Thời đại robot và mối quan hệ với con người
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Texas (Mỹ) đang có nỗ lực phát triển robot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để có khả năng xử lý những tình huống trong thế giới thực giống như con người. Họ muốn tạo ra các hệ thống có thể tự học và hoạt động bên trong hộ gia đình, nơi công sở hay thậm chí tại sân vận động thể thao.
Những bộ phim khoa học viễn tưởng cũng từng dự đoán con người trong tương lai sẽ tạo ra được những robot có trí tuệ. Mặc dù trong nhiều thập niên qua chúng ta đã có lực lượng robot trong nhà máy nhưng chúng chỉ hoạt động theo sự điều khiển của con người mà không có khả năng xử lý những tình huống trong đời thực.
Cảnh sát robot trong thành phố tương lai
Một sĩ quan cảnh sát robot (robocop) với cặp mắt đen và không có miệng có thể nhận dạng tội phạm và thu thập bằng chứng xuất hiện bên ngoài tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai hồi tháng 6-2017. Nhưng sự thực thì “robocop” này có lẽ đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch hơn là sĩ quan cảnh sát.
PAL Robotics, công ty phát triển robocop, tiết lộ: “Con robot gia nhập lực lượng cảnh sát Dubai để giúp đỡ công dân theo cách sáng tạo và thân thiện. Trước mắt, robot được triển khai tại những điểm thu hút du khách và những khu mua sắm. Robot có thể cung cấp thông tin hữu ích bằng nhiều thứ tiếng nhờ phần mềm thiết kế đặc biệt và cũng có khả năng hướng dẫn du khách theo yêu cầu.
Đội robot cầu thủ bóng đá Utexas sử dụng AI.
Ngoài ra, robot cũng là công cụ cho phép công dân tương tác với các trung tâm liên lạc Cảnh sát Dubai thông qua microphone được tích hợp bên trong robot. Người dân cũng dễ dàng sử dụng robot để thực hiện những dịch vụ liên quan đến cảnh sát như là đóng tiền phạt chẳng hạn”.
Robot là một phần trong dự án rộng lớn hơn nhằm tạo lập hệ thống dịch vụ cảnh sát “thông minh” hơn – bao gồm nhiều đồn cảnh sát được kiểm soát bằng máy vi tính thay thế hẳn con người. Một thành viên lực lượng Cảnh sát Dubai chia sẻ: “Các loại robot này hoạt động suốt 24/7. Chúng sẽ không rời bỏ vị trí vì bất cứ lý do nào – như là ốm đau hay sinh đẻ”.
Noel Sharkey, giáo sư khoa học máy tính Đại học Sheffield (Anh) cộng tác với chính quyền Dubai về các vấn đề an ninh mạng, không hài lòng với chức năng thực thi pháp luật của robot: “Về cơ bản, robot cần được sử dụng ở Dubai để giúp đỡ người già và làm nhiệm vụ hướng dẫn du lịch. Theo tôi, robot nên có nút bấm khẩn cấp để thông tin về vị trí của du khách với cảnh sát trong trường hợp cần được giúp đỡ. Robot hứa hẹn là ứng dụng hữu ích song nó có thể bị con người trêu đùa hay tấn công”.
Video đang HOT
Mối lo ngại như thế thực sự đã từng xảy ra ở Mỹ. Tháng 7-2017, một con robot an ninh được sử dụng làm nhiệm vụ tuần tra một tòa nhà văn phòng ở Washington được tìm thấy bị “dìm chết” bất thường tại một vòi phun nước! Trong khi đội quân robot cảnh sát hiện nay xem ra vẫn còn thô sơ, giáo sư Sharkey dự đoán chúng sẽ “gánh vác nhiều nhiệm vụ căng thẳng hơn nữa” trong những năm sắp tới – ví dụ như đảm nhận vai trò giữ an ninh hay dò tìm chất nổ hoặc những vật liệu nguy hiểm trên đường phố.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng mạng lưới camera giám sát an ninh lớn nhất thế giới và hiện nay nhiều robot được triển khai hoạt động tuần tra tại các sân bay và trạm tàu hỏa. Robot cao đến 1,6 mét có tên gọi là Cảnh sát Robot Tuần tra Điện tử làm nhiệm vụ tại Trạm Đường sắt Đông Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, miền đông Trung Quốc. Robot được trang bị mạng lưới dày đặc các camera và bộ cảm biến dò tìm bất cứ đám cháy nhỏ nhất nào có thể xảy ra. Robot cũng có thể nhận diện gương mặt để phát hiện nhanh và theo dõi tội phạm hay đối tượng đáng ngờ.
Trong khi đó, robot gọi là AnBot được triển khai tại Sân bay Quốc tế Thâm Quyến hồi năm 2017 được tích hợp 4 camera kiểm tra an ninh. Theo tờ People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) của Trung Quốc, AnBot cũng được vũ trang bằng “công cụ kiểm soát bạo động”. Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu trong cuộc cách mạng nghiên cứu phát triển máy bay không người lái (drone). Đến Trung Quốc, du khách dễ dàng nhìn thấy những chiếc drone bay lượn bên trên các thành phố lớn để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau: giao hàng hóa hay thậm chí cung cấp các dịch vụ taxi tự động.
Dubai đang trong giai đoạn thử nghiệm loại taxi bay không người lái và có kế hoạch sử dụng rộng rãi loại phương tiện mô tô bay gọi là “hoverbike” cho phép cảnh sát tiếp cận hiện trường có sự cố một cách nhanh nhất có thể. Mô tô bay của cảnh sát Dubai có tên gọi là “Hoversurf Scorpion” có trọng tải tối đa 300 kg, tốc độ cực đại 70 km/giờ và thời gian bay từ 20 đến 25 phút.
Tuy nhiên, giáo sư Noel Sharkey vẫn cảm thấy không thấy hài lòng về cuộc cách mạng robot bay như thế: “Bầu trời bên trên Dubai có thể nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Mặt đất thành phố bên dưới cũng tối sầm lại”. Dù sao thì giáo sư Sharkey cũng tin rằng sự ra đời của robot thành phố là điều tất yếu: Tôi nhìn thấy nhiều vai trò của robot trong thành phố. Chúng sẽ làm vệ sinh, kiểm tra các tòa nhà và chuyển phát hàng hóa. Nhưng, hiện nay giá robot rất đắt”.
Nhiều người tin rằng chỉ trong 1 thập niên nữa thôi, các bầu trời thành phố sẽ dày đặt robot bay không chỉ để giao bưu kiện mà còn giúp duy tu cơ sở hạ tầng. Nhà nghiên cứu Bilal Kaddouh là thành viên nhóm nhà khoa học Đại học Leeds (Anh) đang thiết kế một phi đội drone phục vự công việc sửa chữa những ổ gà trên đường phố.
Kaddouh tiết lộ: “Hiện thời, chúng tôi có phi đội gồm 3 chiếc drone. Một chiếc được sử dụng để kiểm tra đường xá, trong khi chiếc thứ 2 có nhiệm vụ đào xới chuẩn bị để sửa chữa. Chiếc drone thứ 3 được tích hợp thiết bị in 3D để vá ổ gà”. Nhóm nhà khoa học hy vọng phi đội drone sẽ được triển khai ra thực tế trong năm 2018.
Giáo sư Bilal Kaddouh cũng hy vọng trong tương lai không xa những chiếc drone sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực xây dựng và biết báo cáo một cách chính xác những vấn đề mà chúng phát hiện hơn là chỉ đơn thuần “gửi đi luồng dữ liệu khổng lồ” như hiện nay.
Robot trợ lý văn phòng.
Giáo sư Bilala Kaddouh tỏ vẻ lạc quan: “Hãy thử hình dung một chiếc drone có thể hạ cánh trên nóc một tòa nhà cao ngất ngưởng và dùng cánh tay robot để sửa chữa hay thay bóng đèn cho trụ đèn tín hiệu giao thông trên đường phố hoặc lắp đặt một linh kiện mới thay thế trên tháp viễn thông. Những robot như thế sẽ giúp loại bỏ nhu cầu tuyển dụng nhân công làm công việc nguy hiểm cũng như giúp cho thành phố được thông thoáng khi không có sự xuất hiện của những rào chắn để phục vụ công việc tu sửa.
Tương lai AI sẽ thay thế trí não con người?
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ở đó máy móc không chỉ có thể làm nhiều công việc mà con người đang đảm trách mà thậm chí còn có thể làm tốt hơn. Các nhà nghiên cứu dự đoán máy móc có thể tiếp quản tất cả các công việc của con người trong 120 năm nữa! Một tương lai hứa hẹn hiệu quả cao hơn với các dịch vụ có giá cả phải chăng hơn, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng con người rơi vào cảnh thất nghiệp lan tràn.
