Thời khắc Hà Nội sang nghìn năm tuổi
Hàng trăm ngàn người vẫn đổ về Hồ Gươm mặc dù đồng hồ sắp chỉ sang một ngày mới. Trải qua những năm tháng đau thương và mất mát trong chiến tranh, Hà Nội trở mình, vươn vai đứng dậy như một người khổng lồ trong cổ tích.
Đồng đội tôi ngã xuống, cho Hồ Gươm thêm lung linh
Người đàn ông có khuôn mặt nhỏ đen sạm, khuôn mặt nhằng nhịt những vết chân chim khẽ lấy tấm chăn đắp cho bạn. Hà Nội đang vào thu, heo may đang về, đêm trời khe khẽ lạnh. Đoạn, ông cà nhắc, lê từng bước chân mệt nhọc đi mua một cốc trà đá của cô bán hàng rong bên cạnh rồi mở chiếc ba lô đã hoen ố bởi dấu ấn của thời gian, lôi ra một ít bánh mỳ. Xong, ông khẽ vỗ vai người bạn bên cạnh: “Dậy nào, bánh mì tôi đã chuẩn bị sẵn. Ăn tí xíu để lót dạ”. Hai người đàn ông tóc hoa râm, ngồi cạnh bên nhau. Bánh mỳ cùng trà đá được bày sẵn trên chiếc chăn trải dưới thảm cỏ.
Hỏi chuyện, mới biết ông tên là Lê Xuân Chung, quê Hưng Yên, từng là lính chiến đấu tại chiến trường B2, từng có mặt tại Dinh Độc lập vào thời khắc lịch sử 30/4, khi xe tăng của quân đội giải phóng Miền Nam tiến vào Dinh Độc lập. Ông Chung bảo rằng, cuộc đời ông đã từng gắn bó với những biến cố lịch sử lớn của dân tộc, từng ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật, ngạo nghễ giữa nắng Sài Gòn tháng 4 năm 1975; từng tham gia những trận đánh ác liệt; từng đối chọi với mưa bom bão đạn, khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là hết sức mong manh.
“Đồng đội tôi ngã xuống, cho Hồ Gươm thêm lung linh phải không?” – Ông Lê Xuân Chung (Hưng Yên) rơm rớm hỏi.
Tuổi đã cao, nên ông muốn được thêm một lần nữa trong cuộc đời được chứng kiến giây phút trọng đại của đất nước – khi Hà Nội trở mình đón chào 1000 năm tuổi. Sáng, ông Chung dậy từ sớm. Ăn tạm vắt xôi nóng mà vợ chuẩn bị từ đêm để dằn bụng, ông rủ một đồng đội bắt xe lên Hà Nội. Ông bảo rằng, rất nhiều lần ra Hà Nội, rất nhiều lần ngồi ngắm Hồ Gươm nhưng mỗi lần đều có một cảm giác riêng. Những năm chiến tranh, ông chỉ kịp ngắm Hà Nội khi tàu chuyển quân dừng tại ga Thường Tín để ăn cơm. Hà Nội ngày đó với nguời thương binh này chẳng khác nào một miền cổ tích xa xăm, không bồng bềnh, sương khói và lãng đãng suơng giăng như bây giờ.
Đêm, ông cùng với người bạn vong niên tên Tâm cứ ngồi mải miết bên Hồ Gươm để nói chuyện, chờ trời sáng. Ông bảo rằng: mình sẽ thức trắng đêm nay, nhìn ngắm Hà Nội lung linh và bồng bềnh trong suơng sớm. Xong, sẽ đi bộ ra khu vực mà sáng sớm hôm nay sẽ có diễu binh kỷ niệm ngày đại lễ. “Với tôi, như vậy là thỏa mãn một đời người rồi. Chỉ tiếc rằng đêm nay, đồng đội tôi, những người đã ngã xuống không có mặt để được tận mắt chứng kiến quê huơng chuyển mình, không được cùng chúng tôi hát những bài hát phủ bụi mờ về Trường Sơn. Nhưng, đồng đội tôi ngã xuống, cho Hồ Gươm, Hà Nội thêm lung linh phải không anh” - mắt người lính già ngân ngấn.
