Thời trang nhanh có đẳng cấp?
Xuất phát từ sở thích muốn theo kịp xu hướng của các cô gái, thời trang nhanh đang sao chép nhiều thiết kế từ thương hiệu nổi tiếng với giá thành rẻ, chất lượng kém.
“Đừng để Zara và Uniqlo dạy bạn về giá của quần áo vì đó không phải là thời trang”.
Với nhận xét này, Virgil Abloh – giám đốc điều hành của Off-White – đã vô tình chạm vào vấn đề gây nhiều tranh cãi trong mọi cuộc thảo luận về thời trang nhanh và giá cả.
Thời trang nhanh có nhiều hệ lụy tới sức khỏe người dùng. Ảnh: Meidum.
Theo Refinery29, những người có thu nhập thấp nên hạn chế mua những thứ rẻ tiền để bảo vệ môi trường?
Thời trang nhanh không hoàn toàn xấu, cũng như thời trang bền vững chưa chắc đã tốt. Mua đồ tốt hơn không đồng nghĩa với việc bạn phải chi tiêu nhiều hơn. Giáo sư giảng dạy tại Đại học Thời trang London – Dilys Williams – nói: “Thời trang bền vững không đắt tiền, chúng có giá trị cao hơn so với món đồ thời trang nhanh chỉ mặc được vài lần”.
Ngoài quan điểm về giá cả, có một số yếu tố của thời trang bền vững là sự tự hào. Tất cả quần áo của bạn được làm từ 100% bông hữu cơ hoặc các vật liệu tái chế sẽ cứu giúp hành tinh khỏi tình trạng ô nhiễm trầm trọng như hiện nay.
Trang Refinery29 cho biết vấn đề đẳng cấp trong thời trang thể hiện ở nơi mọi người mua sắm quần áo. Trong khi thời trang bền vững được bày bán tại các địa điểm nổi tiếng, thu hút nhiều người, thời trang nhanh lại chỉ gói gọn trên các trang thương mại điện tử hoặc chợ bán quần áo.
Mặc dù vậy, các số liệu thống kê cho thấy con người đang tiêu thụ lượng quần áo lớn chỉ trong thời gian ngắn. Cuộc khảo sát của Yougov cho thấy ở Australia, 75% người lớn đã vứt bỏ quần áo trong năm 2020 và 30% đã vứt bỏ trên 10 món đồ/năm.
Với tốc độ tiêu thụ trang phục nhanh chóng của con người trên toàn cầu, thời trang sẽ chiếm 1/4 lượng carbon thải ra ngoài môi trường tính đến năm 2050.
“Tôi không có gì để mặc” là vấn đề của nhiều cô gái. Từ đó, họ chọn thời trang nhanh để thay đổi quần áo theo từng xu hướng. Ảnh: Edie.
Giáo sư Dilys Williams nói: “Đây là bằng chứng cho thấy thời trang hiện nay được coi là đồ dùng một lần, như một mặt hàng rẻ tiền không đáng để yêu thích hay quan tâm. Là con người, chúng ta bị kích thích bởi các thiết kế mới lạ. Do đó, mọi người có xu hướng lựa chọn thời trang nhanh, giá rẻ để thay đổi theo từng mùa. Vì thế, thời trang đang bị đánh giá thấp”.
Video đang HOT
Hiện nay, quá trình thiết kế thời trang nhanh và đơn giản hơn trước nhờ vào cách chúng ta chia sẻ thông tin. Các thương hiệu thời trang nhanh dễ dàng sao chép quần áo từ những nhãn hàng lớn để bán với giá rẻ. Nhờ đó, hàng nghìn công ty trên khắp thế giới đang kiếm được triệu USD từ việc sao chép ý tưởng thiết kế.
Thời trang nhanh không thể cắt giảm chất thải ra môi trường, trả đủ tiền cho công nhân và đảm bảo không phá hủy hành tinh. Đó là mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên tốc độ, không quan tâm đến vấn đề đạo đức.
Giáo sư Dilys Williams bày tỏ: “Thời trang nhanh phản ánh sự thèm muốn của xã hội đối với hàng giá rẻ. Món đồ thời trang có giá trị là sự cân bằng giữa thể hiện tinh thần của nhà thiết kế, tôn vinh con người và các yếu tố tự nhiên tham gia vào quá trình sản xuất. Việc lựa chọn quần áo giá rẻ hay bền vững không phải là vấn đề đẳng cấp, đó là vấn đề ý thức của con người”.
Bãi rác thời trang tạo ra từ thói quen mua sắm đồ giá rẻ của con người. Ảnh: Trenntmagazin.
Ngập tràn bãi rác thời trang
Quần áo kém chất lượng từ mô hình thời trang nhanh được vận chuyển đến những nơi xa xôi, tạo nên các bãi rác khi chúng không thể tái sử dụng.
