Thông qua Hiến pháp, cơ cấu nhân sự tại kỳ họp Quốc hội lần này
Sáng nay 21/10, kỳ họp Quốc hội thứ 6 bắt đầu chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng như thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, luật Đất đai sửa đổi, hoàn thiện cơ cấu nhân sự Chính phủ với việc xem xét phê chuẩn mới 2 Phó Thủ tướng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Đây là kỳ họp “nặng” nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay (kéo dài 41 ngày với 35 ngày làm việc trực tiếp), Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, đặc biệt là việc thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi). Đây đã là lần thứ 3 dự thảo Hiến pháp, luật Đất đai được đưa ra Quốc hội thảo luận, quyết định, sau thời gian dài góp ý, bàn thảo của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Hiến pháp năm 1992 sửa đổi được kỳ vọng sẽ là đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những việc quan trọng của quốc gia, mà quan trọng nhất là các quyền tự do của con người; những nguyên tắc cơ bản của chế độ, hình thức tổ chức và cơ chế hoạt động của nhà nước.
Trong khi đó, thực tế 70% đơn thư khiếu nại của dân liên quan đến đất đai, một nửa số quyết định hành chính về đất đai còn sai sót, dẫn đến những vụ tranh chấp kéo dài cũng chứng tỏ đất đai là một vấn đề lớn cần xem xét, giải quyết triệt để trong luật Đất đai sửa đổi.
Ngoài ra, nội dung lập pháp của Quốc hội kỳ này cũng sẽ rất nặng với 7 dự án luật khác cần xem xét thông qua, 13 dự án luật cần cho ý kiến.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo về vấn đề kinh tế, xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước như các báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; báo cáo về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012; kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện…
Video đang HOT
Mở đầu buổi làm việc đầu tiên, như thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay. Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế tiếp nối ngay sau đó.
Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác của kỳ họp này là hoàn thiện công tác nhân sự, của cả Quốc hội và Chính phủ.
Về phía Chính phủ, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân được điều động làm Chủ tịch UB TƯ MTTQ, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng của ông Nhân và xem xét phê chuẩn nhân sự thay thế theo giới thiệu của Chính phủ. Được biết, Thủ tướng đã giới thiệu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho vị trí Phó Thủ tướng này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng được đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng. Khi đó, như thông lệ, Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề ngoại giao và kinh tế đối ngoại kiêm nhiệm cả chức danh Bộ trưởng Ngoại giao.
Như vậy, bộ máy lãnh đạo Chính phủ được kiện toàn với Thủ tướng và 5 Phó Thủ tướng. Chỉ còn lại nhân sự thay thế vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện tại của ông Vũ Đức Đam hiện vẫn chưa được thông tin cụ thể.
Về phía Quốc hội, dự kiến, kỳ họp này Quốc hội xem xét điều chỉnh một số chức danh Phó Chủ nhiệm UB, Hội đồng dân tộc của UB Thường vụ Quốc hội.
Công tác nhân sự sẽ được tập trung xem xét, hoàn thiện trong nửa đầu tháng 11, trước khi Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng đề nghị phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng mới
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngoài việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chọn người thay thế, Thủ tướng còn đề nghị tăng thêm 1 Phó Thủ tướng cho Chính phủ. 2 nhân sự được giới thiệu là Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh.
Thông tin về nội dung công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 trong buổi họp báo chiều 17/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong kỳ họp này, Chính phủ có đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chuyển sang làm công tác tại UB TƯ MTTQ Việt Nam. Việc đó đồng nghĩa phải chọn một nhân sự khác thay thế vị trí Phó Thủ tướng của ông Nhân.
Hai Bộ trưởng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh được đề nghị phê chuẩn làm Phó Thủ tướng
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị tăng thêm 1 Phó Thủ tướng cho Chính phủ. "Như vậy, kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn 2 chức danh Phó Thủ tướng" - ông Phúc nói.
Cụ thể về các nhân sự được đề nghị, ông Phúc chỉ rõ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã được đề nghị miễn nhiệm chức vụ này để giới thiệu đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ.
