Thời trang siêu thực: cá tính, tự do và táo bạo
Gần đây, loạt thương hiệu đình đám từ Dior, Valentino, Prada đến Victoria Beckham tiếp tục quảng bá cho thời trang siêu thực.
Phong cách siêu thực đem đến những sắc màu dị biệt, phóng khoáng cho ngành thời trang thế giới. Đến nay, trào lưu này vẫn giữ nguyên sức sống bền vững cùng giá trị ảnh hưởng riêng biệt.
Sô diễn Xuân – Hè mang ấn tượng siêu thực, phá cách của Henrik Vibskov đề cao họa tiết phương Đông, nổi bật như hình ảnh sinh vật biển – Ảnh: NowFashion
Khi ông hoàng của trường phái nghệ thuật siêu thực Salvador Dalí đưa hình ảnh con tôm hùm điểm xuyết lên nền một chiếc đầm suông trắng, ông muốn truyền tải dấu ấn khiêu khích. Và quả thật, Dalí đã làm nên chuyện. Bộ sưu tập thời trang do họa sĩ gốc Tây Ban Nha hợp tác thực hiện năm 1937 cùng nhà thiết kế nữ tiên phong Elsa Schiaparelli từng khiến công chúng quốc tế xôn xao bàn tán. Mẫu đầm lụa bó eo họ cho ra mắt ít lâu sau đó được Wallis Simpson – nữ công tước xứ Winsor – mặc đã xuất hiện trên tạp chí Vogue. Thiết kế độc đáo ấy nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trong giới thời trang. Song, Dalí chưa thật thỏa mãn. Ông nghĩ chiếc váy vẫn thiếu một điểm nhấn nhỏ sau cùng: vài giọt xốt mayonnaise bên cạnh con tôm hùm đỏ.
Một số đề cử thuộc bộ sưu tập siêu thực độc đáo từ thương hiệu Schiaparelli, Xuân – Hè 2021 – Ảnh: Vogue
Hẳn chúng ta khó hình dung vì sao một con tôm hùm vẽ trên chiếc đầm lại là vấn đề đáng thảo luận. Kiểu họa tiết tương tự ngày nay dễ dàng thấy khắp nơi, tạo điểm nhấn cho chiếc áo khoác nữ tính hay đôi giày thể thao. Trong sự kiện trình diễn Xuân – Hè 2020, nhà thiết kế nổi tiếng người Đan Mạch Henrik Vibskov tái hiện chuỗi hình họa sinh vật biển với tông đỏ và hồng sống động. Tương tự, Louis Vuitton từng giới thiệu bộ sưu tập áo khoác lông ấn tượng, trang trí bằng những chú tôm hùm nhồi bông ở sô thời trang nam Thu – Đông 2020.
Để họa tiết phá cách trở nên phổ biến trong văn hóa thời trang đương đại, Siêu thực – phong trào nghệ thuật tiên phong khởi nguồn từ đầu thế kỷ XX – đóng góp một phần ảnh hưởng không nhỏ. Khai thác chủ đề những giấc mơ, với tiêu chí thúc giục nghệ sĩ mở rộng kỹ thuật sáng tác (đặt cạnh nhau một số chủ thể – hoa văn tương phản hay lồng ghép thơ văn vào mỹ thuật), nghệ thuật siêu thực mong muốn khai phá trí tưởng tượng, kích thích sức sáng tạo không biên giới trong mỗi người.
Siêu thực bắt đầu trở thành trào lưu văn học, mỹ thuật, sau đó dần lan rộng tới hàng loạt địa hạt văn hóa nghệ thuật khác, bao gồm thời trang, kể từ thập niên 1920. Cuộc gặp gỡ đầy nhân duyên giữa Schiaparelli và Dalí ở Paris trong thập niên kế tiếp đánh dấu cột mốc nổi bật đầu tiên của thời trang siêu thực. Cùng với nữ nghệ sĩ bậc thầy Méret Oppenheim, họ cho ra đời những thiết kế đáng kinh ngạc: giày “nón”, găng tay với họa tiết mạch máu, mẫu váy “nước mắt”, chiếc váy lụa “tôm hùm”.