Kế bên, một tốp người đang say sưa hát. Ông cười bảo: “Lính đấy, chỉ có lính mới hát về Trường Sơn hay như thế, gan ruột như thế.” Quả đúng như lời ông Chung, 5 người ngồi kế là lính trung đoàn 559. Ông Nguyễn Văn Tiến (quê Hải Phòng) bảo: “Ngày đó, chúng tôi gặp nhau ở đường 9 Nam Lào, trên đường hành quân ra mặt trận. Bao nhiêu năm rồi anh em không gặp lại nhau. Thế là nhân dịp 1000 năm, anh em hẹn nhau ở Hà Nội, vừa họp mặt, vừa cùng nhau thức suốt đêm chờ đón Đại lễ 1000 năm. Khi sự sống và cái chết như chỉ là sợi chỉ, chúng tôi đã ở gần nhau. Giây phút này, anh em cũng muốn được ở bên nhau”.
Ông Tiến bảo rằng, cả 5 anh em ở đây đều ở các vùng miền khác nhau. Người gần thì ở Hải Phòng, Thanh Hóa; có nguời ở xa tít tắp nơi rừng núi Lai Châu. Chỉ một cuộc điện thoại, tất cả đã có mặt ở Hà Nội, cùng nhau ôn lại những năm tháng đạn bom ác liệt, cùng nhau thức để ngắm Hồ Gươm chuyển dần về sáng. Tiếng cười, tiếng nói vỡ toang cả một khúc ven hồ.
Khút hát mừng đại lễ
2 giờ sáng, Hồ Gươm vẫn không bớt phần náo nhiệt. Các bạn trẻ với cờ đỏ sao vàng, mồ hôi nhễ nhại vỗ tay cổ vũ cho một người đàn ông tóc hoa râm đang kéo accordion và một cậu thanh niên mải mê đánh ghi ta. Điều đặc biệt là người đàn ông này chỉ chơi các bản nhạc về Hà Nội. Giai điệu hào sảng của Hà Nội những ngày đau thương trong khói lửa, về lớp lớp thanh niên Hà Nội lên đường ra mặt trận; về Hà Nội ngày nay với Tháp Rùa rêu phong cổ kính, về những con đường heo may giăng ngập lối, thoảng mùi hương hoa sữa nồng nàn… cứ thế cất lên giữa biển người mênh mông.
Phải cố gắng lắm, tôi mới len chân đến gần người đang ôm cây đàn phong cầm khi ông tranh thủ giải lao uống ngụm nước. Trán ướt đẫm mồ hôi nhưng Hoàng Hiếu Nguyên (tên người chơi đàn accordion) vẫn cười tươi: “10 hôm nay, đêm nào mình cũng tranh thủ chở vợ con lên Hồ Gươm. Nhưng chỉ duy nhất đêm nay, mình đi và mang theo cây phong cầm này. Mình muốn cùng với các bạn trẻ thức trắng đêm nay để đón Hà Nội tròn 1000 năm tuổi; cùng mọi người lắng nghe hồn sông núi qua những bài hát về Hà Nội”.
Video đang HOT
Anh Hoàng Hiếu Nguyên bên cây phong cầm thức trắng đêm cùng với bạn trẻ đón 1000 năm Thăng Long.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên với Hoàng Hiếu Nguyên, mỗi góc phố, mỗi con đường thủ đô yêu dấu như chính là hơi thở cuộc sống hàng ngày. Ông bảo rằng, mỗi khi giai điệu những bài hát về Hà Nội vang lên, lòng lại dâng lên nỗi niềm khó tả, tưởng chừng như chân mình đang khe khẽ dạo bước trên những con đường xao xác lá vàng nồng nàn hoa sữa. Hà Nội trong ký ức ông đẹp – bình dị mà thanh khiết, nhẹ nhàng mà say đắm, quyến luyến lòng người, e ấp thẹn thùng như thiếu nữ đang tuổi xuân thì.
