Thời kỳ đen tối của giá dầu
Các nhà sản xuất dầu thô vừa rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở” sau khi giá dầu thế giới lần đầu trong lịch sử rơi xuống vùng âm (-37,63 USD/thùng). Những động thái nhằm “cứu” thị trường dầu mỏ khỏi bờ vực đổ vỡ đã tức tốc được đưa ra, song là những cố gắng hết sức mong manh.
Thị trường dầu mỏ vừa chứng kiến một “cú sốc” mạnh sau khi giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5-2020 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Mặc dù sau đó giá dầu đã bật tăng trở lại lên mức hơn 0 USD/thùng, song những đột biến trên thị trường dầu mỏ gây tâm lý bấp bênh cho các nhà đầu tư. Bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới được đưa ra, giá dầu mỏ lao dốc không phanh do nguồn cung hiện quá dư thừa trên các thị trường và các kho dự trữ hết chỗ chứa. Việc các nhà đầu tư phải bán tháo tạo áp lực lên giá dầu. Mức giá âm được cho là dấu hiệu các nhà giao dịch sẽ phải trả tiền để đưa bớt dầu ra khi nguồn cung thừa thãi đang thử thách năng lực các kho chứa. Dầu thô WTI trước mắt không tìm được “điểm đến” bởi nguồn cung quá nhiều. Hiện các nhà buôn tập trung vào hợp đồng giao tháng 6, với khối lượng giao dịch cao hơn gấp 30 lần.
Thị trường dầu mỏ thế giới liên tục lao dốc trong những tuần qua do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại áp đặt tại nhiều nước trên thế giới khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Cuộc khủng hoảng giá dầu càng trở nên tồi tệ hơn khi tranh cãi giữa A-rập Xê-út và Nga xảy ra trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC ) đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Các nguồn dự trữ đã kịch trần khiến quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC chưa đủ sức kéo giá dầu trở lại quỹ đạo. Giá dầu mỏ giảm xuống “vùng âm” trong phiên giao dịch ngày 20-4 vừa qua gây lo ngại kéo theo những hệ lụy kinh tế tiêu cực hơn nữa.
Với đợt suy giảm giá dầu kỷ lục này, nhiều công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản khi hầu hết “đại gia” dầu mỏ đều vay nợ lớn trong giai đoạn trước đó. Theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ rơi vào thảm cảnh này. Các hoạt động kinh tế và công nghệ bị đình trệ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới giảm mạnh. Các công ty lọc dầu xử lý dầu thô với mức ít hơn bình thường khiến hàng trăm triệu thùng dầu bị đẩy vào các kho chứa trên toàn thế giới. Một số nhà buôn thậm chí đã phải thuê tàu neo đậu chỉ để chứa dầu thừa. Hiện vẫn còn khoảng 160 triệu thùng đang nằm trong két chứa trên toàn cầu. Thị trường dầu mỏ tại Mỹ cũng chứng kiến tình trạng dư thừa với lượng dầu tồn trong các kho chứa ở thành phố Cớt-sinh, bang Ô-cla-hô-ma tăng 9% trong tuần qua, với khoảng 61 triệu thùng.
Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa quá lớn hiện nay, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Đ.Mét-vê-đép cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận với các đối tác để bắt đầu việc mua bán “trên cơ sở mất hoặc trả tiền hợp đồng”. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đang cân nhắc quyết định ngừng nhập khẩu dầu thô từ A-rập Xê-út. Chính quyền của ông Đ.Trăm cũng lên kế hoạch tăng 75 triệu thùng dầu dự trữ, trong khi Bộ Năng lượng Mỹ đang tiến hành các thủ tục cho phép các công ty xăng dầu trong nước thuê kho dự trữ quốc gia. Hiện bốn kho dự trữ dưới lòng đất dọc vùng vịnh Mê-hi-cô ở bang Tếch-dát và Lu-di-a-na, ở phía nam nước Mỹ, chỉ có thể dự trữ được tối đa 727 triệu thùng dầu.
Dù Nga và Mỹ, cùng A-rập Xê-út “bắt tay” nhau nhằm duy trì sự ổn định giá dầu, song những dự báo về giảm tiêu thụ và dư nguồn cung đã tác động tiêu cực chưa từng có tới thị trường dầu. Giá dầu liên tục giảm sâu sau khi OPEC đưa ra dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày, tức là 6,9% trong năm 2020. Tính riêng trong tháng 4, OPEC dự báo nhu cầu sẽ giảm mạnh nhất, với 20 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, dự báo này vẫn chưa nghiêm trọng bằng dự báo mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra, theo đó nhu cầu trong tháng 4 sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày và trong cả năm giảm 9,3 triệu thùng/ngày.
Những nỗ lực của OPEC cùng với Mỹ chưa ngăn chặn được đà giảm của giá dầu. Theo các nhà phân tích, thỏa thuận của nhóm OPEC ở dạng thức hiện nay chưa đủ để cân bằng thị trường dầu mỏ. Có thể các “ông lớn” dầu mỏ cần đưa ra những thỏa thuận cắt giảm sản lượng mạnh tay hơn, tuy nhiên diễn biến trên thị trường còn phụ thuộc vào sức tiêu thụ. Sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng đã đẩy thị trường dầu vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử.
MỸ VÂN
Giá dầu thời Covid-19: Người bán trả tiền cho người mua, sự ngược đời nguy hiểm
Những biến động không mong muốn về kinh tế kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát đều đã được dự báo, nhưng hiện tượng giá dầu âm vào ngày thứ Hai (20/4) vẫn là một bất ngờ lớn, chưa từng thấy trên lịch sử thị trường.
