Thời báo Hoàn Cầu bình vụ Tổng thống Indonesia họp trên chiến hạm phá “lưỡi bò”
Tờ báo chiếu chiến, chẳng hiểu gì về ngoại giao dường như lại đang “độc quyền” lên tiếng chỉ trích, vu cáo, chụp mũ, áp đặt cho các nước khác về Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/6 có bài xã luận: “Tổng thống Indonesia thị sát quần đảo Natuna là để cảnh cáo Trung Quốc?” và đưa ra câu trả lời phủ định.
The Jakarta Post ngày 23/6 dẫn ời Bộ trưởng Chính trị – Pháp luật – An ninh Indonesia tướng Luhut Binsar Pandjaitan khẳng định, ông Joko Widodo thị sát Natuna thời điểm này là muốn gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh: Indonesia đang rất nghiêm túc bảo vệ chắc chắn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình.
Cũng theo tướng Luhut Binsar Pandjaitan: “Trong lịch sử, chúng tôi chưa bao giờ nghiêm khắc (với Trung Quốc) như bây giờ. Điều này để chứng minh rằng, Tổng thống Joko Wiododo không xem nhẹ vấn đề này”.
“Chắc họ không nói mình”
Tư duy và lập luận của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy não trạng AQ, lý sự cùn đang là đặc trưng của tờ báo này khi bàn đến các vấn đề Biển Đông, thể hiện rõ nhất qua nhận định và lập luận của Hoàn Cầu về các động thái mới từ Indonesia.
Tổng thống Joko Widodo thị sát chiến hạm khi chủ trì họp nội các ngoài khơi Natuna, ảnh: VOA.
Thời báo Hoàn Cầu lập luận: Một là Joko Widodo lên chiến hạm và họp nội các, nhưng ông chưa từng trực tiếp phát biểu câu nào nhằm thẳng vào Trung Quốc. Những lời cứng rắn chống lại (sự bành trướng của) Trung Quốc trên báo chí phần lớn là do tướng Luhut Binsar Pandjaitan đưa ra.
Hai là, các lực lượng chức năng Indonesia bắt các tàu cá xâm nhập bất hợp pháp 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Natuna và đánh chìm không chỉ có tàu Trung Quốc, mà còn hơn 40 tàu cá Việt Nam, ngoài ra còn tàu cá các nước khác như Thái Lan…
Trong khi theo Thời báo Hoàn Cầu, vấn đề nằm ở chỗ chỉ có Trung Quốc “mới có năng lực” giao thiệp với Indonesia, các nước khác hoặc là chấp nhận, hoặc giao thiệp nhưng Jakarta bỏ qua. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực càng đến gần, vấn đề của Trung Quốc càng bộc lộ rõ rệt.
Ba là, quần đảo Natuna nằm ngoài đường chín đoạn, Trung Quốc công khai thừa nhận Natuna là lãnh thổ Indonesia, “tranh chấp giữa hai bên” chỉ là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quần đảo này với đường 9 đoạn “chồng lấn” khoảng 50 ngàn km vuông.
Video đang HOT
Bốn là, Thời báo Hoàn Cầu đổ tội cho Philippines và Hoa Kỳ hy vọng Indonesia đưa “tranh chấp nghề cá” với Trung Quốc phát triển thành xung đột ở Biển Đông để buộc Trung Quốc mở “mặt trận mới” với Indonesia. Tờ báo nói theo “giới quan sát”, Jakarta nắm được điều này nên tỏ ra cứng rắn một chút.
Nhưng nếu Indonesia muốn kết thúc triệt để “tranh chấp quyền lợi biển ở vùng chồng lấn” với Trung Quốc thời gian này họ cũng không làm được. Bắc Kinh kiên quyết không từ bỏ đường lưỡi bò. Ngư dân Trung Quốc sẽ tiếp tục đến khu vực này dưới sự hộ tống của tàu Cảnh sát biển.
Kết thúc bài xã luận, Thời báo Hoàn Cầu cao giọng “dạy bảo” Jakarta rằng, Indonesia đừng cho rằng mình làm trò như thế có thể áp đảo Trung Quốc, tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước khác không nên trở thành quân cờ để Indonesia gây sức ép với Trung Quốc.
Vụ Philppines kiện Trung Quốc chỉ là “nhất thời”, còn quan hệ láng giềng Indonesia – Trung Quốc là mãi mãi, không thể bê đi chỗ khác. Trung Quốc hiện thời đang im lặng, nhưng không có nghĩa là mãi mãi im lặng, Thời báo Hoàn Cầu hăm dọa.
