Thơm ngon bánh tráng cuốn thịt luộc
Bánh tráng cuốn thịt luộc là món ăn đặc trưng xứ Quảng. Với nhiều người, đây là món ăn khoái khẩu.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, để món bánh tráng cuốn thịt luộc thơm ngon, nên chọn thịt ba chỉ vừa có mỡ, có nạc. Thịt được cắt ra từng khổ, rửa sạch với nước muối, sau đó cho vào nồi nước luộc. Khi luộc cũng vừa đủ nhiệt độ để thịt không dai, không bị rã.
Bánh tráng cuốn thịt luộc là món ăn mang đậm chất quê xứ Quảng.
Món bánh tráng cuốn thịt heo ngon một phần cũng nhờ nước chấm. Tùy vào khẩu vị và sở thích của mỗi người, nước chấm có thể là nước mắm chanh tỏi ớt pha chút đường để tạo vị chua ngọt hoặc là mắm nêm pha vừa.
Tuy nhiên, mắm nêm thường được lựa chọn ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo luộc. Mắm nêm pha có vị ngọt, cay, mặn vừa đủ, hòa thêm chút ớt và tỏi. Ngoài ra, phải cuốn thịt luộc cùng với các loại rau như: Xà lách, cải con, hẹ, ngò, dưa leo, xoài xanh, chuối chát xắt mỏng, tần ô, lá cốc non… Có như vậy món ăn mới tổng hòa các hương vị và trở nên thơm ngon hơn.
Thao tác thưởng thức món ăn này cũng hết sức tinh tế. Trải một miếng bánh tráng, sau đó cho lần lượt thịt, rau… rồi cuốn lại. Chấm cuốn bánh tráng vào nước mắm nêm đã được pha sẵn, người ăn sẽ cảm nhận rõ vị ngọt thơm của thịt hòa trong vị hăng, thơm nồng của các loại rau, vị cay của ớt và chút đậm đà của mắm nêm. Tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng với bất kỳ ai đã từng thưởng thức món ăn dân dã này.
Đậm đà mắm tép miền Tây
Mắm tép miền Tây được làm từ những con tép rong - một loại tép nhỏ, con to nhất cũng nhỏ hơn đầu đũa ăn cơm có đặc tính sống bám vào các nhành rong, rêu trong mương vườn nên thành danh. Tép làm mắm phải là tép tươi, còn nhảy xoi xói.
Sau khi nhặt sạch những con mòng (một loại bọ nước - khâu này phải làm thật kỹ nếu không sẽ gây nôn ói, tiêu chảy cho người ăn) thì người ta trộn đều tép với muối, đường rồi đem phơi nắng. Điều đặc biệt là mắm tép miền Tây không theo công thức bắt buộc, lượng muối, đường, được phép gia giảm tự do tùy theo khẩu vị người ăn. Muối nhiều thì con tép lâu thành mắm nhưng để dành được thời gian dài, ít muối thì mau ăn nhưng cũng mau hỏng, thế thôi!
Mắm tép món ăn đặc trưng của người dân miền Tây. Ảnh: CHÚC LY
Nếu trời đẹp thì chỉ cần phơi tép ngoài nắng nửa buổi, cho tép vào lọ thủy tinh hoặc lọ nhựa loại trong suốt, thêm chút rượu trắng, đậy kín nắp lọ lại rồi tiếp tục phơi nắng khoảng 2 - 3 ngày. Sau đó cất lọ mắm tép vào chỗ mát, tránh tiếp xúc với ánh nắng chiếu trực tiếp. Chỉ độ tuần sau, giở nắp lọ mắm tép ra người ta sẽ nghe bát ngát một mùi thơm rất đặc trưng thì đó cũng là lúc con tép trở thành con mắm.
Mắm tép rong miền Tây có cách ăn cũng gần giống như mắm tôm chua xứ Huế. Sang thì cuốn bánh tráng, rau sống, thịt luộc. Còn không thì sáng người đi làm đồng cứ múc theo một lọ chao nhỏ mắm tép, trưa hái thêm mớ rau dại rồi tìm một bóng cây nào đó, mở gô cơm mang theo là có ngay một bữa cơm trưa ngon lành. Nhẩn nha nhai con mắm tép mặn mòi, bứt cọng rau đồng nội mát lành đưa lên miệng thì sẽ hiểu ngay quê hương là gì mà ai đi xa cũng nhớ.
Ngày nay trên các mương vườn, đồng ruộng con tép rong không còn nhiều như trước nữa do kỹ thuật canh tác bây giờ lệ thuộc quá nhiều vào phân, thuốc hóa học.
Ăn vả trộn nhớ Huế thương Làng ngoại tôi ở Kim Long, xứ này ngày xưa trồng rất nhiều quả vả. Vả ra trái quanh năm, nhưng nhiều quả nhất là vào mùa hè. Vả mọc từng chùm quanh gốc cây. Nhớ ngày ấy, lũ trẻ trong làng sau mỗi buổi tan trường thường đi trộm vả, nhâm nhi cùng bịch muối ớt mà đứa nào đứa nấy khen...