Thoái vốn ỳ ạch ở Habeco, ai chịu trách nhiệm?
Công tác thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang được ví von như “mắc nghẹn” bởi những vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Cùng với những sai phạm đã tồn tại ở Habeco, khả năng giải quyết nhanh các vấn đề để thúc đẩy việc thoái vốn thành công là khá khó khăn.
Sự sụt giảm mạnh của sản phẩm bia chai Hà Nội dẫn tới kết quả kinh doanh của Habeco không đạt được các chỉ tiêu đặt ra. Ảnh: PV
Kinh doanh sụt giảm, nhiều sai phạm
Lý giải cho công tác thoái vốn chậm chạp và còn bề bộn mà chưa thể giải quyết được tại Habeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng chỉ ra điểm vướng mắc lớn nhất là hợp đồng đã ký với đối tác Carlsberg cho phép đối tác này được ưu tiên mua trước cổ phần Nhà nước tại Habeco. Ông Hải cũng từng “bật mí” để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã phải “lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ”. Nhưng xem ra các giải pháp đều chưa hiệu quả khi cho tới nay, thời gian đã khá lâu mà vấn đề có vẻ vẫn chưa sáng sủa hơn. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Habeco là BHN đã liên tục sụt giảm trong suốt 6 tháng đầu năm mất khoảng 32% giá trị (ở mức giá 91.500 đồng/cổ phiếu). Tính đến ngày 27.9, giá tham chiếu của BHN trên thị trường chứng khoán còn giảm sâu hơn về mức 86.000 đồng/cổ phiếu. Về mặt kinh doanh, trong Báo cáo đánh giá hoạt động SXKD 2017 và kế hoạch 2018 hồi tháng 6 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Habeco thừa nhận kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm trước.
Từ đầu năm 2018 tới nay, Habeco liên tiếp trải qua các cơn sóng gió khi Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra hàng loạt sai phạm tại đơn vị trong công tác quản lý, điều hành vi phạm các quy định của Nhà nước từ đó KTNN đã đề nghị Habeco cần phải sớm sửa chữa khắc phục những vi phạm này.
Đối với công tác tài chính, KTNN cũng phát hiện hàng loạt vấn đề tại Habeco như có số dư tiền gửi ngân hàng lớn nhưng chưa có văn bản đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, tham khảo lãi suất cạnh tranh để lựa chọn, có tình trạng phân loại, trình bày báo cáo tài chính chưa chính xác, đối chiếu xác nhận nợ chưa đầy đủ, không sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để đầu tư mở rộng kinh doanh hoặc đầu tư phát triển theo chiều sâu mà chủ yếu đem gửi ngân hàng… KTNN cũng chỉ ra nhiều khoản chi tại Habeco không được chặt chẽ…
Video đang HOT
Giải quyết các vấn đề tồn đọng tại Habeco, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng khẳng định “yếu tố đầu tiên, then chốt nhất vẫn là yếu tố con người. Người đứng đầu rất quan trọng không chỉ là chịu trách nhiệm trước pháp luật mà có những chiến lược đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại”. Điều đó đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự chủ chốt tại Habeco thời gian qua.
Vướng mắc lớn hay thiếu quyết tâm?
Quay trở lại công tác thoái vốn Nhà nước tại Habeco, những vấn đề về nhân sự và kinh doanh kém hiệu quả cũng có thể là tác nhân gây ra sự chậm trễ, nhưng cũng không loại trừ khả năng nghi vấn “có động cơ” trong việc để kết quả kinh doanh thụt lùi trong vài năm trở lại đây – PGS.TS Vũ Trí Dũng – Đại học Kinh tế Quốc dân từng nêu khi đề cập về vấn đề này.
Trao đổi cùng PV Báo Lao Động ngày 27.9, ông Phạm Đức Trung – Trưởng ban Phát triển và Cải cách Doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, về khía cạnh doanh nghiệp họ lo ngại mất thương hiệu, mất quyền điều hành, kiểm soát khi cổ đông chiến lược vào thâu tóm doanh nghiệp, nhưng cũng phải thấy rằng, việc thu hút cổ đông chiến lược là rất cần thiết và có thể khắc phục các lo ngại bằng các thỏa thuận thông qua các hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp của Habeco và Carlsberg rõ ràng chưa tìm được tiếng nói chung vì vậy làm chậm trễ quá trình thoái vốn, trong khi có các đối tác khác có khả năng hơn chưa được quan tâm xem xét. Khi cứ tập trung vào một cổ đông mà không thỏa thuận được dẫn đến kéo dài thời gian thoái vốn.
