Thông điệp tiêu cực của Nhà Bà Nữ: Còn trẻ cứ sai đi rồi sửa, giải tỏa áp lực gia đình trên bàn nhậu và đi ngoại tình
Việc cố ý nhồi nhét quá nhiều tình tiết nhưng không giải quyết rõ ràng khiến Nhà Bà Nữ mang tới nhiều thông điệp tiêu cực.
Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.
Sau Bố Già (2021) thì Nhà Bà Nữ tiếp tục là một bộ phim mang đúng công thức của Trấn Thành với nội dung xoay quanh mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình. Tuy nhiên, nam MC dường như chỉ tập trung vào việc xây dựng những tiếng cãi vã mà quên mất giải quyết chúng để rồi đưa ra những thông điệp tiêu cực cho giới trẻ.
Còn trẻ nên cứ sai đi rồi sửa
Mâu thuẫn chính của Nhà Bà Nữ nằm ở việc tuổi trẻ thì “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép.” Từ đầu, Ngọc Nhi (Uyển Ân) được bà Nữ (Lê Giang) ngăn cấm có bạn trai và bắt ép phải học ngành ngân hàng thay vì theo đam mê làm gốm. Từ đó mà cô bắt đầu đấu tranh cho “quyền được thất bại” bằng cách trốn học, yêu đương để chống đối và nói ra những câu đạo lý “sâu sắc”.
Nhưng thực tế thì phim có “đời” đến đâu cũng chỉ là phim chứ chẳng phải đời. Có những thứ thất bại có thể khiến người mất hết tương lai, có những thứ thất bại khiến người ta không ngóc đầu lên được và có những thứ thất bại kéo cả gia đình, người thân xuống vũng bùn. Cứ lấy cớ là trẻ rồi muốn thất bại để có thể đứng lên và làm lại là được sao?
Văn minh nhân loại rực rỡ sau vài nghìn năm phát triển là do kinh nghiệm đúc kết của người đi trước để lại cho con cái. Nhờ đó mà chúng ta không phải mất công phạm vào sai lầm cũ của họ. Chỉ một thông điệp “đòi sai” của Nhà Bà Nữ như kéo tụt cả một thế hệ vậy.
Đành rằng chẳng ai đúng mãi, nhưng sai phải cho đáng cái sai chứ chẳng phải cãi cha cãi mẹ để rồi tự đâm đầu vào đường cụt. Ấy vậy mà sau bao biến cố, Nhi vẫn… tiếp tục đòi sai. Quả là một cú chốt hạ đi vào lòng đất khi cổ vũ cho lối sống YOLO (bạn chỉ sống một lần) và phóng túng của một bộ phận giới trẻ.
Cứ người lao động là phải gắn với chửi bới, cãi vã
Kể từ Bố Già bản web-drama cho đến điện ảnh và Nhà Bà Nữ, phim của Trấn Thành luôn có những màn cãi vã, chửi bới ồn ào, đậm chất chợ búa. Điểm chung của họ là đều xuất thân từ tầng lớp lao động. Điều này vô hình chung tạo ra tiền lệ trong mắt khán giả rằng cứ người dân lao động hoặc nghèo là phải ồn ào, là phải chửi thề, là phải mắng nhau liên tục.
Bà Nữ chính là nhân vật như vậy. Bà chửi cả khu phố còn hay hơn là hát, thiếu điều tám lạng nửa cân với Chí Phèo. Hết chửi con rể vì ngứa mắt, bà lại chửi con gái vì… thương nó quá. Đã vậy, đến khi bênh con thì bà Nữ lại quay sang chửi khách dù Nhi là người có lỗi. Bà chửi từ trong nhà ra ngoài phố, chửi từ người lớn để trẻ nhỏ, từ con cái tới khách hàng.
Khi phát hiện ra Nhi có thai với John ( Song Luân), việc đầu tiên bà Nữ làm là đến chửi nhà đối phương ngay giữa lễ khai trương thay vì nói chuyện cưới xin trước. Dù cuối phim, nhân vật có phần nào sửa chữa nhưng mọi thứ vẫn rất mờ nhạt và khó mà xóa nhòa được cái định kiến chửi bới vì tình thương trong mắt mọi người.