Với câu hỏi nhân sự được đề nghị thay thế vị trí các Bộ trưởng đảm nhiệm cương vị mới, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Phạm Bình Minh sẽ kiêm nhiệm cả 2 chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Chính phủ.
Còn phương án nhân sự thay thế Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, đến thời điểm này Thủ tướng vẫn chưa trình Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội.
Trong chương trình, dự kiến ngày 13/11 tới, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định việc này vào sáng 14/11.
Vũ Đức Đam sinh ngày 3/2/1963 tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông từng là Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Bưu điện), Vụ trưởng Vụ ASEAN (Văn phòng Chính phủ), Vụ trưởng - Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông Đam hiện là Bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong Chính phủ.
Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông cũng là con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật Phạm Văn Cương).
Khai mạc từ ngày 21/10 và dự kiến sẽ bế mạc ngày 31/11, kỳ họp Quốc hội thứ 6 này được đánh giá là kỳ họp kéo dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay với tổng cộng 44 ngày, trong đó có 35 ngày làm việc trực tiếp. Quốc hội lần họp này sẽ dành nhiều thời gian để xem xét, quyết định 2 đạo luật quan trọng là Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau những lần thảo luận tại 3 kỳ họp trước đã tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện tại còn một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau. Đầu tiên là quy định về chính quyền địa phương. Do chưa kịp tổng kết thí điểm không tổ chức HĐQND quận, huyện, phường cũng như thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Đà Nẵng nên bản dự thảo trình Quốc hội lần này vẫn thiết kế 2 phương án. Phương án 1 để ngỏ quy định về chính quyền địa phương để bổ sung, quyết định sau khi tổng kết việc thí điểm. Phương án 2 quy định rõ hơn, chính quyền gồm HĐND, UBND nhưng không phải nơi nào cũng đầy đủ 3 cấp chính quyền, một số nơi sẽ không có cấp phường, quận (không tổ chức HĐND). Thăm dò ý kiến qua Hội nghị đại biểu QH chuyên trách nửa tháng trước, đa số ý kiến nghiêng về phương án 1. Vấn đề Hội đồng Hiến pháp, ông Phúc phân tích, việc bảo vệ Hiến pháp hiện được giao cho các UB, Hội đồng dân tộc của Quốc hội có chức năng giám sát, đảm bảo tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Qua giám sát, các cơ quan này đã phát hiện được một số văn bản vi hiến, kịp thời yêu cầu chỉnh sửa lại. Mô hình cơ quan bảo hiến độc lập tại Việt Nam rất mới, chưa từng áp dụng. Vì vậy dự thảo cũng có 2 phương án. Phương án 1 quy định việc tổ chức Hội đồng Hiến pháp, phương án 2 giữ nguyên như bộ máy hiện hành, chỉ đầu tư thêm cơ sở vật chất, con người cho các cơ quan hiện tại để làm công tác bảo vệ Hiến pháp được tốt hơn. Luật Đất đai sửa đổi cũng đã qua lần thứ 3 thảo luận tại Quốc hội. Quyết định lùi bấm nút vào phút chót tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ được thông qua, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được quyết định. Dự thảo mới nhất đã tăng 2 điều so với lần trình ra Quốc hội hồi đầu năm. Về vấn đề thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, các ý kiến đã thống nhất vẫn quy định thu hồi đất với các dự án loại này. Tuy nhiên, trong luật ghi rất rõ danh mục dự án phục vụ phát triển kinh - tế xã hội gồm dự án nào. Ngoài ra, kỳ họp này cũng có sự điều chỉnh nhỏ trong chương trình chất vấn. Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Quốc hội thường bố trí 2,5 ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ nhưng kỳ họp thứ 6 này, hoạt động chất vấn được nâng lên 3 ngày để Quốc hội có thêm thời gian xem xét báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Chất vấn từ kỳ họp 3, 4 , 5 đến giờ cũng như báo cáo thêm việc thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp.
P.Thảo
Theo Dantri
Ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ được miễn nhiệm Phó Thủ tướng Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội tới đây sẽ tổ chức miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân vì vừa được nhận nhiệm vụ mới. Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 QH sẽ tổ chức miễn nhiệm chức danh PTT với ông Nguyễn Thiện Nhân Sáng 12/9, UBTVQH đã bàn bạc, cho ý...