Theo CBS News , sự phát triển mạnh mẽ của thời trang nhanh tại Mỹ đang tạo nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực thông qua hoạt động từ thiện. Quần áo cũ từ Mỹ được vận chuyển đến những quốc gia xa xôi, làm xuất hiện nhiều bãi rác đồ cũ tràn ngập các khu chợ và bãi biển.
Tiêu thụ quần áo toàn cầu tăng vọt
Những thương hiệu thời trang nhanh thúc đẩy mọi người mua quần áo nhiều hơn. Số lượng quần áo người Mỹ mua đã tăng gấp 5 lần trong vòng 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, mỗi món đồ chỉ được mặc trung bình 7 lần. Điều này dẫn đến số lượng quần áo cũ bị loại bỏ ngày càng nhiều.
Nhiều người Mỹ quyên góp quần áo không còn mặc nữa cho tổ chức từ thiện với hy vọng chúng sẽ được tái sử dụng. Thế nhưng, thời trang nhanh phát triển với tốc độ kinh ngạc kéo theo sự sụt giảm về chất lượng của vải vóc, quần áo. Ngày càng ít trang phục cũ có thể được bán lại. Thay vào đó, hàng triệu sản phẩm may mặc đã qua sử dụng được vận chuyển đến các quốc gia nghèo mỗi năm.
Thời trang nhanh tạo ra các sản phẩm may mặc chất lượng kém. Ảnh: ABC News.
Đồng sáng lập kiêm giám đốc của OR Foundation - Liz Ricketts - nói với CBS News : "Bất cứ thứ gì họ không thể bán trong cửa hàng tiết kiệm, họ đều gửi vào thị trường cứu cánh (nơi diễn ra các hoạt động vận chuyển đồ cũ đến những quốc gia xa xôi)".
Nhà thiết kế thời trang kiêm giám đốc dự án tại Or Foundation - Samuel Oteng - chia sẻ: "Thời trang nhanh phát triển theo hướng tạo nên quần áo giá rẻ. Và Mỹ là nơi xuất khẩu nhiều quần áo cũ hơn bất kỳ quốc gia nào trên Trái Đất".
Ác mộng quần áo cũ kém chất lượng từ các nước phương Tây
Tại chợ Kantamanto ở Ghana, mỗi tuần có khoảng 15 triệu mặt hàng quần áo đã qua sử dụng từ các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Trong khi đó, dân số của Ghana khoảng 30 triệu người.
Kantamanto là chợ quần áo cũ lớn nhất ở Ghana. Nó nằm ngay trung tâm thủ đô Accra. Chợ Kantamanto có đầy đủ các loại quần áo may sẵn, phụ tùng xe cộ, đồ trang trí nhà cửa và giày dép. Mọi thứ tạo cho khu chợ vẻ ngoài sầm uất và hầu như không có chỗ trống.
Hàng ngày, xe tải chở các kiện quần áo cũ, được gọi là Obroni Wawu đến chợ từ rất lâu trước bình minh. Hàng trăm kiện hàng được bọc trong bao tải màu cam nổi bật. Một số người với tấm bìa hồ sơ trên tay, kiểm tra hàng hóa và gửi đi.
Trong ngôn ngữ Ghana, Obroni Wawu có thể được dịch nghĩa thành "quần áo của người da trắng đã chết".
Khi làn sóng quyên góp đồ cũ từ phương Tây hình thành đầu tiên vào những năm 1970, người dân địa phương ở Ghana không thể tin rằng những bộ quần áo chất lượng cao như vậy lại được tặng miễn phí. Vì vậy, họ cho rằng người chủ cũ của chúng đã qua đời.
Quần áo "Obroni Wawu" rất phổ biến ở Ghana và nhiều quốc gia Tây Phi. Ảnh: ABC News.
Xa hơn Ghana, kiện quần áo cũ được chuyển đến các nước như Burkina Faso hoặc Bờ Biển Ngà. Phần lớn đồ cũ vẫn được đưa đến chợ Kantamanto. Hơn 5.000 gian hàng trang phục cũ tạo thành mê cung tại chợ.
Các kiện hàng Obroni Wawu được mua bởi người buôn bán, kinh doanh ở chợ. Họ không biết có gì trong đó. Họ đem quần áo cũ đi giặt sạch, may vá, nhuộm màu và phục hồi lại những gì có thể trên quần áo. Từ đó, món đồ mang sức sống mới để dễ thu hút người mua.
Che đậy việc gây ô nhiễm môi trường thông qua từ thiện
Theo nhà thiết kế thời trang Samuel Oteng, việc làm mới quần áo cũ ngày càng khó khăn vì chất lượng kém của các sản phẩm thời trang nhanh.