Bị áp lực gia đình là phải giải tỏa trên bàn nhậu hay ngoại tình
Video đang HOT
Trong phim, Phú Nhuận (Trấn Thành) là “chạn vương” thứ thiệt. Công việc của anh là phụ Ngọc Như (Khả Như) bán hàng online, phụ bà Nữ bưng bánh canh cua. Nhưng cái số “chạn vương” mấy ai hiểu, Nhuận bị cả mẹ lẫn vợ chửi từ trên đầu chửi xuống mỗi ngày. Để tìm cách giải tỏa, Nhuận thông đồng cho Nhi đi chơi với John, đổi lại cô sẽ mở cửa cho anh rể đi nhậu mỗi đêm.
Nhưng thà một tháng một, hai lần chẳng nói, gần như tuần nào Nhuận cũng nhậu. Đó là chưa kể một thời gian sau, Ngọc Như phát hiện ra chồng ngoại tình với một khách hàng của mình. Trong cuộc cãi vã sau đó, Nhuận kết luận là “ai cũng có lỗi”.
Vậy phải chăng cứ người ta có lỗi thì ta sẽ đáp lại bằng một lỗi lầm khác? Phải chăng bị áp lực gia đình là có thể đi nhậu liên miên hay ngoại tình? Tại sao Nhuận không thẳng thắn nói một lần với mẹ với vợ về những uất ức mà mình phải chịu mà lại âm thầm phạm lỗi rồi kết luận là “ai cũng có lỗi”?
Kẻ sống hưởng, người làm quần quật nhưng lỗi thì chia đều
Dù nhà không khá giả nhưng Nhi là một tiểu thư chính hiệu. Công việc của cô chỉ là đi học, phụ mẹ bán bánh canh cua. Nhưng dĩ nhiên, con bà chủ thì dù phạm lỗi vẫn được bênh tới cùng chứ đâu phải bị đuổi việc như người dưng nước lã. Cuối cùng, khi Nhi quen John đến mức có thai thì lỗi lầm lại do mẹ cấm cản chuyện yêu đương, do mẹ không cho con theo ngành học yêu thích.
Nhi ơi, nếu yêu chỉ để chọc tức mẹ thì dẫn đại một ai đó về giới thiệu là bạn trai cũng được. Sao lại thiếu kiến thức tình dục, buông thả đến có thai rồi nói tại mẹ? Chưa dừng lại ở đây, đến khi chuyển ra sống cùng John, Nhi lại ở căn hộ thuê giá 10 triệu/tháng, muốn ăn bò Wagyu. Cô chẳng hề quan tâm tới việc John làm quần quật với quán cà phê ra sao, chi phí sinh hoạt mỗi ngày như thế nào.
Đến khi nảy sinh mâu thuẫn thì… lỗi lại nằm ở John vì anh không tinh tế, không chu đáo, không biết nhường nhịn bạn gái. Thậm chí đến lúc kết phim, Nhi lẫn bà Nữ đều không có một lời xin lỗi John đúng nghĩa sau những gì đã xảy ra. Phải chăng Nhà Bà Nữ đang cổ vũ lối sống chỉ biết hưởng thụ và đổ lỗi?
Có lẽ, Trấn Thành nên tập trung vào việc xây dựng một kích bản hợp lý thay vì cố gắng nhồi nhét mâu thuẫn để câu nước mắt và những câu thoại sâu sắc phục vụ công tác quảng bá mà bỏ quên thông điệp then chốt.
Nhà Bà Nữ: Sự nhạy cảm của Trấn Thành trở thành "vũ khí chiến thắng" vào dịp Tết
Nhà Bà Nữ cho thấy rõ tham vọng "hồi sinh" phòng vé của Trấn Thành vào dịp Tết, nhưng khả năng thành - bại đường dài khó nắm bắt.
Kể từ khi công bố góp tên vào danh sách "đường đua" phim Tết năm 2023, nhiều người đã dám chắc Trấn Thành sẽ thắng. "Tàn dư" từ bom tấn Bố Già cũng như tên tuổi của vị MC - diễn viên hài gợi nhớ nhiều đến Thẩm Đằng của màn ảnh Hoa ngữ nổi tiếng, thuộc hàng "quốc dân" và dễ thu hút khán giả với sản phẩm của mình. Nếu Thẩm Đằng "san bằng" phòng vé với vai nhỏ trong Xin Chào, Lý Hoán Anh nói về tình mẫu tử thì giờ đây, Trấn Thành được dự đoán sẽ làm nên kỳ tích tương tự với Nhà Bà Nữ - dự án đánh dấu vai trò đạo diễn đầu tay của anh.
Nhà Bà Nữ kể về gia đình 3 thế hệ bán bánh canh cua, trong đó Ngọc Nữ (Lê Giang) nắm "chủ quyền" với lối sống nghiêm khắc, quy củ và khiến các thành viên khác lo sợ. Thế nhưng, có một người sẵn sàng làm trái lời Ngọc Nữ là cô con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân), cũng là người đẩy tình cảm mẹ con của cả hai vào diện thử thách. Tiếp tục chìm đắm trong đề tài gia đình - chính kịch, Nhà Bà Nữ cho thấy rõ tham vọng "hồi sinh" phòng vé của Trấn Thành vào dịp Tết, một ván cược tưởng chừng quá đỗi dễ đoán nhưng khi bị mổ xẻ, nhiều vấn đề chưa thỏa đáng xuất hiện.
Khi "tấm chiếu mới" đối đầu "hội từng trải"
Nhà Bà Nữ khai thác chủ đề theo lý thuyết thì không mới, nhưng thực tế lại khá hiếm trên màn ảnh Việt: mâu thuẫn mẹ - con gái. Đây là khía cạnh văn hóa gia đình dễ bị ủy mị khi được khắc họa, thế nhưng rất may Nhà Bà Nữ không gặp tình trạng như thế. Phim dẫn dắt khán giả vào nửa đầu tràn ngập tiếng cười, một cuộc chiến thế hệ tinh nghịch và đầy tươi vui, giữa một Ngọc Nữ quy tắc, khó tính và một Ngọc Nhi mưu cầu sự tự do, theo đuổi đam mê của chính mình. Để rồi sau đó, nửa sau phim "lái" người xem sang một màu sắc trái ngược hoàn toàn: khổ đau, dằn vặt, tranh cãi và chia ly rồi bắt sang nhiều vấn nạn đời sống gia đình, hôn nhân, tuổi trẻ... khác.
Phim lồng ghép nhiều vấn nạn vào bức tranh gia đình "chữ N".
Dễ thấy, Trấn Thành mang đến một tuyến tính đơn giản cho Nhà Bà Nữ, đi từ những tiếng cười đến những giọt nước mắt, rồi sau cùng là cái kết khiến trong lòng xốn xang. Đúng theo chia sẻ của đạo diễn trẻ trước đó, Nhà Bà Nữ không đuổi theo sự cầu kỳ, "hàn lâm" mà giống như một "đứa trẻ" bập bẹ lớn lên giữa dòng chảy điện ảnh, thế nhưng vẫn mang trên mình sự dí dỏm, thú vị và chất lượng để khán giả sẵn sàng ra rạp thưởng thức.
Vậy giá trị cốt lõi của bộ phim nằm ở điều gì? Đó vẫn đơn giản là... sự đơn giản thôi. Đó là cách mà vị đạo diễn thấu hiểu, cảm nhận và phản ứng với cuộc sống xung quanh. Anh dùng chất liệu có thật, câu chuyện đâu đó trong đời sống để biến thành Nhà Bà Nữ, và dùng nó để thu hút đối tượng đại chúng Việt vốn rất dễ bị hấp dẫn bởi điều dễ đồng cảm và tìm thấy trong đời thực nhất.
Sự nhạy cảm của Trấn Thành là một "vũ khí" lợi hại.
Sự nhạy cảm với cuộc sống và tiết chế của Trấn Thành
Ở lần trở lại màn ảnh rộng này, Trấn Thành đã tiết chế rất nhiều. Bớt đi những "miếng hài" dễ gây lố, những tình huống nước đôi dư thừa, hay những màn lăn bò thể hiện cảm xúc đầy tính kịch, anh mang đến một Nhà Bà Nữ chạm gần đến điện ảnh hơn. Phải gửi lời khen cho phần hình ảnh của phim được thiết kế đầy tính biểu tượng, có độ thẩm mỹ cao và sáng tạo. Điều này hòa quyện cùng nhà cửa, lối sống đường phố miền Nam thân thuộc, chân chất khá tự nhiên, giúp nâng tầm lẫn nhau để mang đến "tiệc thị giác" bắt mắt.
Phim có cảnh mở đầu được thiết kế độc đáo.
Một điểm sáng nữa của Nhà Bà Nữ là diễn xuất. Uyển Ân là cái tên gây bất ngờ nhất khi dù là "lính mới", cô đã thể hiện được khả năng của bản thân ở ngay cả những cảnh nhỏ nhất. Cách diễn của Uyển Ân đa dạng, không sống sượng và tiểu tiết chẳng khác gì anh trai mình. Cùng với đó, Lê Giang, NSND Ngọc Giàu, Khả Như và Song Luân là những ngôi sao tiếp theo gây ấn tượng với khán giả. Trấn Thành lùi lại về sau để làm vai phụ, thế nhưng vẫn có vai trò mật thiết và đáng nhớ. Song, sự xuất hiện của Lê Dương Bảo Lâm lại không như kì vọng khi anh chỉ là một "comedy relief" với tính chất gây cười, không sâu sắc cũng không khác biệt.
Uyển Ân - Lê Giang làm tốt vai trò của mình.
Lê Dương Bảo Lâm - nhân vật phụ mờ nhạt.
Một "Bố già bản nữ" nhưng có vỡ òa bằng?
Dễ thấy Nhà Bà Nữ có điểm giống với Bố già, nhất là ở khía cạnh xung đột thế hệ trong một gia đình có quá nhiều sự khác biệt. Nhà Bà Nữ là " Bố Già bản nữ", thế nhưng có điểm "trội" và có điểm "lặn". Nhà Bà Nữ gãy gọn, thẳng thắn hơn Bố Già, song điều này vô tình khiến cho bộ phim Tết Quý Mão khó chạm đến những đỉnh cao cảm xúc, mang đến sự vỡ òa tột đỉnh cho khán giả. Phim vẫn có những điểm cao trào đấy, thế nhưng cách xây dựng, thúc đẩy đến những "thiên đỉnh" cảm xúc ấy chưa đủ.
Nhà Bà Nữ bị "gãy" về cảm xúc.
Đặc biệt ở đoạn cao trào nhất phim về nhân vật Ngọc Nhi, phim chưa làm ổn ở cách bắt qua cái kết. Trấn Thành cho thấy sự cầu thị, biết lắng nghe, biết tiết chế - một điều rất đáng khen nhưng không đồng nghĩa với việc Nhà Bà Nữ đã thật sự hoàn hảo. Mặt khác, sự thiết lập của nữ chính Ngọc Nhi chắc chắn sẽ khiến nhiều người thở dài chán ngán, khi đây tiếp tục là một "báo con" gây rắc rối, nông nổi và được tận dụng để tạo nên hầu hết các biến cố xuyên suốt phim.
Ngọc Nhi - nhân vật khó gây thiện cảm.
Chấm điểm: 3/5
Nhà Bà Nữ có nhiều yếu tố thuận lợi, phải nói là thuận lợi nhất để thống trị dịp Tết này. Không có thể loại nào dễ bán vé dịp Tết hơn phim gia đình, và với cái tên tầm "quốc dân" của Trấn Thành, Nhà Bà Nữ nắm chắc trong tay những cột mốc, thành tích doanh thu ấn tượng. Tuy nhiên trở lại với câu chuyện nội tại của tác phẩm, đây vẫn là nước đi an toàn, còn đôi chỗ thiếu sót, song thể hiện được rõ rệt tầm nhìn, tư duy và sự tỉ mỉ trong cách tiếp cận đề tài cuộc sống của Trấn Thành và lồng vào "bộ sưu tập" nghệ thuật của chính mình. Khán giả ra rạp xem phim Nhà Bà Nữ như xem lại Bố Già với "tấm áo mới", ở một "vũ trụ mới" nên hãy chờ xem hiệu ứng truyền miệng sẽ mang tác phẩm đi xa đến đâu.
Nhà Bà Nữ khởi chiếu từ mùng 1 Tết, tức ngày 22/1/2023 tại các rạp trên toàn quốc.
'Nhà bà Nữ': Bộ phim đúng tầm, đúng 'chất' Trấn Thành Trấn Thành từng nói Nhà bà Nữ có thể hay hoặc dở tùy theo gu thưởng thức của từng người. Nhưng đây là bộ phim mà anh làm bằng tất cả lòng tự trọng. Và thật vậy, Nhà bà Nữ, dẫu chưa phải là một bộ phim xuất sắc nhưng in dấu rất rõ bóng hình của người làm phim có thái độ...