Thơm ngon bánh gai “xứ Dừa” Anh Sơn
Ngược miền Tây Nghệ An thăm rừng Quốc gia Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An), chạy dọc quốc lộ 7A qua xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn mọi người dễ dàng bắt gặp những sảo bánh gai đầy ắp, đặc sản của vùng đất này.
Nếu ai đã một lần thưởng thức món quà quê bình dị này, chắc hẳn không thể quên được hương vị ngọt bùi của nó.
Món quà quê bình dị
Tôi lớn lên từ những sảo bánh gai của bà, của mẹ. Vị dẻo mệt của nếp, hương lá gai dìu dịu lẫn vị ngọt bùi của đậu xanh, dừa nạo đã ăn sâu vào ký ức của tôi. Tưởng chừng để làm ra một chiếc bánh gai rất dễ nhưng lại mất nhiều thời gian lựa chọn nguyên liệu cầu kỳ. Đầu tiên là lựa nếp. Thứ nếp để làm bánh gai phải là nếp loại một từ trên nương mới gặt, hạt chắc thơm dẻo ngâm ủ và xay bột thật mịn, thật dẻo. Nhân bánh gồm đậu xanh đường cát trắng cùi dừa khô được vắt sẵn từng vắt vừa phải. Đậu xanh chọn những hạt đều chắc xát vỏ đồ chín đánh tơi lẫn với đường cát trắng tinh điểm những miếng cùi dừa khô cắt nhỏ.
Lá gai hái về rửa sạch, luộc chín, giã nát và trộn với dầu ăn, cho vào bột nếp đã được lọc kỹ và làm nên thứ màu nâu đen đặc trưng của bánh gai. Lá để gói bánh thường là lá chuối khô. Tôi thường được mẹ giao nhiệm vụ lau sạch và xé nhỏ lá chuối thành từng mảnh nhỏ. Bố tôi đảm nhận khâu gói bánh. Tôi cũng học theo bố. Cũng lấy lá bánh trải ra cánh cửa gian chính, lấy muỗng múc từng muỗng bột trải trên mặt lá chuối, ở giữa cho nhân đậu xanh đã được trộn lẫn với dừa và bắt đầu gói lại hình tam giác, cho 2 mặt tam giác úp mặt lại với nhau và buộc chặt bằng sợi lạt mềm.
Sau khi hoàn thành công đoạn gói bánh xong, mẹ sẽ xếp bánh vào nồi để hông cách thủy. Khác với các loại bánh khác như bánh chưng, bánh bột lọc là cho vào nước và luộc chín thì bánh gai quê tôi được xếp vào những cái xửng lớn để hông trên bếp củi, mỗi lần hông khoảng tầm một tiếng rưỡi.
Video đang HOT
Đậm đà hương vị thôn quê
Tôi cầm chiếc bánh mẹ cho áp chặt vào lòng bàn tay, đưa lên mũi hít hà để cảm nhận cái mềm mại, man mát của lá chuối khô, rồi lật dần từng lớp lá. Những mảng thịt bánh đen tuyền đã dần hé lộ. Cắn miếng bánh dẻo mịn ngập tận chân răng, thấm mùi dịu mát của lá gai, gạo nếp, mùi thơm thoảng của dầu chuối, vị ngọt của mật mía; ngọt thanh thanh của nhân đậu; vị béo ngậy của thịt; bùi bùi của dừa ngọt mát dịu như tan ngay trong miệng ăn hoài đến no không ngán. Tôi cứ đùa rằng, nếu cho ăn bánh thay cơm tôi cũng ăn được suốt năm.
Món ăn dân dã này là thức quà cho du khách mọi miền khi tới với vùng đất này. Đến vụ lá gai nhà nào cũng ngày đêm nhộn nhịp xay xay gói gói. Các lò hông bánh đỏ lửa suốt đêm. Tiếng nói cười tâm tình của người miền Tây xứ Nghệ quê tôi chân chất, đầy tình cảm. Chúng tôi lớn lên, được ăn mặc, học hành đầy đủ cũng nhờ vào những mẻ bánh gai như thế này.
Ngày nay, các làng nghề trên cả nước dần mai một đi. Phần vì lợi nhuận từ sản phẩm làng nghề bán ra không được cao. Thế nhưng ở Anh Sơn, quê tôi người dân vẫn trung thành gắn bó với nghề làm bánh gai. Thế hệ chúng tôi tự hào là người con của đất bánh!
Theo Trithucvn
Thân thương ngõ hẻm Sài Gòn
Nếu những con đường mặt tiền luôn mang đến cái cảm giác nhộn nhịp, hào nhoáng thì ngược lại, cách đó chỉ chừng mươi bước chân, những con hẻm lại tĩnh lặng, bình dị, mộc mạc giữa Sài Gòn.