Diều hâu hiếu chiến và chẳng hiểu gì về luật pháp quốc tế
Cá nhân người viết nhận thấy, thứ nhất, Thời báo Hoàn Cầu dường như đang cố tình lờ đi một thực tế, Tổng thống Indonesia Joko Widodo là nhà lãnh đạo đầu tiên trong khu vực công khai yêu cầu Bắc Kinh làm rõ căn cứ pháp lý của đường lưỡi bò. Ông cho rằng đường lưỡi bò không có bất kỳ căn cứ nào trong luật pháp quốc tế, là sản phẩm của trí tương tượng.
Ông không ngần ngại đặt thẳng vấn đề này ra với ông Tập Cận Bình khi sang thăm Trung Quốc, cho dù quan hệ hai bên rất mật thiết và Indonesia cũng cần tiền Trung Quốc. Điều này được Tổng thống Joko Widodo nói với báo Yomiuri Nhật Bản ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 25/3/2015.
Ông Joko Widodo cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama là hai nguyên thủ quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối đường lưỡi bò. Joko Widodo cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Indonesia thực thi rất nghiêm khắc chính sách chống đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Thứ hai, đúng là lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ các tàu cá vi phạm 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Indonesia của bất cứ nước nào chứ không riêng Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu còn ngụ ý, tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt nhiều nhất.
Tuy nhiên, Chuẩn Đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, Tư lệnh Hạm đội Phương Tây của hải quân Indonesia nói với báo giới: “Chúng tôi thường xuyên bắt tàu cá Việt Nam xâm nhập, nhưng họ nghe lời chúng tôi chứ không chống đối (như tàu cá Trung Quốc). Chúng tôi nghi ngờ rằng điều này (sự chống trả hung hãn của tàu cá Trung Quốc) đã được hỗ trợ bởi chính phủ Trung Quốc.”
Ông đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) dự kiến ngày 7/7 tới về việc Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS 1982) ở Biển Đông.
Nói cách khác, tàu cá các nước xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ở Natuna và bị bắt giữ dù là do vô tình đi lạc hay cố ý đánh bắt, cũng chỉ là những hành vi cá nhân vì miếng cơm manh áo, vì kế sinh nhai. Còn tàu cá Trung Quốc là đánh bắt để thực hiện mục đích chính trị hiện thực hóa đường lưỡi bò.
Tàu cá Trung Quốc do chính phủ Trung Quốc giật dây, được chính phủ Trung Quốc bảo trợ và thực hiện các nhiệm vụ do chính phủ Trung Quốc đặt hàng, xâm phạm có chủ ý quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ này, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Jakarta.
Thứ ba, Thời báo Hoàn Cầu lại một lần nữa bộc lộ thủ đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông: Giật bát cơm trên tay láng giềng rồi đòi “đàm phán chia phần tranh chấp”. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã khẳng định rất rõ:
“Lập trường của chúng tôi là rất rõ ràng, các tuyên bố chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối với Indonesia, chúng tôi không có chồng lấn dưới bất kỳ hình thức nào với Trung Quốc trên biển”.
Indonesia là một cường quốc về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) nên không có chuyện dễ bị mắc lừa bởi trò ảo thuật ngôn từ của Trung Quốc. Làm gì có cái gọi là “vùng chồng lấn” hay “tranh chấp nghề cá”, “tranh chấp quyền lợi biển” giữa Indonesia và Trung Quốc?
Trung Quốc cứ cố tình tạo ra tranh chấp bằng sử dụng, xúi giục ngư dân của họ xâm phạm vùng biển Indonesia, thì giờ đây ngoài lực lượng tuần duyên, kiểm ngư, quân đội Indonesia cũng sẽ vào cuộc để đối phó, chống lại các hành vi vi phạm.
Không có chuyện Indonesia đàm phán với Trung Quốc về “bát cơm” của mình mà Bắc Kinh đang định giành giật.
Thứ tư, đổ tội, chụp mũ và áp đặt cho Hoa Kỳ, Philippines là thủ đoạn quen thuộc thường thấy của Thời báo Hoàn Cầu và truyền thông nhà nước Trung Quốc. Nhưng có thể tờ báo này lừa gạt được một bộ phận dư luận xã hội Trung Quốc thiếu thông tin, chứ làm sao lừa được cả thiên hạ?
