Thời tiết xấu trên biển, đất liền: Bạc Liêu, Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp ứng phó
Dự báo thời tiết xấu trên biển và đất liền sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới, 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.
Sáng 13.7, ông Lưu Hoàng Ly, Phó trưởng ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bạc Liêu, cho biết do ảnh hưởng của thời tiết xấu nên những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu liên tục xuất hiện mưa trên diện rộng, gây ngập úng nhiều nơi.
Sạt lở đê biển Tây: Nhiều đoạn bị đe dọa nghiêm trọng, khẩn cấp hộ đê
Đề phòng sét đánh chết người
Hiện, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau; từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông mạnh.
Ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9, biển động mạnh.
Dự báo thời tiết xấu trên biển và đất liền sẽ kéo dài trong vài ngày tới.
Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đê bao ở H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ảnh TRẦN THANH PHONG
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, TP khẩn trương triển khai một số giải pháp phòng, chống với thiên tai.
Đối với khu vực đất liền, thông báo rộng rãi về diễn biến xấu của mưa to, giông lốc có thể xuất hiện trong những ngày tới để người dân chủ động phòng, chống. Đặc biệt, chú ý cảnh báo hiện tượng sét đánh chết người thường xuất hiện khi có giông lốc. Triển khai nhanh các biện pháp phòng chống ngập úng tại các địa bàn để bảo vệ sản xuất.
Đối với khu vực ven biển và trên biển, thông báo rộng rãi về diễn biến thời tiết xấu cho các tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt biết để chủ động phòng tránh kịp thời. Tiếp tục tăng cường kiểm đếm các tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn trên biển.
Mưa lớn, lốc xoáy gây ngập úng, nhiều cây xanh bị đổ ngã ở H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ảnh TRẦN THANH PHONG
Nguy cơ đe dọa an toàn các tuyến đê, kè ven biển
Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh, cho biết do hưởng gió mùa tây nam mạnh kết hợp với triều cường gây sóng lớn, nguy cơ đe dọa an toàn các tuyến đê, kè ven biển và hoạt động kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng.
Theo ông Đạo, từ ngày 11.7 đến nay, mưa lớn kèm giông lốc, sạt lở đã ảnh hưởng và gây thiệt hại không nhỏ đến các địa phương. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều biện pháp yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin từ các phương tiện truyền thông; thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng phó khi có yêu cầu; triển khai lực lượng xung kích tuần tra bảo vệ các địa điểm xung yếu trên tuyến đê biển, đê sông, bờ bao khu vực nội đồng đảm bảo an toàn sản xuất.
Để chủ động ứng phó với thời tiết xấu, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo khẩn trương huy động lực lượng trực tiếp xuống ngay các địa phương với tinh thần quyết liệt để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Trước đó, UBND tỉnh đã trích Quỹ phòng, chống thiên tai hỗ trợ cho 34 căn nhà của người dân bị thiệt hại do lốc xoáy với tổng số tiền 255 triệu đồng.
Gió mùa tây nam giật mạnh, 2 người mất tích, 10 tàu thuyền bị chìm
Các tỉnh Tây Nam bộ ghi nhận xảy ra nhiều thiệt hại về tài sản, sự cố sạt lở đê điều khi gió mùa tây nam đang hoạt động mạnh gây ra mưa lớn, giông lốc tại nhiều địa phương.
Sáng 13.7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang đã có nhiều thiệt hại do mưa lớn, giông lốc xảy ra từ 10 - 12.7.
Cụ thể, tại Kiên Giang, ngày 12.7 đã có 2 người mất tích trên một tàu lưới ghẹ bị chìm tại khu vực cửa sông Dương Đông, TP.Phú Quốc. Còn tại Cà Mau và Kiên Giang có 10 phương tiện neo đậu và đánh bắt thủy sản ven bờ đã bị sóng lớn đánh chìm.
2 cha con mất tích trên biển do sóng lớn đánh lật ghe lưới ghẹ
Sự cố sạt lở đê biển Tây tại H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau trong ngày 11.7. Ảnh CTV
Các địa phương nói trên cũng ghi nhận xảy ra nhiều sự cố sạt lở đê bao sông, đê bao biển. Điển hình là vụ sạt lở 40 m đê bao sông Măng Thít (tỉnh Long An) và sạt lở đê biển Tây tại Cà Mau.
Cũng theo thống kê, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm tốc mái, hư hỏng 321 ngôi nhà (Vĩnh Long 25 nhà, Sóc Trăng 7 nhà, Cà Mau 106 nhà, Kiên Giang 148 nhà, Bạc Liêu 28 nhà, Hậu Giang 7 nhà). Các tỉnh Vĩnh Long và Kiên Giang đã có 76 ha lúa, cây ăn trái bị hư hỏng, thiệt hại.
Trước đó, chiều 12.7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang về chủ động ứng phó gió mạnh, sóng lớn, triều cường trên biển. Một đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã được cử đến Cà Mau để kiểm tra công tác khắc phục sự cố sạt lở đê biển Tây.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, gió mùa tây nam vẫn đang hoạt động mạnh. Dự báo ngày và đêm 13.7, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao 3 - 5 m.
Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía đông của khu vực nam Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao 2 - 4 m.
Sóng lớn kết hợp với triều cường trong ngày hôm nay sẽ tiếp tục uy hiếp, gây nguy hiểm nhiều cho nhiều tuyến đê biển khu vực Tây Nam bộ.
Nhiều nhà máy tôm Sóc Trăng trả lương cao, tuyển hàng ngàn lao động Trả lương cao và thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở Sóc Trăng hy vọng sẽ chung tay giữ chân người lao động ở lại làm việc tại quê nhà, không bỏ xứ đi làm ăn xa. Sau Tết, nhiều nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng có nhu cầu tuyển thêm nhiều...