Video đang HOT
Giao dịch dầu mỏ có thể chỉ là sự sụp đổ đầu tiên hậu đại dịch Covid-19. (Nguồn: Getty Images)
Lần đầu tiên giá dầu thô giảm xuống dưới 0. Giá của hợp đồng tương lai đối với dầu thô WTI giao tháng 5 rơi vào ngưỡng tiêu cực, có ngày giảm - 37,63 USD/thùng. Sự sụp đổ của giá dầu ở một phân khúc quan trọng trong giao dịch dầu mỏ có thể chỉ là sự sụp đổ đầu tiên trên thị trường tài chính hậu đại dịch covid-19.
Giá dầu giao tháng 6 hiện trên 20 USD một thùng, chưa xuống mức âm như tháng 5, nhưng cũng đang giảm rất nhanh. Thị trường năng lượng đang phát tín hiệu dư cung còn kéo dài và nhu cầu sẽ không sớm quay trở lại. Và kể cả khi nhu cầu hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19, người ta ước tính rằng, thế giới sẽ phải mất một thời gian dài mới tiêu thụ hết số dầu đang ở trong kho.
Đây có phải tín hiệu báo hiệu một trong những giai đoạn phát triển kinh tế dài nhất lịch sử sắp kết thúc và những biến động khủng khiếp hơn hậu dịch bệnh có thể đang còn ở phía trước?
Người bán sẵn sàng trả tiền cho người mua để "mang hộ" hàng đi giúp, chỉ với một lý do đơn giản là để không phải giữ hàng khi nhu cầu vẫn đang rơi tự do mà chưa có điểm dừng, các nền kinh tế bị phong tỏa.
Nhu cầu tiệm cận mức 0, nên sẽ chẳng ai còn chờ đợi một hợp đồng dầu thô sắp đến hạn, trong khi phí thuê chỗ chứa đắt đỏ. Giải pháp bán dầu giá âm có khi còn rẻ hơn so với phải ngừng sản xuất hay tìm chỗ chứa.
Tuy nhiên, phía sau hiện tượng ngược đời này còn là một vòng tròn luẩn quẩn khủng khiếp. Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế rơi vào bế tắc, nhu cầu năng lượng tụt dốc, vẫn còn rất nhiều dầu chưa bán được, đến nỗi các công ty năng lượng không còn đủ chỗ để lưu trữ.
Trên thị trường lúc này, nhóm đầu cơ lựa chọn bán lỗ hơn là tìm chỗ chứa và phải phát sinh thêm chi phí lưu trữ khi hợp đồng đáo hạn. Còn nhóm nhu cầu dùng thật, như các nhà máy lọc dầu, hãng hàng không, nhà sản xuất... hiện không còn nhu cầu mua dầu khi nhu cầu hàng hóa giảm mạnh chưa từng có, hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chỉ ở mức độ cầm chừng, toàn thị trường đình trệ, còn các kho chứa đã quá tải.
Daniel Yergin - người từng đoạt giải Pulitzer, hiện là Phó Chủ tịch IHS Markit Ltd. cho rằng, hiện tượng giá dầu là một cảnh báo nguy hiểm.
Thế giới vốn được định nghĩa là luôn vận động, nhưng những tuần qua "toàn thế giới đã dừng lại". Đây là đặc điểm chưa từng có trong lịch sử các cuộc suy thoái.
Theo nhận định khá bi quan của Giám đốc điều hành Chiến lược Năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets - Michael Tran, rất ít cơ hội để ngăn chặn thị trường vật chất rời khỏi đà suy thoái trong thời gian tới.
Hiện tại, các nhà lọc dầu kiên quyết từ chối, khả năng dự trữ của Mỹ cũng đã tới hạn, các lực lượng thị trường sẽ tiếp tục gây thêm đau đớn cho đến khi thị trường chạm đáy, hoặc đại dịch bị đẩy lùi, bất cứ khả năng nào đến trước.
Kể từ đầu năm, giá dầu đã giảm mạnh sau các tác động kép của đại dịch Covid-19 và sự đổ vỡ thỏa thuận OPEC . Không có hồi kết... và các nhà sản xuất dầu trên khắp thế giới tiếp tục bơm ra thị trường, để rồi hoạt động mua - bán kết thúc bằng "giao dịch ngược đời" - người bán phải trả tiền cho người mua.
Động thái cực đoan trên cho thấy, thị trường dầu mỏ Mỹ đã quá dư thừa, trong khi các hoạt động kinh tế và công nghiệp bị đình trệ bởi các nền kinh tế toàn cầu đều buộc phải ngừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan nguy hiểm của dịch Covid-19.
Điều đó cũng cho thấy, thỏa thuận kiềm chế nguồn cung chưa từng có của OPEC và các thành viên đồng minh hồi tuần trước là quá ít ỏi khi mọi việc đã quá muộn - thế giới đối mặt với sự sụp đổ một phần ba nhu cầu toàn cầu.
Dấu hiệu suy yếu đã có mặt ở khắp mọi nơi. Ngay trước ngày "Thứ Hai đen tối - 20/4" này, cuối tuần trước, người mua ở Texas chỉ phải trả trên dưới 2 USD/thùng cho một số loại dầu. Ở châu Á, các chủ ngân hàng ngày càng tỏ ra miễn cưỡng đối với các giao dịch cho vay để tồn tại, vì lo sợ các nguy cơ vỡ nợ thảm khốc.
Minh An
Giá dầu thế giới ít biến động trong phiên giao dịch 16/4 Trong phiên giao dịch ngày 16/4, giá dầu thế giới ít biến động sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạ thấp dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2020, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu cho biết sẽ nới lỏng các quy định phòng chống đại dịch COVID-19, qua đó tăng khả năng phục...