Thống đốc báo cáo Quốc hội, lo cho tín dụng BOT, bất động sản
Trong báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết Quốc hội vừa được gửi đến các đại biểu, Thống đốc NHNN bày tỏ lo lắng về chất lượng các khoản vay BOT giao thông, khi khoảng 64.676 tỷ đồng tín dụng cho vay BOT có nguy cơ phải cơ cấu nợ.
Hàng loạt dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu
Bơm 6.686 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ
Theo báo cáo của NHNN, bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.
Đặc biệt, trong năm 2019, 4 tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 6.686 tỷ đồng thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang thực hiện giải ngân theo tiến độ dự án.
Thời gian qua, NHNN đã theo dõi sát sao tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thứ nhất phải kiểm soát chặt chẽ, mức độ tập trung tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông. Tăng cường kiểm soát rủi ro trong việc cho vay đối với các dự án BOT giao thông. Thứ hai, tăng cường cho vay hợp vốn đối với các dự án lớn nhằm chia sẻ rủi ro, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định. Thứ ba, thờng xuyên nắm bắt thông tin về dự án, khách hàng vay vốn, phối hợp với khách hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Thống đốc cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay cókhoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Theo đó, dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Thứ hai, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng để minh bạch hóa và kiểm soát nguồn thu.
Thứ ba, đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, phối hợp với Bộ GTVT quản lý thu phí và quy hoạch giao thông địa phương.
Tín dụng bất động sản tăng nhanh, tập trung vào mục đích tự sử dụng
Theo báo cáo của NHNN, tín dụng bất động sản những năm gần đây tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực bấ động sản. Cụ thể, tín dụng kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ bất động sản tại thời điểm 31/12/2017 là 45,63% giảm còn gần 33% vào cuối năm 2019.
Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.
Tín dụng chứng khoán giảm mạnh thời gian qua. Năm 2018, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán là 14,7%, năm 2019 là 6,79%. Đến cuối tháng 3/2020, lĩnh vực cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 0,92%, chiếm 0,36%.
Tín dụng tiêu dùng cũng không còn tăng trưởng nóng như trước: năm 2016 là 48%, năm 2017 là 36,07%; năm 2018 là 29,59%; năm 2019 là 19,49%. Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 0,26%, chiếm 20,44%.
Trong khi đó, tín dụng với ngành sản xuất tăng, các lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng trưởng tích cực.
Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà
Ngày 24/4, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, vừa có Văn bản số 47/2020/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP HCM và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam nhằm đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) và người mua nhà.
Trong đó, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ DN BĐS sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Đề nghị tạo điều kiện tối đa cho các DN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng vay mới và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với DN được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. Đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép nới rộng thêm 5% đối với giới hạn cấp tín dụng, đối với một khách hàng không được vượt quá 20%; đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chỉ áp dụng đặc thù trong năm 2020. Đề nghị được xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Theo HoREA, mục tiêu tăng trưởng GDP nước ta năm 2020 là 6,8%, nhưng hiện nay, Ngân hàng châu Á (ADB) nhận định tăng trưởng GDP nước ta có thể đạt 4,8%, còn IMF dự báo chỉ đạt 2,7%. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khoảng 14%, nhưng đến giữa tháng 04/2020, mới tăng có 0,78%, chỉ bằng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019 (3,18%), nên cần có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để các DN, nhất là khu vực tư nhân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn nữa.
Quốc Định
Ngân hàng sẽ "đau đầu" với nợ xấu vì dịch Covid-19? Dù quyết liệt xử lý nợ xấu, nhưng hết năm 2019, tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng ở mức trên 3% như VPBank, trong khi LienVietPostBank, TPBank... cũng tăng mạnh về giá trị nợ xấu Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. Đáng lưu ý, nợ xấu ở các ngân hàng có nguy cơ tiếp tục gia tăng do tình hình dịch...