3 giờ sáng, ở một góc Hồ Gươm, người nghệ sỹ hát rong vĩ đại nhất mà tôi từng gặp – ông Tạ Trí Hải vẫn say sưa kéo vĩ cầm. Tiếng vĩ cầm réo rắt, du dương như giữa chốn bồng lai tiên cảnh làm say đắm lòng người. Lão nghệ nhân cứ say sưa hát mà quên đi rằng, đang có hàng trăm đôi mắt, hàng trăm trái tim đang vây quanh ông. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng vĩ cầm là du dương lúc trầm lúc bổng, hòa quyện với sương khói ven hồ.
Âm thanh đấy cứ thế, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng lan tỏa. Hàng trăm đôi mắt đổ dồn vào ông, chăm chú ngắm nghía người nghệ sỹ già đang thả hồn mình vào cây vĩ cầm. Thanh âm những bài hát về Hà Nội những năm khói lửa, về lớp lớp cha anh ngày xưa đã ngã xuống hay những ca khúc hoài niệm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cứ thể vắt vẻo giữa chốn thinh không, ru ngủ những tâm hồn kẻ lãng du. Lão nghệ nhân Tạ Trí Hải bảo rằng, đã rất nhiều đêm, ông lang thang ở khu vực Hồ Gươm. Nhưng đêm nay, khi thời khắc Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, lòng lại dâng lên một nỗi niềm khó tả. Ông muốn cùng các bạn trẻ hát thật say, thật nồng nàn và đắm đuổi để làm món quà tặng sinh nhật cho đất Tràng An thanh lịch này.
“Được kéo vĩ cầm cho mọi người hát nhân dịp Đại lễ là niềm hạnh phúc mà mấy ai may mắn có được. Khi cất cao tiếng hát, lòng người cảm thấy thanh tịnh hơn, người với người sẽ xích lại gần nhau hơn”, lão nghệ nhân hát rong vỗ vai tôi nói.
Trời chuyển dần về sáng. Gió thu khe khẽ lạnh. Những đôi bạn trẻ ngồi xích lại gần nhau hơn. Người thương binh đắp thêm tấm chăn cho đồng đội rồi một mình lặng lẽ hút thuốc. Tiếng đàn của Hoàng Hiếu Nguyên, của lão nghệ sỹ hát rong Tạ Trí Hải vẫn cất lên đều đều. Đâu đó, tiếng trẻ nhỏ thức giấc, lục tục trở mình cùng bố mẹ tiến về khu vực Ba Đình. Nơi đây, chỉ chốc lát nữa thôi sẽ diễn ra cuộc diễu binh lớn chào mừng Hà Nội ngàn năm.
Và, hàng triệu trái tim vẫn đang ngóng về Hà Nội giây phút lịch sử này.
Theo Vnn
Kỳ thú Đại lễ trước giờ G ở vùng ngoại ô Thủ đô
Như một Hà Nội trung tâm thu nhỏ, từng con ngõ, mái đình, ao làng đến mọi ngôi nhà, không khí mừng đón ngày Đại lễ đã khiến nhiều người từ nơi khác đến đây phải thốt lên ngạc nhiên thú vị.
Được một người quen thủ thỉ mời xuống nhà chơi và "ăn" Đại lễ cũng tưng bừng không kém Hà Nội, tôi ngạc nhiên và thích thú. Tò mò theo lời anh bạn khi ngày Đại lễ chỉ còn được đếm bằng giờ, tôi đến thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đi theo hướng quốc lộ 1 cũ, đây cũng là một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ mới sáp nhập vào Hà Nội năm 2008.
Khi đến Minh Cường, tôi và một đồng nghiệp đi cùng vô cùng ngạc nhiên trước không khí đang "sôi sùng sục" để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại nơi đây.