Ảnh: Chung Thanh Huy
Ở khu trung tâm, có lẽ do được hình thành từ lâu nên hẻm được tráng xi măng bằng phẳng, sạch sẽ với những ngôi nhà cao tầng luôn đóng kín cửa cùng hàng rào bông giấy, hoàng anh rực rỡ dưới nắng. Hẻm ở các khu vực khác với cư dân đông đúc đến từ khắp nơi với nhà cửa lô xô, chen chúc nhau.
Gác gỗ mái hiên mạnh nhà nào nhà nấy chìa ra che mát hẻm nhỏ. Hẻm ở đây có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ, có khi chỉ đủ cho một xe máy đi, cũng có khi phình rộng tạo thành một khoảng sân cho lũ trẻ chơi đùa. Không ít ngõ hẻm là vết tích của lối đi, con đường làng từ xưa nhưng vẫn còn đó cây đa, lũy tre tỏa bóng râm mát đến tận bây giờ.
Có hẻm có ngôi chùa nhỏ, ngày rằm mùng một tiếng mõ nhẹ nhàng cùng mùi nhang thơm phảng phất. Và cũng có nhà thờ trong hẻm, đến mùa Noel, cả con hẻm lung linh với những ánh đèn nhấp nháy.
Hẻm chợ thì càng dễ kiếm. Chợ trong hẻm bày bán đủ loại mặt hàng từ thực phẩm đến quần áo, giày dép cho người dân sống quanh trong hẻm với giá cả rẻ hơn ngoài chợ chút đỉnh. Trong khu Chợ Lớn có những hẻm cổ của người Hoa với dòng chữ Hán như Vĩnh An lý, Nghĩa An hạng... Lý, hạng là nơi cư trú tương tự một làng, một xóm như người Việt. Cư dân trong lý, hạng thường có cùng nguồn gốc từ một vùng nào đó ở cố hương.
Tuổi thơ tôi là những tháng ngày gắn liền với một ngõ hẻm giữa Sài Gòn. Tờ mờ sáng đã nghe tiếng bước đến nhà thờ của những người mộ đạo. Đó cũng là lúc tiếng xe lam giòn giã của bác Duy cạnh nhà chuẩn bị ra Bến xe Miền Tây đón khách. Theo sau là tiếng xe đẩy dọn hàng cơm tấm của bà Lắm và quán cà phê của cô Thảo ở đầu hẻm. Khi trời sáng tỏ mặt thì con hẻm đã vang vọng những tiếng rao trầm bổng khác nhau như bánh mì, xôi mặn, xôi bắp, cháo sườn, bánh giò, bánh chưng, bánh gai...
Ngõ hẻm đó là nơi mà ai cũng biết rõ gia đình, con cái người này người nọ, kẻ ở lâu hay người vừa đến... Bước ra đường thì sống sao cũng được nhưng về tới nhà là phải ý tứ từ lời ăn tiếng nói cho tới cách xử sự với bà con xóm giềng. Để rồi tôi mới nghiệm ra câu nói "bán bà con xa mua láng giềng gần" là có thật trong những con hẻm ở Sài Gòn.
Mà có sai đâu, chính cái không gian cứ trông như chật chội, ngột ngạt của những ngõ hẻm lại khiến người ta thêm cảm thông, sẻ chia và gần gũi nhau hơn. Không chỉ là lối đi, ngõ hẻm còn là nơi thuận tiện cho việc buôn bán ngay trong nhà, trước ngõ hoặc là không gian chung mỗi khi hữu sự của bất kể gia đình nào. Nói nào ngay, sống trong hẻm cũng khó tránh được những va chạm, hiểu lầm nhưng cái tình chòm xóm mới là quan trọng nên nhà nào tối lửa tắt đèn là cả con hẻm xúm vô tiếp giúp.
Ngõ hẻm Sài Gòn chằng chịt như những huyết mạch mang đến sức sống, sự tươi mới cho một đô thị không ngừng vươn lên và phát triển. Để rồi dù rộng hay hẹp, dài hay ngắn thì những ngõ hẻm ấy vẫn ngày đêm cưu mang, gánh vác, sẻ chia những buồn vui cùng bao con người đồng thời góp phần làm nên bản sắc văn hóa cho thành phố thân yêu này.
Theo thanhnien.vn
Những cách chế biến gạo nếp thành thuốc chữa bệnh Gạo nếp là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ. Gạo nếp thường được dùng nấu xôi, chè, làm bánh (bánh khảo, bánh chưng, nếp, bánh gai, bánh nướng...). Đặc biệt, gạo nếp còn có tác dụng chữa bệnh mà ít người biết đến....