Thổn thức Lý Sơn
Trong quá khứ, đảo Lý Sơn không có những ruộng tỏi xinh đẹp và vuông vắn như hiện nay. Toàn bộ bề mặt đảo là cánh đồng đá vốn bị quăng ra từ những ngọn núi lửa phun trào.
Những năm 60 của thế kỷ trước, cả làng đói, đang loay hoay tìm hướng mới, trồng cây gì, nuôi con gì thì cây tỏi được mang về. Cũng thời ấy, trên đảo có một lễ tục gọi là lễ phát hỏa chém tướng thế mạng đầy màu sắc huyền bí.
Cây tỏi ngày xưa
Đảo Lý Sơn thập niên 60 được người đất liền gọi là Lao, Cù Lao Ré. Đó là một nơi xa xôi và không mấy ai tự giày vò thân xác để lên chiếc thuyền cọc cạch chạy ra thăm đảo. Lao Lý Sơn vào thập niên 60 buồn tẻ vì “các nhà tư bản” ở đảo đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cơn bão vào mùa hè năm 1956 được gọi là bão trăm năm có một, đã quét qua đảo cuốn bay toàn bộ những chiếc thuyền chèo, thúng chèo và cả “chiến thuyền” vận tải ở đảo.
“Chiến thuyền” là cách ví von của người dân ở Lao Lý Sơn khi nói về những chiếc thuyền bầu. Đường thông thương từ đất liền ra đảo đã có những chiếc thuyền buồm. Nhưng con đường thông thương từ đảo vào Nam bộ và ra Bắc bộ thì chỉ trông chờ vào đội thuyền bầu. Đó là những chiếc thuyền trọng tải có thể lên tới 100 tấn. Đảo Lý Sơn vốn là một “khu công nghiệp” sản xuất lưới. Cả làng hàng ngày vào núi hái cây gai về ngâm nước, tước sợi, se, cuộn, sau đó dệt thành loại lưới gai và “xuất khẩu” đi các vùng miền.
Những chiếc thuyền bầu còn làm một nhiệm vụ rất quan trọng nữa, đó là vào các tỉnh Nam bộ để chở gạo về cung cấp cho dân đảo. Cứ cuối năm, khi gió bấc thổi vù vù, cây cối trên đảo nghiêng ngả về phía nam thì chiếc thuyền bầu bắt đầu chở lưới gai rời đảo, xuôi vào phương Nam. Đến tháng 3, khi gió nam nổi lên thì những chiếc thuyền bầu chở đầy gạo lại nương theo gió về đảo. Ngày chiến thuyền cập đảo, cả đảo vui như hội. Mỗi người dân đến mua gạo sẽ được cấp cho chiếc thẻ tre, ứng với số lượng của chiếc lường gạo được bán. Mỗi lường gạo 30 lon, tương ứng 8 kg.
Năm 1960, cả đảo vẫn xơ xác, vì toàn bộ những chiếc thuyền bầu neo đậu ở đảo đều đã bị bão nhấn chìm. Ông Nguyễn Tể, có con là Nguyễn Cao, giữ chức Cả Cao của làng. Tới giờ này, những người già trên đảo cũng còn nhắc đến cái tên ông, gắn với vị thế là nhà “tư bản”. Ông Tể giao lại chiếc thuyền bầu cho người con trai nối nghiệp, nhưng tới đời con thì bị mất thuyền bầu, vậy là ông Cao không còn phương tiện để giao lại cho người con kế. Trong lúc cả làng đang loay hoay tìm hướng mới, trồng cây gì, nuôi con gì, thì cây tỏi được mang về đảo Lý Sơn, khoảng 4 năm sau thì tới lượt cây hành.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cháu của ông Cao nhớ lại rằng, thời đó, người ta không trồng tỏi trên những cánh đồng được rải cát trắng tinh và xinh đẹp như hiện nay. Những người nông dân mất phương tiện đi lại đã đào đất, vun luống và trồng tỏi lên đó giống như trồng khoai lang. Những luống đất đỏ trộn với đá núi lửa nhấp nhô giữa cánh đồng cỏ cháy nắng. Nông dân trồng tỏi là vì 10 kg tỏi thì đổi được 50 kg gạo trắng. Cây tỏi đã cứu đói cho cả đảo thời ấy. Thời điểm khai sinh ấy, tỏi được trồng từ đầu tháng 6 âm lịch, đến tháng 11 mới thu hoạch. Còn hiện nay, nông dân trồng tỏi từ tháng 10 và thu hoạch sau 4 tháng.
