Thoát chết nhờ cá mập sau 4 tháng lênh đênh
Một ngày sau khi xem phim về một vụ mất tích trên biển, một cảnh sát người Kiribati rơi vào thảm cảnh hệt như phim: bị trôi dạt trong chiếc thuyền gỗ suốt gần 4 tháng trời, trước khi một con cá mập giúp anh thoát chết.
Một người đàn ông 41 tuổi người Kiribati thoát chết nhờ sự dẫn đường của một con cá mập sau 106 ngày trôi dạt trên biển Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: Heraldsun
Đặt chân lên đất liền hôm 15/9 sau khi được một tàu cá cứu thoát, Toakai Teitoi, viên cảnh sát 41 tuổi người Kiribati, vẫn còn rùng mình khi kể về hành trình 106 ngày giữa Thái Bình Dương.
Teitoi kể anh đã ngủ cạnh thi thể của anh vợ mình, người bị chết khát trong những ngày trôi dạt trên biển. Nhờ một trận bão lớn, Teitoi đã có nước ngọt để sinh tồn, và nhờ một con cá mập dài hai mét, anh đã thoát chết sau gần 4 tháng lênh đênh trên đại dương.
Chuyến đi định mệnh của Teitoi bắt đầu ngày 27/5, sau khi anh đi máy bay từ quê nhà, đảo Maiana tới thủ đô Tarawa của nước Kiribati để nhậm chức cảnh sát. Sau buổi lễ, anh xem một phim về 4 người đàn ông Kiribati bị mất tích trên biển. Chỉ hai trong số đó sống sót khi trôi dạt vào bờ biển 6 tuần sau đó.
Chính lúc này, Teitoi quyết định không đi máy bay nữa mà sẽ trở về nhà cùng anh vợ, Ielu Falaile, 52 tuổi, bằng chiếc thuyền gỗ dài 4,5 m, trong một chuyến đi dự kiến chỉ mất hai giờ đồng hồ.
Nhưng sau khi ngừng câu cá trên biển và tỉnh dậy sau một đêm, họ phát hiện mình đã bị trôi dạt ra rất xa Maiana còn thuyền đã cạn kiệt nhiên liệu. “Chúng tôi có thức ăn, nhưng lại không có gì để uống”, AFP dẫn lời Teitoi kể.
Video đang HOT
Mất nước kéo dài, Teitoi, một người theo đạo Cơ đốc, cho biết anh đã cầu nguyện để có thêm sức mạnh. Người anh vợ Failaile yếu dần và qua đời ngày 4/7 vì hết nước. “Tôi đặt anh ấy qua đêm ở đó và ngủ cạnh anh như một thủ tục tang lễ”, Teitoi cho biết. Sáng hôm sau, anh thủy táng người anh vợ của mình.
Chỉ một ngày sau khi Failaile qua đời, một cơn bão nổi lên và gây mưa trong vài ngày, giúp Teitoi đựng đầy nước ngọt trong một thùng 19 lít. “Chỉ có hai lựa chọn trong tâm trí tôi vào thời điểm đó. Hoặc ai đó sẽ tìm thấy tôi, hoặc tôi sẽ phải đi theo người anh vợ. Không có cách nào khác”, Teitoi nói.
Chặng đường trở về quê nhà từ đảo Tarawa tới đảo Maiana của Teitoi. Ảnh: mappery
Anh tiếp tục cầu nguyện và đến sáng 11/9 thì nhìn thấy một tàu cá ở phía xa. Nhưng không ai nhìn thấy Teitoi. Tuyệt vọng, Teitoi rúc mình dưới mái vòm của con thuyền như anh vẫn thường làm để tránh cái nắng nhiệt đới chói chang.
Một buổi chiều, Teitoi bị đánh thức bởi tiếng cào xước dưới thân thuyền. Anh phát hiện một con cá mập dài hai mét đang bơi quanh, thỉnh thoảng húc mạnh vào thuyền rồi sau đó bơi đi.
“Nó dẫn đường cho tôi tới một tàu đánh cá. Ngẩng đầu lên, tôi thấy một chiếc đuôi tàu và những thủy thủ đang dùng ống nhòm nhìn tôi”.
Khi tàu đánh cá Marshalls 203 kéo Teitoi lên, thứ đầu tiên anh xin là một điếu xì gà. “Họ bảo tôi chờ. Họ dẫn tôi đi gặp thuyền trưởng và họ cho tôi nước hoa quả cùng một ít đồ ăn”.
Vì Teitoi không bị nguy hiểm đến tính mạng nữa, tàu Marshalls 203 tiếp tục đánh cá vài ngày trước khi trở về Majuro, thủ đô Cộng hòa Quần đảo Marshalls. Teitoi dự định bay từ Majuro tới Tarawa hôm qua và sau đó bay về quê nhà Maiana.
“Tôi sẽ không bao giờ đi thuyền nữa. Tôi sẽ đi máy bay”, anh nói.
Theo VNE
Lãnh sự quán Mỹ ở Libya tan hoang sau vụ tấn công
Khu nhà chìm trong biển lửa của những người tấn công, làm đại sứ Mỹ tại Lybia cùng ba nhân viên ngoại giao đồng hương thiệt mạng.
Một người đàn ông Libya giương khẩu súng trường bên ngoài căn nhà và xe cộ của lãnh sự quán Mỹ vào đêm 11/9. Ảnh: AFP
Nhà để xe bùng cháy dữ dội khi đám đông tức giận xông vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi để phản đối một bộ phim không chuyên của Mỹ mà họ cho rằng chế nhạo người Hồi giáo. Ảnh: AFP
Chiếc xe bị thiêu rụi vì lửa của những người tấn công. Ảnh: AFP
Những người tấn công bên ngoài tòa nhà bị cháy. Ông Christopher Stevens, đại sứ Mỹ tại Tripoli, vừa tới Benghazi để tổ chức sơ tán các nhân viên ngoại giao ở đây. Ông và 3 người khác đã thiệt mạng sau vụ tấn công. Ảnh: AFP
Hiện trường ngổn ngang bên trong căn nhà làm việc của lãnh sự quán Mỹ. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obamalên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu tại thành phố miền tây Lybia, trùng hợp ngẫu nhiên với ngày kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Ảnh: AFP
Chính phủ Lybia sau đó lên tiếng xin lỗi Mỹ vì vụ tấn công. Ngoài Lybia, làn sóng chống Mỹ cũng dâng cao ở Ai Cập khiến Mỹ phải tăng cường an ninh tại những cơ quan ngoại giao ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: AFP
11 thủy thủ Việt Nam được cứu sau 40 ngày trôi dạt Một tàu cá El Salvador vừa cứu được chiếc tàu có nhiều thủy thủ Việt Nam và Indonesia. Bản đồ cho thấy vị trí cảng La Union của El Salvador. Đồ họa: GraphicMaps AFP dẫn thông báo của giới chức quản lý nhập cư El Salvador cho hay 11 thủy thủ Việt Nam và hai thủy thủ Indonesia được giải cứu, sau khi...