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng AI có thể lái xe tải vào năm 2027 và phục vụ dịch vụ bán lẻ vào năm 2031. Nhân viên bán lẻ là người giúp khách hàng tìm một sản phẩm nào trong một cửa hàng và công việc đòi hỏi một số kỹ năng giao tiếp phức tạp. Nhưng khi ngày càng có thêm nhiều người mua sắm trực tuyến, robot trang bị AI với thuật toán có thể sẽ giải pháp khả thi đối với dịch vụ bán lẻ.
Jeremy Wyatt, giáo sư robot học và AI Đại học Birmingham (Anh), nhận định: “Số lượng giao dịch trực tuyến hiện nay phần lớn được xử lý tự động với sự triển khai sử dụng một lượng hợp lý AI. Tuy nhiên, hoạt động tốt trong phòng thí nghiệm là một mặt vấn đề, nhưng để cho robot có thể thực hiện công việc một cách đáng tin cậy trong thế giới thực và hoàn hảo hơn con người là mặt khác”.
Có lẽ, máy móc sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện những công việc thường liên quan trực giác, môi trường vật lý phức tạp hoặc tư duy trừu tượng – vấn đề mà máy tính phải mất thời gian khá dài để vượt qua. Do đó, các chuyên gia dự đoán robot không thể thay thế được bác sĩ phẫu thuật cho đến năm 2053, thậm chí phải mất đến 43 năm mới có thể (một phần nào) cạnh tranh với các nhà toán học về các chuyên đề đăng tải trên tạp chí học thuật hàng đầu thế giới. Họ cũng dự đoán thế hệ máy tính trang bị AI sẽ viết tiểu thuyết vào năm 2049.
Trên thực tế, máy tính đã từng tham gia vào lĩnh vực này. Ví dụ, Google phát triển AI sáng tác tiểu thuyết lãng mạn và các bài báo tin tức một cách sáng tạo, và một robot AI tên là Benjamin có thể viết các kịch bản phim ngắn về khoa học viễn tưởng cho dù các sự kiện chưa hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, công ty Automated Insights, đặt trụ sở tại North Carolina (Mỹ), còn nghiên cứu phát triển thành công thuật toán thường xuyên cho ra đời hàng triệu bài viết chuyên về tin tức, hoạt động tài chính và thể thao cho vài hãng thông tấn nổi tiếng như Reuters và Associated Press (AP).
Adam Smith, tổng giám đốc Automated Insights, cho biết công nghệ nhằm mục đích bổ sung (thay vì thay thế hoàn toàn) năng lực chuyên môn của con người: “Báo chí tự động đang tạo ra những nội dung mà trước đây chưa từng tồn tại. Mặc dù vậy, vẫn cần đến bàn tay con người để thêm thắt bối cảnh vào những câu chuyện”. Bởi vì, robot chỉ biết viết ra những câu chuyện theo chương trình định sẵn. Nghĩa là, robot xử lý thông tin xuất xứ từ các bộ dữ liệu lớn (big data) để sau đó sắp xếp vào khuôn mẫu có sẵn.
Như thế có nghĩa là robot AI phải mất ít nhất khoảng 3 thập niên nữa mới có thể sáng tác được tiểu thuyết thuộc loại bán chạy, phong phú về hành văn với những tình tiết phức tạp hấp dẫn. Wyatt bình luận: “Chúng tôi cho rằng robot khó có thể thay thế trí não con người. Ví dụ như các chatbot hoạt động khá hiệu quả so với con người… song con người cũng rất nhạy cảm với bất kỳ sự không hoàn hảo nào nên nó thường có vẻ ngớ ngẩn”.
Katja Grace, nữ chuyên gia về AI Viện Nghiên cứu Tương lai loài người (FHI) Đại học Oxford, lập luận: “Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ nhiệm vụ nào con người có thể làm được mà AI, về mặt kỹ thuật, sẽ không thể thực hiện được”.
Robocop ở Dubai.
Nhưng, Grace tin chắc AI vẫn không thể thay thế hoàn toàn con người trong một số vai trò: “Chắc chắn rằng có những nhiệm vụ chỉ có thể do con người thực hiện bởi vì chúng ta muốn như vậy”. Ví dụ, một giáo sĩ trong nhà thờ có thể không bao giờ được thay thế bởi một robot nếu như tín đồ muốn một con người thực thụ đảm đương vai trò này.
Theo Báo Mới
Ứng dụng công nghệ rô-bốt trong cách mạng công nghiệp 4.0
Công nghệ rô-bốt đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, mang lại nhiều thay đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế. Để ứng dụng hiệu quả công nghệ rô-bốt, bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Trong CMCN 4.0 việc ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh là một xu hướng tất yếu nhằm tạo ra năng suất lao động cao. Trên thế giới đã có nhiều nhà máy sử dụng toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa, đưa rô-bốt vào thay thế sức lao động của con người, tạo ra các sản phẩm tốt, độ chính xác cao. Trong khi đó, tại Việt Nam hầu hết dây chuyền sản xuất vẫn chưa được tự động hóa, sử dụng công nghệ cũ, chỉ đưa công nghệ thông tin và điều khiển, tự động hóa vào một số công đoạn ở mức độ đơn giản. Vì vậy sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với thế giới do chất lượng kém hơn, không đồng bộ, giá thành cao và chỉ một số ít thay đổi mới nhận được những kết quả bước đầu. TS Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viện máy và dụng cụ công nghiệp cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công hệ thống máy đóng bao tự động cho Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, nhờ đó giúp giảm lượng nhân công đáng kể, và năng suất cao hơn nhiều lần. Công nghệ này đã thay thế cho hoạt động của các công nhân đóng bao bằng tay giúp tăng mỹ quan sản phẩm, giảm lượng bụi phát tán ra môi trường ở vị trí kẹp bao, gấp bao làm ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người lao động.
Một sản phẩm rô-bốt được lập trình của Công ty cổ phần Misa. Ảnh: QUANG MINH
Mặc dù việc tự động hóa có thể giải phóng sức lao động, nhưng thực tế để ứng dụng rô-bốt tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn về nhân sự, vốn đầu tư hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật... Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ lõi vào quá trình sản xuất còn thấp. Với 97% các doanh nghiệp là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cho nên luôn gặp khó khăn về nguồn vốn, trình độ khoa học và công nghệ (KH và CN), nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo. Rất ít doanh nghiệp có mối liên kết với các tổ chức KH và CN, viện nghiên cứu, khiến họ gặp thách thức lớn khi muốn ứng dụng công nghệ rô-bốt vào quá trình sản xuất. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho rằng, công nghệ rô-bốt là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, đưa nhiều ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống. Doanh nghiệp cần có những giải pháp để bắt kịp xu thế, nhưng muốn triển khai thực hiện cần có đánh giá toàn diện, có những hướng đi cụ thể phù hợp để có thể đón nhận thành công những cơ hội mà công nghệ rô-bốt và CMCN 4.0 mang lại.
Đáng chú ý, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá mơ hồ, chưa biết ứng dụng rô-bốt vào làm gì trong hoạt động sản xuất của họ, liệu có nâng cao được năng suất, chất lượng và lợi nhuận hay không, trong khi đó lại phải đầu tư một khoản khá lớn. Nhiều doanh nghiệp còn chưa biết rô-bốt mềm, cứng là gì, ứng dụng công nghệ này như thế nào để phù hợp với từng loại dịch vụ như: nông nghiệp, y tế hay các ngành công nghiệp nặng... Nhất là Việt Nam vẫn chưa có các tổ chức trung gian chuyên nghiệp để có thể tư vấn cho các doanh nghiệp, giúp họ nhận thấy việc ứng dụng rô-bốt sẽ tăng hiệu quả sản xuất. PGS, TS Hồ Anh Văn, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản - Jaist (Nhật Bản) cho biết, ngoài ứng dụng sản xuất trong công nghiệp, các rô-bốt mềm có thể ứng dụng hái rau quả, chăm sóc cây trồng, hoặc trong y tế được dùng phẫu thuật để không gây hại các cơ quan nội tạng...
Vì vậy các doanh nghiệp nhỏ cần xây dựng hệ thống tự động quy mô nhỏ, nhưng trình độ cao để có thể sản xuất các sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp lớn. Nhà nước cũng cần đầu tư cho hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tạo nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, sớm có những dự án cụ thể giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam trong nước và ngoài nước làm cơ sở hình thành mạng lưới liên kết trong lĩnh vực rô-bốt. Các viện nghiên cứu, trường đại học cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo và phát triển sản phẩm mới. Khi đã có nguồn nhân lực, trí tuệ và một hệ thống hạ tầng, các ngành công nghệ cao sẽ có thể phát triển ở Việt Nam, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế thuận lợi bắt kịp con tàu CMCN 4.0.
Theo nhandan
Nepal có robot phục vụ bàn đầu tiên Đất nước nghèo ở vùng Himalaya nổi tiếng về những đỉnh cao tự nhiên hơn là về sức mạnh công nghệ. Song giờ đây, một nhóm các nhà phát triển trẻ tự học đang tìm cách thay đổi thực tế này. Robot Ginger đang làm việc tại nhà hàng Naulo Theo AFP, startup địa phương Paaila Technology vừa tung Ginger, robot phục vụ...