Tỏi trồng ở đảo đã nhanh chóng được ưa chuộng, bởi hương vị thơm, ngon, khác hẳn với đất liền. Ông Thanh so sánh, nếu trước đây, 500 m2 ruộng thu hoạch chỉ được chừng 100 kg tỏi, thì hiện nay, cũng với diện tích trên thu được hơn 400 kg. Dù sản lượng tỏi cao hơn, thời gian trồng được rút ngắn hơn, nhưng so sánh về chất lượng thì tỏi Lý Sơn trồng 5 tháng vẫn có hương vị vượt trội tỏi hiện nay. Củ tỏi trong quá khứ có màu tím nhạt, sau khi thu hoạch có thể lưu trữ được 1 năm mà không hư hỏng. Còn tỏi hiện nay để 1 năm sẽ bị xốp và hương vị chỉ còn một nửa.
Sau gần 20 năm, người nông dân bắt đầu cải tiến cách trồng để tăng năng suất. Bà con không trồng tỏi theo kiểu vun luống như trồng khoai lang, mà san phẳng ruộng, rải một lớp cát mỏng. Những tảng nham thạch phun ra từ miệng núi lửa vốn ngổn ngang trên đảo dần dần biến mất. Bà con nông dân dồn đá thành hàng rào ruộng tỏi hoặc chở đi chôn lấp để lấy diện tích. Toàn bộ cánh đồng nham thạch màu đen đã biến thành cánh đồng cát trắng được ngăn ô. Rừng mù u bạt ngàn trên đảo, trước đây người dân vẫn thu hái, ép dầu làm nhiên liệu thắp đèn đã dần dần biến mất, thay vào đó là tỏi.
“Chém tướng thế mạng”
Từ 50 năm về trước, đảo Lý Sơn có một lễ tục mà hiện nay đã biến mất hoàn toàn, đó là lễ “phát hỏa chém tướng thế mạng” đầy màu sắc huyền bí với mục đích trừ dịch bệnh. Và cụm từ “thế mạng” có lẽ được biến hóa từ hình nhân thế mạng trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Ở miền núi, thầy cúng thường mổ heo, gà để cúng đuổi “con ma về bắt người và trâu bò”. Còn ở đảo Lý Sơn, khi có người ốm hoặc gia đình dòng họ nào có người nối tiếp nhau chết ngoài biển, chết bệnh thì được các thầy trong làng làm nghi lễ “phát hỏa chém tướng thế mạng”. Đây là một lễ cúng rất lạ. Lễ cúng quy tụ toàn bộ con cháu trong làng đến, dần dần trở thành một sinh hoạt cộng đồng vui nhộn.
“Dòng tộc mình phải “thượng tinh hạ trùng làm lễ phát hỏa chém tướng”. Thời đó, mỗi khi nghe bàn chuyện này, cả tộc vào cuộc mới lo nổi thủ tục cúng hết sức rườm rà, ly kỳ và rất tốn kém. Đầu tiên, bà con phải đi đốn cây làm một chiếc giàn cao khoảng 15 mét chia làm 3 tầng như nhà giàn. Diện tích mỗi mặt giàn rộng khoảng 24 m2. Tầng một dành cho người bệnh hoặc một người trong tộc họ lên nằm. Người này phải mặc áo nhuộm nghệ vàng, lưng áo vẽ bùa, cổ đeo bùa chú. Tầng 2 đặt con lợn quay. Tầng 3 dành cho xác đồng nhập cốt.
Video đang HOT
Trong ký ức của các cụ già trên đảo vẫn còn lễ phát hỏa chém tướng trùng, tướng nghiệp. Ảnh: Văn Chương
Trong lễ cúng còn có một đống than đỏ cho thầy biểu diễn lội qua. Đối với thầy cúng, đó là một nghi thức trong buổi lễ. Nhưng đối với người làng, đây cũng là một tiết mục biểu diễn để xem cho sướng mắt. Bởi trên đảo, người dân không mấy khi được xem hát tuồng, hò vè, hoặc biểu diễn như điều lạ mắt.
