Thống nhất ý chí, hành động về phòng, chống tham nhũng
Nhiều mặt chưa được trong công tác phòng, chống tham nhũng được nêu ra cùng các hướng khắc phục.
Ngày 25-6, gần 500 đại biểu từ trung ương tới địa phương (có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, trưởng các ban đảng ở trung ương, bí thư các tỉnh, thành) đã dự hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Củng cố niềm tin, tăng cường kỷ cương…
Theo báo cáo của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, công tác PCTN từ sau hội nghị lần trước, đặc biệt từ sau Đại hội XII tới nay “đã có một bước tiến mạnh, đột phá…; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm”, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra là còn nhiều hạn chế trong công tác PCTN như chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên. Đâu đó vẫn còn tư tưởng lo ngại làm nghiêm quá thì giảm đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước người dám nghĩ, dám làm, làm chậm lại sự phát triển. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN. Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn
Chống tham nhũng không làm chậm sự phát triển
Để công tác PCTN tiếp tục vững chắc, hội nghị lần này thống nhất một nhóm phương hướng, giải pháp trọng tâm cho thời gian tới.
Video đang HOT
Về tuyên truyền, cần tiếp tục quán triệt sâu rộng quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là kiên quyết xử lý nghiêm khắc cán bộ, đảng viên sai phạm. Với quần chúng, cần khẳng định rõ là công tác PCTN không hề làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, động cơ trong sáng, lành mạnh, vì sự nghiệp đổi mới của Đảng. Công tác PCTN không làm chậm sự phát triển mà ngược lại làm trong sạch, tạo ra sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ. Qua đó củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới cho đổi mới.
Với cán bộ, đảng viên thì phải kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng. Phải biết phê phán, lên án, tích cực đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Phải trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.
Với công cụ kiểm tra, giám sát của Đảng thì quan điểm vẫn là tăng cường giám sát từ trên xuống, từ dưới lên và lẫn nhau trong cùng cấp; tăng cường quản lý, giám sát thường ngày với đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Đồng thời nhấn mạnh: Sự tín nhiệm không thay thế cho giám sát; tín nhiệm là tiền đề, giám sát là đảm bảo để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
50 người đương chức, chuyển công tác, nghỉ hưu thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có chín người là ủy viên hoặc nguyên ủy viên Trung ương trong hai năm qua.
Đảng viên phải đặt kỷ luật Đảng lên trước pháp luật
Đáng chú ý, giám sát, kỷ luật Đảng tới đây sẽ được phát huy mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên biết kinh sợ, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát và ràng buộc.
Đặt kỷ luật của Đảng lên trước pháp luật, nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt người trước răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, truy tố một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Quán triệt và thực hiện phương châm: Phòng ngừa, giải quyết sớm, “chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng”.
Hội nghị cũng nhấn mạnh việc kiểm tra, giám sát công tác cán bộ để ngăn ngừa và xử lý vi phạm. Tập trung kiểm tra, giám sát những người đang có biểu hiện tham nhũng; những người có nhiều dư luận phản ánh, tố cáo về tham nhũng; những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và được quy hoạch giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy hệ thống chính trị các cấp; hình thành kho lưu trữ tư liệu về liêm chính của các cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ngăn ngừa tham nhũng ngay trong các cơ quan PCTN cũng được lưu ý. Bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, sau đó sai phạm này lại được phát hiện bởi các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khác.
NGHĨA NHÂN
Theo PLO
Ông Vũ Quốc Hùng: UBKT các cấp phải luôn trong sạch, bản lĩnh
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Quy định số 01 quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ đã có trao đổi với Dân Việt xung quanh những điểm mới của quy định này.
Ông Vũ Quốc Hùng: Chống tham nhũng phải có bàn tay sạch (Ảnh: IT)
Thưa ông, Ban Bí thư vừa ban hành Quy định số 01 quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT. Ông có đánh giá gì về quyết định này?
Tôi cho rằng, đây là bước tiến lớn trong công tác phòng chống tham nhũng và cần tiếp tục được phát huy. Quy định trách nhiệm thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng chống tham nhũng có 2 phần rất rõ là quyền hạn và trách nhiệm. Quyền hạn và trách nhiệm luôn luôn là "anh em sinh đôi" gắn bó mật thiết với nhau, nâng trách nhiệm cao hơn, thẩm quyền cũng nhiều hơn. Ví dụ, UBKT từ cấp huyện trở lên được trao quyền yêu cầu không cho cán bộ, đảng viên xuất cảnh, không được biến đổi tài sản của mình trong khi đang tiến hành kiểm tra. Nếu không có quy định này thì vẫn tùy tiện xuất cảnh và có nguy cơ tẩu tán tài sản.
Theo ông việc trao quyền tới UBKT cấp huyện có phải là một bước tiến lớn?
Trách nhiệm và quyền hạn được giao đến tận UBKT từ cấp huyện, tức là mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho cấp dưới rất lớn hơn. Tuy nhiên, khi đã giao quyền hạn mà trách nhiệm không hoàn thành, không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm theo quy định. Quy định này có 2 vế rất rõ ràng là trách nhiệm và thẩm quyền các cấp từ huyện trở lên phải có trách nhiệm phát ra các quyết định của mình để ngăn cản tiêu cực trong cán bộ đảng viên, kịp thời chính xác, nghiêm minh. Đó là trách nhiệm nhưng để thực hiện trách nhiệm ấy là họ có quyền hạn, khác hẳn với trước đây. Bởi muốn chống tham nhũng, chống tiêu cực nhưng không có thẩm quyền thì khó thực hiện.
Với quyết định này, UBKT sẽ có những thay đổi gì so với trước đây như thế nào thưa ông?
Thực ra, trước khi có quyết định này của Ban Bí thư, trong quá trình hoạt động của mình, căn cứ vào điều lệ Đảng, UBKT các cấp cũng đã thực hiện nhưng chỉ khác trước đây là không có quy định, không có trách nhiệm. Do đó, thấy có vấn đề thì chỉ đề nghị thôi chứ không được yêu cầu, nên họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Ngoài ra, cũng mời các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan công an để có thể xem xét toàn diện về mặt pháp luật.
Tuy nhiên, bây giờ đã có Quyết định này rồi thì khi có công văn của UBKT các cấp, UBKT Trung ương sẽ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cùng tham gia xem xét, yêu cầu cấm xuất cảnh, tầu tán tài sản, giữ nguyên hiện trường trong quá trình kiểm tra...
Thời gian qua, có hàng loạt cán bộ sau khi có những phát hiện sai phạm của cơ quan chức năng thì họ "đi chữa bệnh ở nước ngoài", theo ông tình trạng này liệu có hạn chế được trong thời gian tới?
Trước đây là chưa có quy định cụ thể, nhưng giờ có quy định này rồi thì UBKT các cấp phải có quyết định yêu cầu cấm xuất cảnh, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Nếu không thì UBKT cấp đó sẽ làm chưa hết trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm khi xảy ra các trường hợp Đảng viên xuất cảnh không báo cáo.
Như ông nói quy định này phân rất rõ cả phần trách nhiệm và quyền hạn của UBKT. Việc trao quyền lớn liệu có nảy sinh tiêu cực trong quá trình thực thi, thưa ông?
Với quyết định này, tôi cho rằng sẽ dễ làm hơn, dễ triển khai hơn với những người có bản lĩnh, có dũng khí và có "bàn tay sạch" chứ "bàn tay nhơ nhớp" thì không làm được. Quy định có rồi sẽ dễ thực hiện, dễ xem xét, dễ quy trách nhiệm, dễ kiểm tra giám sát... Nhân dân cũng có thể kiểm tra giám sát, cấp ủy cũng dễ kiểm tra giám sát vì UBKT do cấp ủy bầu ra.
Tất nhiên, những người có tiêu cực, người lười biếng là lo hơn vì có quy định này dễ kiểm soát, cấp ủy, các ngành khác và nhân dân kiểm soát, anh có hoàn thành nhiệm vụ không? Thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn không?
Có thể nói, đây là quyết định rất cần thiết, cẩm nang cho UBKT các cấp hành động dễ dàng hơn. Qua đây, yêu cầu UBKT các cấp luôn luôn trong sạch, có bản lĩnh trình độ, khi phán xét sai phạm cần chuẩn xác, không để xảy ra oan sai, ảnh hưởng danh dự của người khác.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Ban Bí thư Đó là các ông Phan Đình Trạc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung...