Thống nhất dùng 500 triệu USD từ Formosa đền bù tập trung cho dân
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình quán triệt, khoản tiền 500 triệu USD Formosa đền bù sự cố ô nhiễm biển miền Trung trước hết là bồi thường thiệt hại cho dân, cần tập trung triển khai ngay. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để trình Chính phủ ngay trong đầu tháng 7…Nội dung làm việc sau cùng của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 6 chiều muộn ngày 1/7, các thành viên Chính phủ, UB MTTQ Việt Nam thống nhất quan điểm sử dụng khoản tiền 500 triệu của Fomosa USD đền bù thiệt hại gây ra trong sự cố cá chết bất thường dọc biển miền Trung.
Phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh thành cả nước.
Không để thất thoát tiền đền bù
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc sử dụng số tiền 500 triệu USD bồi thường của Formosa phải được xử lý đúng.
“Trước hết là bồi thường thiệt hại cho dân, đây là việc cần tập trung. Việc này phải xác định đúng, chính xác, dựa trên cơ sở hướng dẫn kê khai đúng thiệt hại thực tế. Bộ NN&PTNT chủ trì, Bộ Công thương cũng phải tham gia vì có những ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng như diêm dân, dịch vụ, du lịch. Đảm bảo không để thất thoát trong hỗ trợ”, ông Trương Hòa Bình nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra là hỗ trợ về tín dụng để ngư dân có thể trở ra biển, bồi thường cải tạo môi trường biển trong đó có tẩy rửa biển, trang thiết bị quan trắc môi trường biển, trồng lại san hô, tái tạo cá biển, thủy sinh…
Theo Phó Thủ tướng, những việc này đòi hỏi chi phí cao nhưng cũng tạo ra thêm việc làm cho người dân.
Liên quan đến vấn đề sinh kế lâu dài cho người dân bị ảnh hưởng vì biển ô nhiễm, một phần tiền cũng sẽ được dùng để hỗ trợ người dân cũng có yếu tố chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao…
Một việc khác Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý là Chính phủ cần tiến hành rà soát thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước để kiểm soát các DN, cơ sở sản xuất có xả thải gây ô nhiễm ra môi trường, đảm bảo đúng pháp luật, có quy trình và công nghệ kiểm soát.
Bài học được rút ra sau sự cố, về công tác quản lý, theo Phó Thủ tướng là kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các cơ sở đang sản xuất, và phòng ngừa những cơ sở có thể phát sinh, khâu phê duyệt dự án cũng phải đảm bảo môi trường, cũng như rút kinh nghiệm để ứng phó các sự cố tương tự trong tương lai, nhanh chóng không để bị động.
Phó Thủ tướng cũng nêu ý kiến về việc thanh tra, kiểm tra xem trong quá trình cấp phép cho Formosa có tiêu cực không, nếu có phải xử lý, người dân cũng mong đợi việc này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết ông đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đánh giá lại thiệt hại cho ngư dân, cơ cấu lại nợ, miễn lãi và cho vay mới, cũng như cho vay thu mua hải sản…
Đã chuẩn bị sẵn sàng phương án
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển đội tàu, đóng tàu mới, huấn luyện thuyền viên, thuyền trưởng, khôi phục nuôi trồng thủy hải sản, thu mua tạm trữ, phát triển dịch vụ du lịch biển…, Chính phủ cũng cần công bố vùng ngư trường đánh bắt hải sản không an toàn nếu có để người dân tránh và yên tâm đánh bắt hải sản ở những nơi an toàn, được chứng nhận, từ đó ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông cũng kiến nghị ngành giáo dục xem xét miễn, giảm các khoản đóng góp đầu năm học mới tới đây đối với những gia đình học sinh bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi sự cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về việc lên kế hoạch sử dụng khoản tiền 500 triệu USD. Ông Phát khẳng định, nửa đầu tháng 7 sẽ gấp rút hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngư dân.
Video đang HOT
“Thực tế là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, bây giờ trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và góp ý, chúng tôi sẽ hoàn thiện để sớm trình lên Chính phủ”, ông Phát nói.
Đối với việc xây dựng, cải tạo các cảng cá ở miền Trung, Bộ trưởng Phát cho biết đã có chủ trương sử dụng vốn ODA để làm.
