Theo đó, chương trình giám sát năm 2016 gồm giám sát tối cao các nội dung như:
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016. Xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
QH chính thức thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Lê Phi
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV:Xem xét, thảo luận báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016. Xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo NTD
Vẫn lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm 2014 Chiều 23-6, bên lề Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội sẽ lùi việc thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi) về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tới kỳ họp cuối năm nay. - PV: Thưa ông, vì sao Quốc hội lại lùi việc thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi)? - Phó Chủ tịch...