Thời bất động sản thanh lọc mạnh mẽ, doanh nghiệp địa ốc càng sử dụng đòn bẩy tài chính cao càng thấm đòn Covid-19
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước, là cơ hội rất lớn đối với họ để nắm thế thượng phong sau thời điểm dịch.
Theo ông Khương, dưới tác động của dịch cúm, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, câu chuyện vượt khó 1-2 năm là bình thường, còn doanh nghiệp nào sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn sẽ gặp khó khăn, buộc phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án. Hiện các dự án nhà ở có pháp lý rõ ràng, sẵn sàng đầu tư xây dựng, việc kêu gọi nhà đầu tư rất dễ và ngược lại. Vì vậy, thủ tục pháp lý dự án cần phải được hoàn tất, khi thị trường hồi phục, chủ đầu tư mới có thể phát triển dự án hoặc kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, khi phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, TTTM…, nguồn vốn đầu tư chủ yếu lấy từ ngân hàng. Và nay dưới tác động của đại dịch phải đóng cửa, mặt bằng bị trả hoặc không thuê mới, nhiều chủ đầu tư gần như kiệt quệ tài chính, mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay.
Đối với các dự án nhà ở cũng vậy, thông thường vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, còn lại vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án là cực kỳ khó, trong khi đó việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp gia tăng, tiền lương và thu nhập giảm cũng là bài toán khó.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, cơ hội đang nghiêng về nhóm các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính một cách chừng mực, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm phát triển BĐS.
“Nhìn tổng thể, dịch cúm Covid 19 tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mà còn tác động dây chuyền đến hơn 50 ngành nghề liên quan đến BĐS như xây dựng, vật liệu, thị trường lao động, thị trường tài chính…Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư, vì triển khai các dự án cần đến nguồn vốn cực lớn.
Video đang HOT
Nhưng đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước, là cơ hội rất lớn đối với họ. Những DN này sử dụng đòn bẩy tài chính một cách chừng mực, họ có thể vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội trong khó khăn”, ông Khương khẳng định.
Trả lời trên báo chí trước đó, bà Nguyễn Như Ý, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ana Homes cho rằng, trong nguy bao giờ cũng có cơ. Qua biến cố lần này, chúng ta sẽ nhìn nhận được giá trị của từng doanh nghiệp, dù phải chịu những tác động hết sức nặng nề. Những doanh nghiệp trước đây chủ yếu hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính hay có những hướng đi chưa vững chắc thì đây là cơ hội để thanh lọc lại thị trường, giữ lại những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển bền vững để mang lại giá trị thiết thực cho thị trường.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 chính là cơ hội để thị trường sàng lọc và rèn luyện. Đây cũng là cơ hội để những nhân tố mới, những người đã có sự chuẩn bị và nghiên cứu về mặt thị trường mà chưa có cơ hội phát triển, gia nhập cuộc chơi, là dịp bổ sung thêm nguồn lực mới triển vọng cho thị trường
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho hay, dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành BĐS, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Qua giai đoạn đại dịch này, thị trường BĐS sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ: Các doanh nghiệp nhỏ không đủ tầm, hoặc chụp giật, lừa đảo, sẽ rời bỏ cuộc chơi.
Lúc đó thị trường sẽ dành cho những doanh nghiệp có thương hiệu, có tiềm lực mạnh, có chiến lược dài hạn sẽ phát triển tốt và bền vững. Đây là quãng thời gian để bình tâm, suy nghĩ, lên kế hoạch và đặt mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn mọi thứ đang gặp khó khăn như lúc này thì doanh nghiệp nào có kế hoạch trước, có sự chuẩn bị kỹ càng tất cả các yếu tố cần thiết để chạy trước sẽ vượt dịch thành công.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cũng cho rằng, dù bị tác động bởi dịch bệnh nhưng đối với nhà đầu tư có năng lực về tài chính và không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường, đây có thể là cơ hội để lựa chọn những dự án đúng với mục tiêu đầu tư của mình, phù hợp các tiêu chí lựa chọn về vị trí, tiến độ pháp lý và xây dựng, uy tín chủ đầu tư, tiềm năng phát triển của khu vực,… và đặc biệt là mức giá.
Bất động sản nhà ở khó giảm giá sâu
Theo nhiều chuyên gia địa ốc, bất động sản nhà ở giảm giá sâu lúc này là khó xảy ra bởi nguồn cung đang hạn chế, nhưng hiện tượng xả hàng, giảm giá cục bộ ở những trường hợp cần bán là có.
Vì thế, nhiều người mua hiện nay ở trạng thái là mong giá BĐS giảm sâu để mua vào. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, sự khó khăn của thị trường BĐS đã được dự đoán trước.
Người mua đừng hi vọng BĐS giá quá sâu để mua và cũng không nên kì vọng là thị trường BĐS sẽ trở lại nhanh. Với tình hình như hiện nay thì điều cần thiết là có kế hoạch chuẩn bị để thị trường có thể phục hồi trở lại. Với người mua khi cảm thấy giá hợp lý với kì vọng của mình là có thể mua vào chứ không nên chờ đợi việc giảm giá sâu mới mua.
Cũng theo ông Quang, hiện nay với những nhà đầu tư (NĐT) có năng lực tài chính yếu có thể xả hàng. Nguồn hàng xả là căn hộ trên 3 tỉ, đất nền trên 5 tỉ, nhà phố trên 10 tỉ... những sản phẩm này đa số là vay ngân hàng để sở hữu vì thế khả năng xả hàng sẽ cao. Giá bán ra có thể giảm 2-3% chứ không giảm nhiều.
Thậm chí, theo vị chuyên gia này, sau dịch Covid-19 giá BĐS có thể tăng ở mức 3-5%. Tuy nhiên việc tăng này là để chiết khấu, hỗ trợ cho khách hàng thêm các ưu đãi chứ không phải tăng theo giá cả thị trường. Do đó, thị trường BĐS sau dịch theo ông Quang, khó có hiện tượng giảm giá sâu nhưng người mua được hưởng lợi ở chỗ là nhận được nhiều ưu đãi từ phía chủ đầu tư.
Thậm chí khi giao dịch mua bán, một số chủ đầu tư sẽ cam kết mua lại sản phẩm từ khách hàng, vì sau thời điểm dịch bệnh các chủ đầu tư không mong muốn bán sản phẩm 100% mà chỉ muốn ổn định lâu dài, được khách hàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu R&D DKRA Vietnam, nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến giá BĐS nói chung không giảm như kỳ vọng. Kể từ cuối năm 2018 - 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn.
Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên rất khó nói giá BĐS đã xuống đáy hay chưa ở giai đoạn này.
Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay cả các nhà đầu tư hướng đến BĐS có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Còn với nhu cầu ở, khách hàng sẽ ít cân nhắc về thời điểm hơn mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả, pháp lý và đặc biệt là yếu tố quy hoạch, không gian sống cùng với cam kết triển khai xây dựng và phát triển dự án của các chủ đầu tư.
Xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng. Vì thế, có lẽ yếu tố giảm giá chưa hoàn toàn là yếu tố duy nhất để người mua quyết định "xuống tiền".
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian tới nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và Tp.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.
Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng không nhiều. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh) buộc chủ đầu tư phải giảm giá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, mức giá cũng không giảm sâu.
Hạ Vy
Cổ phiếu của doanh nghiệp giàu tiền mặt ít rủi ro hơn Các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp được đánh giá có khả năng chống chịu với Covid-19 tốt, theo VNDIRECT. Trong báo cáo chiến lược thị trường mới công bố, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, Covid-19 giống một sự chọn lọc tự nhiên để mở ra các...