Đồng hương của Dalí, họa sĩ Joan Miró, ghi dấu ấn không kém khi cộng tác cho đoàn múa ballet danh tiếng Ballet Russes, vẽ trang phục sân khấu với tạo hình táo bạo, rực rỡ. Tại Mỹ, nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia tài hoa Man Ray tiếp bước trào lưu khi kết hợp cùng nữ người mẫu Lee Miller sáng tạo nên loạt ảnh thời trang đậm sắc thái siêu thực, cuốn hút.
Rất nhiều dự án nói trên, vốn ban đầu chỉ được xem là thử nghiệm nghệ thuật, giờ đây lại hòa vào xu hướng thời trang toàn cầu. Mẫu đầm đen bó sát với họa tiết xương sống nhấn eo của Schiaparelli, ra mắt năm 1938, đã tạo cảm hứng cho đông đảo nhà mốt hiện đại như Alexander McQueen hay nghệ sĩ trang sức Shaun Leane – khuyến khích việc sử dụng những chi tiết mô phỏng hình thể táo bạo, đa sắc trong nghệ thuật may mặc.
Đề cao giá trị mỹ thuật song hành cùng thời trang, phải kể đến vài cái tên nổi bật khác như nhà tạo mẫu người Thổ Nhĩ Kỳ Hussein Chalayan (với series trình diễn thời trang lập thể Thu – Đông 2000) hay nhãn hàng Viktor & Rolf của Pháp (bộ sưu tập đầm dạ tiệc Xuân – Hè 2010 tô điểm bởi những đường cắt, xẻ độc đáo).
Vài năm trở lại đây, giới tạo mẫu càng có khuynh hướng ưu ái trào lưu siêu thực. Một số thương hiệu danh tiếng đã nhờ đến những họa sĩ siêu thực tài năng làm nguồn lực sáng tạo. Sô diễn Thu – Đông 2019 của nhà thiết kế nữ Simone Rocha lấy cảm hứng từ họa sĩ, nhà điêu khắc Louise Bourgeois, là sự tiếp cận thẳng thắn, táo bạo trước đề tài nữ quyền qua series phục trang và phụ kiện trang sức nổi bật.
Video đang HOT
Họa tiết môi đỏ điểm xuyết trên một mẫu đầm của nhãn hàng Victoria Beckham – Ảnh: ZalandoUK
Cùng năm, hai cố nghệ sĩ tiên phong thuộc trường phái siêu thực – Méret Oppenheim và Lee Miller – được vinh danh bằng bộ sưu tập của nhà tạo mẫu Eudon Choi và Roland Mouret. Giám đốc thiết kế của Dior, Maria Grazia Chiuri, cũng không ít lần giúp “tái sinh” dấu ấn siêu thực phá cách qua những sô diễn lấy cảm hứng từ loạt nữ nghệ sĩ tên tuổi như Leonor Fini, Leonora Carrington và Dora Maar.
Một số bộ sưu tập minh chứng cho mối duyên gắn bó giữa thời trang và mỹ thuật siêu thực, còn ẩn chứa nét đẹp nữ quyền đa dạng thông qua nỗ lực vinh danh nhiều nghệ sĩ nữ bậc thầy.
Gần đây, loạt thương hiệu đình đám từ Dior, Valentino, Prada đến Victoria Beckham tiếp tục quảng bá cho thời trang siêu thực. Tiêu biểu thuộc dòng sản phẩm ready-to-wear (thời trang may sẵn) là series áo, váy năng động in họa tiết đôi môi đỏ mang dấu ấn Man Ray của Victoria Beckham và Prada.
Nữ công tước Wallis Simpson, vợ của cựu vương Edward VIII, trong thiết kế váy nổi tiếng. Hình ảnh tôm hùm được chính Salvador Dalí vẽ lên váy – Ảnh: Getty
Nhà mốt Schiaparelli, kế thừa danh tiếng Elsa Schiaparelli, phác họa sắc màu siêu thực đặc thù của hãng qua sô diễn Xuân – Hè 2021 ấn tượng. Chương trình giới thiệu bộ sưu tập jumpsuit, váy xẻ tà tay bồng, đầm bó phối nơ hồng gợi cảm đi cùng nhiều chi tiết cắt may phá cách.
Thời trang thường được xem là chứng nhân phản ánh những biến động lịch sử. Khi đại dịch toàn cầu bùng phát, không ít thương hiệu buộc phải thay đổi để thích nghi, để giữ vững chỗ đứng trước vô vàn thách thức. Trong bối cảnh như thế, một số nhà thiết kế lại tìm về trào lưu siêu thực nhằm tiếp cận gần hơn những mong ước hiện thực.
Thiết kế lấy cảm hứng những hình khối độc đáo của thương hiệu Chalayan – Ảnh: Dazed
Không chỉ giới tạo mẫu cao cấp, các thương hiệu bán lẻ có mức giá phổ thông cũng bày bán sản phẩm ít nhiều biểu thị dấu ấn siêu thực, với đường may, hoa văn và điểm nhấn táo bạo, sống động hơn.
Như Dalí từng lý giải: “Điều tôi cố làm là dệt nên những giấc mơ, những thứ nhiệm mầu”. Ngay lúc này, nhiều người trong chúng ta hẳn đều thấy đôi chút đồng cảm trước phát ngôn ấy.
Vì sao đàn ông lại quyến rũ 'chết người' khi mặc quân phục?
Hình ảnh người đàn ông mặc quân phục hấp dẫn đến nỗi Hollywood thường xuyên khai thác, vì sao nam giới mặc loại trang phục này lại hấp dẫn đến vậy?
Hình ảnh người đàn ông mặc quân phục phổ biến từ lâu tại Hollywood, điển hình là sự xuất hiện của Tom Cruise trong phim Phi công siêu đẳng và Richard Gere trong Sĩ quan và quý ông . Trông giản dị vậy thôi nhưng quân phục vẫn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm đương đại trên khắp thế giới.
Gợi hình ảnh anh hùng
Ngoài đời, các chàng trai mặc quân phục đã thu hút lắm rồi. Trên phim ảnh, họ còn được lãng mạn hóa nữa. Luke Day, biên tập viên của GQ Style đặt câu hỏi: " Nó quyền năng đến vậy sao? Nó lan tỏa mạnh đến vậy sao? Tôi nghĩ bộ quân phục gợi đến một hình mẫu lý tưởng nào đó bởi vì hầu hết những người đàn ông mặc quân phục đều là anh hùng".
Tom Cruise càng đẹp trai hơn khi diện quân phục.
Nhiều món đồ phải có trong tủ quần áo của các quý ông có "tiền thân" là quân phục, từ deck shoes, áo khoác bomber MA1, quần chinos, khakis, epaulettes, áo parka cho đến áo khoác. Julian Ganio, chuyên gia tư vấn trang phục nam của Fendi nói: "Tất cả thời trang nam đều có điểm giống nhau. Chúng có một chất rất riêng gắn liền với cánh mày râu".
Đồng phục được tạo ra là để gắn kết một cộng đồng người, đồng thời cũng để phân biệt họ với các nhóm khác. Ganio nói: " Đàn ông muốn ở trong 'hội'; chúng tôi muốn tiếp xúc với những người đàn ông có cùng suy nghĩ. Và chúng tôi muốn có một nơi để thuộc về".
Richard Gere trong phim "Sĩ quan và quý ông".
Thứ ngôn ngữ bí mật
Mới đây, chuyên gia thiết kế thời trang người Anh Andrew Groves mở triển lãm mang tên "Invisible Men" (Những người đàn ông vô hình) tại khu trưng bày quần áo nam của Đại học Westminster. Theo Groves, đàn ông giao tiếp với nhau bằng mắt - "con mắt thời trang", và chưa có ai giải đáp được tại sao nam giới lại có phong cách thời trang như hiện tại.
Áo khoác len đỏ do Nicholas Yip thiết kế năm 2017.
Buổi diễn với 170 sản phẩm có kết hợp phong cách quân phục như lời nhắc nhở rằng các cuộc triển lãm trang phục nam vẫn còn hiếm lắm. Groves nói: " Tại buổi triển lãm mới đây của Dior ở bảo tàng V&A, không hề có quần áo nam. Không một bộ nào cả. Ở McQueen cũng vậy" .
