Thơm ngon con hến sông Ba
Hến nấu cháo, nấu riêu, nấu canh mồng tơi, rau tập tàng,… thơm sực mà nhẹ nhàng lắng đọng, không “to miếng, đắt tiền” như nhiều loài thủy sản khác.
Trong mấy ngày Tết vừa qua, sáng nào anh Phan Văn Tiến (43 tuổi, ở xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cũng xuống sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba) để cào hến. “Lạnh cắt da cắt thịt nhưng quen rồi. Một ngày đãi được 20kg hến, 5.000 đồng/kg nguyên vỏ, kiếm được 100.000 đồng” – anh nói khi đang dầm mình dưới dòng sông mờ sương.
Theo anh Tiến, nghề cào hến có thể túc tắc làm quanh năm, trừ những ngày bão lũ. Ban đầu cũng rất ngại ngâm mình dưới dòng nước buốt, lặn cào rất đau lưng, nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải cố làm. Nhà anh cũng đã có mấy thế hệ cào hến trên sông Ba. Buổi sáng ở khúc sông gần cửa Đà Diễn đổ ra biển, luôn có hàng trăm người ngâm mình cào hến. Vùng cửa sông giàu phù sa, là điều kiện lý tưởng để hến sinh sôi nảy nở dưới lớp bùn cát đáy sông. Dụng cụ bắt hến là những bàn cào nối với lồng lưới sắt mắt nhỏ để giữ hến lại; khi kéo dàn cào dưới đáy sông thì sỏi và hến sẽ bị giữ lại trong lồng lưới. Người khỏe bền sức có thể ra giữa dòng sông cào đãi, sau đó lên bờ gạt bỏ sỏi để lấy những con hến đem ra chợ bán. Cũng có người tách lấy thịt hến rồi mới giao hàng.
Nghề cào hến trên sông Ba. Ảnh: Hùng Phiên
Hến tươi đem về ngâm trong nước sạch hoặc nước vo gạo một đêm để hến nhả sạch bẩn rồi cho vào nước sôi để bung tách vỏ, lọc lấy thịt. Một thau hến to chỉ lấy được một rổ nhỏ thịt hến, ngồi chia ra từng túi nhỏ để chạy phiên chợ sáng. Chất liệu tươi ngon nên người chế biến ít cần cầu kỳ khi làm món với hến. Hến nấu cháo, nấu riêu, nấu canh mồng tơi, rau tập tàng,… thơm sực mà nhẹ nhàng lắng đọng, không “to miếng, đắt tiền” như nhiều loài thủy sản khác.
Tuy nhiên, khoái khẩu phổ biến ở Tuy Hòa là món hến xào sả ớt, xúc với bánh tráng nướng. Không nhiều nguyên liệu chen vào như món hến xào ở mấy nơi khác, hến xào sả ớt ở đây đúng như tên gọi, chủ lực chỉ là thịt hến, sả và ớt. Chỉ việc cho dầu ăn nóng lên rồi cho ớt, sả xắt mỏng, thịt hến vào trộn đều tay trên lửa lớn, nêm nếm vừa miệng, chờ hến chín săn lại, rắc thêm vài cọng rau mùi, 5 phút thế là xong! Lai rai xúc bánh tráng rồi làm tô cháo hến nóng sực, là có một bữa hến căng kềnh…
Video đang HOT
Từ chỉ dùng ăn trong gia đình, giờ các món hến đã được đưa vào thực đơn của nhiều nhà hàng ở Tuy Hòa. Nhưng có lẽ nhâm nhi món hến thú vị nhất là trên chiếc du thuyền đậu quanh quẩn bên bến Đà Rằng, gần kề nơi người ta cào hến mỗi ngày. Ông chủ đơn vị du lịch này ngó ra mặt sông bảo: Mình định lập tour ngâm mình cào hến, hổng biết liệu có… hút du khách?
Theo Danviet
Quýt Bắc Sơn dịp cận Tết
Quýt Bắc Sơn vị ngọt, thơm là đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn đã trở thành món quà biếu Tết có ý nghĩa.
Quýt được trồng nhiều tại các sườn đồi, thung lũng núi đá tại hầu hết các xã trong huyện Bắc Sơn. Toàn huyện có khoảng hơn 300 ha quýt, sản lượng đạt từ 1000 - 2000 tấn/năm. Các thung lũng trồng quýt được gọi là "lân", để tới được lân quýt phải vượt qua đèo, dốc núi đá.
Quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau là thời điểm cận Tết. Mỗi cây quýt trưởng thành cao khoảng 5 mét, trồng cây khoảng 5-6 năm mới bói quả.
Sau khi thu hoạch người dân tiến hành bón phân hữu cơ đã hoai mục, không cuốc xới gốc quýt vì rễ cây này ăn lên mặt đất dễ bị đứt, chỉ phát cỏ quanh vườn. Anh Hoàng Văn Sơn (Vũ Lễ, Bắc Sơn) là chủ một lân quýt cho hay nhà anh có 400 gốc quýt khoảng 15 tuổi, mỗi vụ cho thu hoạch gần 30 tấn quả, "cành quýt nhỏ, giòn nên mỗi lần hái quả chúng tôi phải bắc thang và dùng sào để lấy những quả ở xa, phải thật sự cẩn thận để quả không rơi, vỡ".
Quýt khi chín có màu vàng, vỏ mỏng, vị ngọt, thơm, ít sơ, ít hạt, trọng lượng trung bình từ 100 đến 150 gam. Đến vụ quýt, các chủ vườn thường thuê nhân công hái và gánh quýt với chi phí 2.500 đồng/kg.
Lân quýt nằm sâu trong núi, để vận chuyển lên xuống người dân mắc ròng rọc cho quýt "đu" xuống.
Thương lái đến tận vườn quýt để mua hoặc người dân vận chuyển quýt ra địa điểm tập kết. Giá quýt Bắc Sơn cận Tết thu mua tại vườn là 30.000 đồng/kg, bán ngoài chợ là 35.000-40.000 đồng/kg.
Thương lái thu mua quýt vận chuyển về Hà Nội, TP Lạng Sơn, Thái Nguyên. Chị Thúy (Vũ Sơn) cho biết, dịp Tết khách gọi điện chuyển hàng liên tục. "Tôi đóng thùng quýt gửi xe khách cho những người gọi điện. Số quýt còn lại bán cho thương lái. Vào dịp Tết, quýt rất đắt hàng, thương lái cũng phải đặt hàng trước", chị Thúy cho biết.
Theo ông Vũ Văn Hoạch, phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn, quýt là cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao, mỗi vụ quýt các gia đình thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Hồng Vân
Theo VNE
Cam bù Hương Sơn mùa áp Tết Cam bù Hương Sơn mọng nước, vị ngọt thanh và thơm, nhiều năm qua trở thành đặc sản quý của người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh), thường được đem làm quà biếu. Trong các xã của huyện Hương Sơn, cam bù được trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Bằng... Ông Trần Ngọc Kiên, Chủ tịch UBND xã Sơn...