Thông điệp của đối tác tin cậy và có trách nhiệm
Tháng 10-2020, thế giới kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ) – diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại thành tựu đối ngoại đa phương của Việt Nam, nhất là trong năm 2020 khi lần đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhiệm “vai trò kép” là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020.
Việt Nam được thế giới coi là hình mẫu trong xóa đói, giảm nghèo
Dấu mốc lịch sử trong đối ngoại đa phương
Sự kiện Việt Nam bước vào năm 2020 với việc cùng một lúc bắt đầu đảm nhiệm chức trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020 có thể coi là dấu mốc lịch sử trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, sự trùng hợp hai vai trò này trong cùng một thời điểm này không phải là điều bất ngờ bởi đây là kết quả tất yếu từ những nỗ lực không mệt mỏi trong hàng thập kỷ của Việt Nam.
Trước hết, đó là kết quả của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đúng như đánh giá của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong thông điệp ngay sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục 192/193. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là “vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta”.
Đường lối đối ngoại rộng mở do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra đã được các Đại hội và các Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị từ khóa VI đến khóa XII tiếp tục bổ sung, phát triển thành đường lối đối ngoại “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đường lối đó đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở thông điệp “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương. Kết quả của chính sách đúng đắn đó là hiện nay chúng ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 25 nước, trong đó bao gồm cả 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ…
Việc Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 còn là sự ghi nhận quan trọng, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Video đang HOT
Các nước tin cậy Việt Nam vì Việt Nam được biết đến là một đất nước phải trải qua 2 cuộc chiến tranh, hiểu rất rõ giá trị của hòa bình và yêu chuộng hòa bình, luôn phấn đấu hết mình đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại trên thế giới. Không những thế, Việt Nam còn được quốc tế coi là hình mẫu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Chủ trương lớn, giàu tính nhân văn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo không chỉ thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn là một trong những nỗ lực thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững mà LHQ thúc đẩy trên toàn cầu. Chính bằng quyết tâm đó, Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa nghèo vào năm 2006, về đích trước 10 năm so với thời hạn mà LHQ đề ra là năm 2015.
Tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới và hội nhập
Đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020 là một vinh dự lớn lao, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Trước những nhiệm vụ quan trọng cộng đồng quốc tế giao phó, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách, đúng như lời khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng: “Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Với chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam muốn truyền đi thông điệp sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mục tiêu trước tiên là đóng góp phát huy vai trò hàng đầu của HĐBQ LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ưu tiên thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng.
Mục tiêu đó sẽ được thực hiện thông qua việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp; Cải cách phương pháp làm việc của HĐBA, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực; Bảo vệ thường dân, các cơ sở dân sự trong xung đột vũ trang; Bảo vệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, trẻ em và xung đột vũ trang; Giải quyết hậu quả xung đột, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội; Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; Ứng phó với biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Với khu vực ASEAN, trong bối cảnh xu hướng đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới cùng những biến động bất ngờ như đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động đưa ra chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ thúc đẩy các ưu tiên gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới…
Những trọng trách đa phương mà Việt Nam đảm nhiệm trong năm 2020 là cơ hội để chúng ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó cũng là thời cơ để Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; đồng thời tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.
Thông điệp của thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm, đóng góp tích cực xây dựng thể chế đa phương toàn cầu
Thông điệp mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến Liên hợp quốc (LHQ) nhân Phiên thảo luận chung Cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 75 một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phát huy cơ chế đa phương toàn cầu, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Các sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan
Củng cố cam kết với chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm
Diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt khi LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập nhưng lại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời, phiên họp của Đại hội đồng LHQ năm nay đứng trước nhiệm vụ khó khăn làm sao tìm kiếm giải pháp cho những quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời tiếp tục cải tổ để trở thành một tổ chức mạnh mẽ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò điều hòa lợi ích, ứng xử của các nước trước những biến chuyển to lớn của thời đại.
Ra đời 75 năm trước từ khát vọng cháy bỏng của các dân tộc trên thế giới quyết không để các thế hệ tương lai rơi vào thảm họa chiến tranh, LHQ đã trở thành tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới, luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần xây dựng một thế giới phát triển, hạnh phúc, thịnh vượng.
Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Hiến chương LHQ mang tính phổ quát, phản ánh mối quan tâm của các quốc gia, nhất là trong các vấn đề như bình đẳng về chủ quyền quốc gia, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia, cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Trong 75 năm qua, dưới sự thúc đẩy của LHQ, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, LHQ đạt được nhiều thành tựu về hợp tác và phát triển toàn cầu, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc không tôn trọng và không tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế đã và đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh của mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời đặt LHQ trước những thách thức không dễ vượt qua. Chính vì thế, đề cao và phát huy vai trò LHQ đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Để phát huy vai trò LHQ như tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu, các quốc gia cần củng cố cam kết đối với chủ nghĩa đa phương mà LHQ là trung tâm, tận dụng tối đa các cơ chế, công cụ do Hiến chương LHQ đề ra, nhất là trong việc phòng ngừa xung đột và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình. Tiếp đó, các quốc gia cần bảo đảm việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bảo đảm việc hoạch định và triển khai các chiến lược, chính sách phát triển, an ninh, quốc phòng và đối ngoại phải tương thích với các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đây là cách duy nhất để xây dựng một nền hòa bình bền vững và lâu dài.
Thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế
Ngay khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Trung Quốc, Anh... yêu cầu công nhận nền độc lập và tiếp nhận Việt Nam vào Hội đồng LHQ. Tuy nhiên, do chiến tranh, phải đến ngày 20-9-1977, Việt Nam mới chính thức gia nhập LHQ. Kể từ đó, Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt, phấn đấu vì những mục tiêu thiêng liêng của đất nước, đồng thời cũng là những lý tưởng của LHQ là hòa bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc.
Trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của nước ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước. LHQ đã hỗ trợ Việt Nam vào những giai đoạn rất khó khăn, khi chiến tranh vừa chấm dứt, Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Ngay sau khi Việt Nam tham gia LHQ, Đại hội đồng LHQ khóa 32 (năm 1977) đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức LHQ, đặc biệt là Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Cao Ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... đã góp phần giúp Việt Nam giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Về phía Việt Nam, chúng ta đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thông điệp gửi LHQ là "Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu, khu vực và liên khu vực".
Theo định hướng đó, Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của LHQ như Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2015-2019...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt sĩ quan, cán bộ tham gia Phái bộ LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã ghi nhiều "dấu ấn", được LHQ và cộng đồng quốc tế ca ngợi. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong lời chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh (2-9-2020) đã nhấn mạnh: "Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. LHQ cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện sáng kiến "Một LHQ", một trong những biện pháp cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.
Điện mừng Quốc khánh Vương quốc Saudi Arabia Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 Quốc khánh Vương quốc Saudi Arabia, ngày 23-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện mừng đến Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng đến Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al-Saud. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng...