Thời điểm uống thuốc quan trọng như thế nào?
Hiểu và uống thuốc đúng thời điểm sẽ phát huy được tối đa hiệu quả điều trị bệnh và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc…
1. Thời điểm uống thuốc sẽ phụ thuộc vào từng loại thuốc và tính chất bệnh tật
Thời điểm uống thuốc rất quan trọng có thể quyết định tới hiệu quả điều trị và còn làm giảm tác dụng không mong muốn của thuốc. Tùy từng loại thuốc có thể uống trước ăn, sau ăn, hoặc uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Ví dụ: Những loại thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn có thể phải dùng khi bụng rỗng (đói). Những loại thuốc này cần uống trước ăn 30 -60 phút hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Những loại thuốc không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm ăn vào mà thức ăn còn làm tăng tác dụng của thuốc thì nên uống cùng thức ăn (có thể trong và ngay sau bữa ăn).
Thời điểm tốt nhất để uống thuốc có thể khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc.
Một số nghiên cứu cho thấy uống thuốc huyết áp trước khi đi ngủ, thay vì vào buổi sáng, có thể ngăn ngừa nhiều cơn đau tim và đột quỵ hơn. Nguyên nhân có thể do thực tế hầu hết các cơn đau tim, đột quỵ hay xảy ra vào sáng sớm. Những bệnh nhân lớn tuổi có thể được khuyên uống thuốc huyết áp vào buổi sáng, để tránh bị ngã vào ban đêm do huyết áp giảm đột ngột.
Đối với thuốc statin điều trị cholesterol cao thường được coi là có hiệu quả nhất khi dùng trước khi đi ngủ.
Đối với người bệnh viêm khớp, sự suy thoái dần dần của sụn bao bọc các đầu xương bên trong khớp gây ra đau, nhức và sưng tấy quanh khớp. Người bệnh có thể bị đau vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Khi phải sử dụng thuốc giảm đau như naproxen và ibuprofen, là những loại thuốc điều trị viêm xương khớp được sử dụng rộng rãi nhất, tốt nhất nên uống thuốc từ 4 đến 6 tiếng trước khi cơn đau diễn ra nặng nhất, để thuốc phát huy tác dụng vào thời điểm thích hợp.
Đối với cơn đau thường hay diễn ra vào buổi chiều, người bệnh nên uống thuốc vào khoảng giữa buổi sáng đến buổi trưa. Đối với cơn đau vào buổi tối, uống thuốc vào giữa buổi chiều. Cơn đau hay xảy ra vào ban đêm, người bệnh nên uống thuốc trong bữa ăn tối. Định lượng thời gian này sẽ giúp nồng độ thuốc trong máu cao nhất trùng với cơn đau cao điểm, sẽ giúp giảm đau nhiều nhất.
Vì lý do này, người bệnh phải trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với thói quen dùng thuốc.
Video đang HOT
Nhiều người không tuân thủ dùng thuốc dẫn tới kết quả điều trị kém.
2. Tại sao nên uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày?
Uống thuốc có thể giúp phòng ngừa hay điều trị (quản lý bệnh). Bất kể lý do dùng thuốc là gì, việc có một lịch trình dùng thuốc chắc chắn là rất quan trọng, đặc biệt là đối với người cao tuổi (đối tượng thường mắc các bệnh mạn tính phải dùng thuốc lâu dài).
Khi chúng ta già đi, một số loại thuốc nhất định có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và góp phần vào sức khỏe tổng thể. Đó là lý do tại sao việc có một lịch trình dùng thuốc rõ ràng và uống thuốc đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày là rất quan trọng đối với người bệnh.
- Sự nhất quán:Lý do đầu tiên và quan trọng nhất để uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày là tính nhất quán. Thuốc được thiết kế để đi qua hệ thống tiêu hóa trong một khoảng thời gian cụ thể. Khi uống thuốc không đều đặn hoặc vào những thời điểm khác nhau trong ngày, sẽ có nguy cơ kết thúc với quá nhiều hoặc quá ít thuốc trong cơ thể. Điều này đôi khi có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ khó chịu.
- Dễ nhớ uống thuốc: Bằng cách tạo lịch trình với thời gian cố định để uống thuốc sẽ giúp người bệnh dẽ nhớ uống thuốc hơn. Việc xây dựng thói quen này sẽ giúp bạn làm quen với quy trình và giúp bạn dễ dàng tuân thủ việc điều trị.
- Quản lý tác dụng phụ: Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Nhận thức được những tác dụng phụ này và lập lịch dùng thuốc nhất quán có thể giúp bạn hạn chế tác động của chúng. Điều này rất quan trọng đối với người cao tuổi, khi phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc.
Tùy thuộc vào loại thuốc, nó có thể phù hợp với những thời điểm khác nhau trong ngày. Một số loại thuốc được thiết kế cho buổi sáng và sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng. Một số loại khác có thể khiến bạn buồn ngủ và sẽ tốt hơn khi sử dụng vào ban đêm.
Hiểu được cách những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến bạn sẽ giúp bạn tận dụng thuốc theo hướng tích cực hơn. Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày có thể giúp bạn đảm bảo những tác dụng phụ đó có tác động tối thiểu.
3. Làm thế nào để nhớ uống thuốc?
Mỗi loại thuốc đều có hướng dẫn sử dụng đi kèm, có ghi đầy đủ các thông tin cần thiết về tác dụng, tác dụng phụ, liều lượng, cách dùng, thậm chí là thời điểm dùng thuốc…Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng này để dùng thuốc đúng cách.
Để nhớ uống thuốc hàng ngày có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau để ghi nhớ việc uống thuốc của mình, bao gồm các ứng dụng trên điện thoại hay sổ ghi chép, đồng hồ báo thức… Điều quan trọng là sử dụng một công cụ và sử dụng thường xuyên để thực sự nhận được thông báo nhắc nhở việc uống thuốc.
Cuối cùng, điều quan trọng là người bệnh phải nắm rõ các hướng dẫn sử dụng thuốc do bác sĩ hoặc dược sĩ đưa ra và tuân theo các hướng dẫn đó.
4 loại đồ uống cần tránh khi dùng thuốc
Nước uống có ảnh hưởng tới việc dùng thuốc, nhưng nhiều người lại không để ý. Vậy khi dùng thuốc cần tránh uống các loại nước nào?
1. Các loại đồ uống không nên dùng khi uống thuốc
Nước giúp thuốc đi từ miệng xuống dạ dày, ruột non và được hấp thụ để mang lại tác dụng điều trị mong muốn. Uống thuốc với nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh khiết là cách tốt nhất để thuốc phát huy hiệu quả điều trị.
Cách tốt nhất là nên uống thuốc với nước lọc.
Dưới đây là một số đồ uống không nên dùng cùng với thuốc:
- Sản phẩm từ sữa: Các sản phẩm từ sữa cản trở sự hấp thụ, làm giảm hiệu quả của thuốc. Canxi có trong sữa sẽ liên kết với các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh... dẫn đến ngăn cản sự hấp thụ thuốc vào cơ thể, làm hiệu quả của thuốc bị giảm đi rất nhiều.
Sữa cản trở sự hấp thu của nhiều loại kháng sinh khác nhau như tetracycline (giảm hấp thu) và một số quinolone (giảm khả dụng sinh học). Khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa cùng với thuốc nhuận tràng có nguy cơ cao gây đau bụng vì các thức uống từ sữa khiến thuốc không thể hòa tan trong ruột.
Khi uống thuốc cũng cần lưu ý tránh dùng sữa và các sản phẩm từ sữa khác như kem hoặc pho mát trước và sau 2 giờ khi dùng thuốc.