Không khí chuẩn bị cho đêm Đại lễ 10/10 diễn ra khắp thôn xóm.
Chỉ giáp mặt đường khoảng chừng 500 m, 3 chiếc cổng dẫn vào làng đã được kết chỉnh một cách trang trọng. Khẩu hiệu chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long được căng chào để đón khách. Những bóng đèn điện đủ màu sắc được treo xung quanh, khiến chiếc cổng làng trông lộng lẫy như "Đêm hội Long trì".
Dọc khắp thôn làng, công việc chuẩn bị vẫn đang tiếp diễn một cách háo hức. Từ già, trẻ, gái, trai trong làng, mỗi người được phân công một nhiệm vụ để làm sao cho cổng chào của xóm mình phải là đẹp nhất.
Anh Đặng Chế Linh đang gắn những chiếc bóng đèn cuối cùng vào lồng để thử điện cho kịp phát sáng đón ngày hội cho hay: "Cái cổng làng mới chỉ là bề ngoài thôi anh ạ. Còn nhiều điều sẽ khiến anh ngạc nhiên hơn ở trong làng em. Ở trên Hà Nội có gì thì ở làng em cũng có hết. Hà Nội mới đón Đại lễ thì cũng phải oách chứ!"
Bước qua cổng làng, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã thốt lên: "Không thể tin được! Trông như ở phố cổ". Trước mắt chúng tôi là một "rừng" đèn lồng đã được giăng khắp ngõ xóm, đèn nháy được trang hoàng khắp đình làng, cửa nhà từng hộ dân, những giải băng lụa được buộc một cách điệu đà lên từng cành bonsai trước cửa.
...cho đến trang hoàng cho Đình làng lộng lẫy.
Chị Bùi Thị Luyện (SN 1959) đang trang trí cây cảnh trước cửa nhà hồ hởi cho biết: "Đây là dịp ngàn năm mới có một lần nên dân làng chúng tôi mong chờ lắm. Cả tuần nay làng tôi cứ như mở hội vậy. Sáng, trưa, chiều tối không khí đón Đại lễ cứ rầm rập, ngập tràn khắp cả làng. Thích nhất là bọn trẻ con, đi học về bỏ bê cả cơm nước giúp mẹ, lại chạy tót ngay ra Đình cùng các thanh niên trong thôn trang trí Đại lễ".
Điều đặc biệt hơn cả, đúng như lời mời chào: Hà Nội có gì thì ở đây cũng có như vậy. Dưới chiếc ao làng chỉ rộng chừng 20m2, một cụ rùa Hồ Gươm được tạo hình từ xốp, sơn vàng đang ngậm kiếm nổi uy nghiêm giữa mặt ao.
Cụ rùa Hồ Gươm ngậm kiếm nơi ao làng
Cách đó không xa, một nhóm thanh niên khác cũng đang gấp rút trang trí chiếc Tháp Rùa được làm khung từ tre và bọc xốp để kịp hạ thủy trước khi trời tối. Quanh chiếc tháp rùa được giăng đèn khắp xung quanh để tạo ánh sáng lung linh như Tháp Rùa thật.Trong tâm trạng phấn khởi, tự hào, anh Trần Văn Tuấn, phó Công an xã Minh Cường cho biết: "Tuy không được giống như thật, nhưng chúng tôi muốn tạo cho người dân một không khí cũng như ở trên Hà Nội để mọi người cùng tham gia đón Đại lễ".
Mô hình Tháp Rùa được hạ thủy trông rất lạ mắt.
Bên cạnh nhóm làm Tháp Rùa, một số chị em phụ nữ khéo tay đang cắt tỉa từng bông sen giấy, bên trong được gắn nến để thả xuống ao cạnh Tháp Rùa.Khi Tháp Rùa được hoàn thành, hàng chục người từ khắp các xóm trên xóm dưới đã đổ về để đón chờ khoảnh khắc lên đèn thử nghiệm của "Tháp Rùa giữa ao làng". Tiếng hô đếm 1,2,3 kèm theo tràng vỗ tay nổ vang như pháo giữa một ngôi làng yên bình khi ánh điện trong tháp bừng sáng. Rồi mọi người hò reo khen ngợi và đồng thanh hô vang: "Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Những ngọn nến bừng sáng trong bông sen giấy.