Để làm giàn vững chãi, có thể gánh được sức nặng khi cốt đồng trên tầng 3 nhảy múa, bà con trong làng phải huy động thêm cột cắm lá phướn để dựng trụ, cắm cờ. Chuẩn bị làm lễ cúng, người nhà phải bỏ cả ngày để cắt hình nộm, viết sớ. Một thủ tục không thể thiếu, đó là làm 2 hình nhân giống như người để dựng 2 bên bàn thờ. Hình nhân làm bằng thân cây chuối, có đủ mắt mũi, cổ đeo xâu tiền. Nếu cúng bệnh thì hình nhân có đủ 2 chân, nếu cúng nghiệp chướng thì hình nhân chỉ có 1 chân. Người dân trong làng gọi đó là ông tướng nghiệp, tướng trùng. Trong tâm thức sâu xa của bà con, ông tướng này sẽ gánh đi cái nghiệp chướng, cái ốm đau cho con cháu trong tộc họ. Mọi người sẽ có cuộc sống bình an.
Giàn thượng tinh hạ trùng phải có 3 lối đi lên. Phía tây dành cho thầy, còn 2 phía còn lại dành cho xác đồng và người bệnh. Xung quanh giàn có đủ bàn thờ, bài vị, hoa quả, rượu thịt. Nếu tổ chức cúng, cả dòng họ phải có mặt để lo lễ. Phải mời 3 đến 4 thầy mới phục vụ đủ nghi lễ. Đảo Lý Sơn thời đó có những thầy cúng nổi tiếng như ông Ca, ông Đích, cha con ông Ấn, thầy Khiêu, sau này mới đến cha con ông Toại.
Trên tầng 3 cắm một lá triệu bằng vải to. Khi xác đồng phi thân từ trên giàn xuống thì đu theo cây tre quấn người vào lá triệu rơi xuống đất. Lễ cúng kéo dài từ sáng đến tối. Thấy cúng khấn nguyện bằng những ngôn từ huyền bí và động tác ma thuật. Khi mặt trời lặn thì người làng mới được xem thủ tục phát hỏa đẹp mắt và mạo hiểm.
Dưới chân giàn đặt một chậu dầu lạc đã đốt lửa nhưng đậy nắp, chỉ để hé. Khi nghe người chủ lễ hô hai tiếng hê hà, lập tức người phụ trách phát hỏa đàn trùng trút nửa bát nước vào nồi dầu đang cháy. Ngọn lửa bùng lên dữ dội từ tầng một lan lên gần tầng 3. Sau khi ngọn lửa bùng lên, người phát hỏa phải nhanh tay đậy nắp để lửa không thui luôn giàn cúng và mấy nhân vật đang đu trên giàn.
Thời trước, câu bùa chú trong lễ cúng được giữ bí mật như gia bảo. Giờ lễ tục này không còn nên một thầy cúng đã công khai câu bùa chú này. Câu bùa chú giống như trích đoạn của một câu chuyện huyền thoại dân gian: “Hồi đời chôn ơn tiến đế/Có nàng Cơ Thị đòi tiên/Bằng sanh đặng sanh 5 con thì bị thần phù thiên tán… Chém!”.
Lúc ông chủ lễ hô chém cũng là lúc người ngồi đồng trên tầng ba của giàn tụt xuống đầu ông tướng hình nhân cây chuối. Người dân xung quanh hò la ầm ầm khi người khai đao cầm một con dao phay to lao đến chém đứt cổ ông tướng. Vết chém nằm sát gót chân ông xác đồng nên người chém phải dứt khoát, và chính xác, nếu không thì phạm vào chân ông xác đồng tội nghiệp.
Sau khi ông tướng bị chém đầu thì một người nhào theo lấy bẹ chuối bịt thật kỹ vào vết chém trên thân cây chuối và buộc chặt với ý nghĩa không cho nghiệp chướng tiếp tục phát. Đồng thời lúc đó, bà con ôm đầu của ông tướng lao ra ngã ba đường để chôn. Đầu hình nhân tướng luôn được cài que phía sau lưng để khi bị chặt thì ngã sấp mặt. Nếu ông tướng ngã xuống mà mặt nằm ngửa thì có nghĩa là buổi lễ không thành, nghiệp chướng vẫn còn đeo đẳng và phải cúng lại từ đầu.