- Rượu bia: Kiêng rượu là điều cần thiết khi dùng hầu hết mọi loại thuốc. Uống rượu trong khi dùng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau và có hại cho sức khỏe. Uống thuốc cảm lạnh với rượu có thể gây buồn ngủ và có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương quá mức, gây hại cho sức khỏe. Khi dùng thuốc nhức đầu hoặc thuốc chống viêm cùng với rượu sẽ có nguy cơ bị tổn thương gan và dễ gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
- Caffein: Caffeine trong cà phê và trà có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa khi dùng chung với thuốc. Trong trường hợp dùng thuốc giảm đau chống viêm, nguy cơ rối loạn tiêu hóa tăng lên khi dùng chung với đồ uống có chứa caffeine. Một số loại thuốc cảm lạnh hoặc thuốc giảm đau đã chứa caffeine và nếu dùng chung với cà phê dẫn đến quá liều, gây lo lắng, buồn nôn và mất ngủ do lượng caffeine dư thừa.
- Nước hoa quả: Nước trái cây đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc, đặc biệt là những loại thuốc được kê đơn cho các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc bệnh tim. Đặc biệt, nước bưởi chùm khi uống chung với thuốc trị mỡ máu, thuốc trị tăng huyết áp sẽ làm tăng độc tính của thuốc. Uống thuốc huyết áp với nước ép lựu có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Cũng không nên uống các loại thuốc kháng sinh như ampicillin, erythromycin... với nước chanh, nước cam, các loại nước có vị chua.
Uống thuốc với sữa cản trở sự hấp thụ của thuốc.
2. Làm thế nào để uống thuốc đúng cách?
Điều quan trọng nhất khi sử dụng thuốc để phòng hoặc chữa bệnh là phải dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, vì vậy chớ bỏ qua lời dặn dò từ bác sĩ, dược sĩ về vấn đề này.
Tuân thủ liều lượng và không được ngừng dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng một cách tùy tiện. Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra, nếu gần đến liều tiếp theo thì hãy đợi và uống, không bao giờ được uống quá liều cho phép.
Nếu trước đây bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, đang sử dụng thuốc được kê đơn của cơ sở y tế khác hoặc đang dùng thuốc thảo dược, thực phẩm bổ sung sức khỏe, vitamin tổng hợp... cần phải thông báo với bác sĩ.
Tốt nhất nên uống thuốc với 1 cốc nước lọc đầy tương đương 150-200ml. Uống thuốc mà không uống đủ nước cũng có thể khiến thuốc không hoạt động bình thường, thậm chí có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn trong một số trường hợp, ví dụ:
- Với nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID: Một số NSAID thường được sử dụng là aspirin, ibuprofen và naproxen. Dùng NSAID mà không uống đủ nước hoặc uống khi bụng đói có thể làm tăng nguy cơ bị kích ứng thực quản, dạ dày hoặc thậm chí là loét.
- Nhóm thuốc gọi là bisphosphonates được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa loãng xương. Những loại thuốc này thường được uống khi bụng đói. Để giảm nguy cơ bị kích ứng thực quản, điều quan trọng là phải uống những loại thuốc này với nhiều nước và tránh nằm ít nhất nửa giờ sau khi uống.
Lượng nước cần thiết cũng có thể phụ thuộc vào dạng bào chế. Ví dụ, có thể cần uống nhiều nước hơn khi dùng viên nang lớn hơn so với thuốc viên nhỏ hoặc thuốc dạng lỏng.
Ngoài các loại đồ uống kể trên, thực phẩm giàu kali như chuối, cam cũng có thể gây ra tác dụng phụ đối với một số loại thuốc cần lưu ý. Cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để hiểu các biện pháp đảm bảo an toàn khi dùng thuốc.
6 loại thuốc không được uống cùng trà/cà phê Bắt đầu ngày mới với một tách trà hay cà phê là thói quen của hàng triệu người, giúp tăng năng lượng... nhưng các thức uống này có thể tương tác bất lợi với một số loại thuốc, nên tránh. Các nghiên cứu cho thấy cà phê có thể kích thích dạ dày, làm thay đổi thời gian thức ăn đi qua hệ...