“Rủi ro của không quân rất lớn”
Báo cáo cập nhật về việc khắc phục sự cố 2 máy bay quân sự Su-30MK2 và Casa-212 bị rơi liên tiếp, Trung tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, đến thời điểm này, máy, động cơ, 2 hộp đen của máy bay Casa đã được trục vớt thành công. Lực lượng cứu nạn cũng xác định được vị trí của máy bay Su, sẽ tiến hành trục vớt trong những ngày tới.
“Chúng tôi xác định đây là tai nạn nghiêm trọng mà từ trước đến nay chưa có. Thiệt hại về người là rất lớn, thiệt hại tài sản cho quốc gia cũng rất lớn là 2 máy bay hiện đại” – tướng Chiêm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2000 đến nay, ta có 29 vụ tai nạn với 38 phi công nhưng chưa có vụ nào nghiêm trọng như vậy. Ở các nước như Nga, Mỹ, trung bình 9.000-16.000 giờ bay có một vụ tai nạn, ở Việt Nam là 12.360 giờ có một vụ tai nạn.
Rủi ro của ngành không quân, theo Thứ trưởng Lê Chiêm là rất lớn, cũng tạo một tâm lý rất lớn trong quân đội.
Sau khi tổ chức mai táng nghiêm túc, tình cảm cho 8 liệt sĩ Casa-212 và 1 liệt sĩ Su-30MK2, việc tiếp theo, tướng Chiêm báo cáo, là giải quyết chế độ chính sách cho gia đình, người thân của các quân nhân.
Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, hoàn cảnh của 9 đồng chí đều éo le, vợ chưa có công ăn việc làm, con còn nhỏ, gia đình neo đơn. Hiện một số nơi đã hỗ trợ các gia đình, để lại ấn tượng rất tốt trong quân đội. Ngành sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa chính sách hậu phương quân đội.
Quân ủy Trung ương cũng xác định tiếp tục tìm kiếm quân nhân cuối cùng của Casa-212 và trục vớt máy bay Su30. Sau đó sẽ tiến hành giải mã, nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ vấn đề, tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Một lần nữa nhắc lại nhận định đây là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng, Trung tướng Lê Chiêm cho biết, nếu để kéo dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, trong đó có tâm lý cán bộ, chiến sĩ, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với lực lượng quân đội, đặc biệt là khi lực lượng này đang tiến lên chính quy, hiện đại.
P.Thảo
Theo Dantri
GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa
Chấm điểm cho Chính phủ và Bộ TN&MT trong việc tìm ra thủ phạm Formosa gây ra vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, GS Đặng Hùng Võ nói: "Chắc chắn là 10.
GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa
Ngay sau buổi họp báo Chính phủ chiều nay, 30/6 về nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT về những vấn đề liên quan.
Chính phủ đã hoàn thành một trách nhiệm rất lớn trước dân
PV: Ông có bất ngờ không trước thông tin Chính phủ công bố Formosa Hà Tĩnh chính là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh văn biển miền Trung trong thời gian qua?
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi không bất ngờ.
PV: Mức bồi thường 500 triệu USD mà Formosa đưa ra cho vụ việc vừa rồi có phải là mức bồi thường lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này?
Ông Đặng Hùng Võ: Với môi trường thì đây không phải là vụ lớn nhất nhưng với Việt Nam thì đó là mức bồi thường lớn nhất. Trên thế giới, nhiều vụ ô nhiễm môi trường lớn hơn nhiều.
Thứ hai, đây là tiền người ta cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế của người dân do sự cố môi trường gây ra.
PV: Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về việc Formosa nhận trách nhiệm trễ như vậy?
Ông Đặng Hùng Võ: Chả cứ Formosa, nhiều nhà đầu tư cứ cố gắng chối được đến lúc nào hay lúc đó. Nó thể hiện phông văn hoá không cao, trách nhiệm xã hội không lớn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thái độ của Chính phủ cũng như Bộ TN&MT trong vụ việc này?
Ông Đặng Hùng Võ: Chính phủ đã có những bước đi khá tốt. Đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có những quyết định hiệu quả để dẫn đến ngày hôm nay Formosa phải thừa nhận mình là người gây ra sự cố môi trường và nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả.
PV: Liên quan đến việc tìm ra thủ phạm của sự cố môi trường này, trên mạng xã hội đã không ít ý kiến cho rằng thời gian tìm ra thủ phạm là quá dài. Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến này? Liệu khoảng thời gian 84 ngày như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ là dài so với một vụ án môi trường như thế này, thưa ông?
Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên là nhiều trường hợp nếu làm không khéo chúng ta còn không chỉ ra được ai là thủ phạm, ai gây ra sự cố môi trường và gây ra như thế nào.
Vì thế hiện nay, chúng ta làm được việc khiến Formosa phải thừa nhận, tâm phục khẩu phục, mình là người gây ra và chấp nhận chịu trách nhiệm thì phải nói rằng chúng ta đã làm được việc quá tốt.
Để xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân, mà chúng ta tìm ra luận cứ khoa học thì cũng không phải là đơn giản. Người dân thì cứ bày tỏ sự nóng ruột và tạo sức ép cho Chính phủ. Nhưng không phải trường hợp nào cũng tìm ra được thủ phạm.
Tôi cho là Chính phủ đã hoàn thành một trách nhiệm rất lớn trước dân. Và người dân cũng cần phải có niềm tin hơn nữa vào Chính phủ.
"Tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm"
PV: Liên quan đến Formosa thì nhiều báo đã thống kê những vụ việc về môi trường mà công ty này phải đền bù với số tiền hàng triệu USD. Qua việc này, chúng ta cần phải có cách nhìn như thế nào đối với công tác thu hút đầu tư trước những doanh nghiệp có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường, tránh để xảy ra một Formosa thứ hai?
Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, thu hút đầu tư là một việc nhưng không được đánh đổi. Chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi để họ có lợi nhuận, nhà nước có lơi, người dân có lợi.
Đó là việc các nước khác vẫn làm, các nước châu Âu vẫn làm và họ vẫn bảo vệ môi trường rất tốt. Chúng ta đừng vướng vào một tư duy là cứ phát triển thì phải huỷ hoại môi trường. Điều đó là không đúng.
Mà chúng ta thấy là vẫn phát triển được và vẫn bảo vệ được môi trường trong lành. Đó là việc chúng ta phải làm.
Tất nhiên, ở châu Âu thì có thể có nhiều nhà đầu tư tử tế, họ làm vừa tốt việc đầu tư kinh tế nhưng họ cũng làm việc bảo vệ môi trường rất tốt. Vì thế, chúng ta phải rà soát và định hình lại để vẫn đảm bảo môi trường đầu tư tốt mà vẫn bảo vệ được môi trường.
PV: Ông có nghĩ rằng cơ chế giám sát việc bảo vệ môi trường của các nước ở châu Âu như ông vừa đề cập đến tốt hơn của chúng ta?
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi có thể nói là văn hoá của những doanh nghiệp đầu tư tương tự cao hơn, trách nhiệm với xã hội cao hơn, trách nhiệm với môi trường cao hơn. Thành ra, đôi khi không cần giám sát thì họ vẫn tự nguyện thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường rất đầy đủ.
PV: Nếu chấm điểm Chính phủ và Bộ TN&MT trong trường hợp này, ông chấm điểm mấy?
Ông Đặng Hùng Võ: Chắc chắn là 10. Bởi vì tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm và nguyên nhân của sự cố.
Chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân của sự cố chứng tỏ chúng ta đã tiếp cận vấn đề một cách rất hợp lý, sử dụng cơ sở khoa học là một, cơ sở pháp lý là một. Đó là hai "chân" để chúng ta có thể xử lý tốt sự cố môi trường này.
Xin cám ơn ông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã nhiều lần cùng với các cơ quan chức năng làm việc với Formosa. Đến ngày 28/6, công ty Formosa đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết.
Đồng thời, Formosa cam kết 5 điểm:
1 Công khai xin lỗi Chính phủ, người dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Cam kết bồi thường với số tiền 500 triệu USD.
3. Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của xử lý nước thải, chất thải, cam kết xử lý triệt để các chất thải độc trước khi đưa ra môi trường theo quy định, không để tái diễn sự cố như đã xảy ra.
4. Phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung xây dựng, bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm, nhằm tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.
5. Thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu vi phạm sẽ chịu xử lý của pháp luật Việt Nam.
Theo Soha News
84 ngày điều tra, 500 triệu USD và bài học cho Formosa Họp báo ngày 30/06 đã chỉ đích danh Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung thời gian qua. Mặc dù kết quả không nằm ngoài suy đoán, nhiều người dân cảm thấy hài lòng trước thành quả đấu tranh của các cơ quan chính phủ trước Formosa, để tập đoàn này...