Thời làm lễ chém tướng, người dân trên đảo thường tập trung đông đủ để cầu mong cuộc sống an lành. Ảnh: Văn Chương
Đã 60 năm trôi qua, giờ đây đảo Lý Sơn rầm rập bước chân và muôn sắc áo của du khách. Du khách ra đảo thường mua tỏi về đất liền quà cho người thân. Duy chỉ có một món đặc sản từ cây tỏi mà giờ đây đã thất truyền, đó là rượu hoa tỏi. Thời 60 năm trước, tỏi trồng trên luống đất, cứ sau 5 tháng sẽ trổ ra những bó hoa màu tim tím và gia đình nào cũng hái về ngâm rượu. Những ngày đông giá, khi tuyến đường giữa đảo và đất liền bị sóng gió cắt đứt, những nông dân lại ngồi bên nhau dưới mái nhà lá, nâng ly rượu tỏi và kể về những chuyến “đi Quảng” (vô thành phố Quảng Ngãi).
Chinh phục 3 điểm đánh dấu lãnh hải Việt Nam
Tự hào và thiêng liêng là cảm xúc của Hải An, sau hành trình khám phá 3 điểm định vị đường cơ sở, xác định đường lãnh hải ở Côn Đảo.
Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) là blogger du lịch, nhiếp ảnh gia sở hữu "gia tài" đồ sộ là những hành trình dọc Việt Nam hay qua nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 19 năm rong ruổi, anh đã tới thăm hơn 100 cột mốc biên giới đất liền và hải đảo.
Có dịp trở lại Côn Đảo sau 3 năm cùng gia đình, anh quyết tâm chinh phục mốc A3, A4, A5. Đây là 3 trong 11 điểm định vị đường cơ sở, xác định lãnh hải Việt Nam, dọc chiều dài 3.260 km đường bờ biển. Hầu hết các điểm đều nằm trên những hòn đảo xa xôi và khó đặt chân đến. Hải An chia sẻ, năm 2010, anh bắt đầu thực hiện ước mơ chinh phục đủ 11 điểm trong 11 năm. Sau chuyến đi Côn Đảo, anh hoàn thành được 9/11 mục tiêu.
Xuất phát từ 6h sáng, điểm đến đầu tiên trong hành trình là hòn Bảy Cạnh, nơi đặt cột mốc A5. Trong tất cả các đảo đặt mốc, đây là nơi duy nhất đã khai thác du lịch, với hoạt động thả rùa về biển. Những điểm còn lại đều rất hoang sơ và ít có cano, thuyền chạy tới.
Hải An chia sẻ, một trong những khó khăn trong hành trình là hoàn toàn không có thông tin về vị trí của cột mốc, đặc biệt các hòn đảo lại rộng lớn. Hầu hết các phương tiện đều từ chối chạy tới đây do không có đường cập bến, dễ gây hư hỏng thuyền. May mắn, anh được anh Văn Hùng, cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin huyện Côn Đảo, liên lạc và giúp thuê cano.
Sau khi thả rùa về biển, Hải An cùng anh Phát (người lái cano) bắt đầu hành trình tìm kiếm các cột mốc. Theo trí nhớ của Phát, các cột này đều được đặt ở điểm xa nhất về hướng đông, trên các hòn đảo.
Cano tiến gần tới đảo, những ghềnh đá với hình thù kỳ lạ hiện lên trong tầm mắt. Do Bảy Cạnh là hòn đảo lớn, nên đường lên mốc giới đã có một cầu thang bê tông nhỏ. Tuy nhiên để lên được bờ, Hải An phải căn lúc sóng đẩy mũi cano lên cao để nhảy qua.
Lên được tới cột mốc, anh choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ của biển đảo Việt Nam. Phía sau mốc là những vách đá dựng đứng và trên đỉnh là hải đăng Bảy Cạnh, được xây dựng từ thời Pháp.
Rời hòn Bảy Cạnh, cano đưa anh tới hòn Cau. Dù không phải là một trong những điểm A, nơi đây vẫn đặt cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo nước ta. Do không có đường lên mốc, thuyền phải cập vào bờ đá, xung quanh có rất nhiều hàu sắc nhọn và ghềnh đá trơn trượt. Khung cảnh hoang sơ, với rừng rậm và những bãi cát ở hòn Cau là điểm anh thích nhất trong hành trình.