Đáng tiếc là những tiếng nói trung thực như cố Đại sứ Ngô Kiến Dân không còn nhiều, lại bị những con “diều hâu” được sự bật đèn xanh nào đó lấn lướt. Ông Dân từng nói với Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu rằng, tờ báo này quá hiếu chiến và chẳng hiểu gì về ngoại giao.
Vậy mà một tờ báo chiếu chiến, chẳng hiểu gì về ngoại giao dường như lại đang “độc quyền” lên tiếng chỉ trích, vu cáo, chụp mũ, áp đặt cho các nước khác về Biển Đông sẽ khiến cộng đồng quốc tế nghĩ gì về Trung Quốc?
Người viết tin rằng những trí thức ngay thẳng, những học giả thực tài của Trung Quốc như ông Ngô Kiến Dân không phải là ít, xong người thì bị xe tông qua đời đột ngột, người thì bị bịt miệng không được nói, đó quả là một điều đáng tiếc cho Trung Quốc.
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Tổng thống Indonesia lệnh tăng cường bảo vệ quần đảo ở Biển Đông
Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cho lực lượng quân sự bảo vệ tốt hơn vùng biển ở quần đảo Natuna, trong cuộc họp nội các trên chính con tàu chiến từng bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc hồi tuần trước.
Tổng thống Indonesia Widodo bên một khẩu pháo của tàu chiến KRI Imam Bonjol. Ảnh: AFP
Ông Widodo hôm qua dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, bao gồm bộ trưởng Ngoại giao và tư lệnh lực lượng vũ trang, tới quần đảo Natuna ở Biển Đông. Ông tới một căn cứ hải quân trước khi được hộ tống lên tàu chiến KRI Imam Bonjol, khi các chiến đấu cơ bay trên đầu và tàu quân sự di chuyển ngoài khơi bờ biển.
Trong cuộc họp với các bộ trưởng và chỉ huy lực lượng an ninh trên chính tàu chiến tuần trước bắn cảnh cáo và bắt một tàu cá Trung Quốc cùng các thuyền viên ở vùng biển của Indonesia, ông Widodo ra lệnh tăng cường phòng vệ cho quần đảo Natuna. "Tôi đã đề nghị quân đội và cơ quan an ninh hàng hải bảo vệ tốt hơn vùng biển", ông nói.
Một bức ảnh chính phủ công bố cho thấy ông Widodo đứng cạnh khẩu pháo trên khoang, xung quanh là các quan chức. Đây là lần đầu tiên ông Widodo thăm quần đảo Natuna với tư cách tổng thống Indonesia.
Ông Widodo (chính giữa) cùng các quan chức trên tàu chiến ở Biển Đông. Ảnh:AFP
Tại họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi cho biết ông Widodo muốn ưu tiên phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành thủy sản và năng lượng, ở quần đảo Natuna. "Việc phát triển các khu vực xa xôi nhất cần được xử lý đặc biệt và ưu tiên", bà Marsudi nói.
Bộ trưởng cũng cho biết trong cuôc họp nội các, bộ trưởng Thủy sản báo cáo về dự án hợp nhất trong lĩnh vực thủy sản, còn tư lệnh quân đội báo cáo về kế hoạch xây dựng hệ thống phòng vệ xung quanh Natuna.
Natuna được biết đến là một trong những nguồn dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới và nguồn hải sản phong phú thu hút các tàu cá nước ngoài đến đánh bắt ở vùng biển này. Indonesia hiện có 16 lô dầu khí ngoài khơi ở Natuna và 5 lô đang được vận hành, còn lại đang trong quá trình phát triển, bà Marsudi cho biết.
Các quan chức Indonesia mô tả chuyến thăm của ông Widodo là thông điệp mạnh mẽ nhất với Trung Quốc, thể hiện cam kết bảo vệ chủ quyền Indonesia ở khu vực bên rìa Biển Đông. Bắc Kinh đầu tuần này tuyên bố dù Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở quần đảo Natuna, "một số vùng biển" của Biển Đông là đối tượng của "tuyên bố chủ quyền chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải". Indonesia bác bỏ lập trường của Trung Quốc, cho rằng vùng biển xung quanh Natuna là lãnh thổ của Indonesia.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tổng thống Indonesia họp kín bàn cách phá 'đường lưỡi bò' Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ có chuyến thăm đến quần đảo Natuna ngày 23/6 và có cuộc họp bàn cách phá. The Straits Times ngày 23/6 dẫn lời nguồn tin giấu tên từ chính phủ Indonesia cho biết, cuộc họp sẽ được tiến hành trên chiến hạm hải quân Indonesia. Tổng thống Widodo sẽ họp kín với các bộ trưởng và quan...