"Trước đây, người dân thường có quần áo chất lượng tốt, nhưng bây giờ có rất nhiều rác. Tôi cảm thấy chất thải được tạo ra nhiều hơn từ mô hình thời trang nhanh. Mọi thứ được sản xuất quá mức. Cuối cùng, quần áo chỉ được mặc trong vòng 2 tuần và sau đó bị vứt bỏ. Thay vì ở Mỹ, chất thải thời trang được chuyển đến đây - chợ Kantamanto", Oteng cho biết.
Ở thủ đô Accra (Ghana), vỉa hè đặc kín người bán hàng rong. Hàng loạt quần áo cũ được gấp lại hoặc treo lên để bán. Tại Accra, có khoảng 60 container quần áo đã qua sử dụng được chuyển đến mỗi tuần.
Công việc hối hả của những thương nhân tại chợ Katamanto không đủ để giảm bớt tình trạng dư thừa quần áo do người phương Tây "nghiện" thời trang nhanh.
Những nhà nhập khẩu chi lên đến 95.000 USD cho một kiện quần áo nhưng không biết bên trong có gì. Chỉ khi kiện hàng được mở ra, người ta mới biết được chất lượng của quần áo. Nếu đồ cũ ở trạng thái tốt, lợi nhuận thu được tăng lên đến 14.000 USD. Tuy nhiên, mua phải quần áo bị rách, ố vàng hoặc lỗi thời, nhà nhập khẩu đã "đốt tiền" của họ.
Emmanuel Ajaab là một trong những nhà nhập khẩu quần áo cũ nổi bật ở chợ Kantamanto. Tại đây, các thương nhân trẻ, thậm chí là bạn bè có thể trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt mỗi khi kiện hàng mới được chuyển đến. Bởi vì nếu không nhanh tay giành được những bộ quần áo đẹp nhất, họ sẽ không kiếm được tiền.
Ajaab cho biết: "Trước đây, kinh doanh quần áo diễn ra thuật lợi. Nhưng giờ đây, nhiều đồ cũ chất lượng kém được đưa đến châu Phi, đến Ghana. Tình trạng rất tệ".
Các nhãn hiệu quen thuộc có thể bắt gặp trong kiện hàng đồ cũ ở cửa hàng của Ajaab như Suzanne Grae, Target, Zara, Billabong, Just Jeans... Rất ít món đồ có thể bán lại. Trong số 180 chiếc áo khoác mùa hè trong kiện hàng, 85 chiếc không thể bán được vì cổ áo dính đầy mồ hôi, thiếu nút áo, vết bẩn dính trên tay áo...
Ajaab buồn bã chia sẻ: "Đó là sự xúc phạm. Giả sử bạn dùng tiền để mua kiện hàng này, làm thế nào bạn sống sót được?".
Ajaab tiêu tốn 90 USD cho một kiện hàng, nhưng số quần áo bán được chỉ trị giá 20 USD. Phần còn lại được chuyển đi cùng với rác.
Quần áo không thể bán được trở thành rác và gây nên thảm họa môi trường. Ảnh: ABC News.
Uớc tính khoảng 40% kiện quần áo được gửi đến Ghana không thể tiêu thụ sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp.
Theo ABC News , trên bờ đầm phá Korle ở thủ đô Accra, có một bãi rác khổng lồ cao khoảng 20 m. Hầu hết trong số đó là quần áo cũ. Ước tính khoảng 60% đồ cũ không thể tái sử dụng tạo nên bãi rác. Những sản phẩm này không bao giờ được mặc lại vì chất lượng kém.
Khi trời mưa, quần áo không đến tay người mua hàng sẽ theo dòng chảy trôi ra biển, tạo nên những "mạng nhện" khổng lồ trên cát, đe dọa sự sống của sinh vật và môi trường biển. Bão nhiệt đới cuốn quần áo vào mạng lưới cống rãnh. Vải dệt tổng hợp có thể mất hàng trăm năm để phân hủy. Chúng gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước của thành phố, dẫn đến ngập lụt.
Giám đốc quản lý chất thải của Accra Metropolitan Assembly - Solomon Noi - đã gửi thông điệp đến Mỹ: "Hãy đối mặt với nó. Đừng che giấu dưới hình thức quyên góp quần áo đã qua sử dụng. Và sau đó các bạn chuyển chúng đến đây, gây nên vấn đề cho chúng tôi".
Hệ lụy từ những đoạn clip phối đồ trên mạng xã hội Những video phối đồ có thời lượng vài phút gây ảnh hưởng đến tư duy của giới trẻ về giá trị thời trang bền vững. Theo Glamour , trong vài năm gần đây, những video chia sẻ về cách phối đồ của giới trẻ trở thành xu hướng chung trên mạng xã hội. Trung bình, các đoạn clip dài khoảng vài phút, sẽ...