Thông qua "Invisible Men", Groves muốn phác họa tphong cách thời trang nam của Vương quốc Anh một cách đời thường, kèm theo dáng dấp của bộ quân phục xưa. Trong cuộc triển lãm này, ông muốn tôn vinh trước hết những bộ quần áo truyền thừa từ đời này sang đời khác, được dùng ngoài sân bóng và trong quán rượu, sau đó mới đến các "mốt" của giới trẻ bây giờ.
Một fan của đội tuyển Manchester United khoác chiếc áo mang tên Daniel James trước thềm giải Bóng đá Ngoại hạng Anh tại Old Trafford, Manchester.
Bản thân Groves là người giữ vé của Man City suốt mùa giải, quen nhiều người hâm mộ của câu lạc bộ Arsenal và biết họ cũng mua vé tới triển lãm "Invisible Men" nhờ thông tin về trang phục bảo hộ lao động của Stone Island và CP Company. Groves nói: " Đàn ông phát ra một loại tín hiệu mà chỉ những người đàn ông khác mới nhận được. Đó là một ngôn ngữ bí mật".
Quyền lực của quân phục
Tại show diễn Maison Margiela xuân hè 2020, John Galliano gửi đến khán giả kiểu thời trang phá cách. Ông cho một người mẫu mặc áo khoác thủy thủ xuất hiện với hình ảnh sắp "tức nước vỡ bờ" lên sàn diễn. Hình tượng này nhắc chúng ta đến vai diễn đầy mê hoặc của Brad Davis trong phim Querelle , một bộ phim của Rainer Werner Fassbinder về chàng thủy thủ trẻ.
Người mẫu Leon Dame tại buổi trình diễn thời trang Maison Margiela xuân hè 2020.
Luke Day nói: " Nếu nhìn vào tất cả những nhà thiết kế thời trang vĩ đại của Anh, bạn sẽ thấy họ đem phong cách quân phục đến từng sản phẩm của mình. McQueen có toàn sản phẩm như vậy ".
Mới đây, Craig Green, nhà thiết kế thời trang nam có tiếng của Anh, đã thiết kế đồng phục cho nhân viên phục vụ ở khách sạn Standard của Andre Balacz, mới khai trương tại London.
Bộ suit 3 mảnh do Alexander McQueen thiết kế năm 1998.
Luke Day tin rằng sự quan tâm ông dành cho quân phục bắt nguồn từ hình ảnh mang tính biểu tượng trong phim, thường đã trở nên quen thuộc với phái nam từ khi họ còn trẻ.
Day tạo dáng và thiết kế cho nhóm Take That và cho cả cựu thành viên Robbie Williams. Ông cho biết trang phục cho các tour diễn của Take That luôn gắn với hình ảnh của Terence Stamp trong phim Far from the madding crowd (Xa đám đông điên loạn). " Những tỷ lệ thiết kế này tạo nên sự gợi cảm với bờ vai rộng; eo cao và hẹp. Cách cắt tỉa quân phục cũng tạo nên cặp đùi dài và thon gọn" , Luke nói.
Nhóm nhạc Take That trình diễn ca khúc "Kidz".
Hình ảnh người đàn ông mặc quân phục thường ẩn chứa yếu tố tình dục. Day nói: "Lấy Fireman's Ball trong 'Sex and the City' hay Channing Tatum trong 'Magic Mike' làm ví dụ. Quân phục đóng vai trò như là vật được sùng bái vậy. Mỗi vũ công thoát y đều thay trang phục hai lần: Lính cứu hỏa và cảnh sát".
Ngay cả nhân vật trong phim Hot Priest (Mục sư nhiệt huyết) của Andrew Scott gần đây cũng trở nên được mến mộ trên toàn thế giới. Ngay khi đó, bộ quần áo mục sư trở thành một trong những mặt hàng được trưng bày tại "Invisible Men".
Nam lập trình viên nổi tiếng nhờ mặc đẹp Trong công việc của Rainier Jonn, cách ăn mặc không được coi trọng. Bởi vậy, anh đã chia sẻ công thức phối đồ để thay đổi tư duy của lập trình viên. Xuất phát điểm là lập trình viên, Rainier Jonn trở nên nổi tiếng khi chia sẻ công thức phối đồ công sở cho nam giới. Trả lời phỏng vấn, Rainier Jonn...