Đứng cạnh cột mốc khắc hình cờ đỏ sao vàng, xung quanh là biển nước mênh mông khiến anh cảm thấy vô cùng xúc động: "Đây là đất trời, là biên cương của tổ quốc".
Cột mốc A4 tại hòn Bông Lan là điểm đến tiếp theo trong hành trình, cách hòn Cau khoảng 20 phút đi cano. Nhìn từ biển, hòn đảo có hình tròn dài giống một chiếc bánh, nên được người dân đặt tên là Bông Lan. Hòn đảo rất nhỏ nhưng lại là nơi có nhiều chim yến về làm tổ, vì vậy ở đây có một trạm gác chống khai thác trộm.
Thuyền bè thường không cập được sát bờ do các ghềnh đá, nên muốn lên cano phải căn gió để nhảy qua. Anh chia sẻ, thăm các cột mốc là trải nghiệm mới rất đáng thử, tuy nhiên hành trình có nhiều khó khăn và nguy hiểm, vì vậy chỉ dành cho những người thực sự yêu khám phá.
Đến với điểm A3 tại hòn Tài Lớn, anh gặp khó khăn do đường lên đã được chắn bằng rào sắt, cano phải cập bến ở khu vực dốc trơn trượt. Trong quá trình lên xuống, trời nổi gió lớn khiến cano bị đập vào đá và nứt một mảng lớn. Tuy nhiên, Hải An chia sẻ anh rất ấn tượng với hòn đảo này vì lớn hơn nhiều so với hòn Bông Lan. Trên đảo là những khu rừng nguyên sinh và ghềnh đá hoang sơ.
Thông tin in nổi trên cột mốc A3.
Sau khi thăm cột mốc A3 cũng là lúc trời bắt đầu âm u và nổi gió lớn. Tuy nhiên theo gợi ý của người lái cano, Hải An quyết định đi thăm thêm điểm mốc ở hòn Bà. Đường đi từ hòn Tài Lớn tới đây khá xa, mất khoảng 30 phút di chuyển.
Thay vì các ghềnh đá, đường đi lên cột mốc đảo hòn Bà là bãi biển, xung quanh là thềm san hô. Để tránh làm hư hỏng san hô, anh quyết định lội lên bờ, mực nước lúc này dâng gần tới cổ. Từ bãi biển lên tới cột mốc còn một đoạn đường dài để leo lên.
Giống với ở hòn Cau, đây là cột mốc biên giới xác định lãnh hải trên biển nên có thiết kế hình chữ nhật, không giống mốc A3, A4, A5.
Từ cột mốc ở hòn Bà có thể nhìn ra đỉnh Tình Yêu, biểu tượng của Côn Đảo. Hải An chia sẻ, hành trình đến 5 cột mốc ở Côn Đảo rất mệt nhưng để lại trong anh nhiều cảm xúc. "Đứng giữa đất trời bao la, được trông thấy cột mốc biên cương hiện lên sừng sững là cảm giác tự hào khó cất thành lời", anh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm, Hải An cho biết, nếu du khách thuê cano nên thỏa thuận trước với người lái đến đúng điểm mốc giới, vì không phải ai cũng biết chính xác vị trí các cột và đảo rất rộng. Giá thuê cano khoảng 6 triệu đồng cho chuyến đi 4 giờ. Khi đi, nên khởi hành từ sáng sớm, lúc trời êm, gió lặng và mang theo các loại giày bám chắc tránh trơn trượt leo trèo. Cuối cùng, anh muốn nhắn nhủ du khách tới đây không nên xả rác, vẽ hoặc viết lên cột mốc. Đặc biệt, không lấy bất cứ thứ gì về làm kỷ niệm, tránh thay đổi hiện trạng xung quanh.
Tọa độ 11 điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam. Đồ họa: Ngô Trần Hải An.
Niềm vui trên những cung đường... Gắn bó với việc viết báo phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tôi đã có dịp đi đến nhiều vùng miền của đất nước, kể cả những bản làng xa xôi, hẻo lánh khó khăn nhất. Theo những bước chân, nỗi mệt mỏi trong tôi dường như ngày một vơi đi khi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ...