Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Singapore
Hằng năm, khoảng 16 giờ ngày 31.12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gửi đến báo chí và công chúng bản thông điệp gói ghém năm cũ và mở ra hướng đi cho năm mới.
Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra nhiều cam kết giải quyết các bức xúc của người dân trong thông điệp năm mới – Ảnh: AFP
Hãy cùng xem người đứng đầu Chính phủ Singapore nói gì trong bản thông điệp tổng kết năm 2013 đầy bão táp và dự đoán cho năm 2014 này.
Bản thông điệp dài tổng cộng 1.232 chữ được chia làm 3 phần (Singapore trong năm 2013, Con đường phía trước của chúng ta, và Một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả) với 16 đoạn.
Thành tựu
Đầu tiên, ông Lý đề cập đến thành tựu kinh tế. Ông đưa ra 2 con số: Kinh tế Singapore năm 2013 tăng trưởng 3,7%, cao hơn dự đoán ban đầu là 2,5 – 3,5%; và mức lương của tầng lớp có thu nhập thấp được nâng lên, đẩy mức lương ở khoảng giữa hai đầu cực đại và cực tiểu tăng được 3,9% so với năm trước.
Bên cạnh đó, những kết quả khác mà ông Lý cho là “đỉnh cao của sự xuất sắc” mà người Singapore đạt được, đó là: Bộ phimIlo Ilo về một phụ nữ giúp việc của đạo diễn trẻ Anthony Chen đoạt nhiều giải thưởng quốc tế; đoàn vận động viên Singapore tham dự SEA Games 27 đoạt nhiều huy chương ở nhiều môn thể thao; học sinh Singapore xếp thứ 3 về năng lực đọc hiểu, toán và khoa học theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA.
Xem ra, những thành tựu mà Singapore đạt được trong năm 2013, qua “kiểm kê” của ông Lý, là khá khiêm tốn. Chỉ gói ghém trong 130 chữ.
Nếu tinh ý, có thể nhận ra từ thông điệp của ông Lý ý đồ đề cao tiềm năng của người dân Singapore hơn là vô số kết quả nỗ lực của chính phủ và các cơ quan nhà nước được thế giới công nhận.
Chẳng hạn, ĐH Quốc gia Singapore năm 2013 vươn lên đứng đầu châu Á theo xếp hạng của tổ chức Quacquarelli Symonds uy tín; hay Singapore xếp thứ 2 thế giới (sau Thụy Sĩ) về năng lực cạnh tranh thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài toàn cầu do Trường kinh doanh số một thế giới INSEAD xếp hạng lần đầu tiên…
Pháo hoa đón chào thời khắc bắt đầu năm 2014 tại vịnh Marina của Singapore – Ảnh: Flickr
Video đang HOT
Con đường phía trước
Mặc dù có nguồn dự trữ quốc gia dồi dào, có cơ sở hạ tầng lẫn thượng tầng ưu việt để có thể chạy đua cùng thế giới, nhưng Singapore không bày tỏ tham vọng đầu tư để có nhà khoa học đoạt Nobel hay giành danh hiệu “cao nhất, dài nhất, to nhất” thế giới hay khu vực gì cả.
Mọi đầu tư của Singapore đều hướng đến lợi nhuận và ứng dụng thực tiễn.
Và “con đường phía trước” mà ông Lý Hiển Long đưa ra trong thông điệp đầu năm 2014 lại càng “bình dân” hơn. Nó đánh đúng nhu cầu thiết thân của người dân, và nhằm giải tỏa những bức xúc của người dân đối với sự điều hành của chính phủ trong thời gian qua.
Các nhu cầu và bức xúc chủ yếu xoay quanh các vấn đề “cơm áo gạo tiền”, như chi phí y tế và giá nhà ở cao, ngoài khả năng chi trả của người có thu nhập thấp; lao động có tay nghề cao từ nước ngoài cạnh tranh công việc người địa phương; lao động không có tay nghề đông đúc khiến một số công trình hạ tầng trở nên chật chội.
Ông Lý đã dành đến gần 450 chữ để đưa ra những cam kết và biện pháp giải quyết các bức xúc này.
“Chính phủ và cộng đồng sẽ hỗ trợ từng cá nhân”, ông cam kết.
Những định hướng mà ông đưa ra là tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho người già, trợ giá và rút ngắn thời gian chờ mua nhà chính phủ, giúp đỡ người có thu nhập thấp, siết chặt hơn quy trình tuyển dụng nhân lực nước ngoài để tạo lợi thế cho người địa phương…
Trong khuôn khổ thông điệp đầu năm, ông Lý không đưa ra những biện pháp cụ thể.
Các biện pháp, đi cùng các con số và bước đi cụ thể, sẽ dần được nêu ra trong Kế hoạch tài chính được trình bày trước quốc hội trong tháng 2 tới, trong các phiên họp quốc hội và tại buổi nói chuyện thường niên của thủ tướng trước người dân nhân dịp Quốc khánh Singapore 9.8.
Bên cạnh đó, ông Lý cũng dành hơn 300 chữ để nói qua những kế hoạch lớn trong chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng lẫn những biện pháp xây dựng quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Cú sốc bạo động
Mở đầu thông điệp, ông Lý Hiển Long nói: “Chúng ta đã đối mặt với một số điểm gập ghềnh trong năm qua. Là một xã hội, chúng ta đã bị thử sức, nhưng chúng ta đã cùng nhau vượt qua”.
Người đọc thông điệp của ông Lý ngay lập tức hiểu được “điểm gập ghềnh” lớn nhất mà ngài thủ tướng muốn đề cập là vụ bạo động tại khu Tiểu Ấn đêm 8.12.2013.
Những ai quan tâm đến Singapore đều cảm thấy sốc vì vụ này, bởi bạo động là một từ quá xa lạ ở đất nước mà đình công hay biểu tình phải được sự cho phép của chính quyền trước 2 tuần, và chỉ được diễn ra trong một khuôn viên hẹp được ấn định trong luật pháp.
Ngót 45 năm bình yên đến tẻ nhạt, việc 300 công nhân từ Ấn Độ tấn công hàng trăm nhân viên an ninh, đốt cháy và đập phá hàng chục xe cảnh sát, sau cái chết vì bị xe cán của một người đồng hương, khiến công chúng bàng hoàng.
Sự cố nghiêm trọng này đã được đưa vào bản thông điệp đầu năm – lẽ ra chỉ chứa đựng những tin vui và triển vọng rạng ngời – của ông Lý, và chiếm gần 90 chữ.
“Vụ bạo động ở khu Tiểu Ấn là không thể tha thứ được… Nó nhắc nhở chúng ta đừng xem nhẹ vấn đề gìn giữ trật tự, bình yên và ổn định”, ông Lý nói.
Quan ngại an ninh khu vực
“Trong khi tập trung vào các vấn đề quốc nội, hãy nhớ rằng chúng ta phụ thuộc vào thế giới xung quanh”, ông Lý nhắc nhở.
Khác với những năm trước, ông Lý ghi nhận “tình hình kinh tế của châu Âu và Mỹ năm nay đã bắt đầu ổn định; triển vọng của châu Á cũng tích cực”.
Tuy nhiên, Singapore năm nay tỏ ra bất an hơn mọi năm về tình hình an ninh khu vực.
“Ở Đông Bắc Á, bất đồng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc về những vấn đề lịch sử và chủ quyền ở một số hòn đảo đã trở nên căng thẳng hơn, và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là một mối lo nghiêm trọng. Nhiều quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau ở biển Đông”, ông nói.
Mặc dù là thông điệp gửi đến công chúng trong nước, ông Lý Hiển Long vẫn xa gần nhắn nhủ với khu vực: “Singapore không liên quan trực tiếp trong các vấn đề trên, nhưng chúng ta có lợi ích sống còn trong một khu vực hòa bình và ổn định. Chúng ta hi vọng các nước sẽ giải quyết các bất đồng một cách hòa bình trên tinh thần hữu nghị”, ông Lý nói.
Theo TNO
Thượng đỉnh ASEAN: Hủy cuộc họp cấp cao 'về khói bụi'
Cuộc họp giữa nguyên thủ 3 nước Singapore, Malaysia và Indonesia, dự kiến diễn ra trước khi Thượng đỉnh ASEAN chính thức khai mạc, đã bị hủy do "Indonesia không muốn".
Thông báo hủy cuộc tiếp xúc báo chí của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về cuộc họp 3 bên về khói bụi - Ảnh: Thục Minh
Theo chương trình ban đầu trong sổ tay phát cho phóng viên, cuộc họp nói trên dự kiến diễn ra từ 8 giờ sáng 9.10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở thủ đô Brunei Bandar Seri Begawan, ngay trước khi Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị liên quan chính thức khai mạc vào lúc 10 giờ sáng.
Báo chí cũng được thông báo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ tiếp xúc báo chí trong 15 phút ngay sau khi cuộc họp 3 bên kết thúc.
Thông tấn xã Bernama (Malaysia) trích lời một quan chức không nêu tên cho hay chính Singapore đề xuất cuộc họp này.
Nạn đốt rừng để canh tác vào mùa khô trên đảo Sumatra (Indonesia) gây ra tình trạng khói bụi ảnh hưởng đến các nước láng giềng, đặc biệt là Singapore và Malaysia, xảy ra hằng năm.
Hồi tháng 6, khói bụi từ Sumatra đã "ám mù" 2 quốc gia nói trên ở mức "độc hại" và vượt cả ngưỡng "khủng hoảng" năm 1997.
Năm 2002, các nước ASEAN đã ký với nhau Hiệp định về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới (ATHPA). Tuy nhiên, đến nay Indonesia là nước duy nhất chưa phê chuẩn ATHPA.
Sự cố mới nhất khiến Singapore, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất, quyết liệt yêu cầu tổ chức sớm cuộc họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo tiểu vùng cấp bộ trưởng (MSC) về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới, gồm 5 nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Singapore đề nghị Indonesia công khai bản đồ phân lô đất cho thuê trồng rừng để khi cháy rừng xảy ra, việc kết hợp với ảnh vệ tinh sẽ dễ dàng xác định được công ty thuê đất nào đang đốt rừng mà xử lý.
Cuộc họp sớm MSC ngày 17 - 18.7 tại Malaysia đã đạt được vài cam kết ở mức "thỏa hiệp" là chia sẻ bản đồ "giữa chính phủ với chính phủ" chứ không công bố rộng rãi. Việc này sẽ được thực hiện sau khi lãnh đạo các nước thông qua tại Thượng đỉnh ASEAN lần này.
Tuy nhiên, sáng 8.10, nguồn tin không chính thức từ Singapore cho phóng viên Thanh Niên Online hay "Indonesia không muốn họp về khói bụi" và cuộc họp ba bên sáng 9.10 đã bị hủy.
Đến chiều 8.10, Ban tổ chức Thượng đỉnh ASEAN chính thức thông báo hủy cuộc gặp báo chí bên lề của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Chưa thấy bên nào đưa ra bình luận chính thức về chuyện này.
Theo TNO
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh gặp Thủ tướng Singapore Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có cuộc tiếp kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sáng 7.11 trong khuôn khổ chuyến thăm 4 ngày ở đảo quốc này. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại cuộc tiếp kiến sáng 7.11 - Ảnh: Thục Minh Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) cho biết chuyến thăm...