Mắt ngấn lệ trước tâm trạng vui mừng của dân làng và lũ trẻ, ông Đặng Văn Tần (67 tuổi) trưởng xóm Chí Hưng tâm sự: "Cả đời tôi sống đến từng này tuổi đầu, nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến dân làng tôi có được một không khí lễ hội lớn và tưng bừng đến như vậy. Chỉ mong sao bọn trẻ được học hành đầy đủ, no ấm và thoát cái cảnh nghèo của cha ông chúng nó. Đến ngày 10/10 chúng tôi sẽ còn tổ chức một lễ hội đường phố quanh làng nữa để mọi người cùng tham gia. Khi nào trên Hà Nội bắn pháo hoa thì dưới làng chúng tôi cũng sẽ bật rượu mừng Đại lễ".
Đứa trẻ ngồi trên cổ bố thích thú với chiếc đèn lồng được giăng khắp ngõ xóm.
Khi được hỏi tại sao không để Tháp Rùa và cụ Rùa trong cùng một ao, ông Tần dí dỏm cho biết: "Sở dĩ chúng tôi làm như vậy cũng có lý của nó cả. Đúng ngày mùng 10/10 thì Tháp Rùa sẽ được đưa sang ao làng xóm trên để tụ hội với cụ Rùa. Đó cũng là ý thể hiện sự đoàn kết chung vui của dân làng mừng Đại lễ".
Về đêm cả thôn xóm lung linh giữa một rừng đèn lồng.
Bất ngờ trước không khí chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm ở nơi đây, chúng tôi đến tìm gặp ông Phạm Tiến Dũng, trưởng thôn Lam Sơn. Ông Dũng cho biết: "Việc tổ chức và trang trí mừng Đại lễ này đều do người dân trong làng chúng tôi tự nguyện đứng ra đóng góp. Tất cả mọi người đều cùng chung một ý nghĩ đây là dịp ngàn năm mới có một lần nên khi đưa ý tưởng trình ra làng và vận động nhân dân thì mọi người đều rất hào hứng, không ai phàn nàn gì cả. Nhà nào có nhiều thì đóng 100 ngàn, có ít thì đóng 50 ngàn. Còn thiếu đâu chúng tôi trích từ quỹ của thôn để tổ chức cùng dân làng".
Cổng chào đầu xóm sáng bừng điện tưng bừng đón khách đến chơi Đại lễ.
Rời thôn Lam Sơn khi trời đã tối, bước chân dưới những con đường ngợp đầy màu sắc tôi như chìm đắm vào một không khí hùng thiêng lịch sử của mảnh đất kinh đô ngàn đời. Đâu đó, phía xa hình ảnh người dân còn đang "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên đồng ruộng thấp thoáng hiện lên, nhưng từ những nụ cười cần lao đó trong họ toát lên một tình yêu, một niềm tự hào vô cùng to lớn đối với Hà Nội ngàn năm văn hiến và như một tiếng nhạc reo vang cho khúc khải hoàn của Hà Nội linh thiêng, hào hoa 1000 năm tiếp theo.
Theo VTC
'Choáng' với giá gửi xe ngày đại lễ Vừa rút vé lấy xe, Nam phát hoảng khi nghe người trông xe "hét" giá 150 nghìn. Nằn nì, mặc cả mãi Nam đành bấm bụng rút 100.000 đồng trả tiền trông xe chưa đầy... 2 tiếng đồng hồ. Hà Nội những ngày này lúc nào cũng đông nghìn nghịt người, nhất là những khu vực tổ chức sự kiện mừng đại lễ....