Nhưng ở phía còn lại cũng cần xem lại chính sách Nhà nước về việc CPH Habeco là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bia, đây không phải là ngành Nhà nước cần nắm giữ. Câu chuyện ở đây không chỉ là doanh nghiệp mà trách nhiệm còn ở phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Công Thương. Quyết định 58 của Chính phủ đã khẳng định Nhà nước không kinh doanh ngành lĩnh vực bia, vì vậy việc cố ý nắm giữ quá lâu cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này có cần thiết hay không? Cần phải xem lại trách nhiệm thực hiện, lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Trong khi đó, cùng lĩnh vực như thế, Sabeco (Tổng công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn) họ bán cổ phần và thu lại lợi ích cho Nhà nước rất lớn.
Hoạt động kinh doanh của Habeco cũng liên tiếp gặp khó khăn, dù đơn vị này cho rằng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng sản lượng tiêu thụ bia các loại chỉ đạt 88,4% so với kế hoạch năm. Habeco đã thúc thủ hay buông xuôi thị trường nào? Lý do gì dẫn tới tình trạng ấy? Cần phải tìm ra lời giải để vực dậy doanh nghiêp này nếu muốn công tác thoái vốn đạt được thành công như “người anh em” cùng ngành Sabeco.
ĐỨC THÀNH
Theo laodong.vn
12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Muốn bán thì phải "khỏe", chưa kịp khỏe đã có nguy cơ yếu lại
12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã có nhiều biến chuyển sau hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc của Chính phủ. Mặc dù vậy, vẫn còn một số dự án dường như không thể cứu vãn bởi "chào bán 3 lần cũng không có ai mua". Làm thế nào để giải quyết được bài toán thoái vốn Nhà nước hiệu quả tại các dự án này?
Còn 3 dự án "tiến thoái lưỡng nan"
Báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hầu hết các dự án đều đã tìm ra phương án. Tuy nhiên, đối với 3 dự án xây dựng dở dang thì Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn; Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC.
Những khó khăn đó cho thấy, dù có nhiều tín hiệu tốt đẹp hơn trước thực tế để có thể thoái vốn Nhà nước khỏi các dự án này không hề đơn giản. Đơn cử như dự án Giấy và Bột giấy Phương Nam đã thực hiện "bán đấu giá tài sản 3 lần nhưng không ai mua"; hay như dự án nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ tới nay cũng không thể tìm được đối tác nào dám tiếp tục đầu tư triển khai trong khi các cổ đông hiên tại đều thống nhất không đổ thêm tiền vào cứu vãn tình hình.
Trong khi đó, có những dự án đang có tiến triển tốt hơn trước rất nhiều nhưng cũng rất khó khăn bởi vướng cơ chế. Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết: "Cả 4 dự án yếu kém của Tập đoàn đã dùng tất cả các giải pháp, giảm khấu hao, chính sách tiết kiệm, hỗ trợ của các ngân hàng thương mại. Giúp cho 8 tháng đầu năm Đạm Hà Bắc chỉ còn lỗ 203 tỉ đồng, giảm 210 tỉ đồng so với cùng kỳ, theo kế hoạch 3 năm mà Tập đoàn xây dựng thì năm 2018 dự kiến lỗ trên 700 tỉ đồng, như vậy năm nay sẽ cắt được khoảng 400 tỉ đồng.
Đến tháng 9 thì DAP 1 cũng đã không còn vướng bận gì về các nghĩa vụ nợ nần nên đề nghị cho phép DAP 1 thoát ra khỏi nhóm 12 dự án yếu kém vì khi thoát ra khỏi danh mục các dự án yếu kém thì công việc thoái vốn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhà nước và giá trị thương hiệu cũng cao hơn".
Gánh nặng tài chính khiến DN "không ngóc đầu lên được"
Thế nhưng ngay cả khi có cơ hội để thoát ra khỏi nhóm các dự án yếu kém này cũng không hề đơn giản bởi chỉ cần sơ sểnh "chậm thanh toán nợ 1 kỳ" là ngay lập tức lại bị "lôi" trở lại nhóm. Ông Cường báo cáo: "Các dự án này vẫn còn khó khăn nhưng vay vốn đầu tư lại bị tính lãi rất cao. Ví dụ như Đạm Hà Bắc phải vay lãi suất bình quân để đầu tư của Ngân hàng BIDV với là 10,5%/năm, thời hạn vay chỉ có 12 - 13 năm. Đó thực sự là gánh nặng tài chính quá lớn.
Câu chuyện này cũng xảy ra tương tự với Đạm Ninh Bình và DAP 2. Trong khi hiện giờ nhiều ngân hàng cho vay lãi suất ngắn hạn có 8,5% mà vay đầu tư lên tới 10,5% mà kỳ hạn ngắn nên bài toán tài chính rất khó khăn. Ví dụ như theo kế hoạch năm 2018, thì doanh thu của Đạm Hà Bắc ước khoảng đạt 2.727 tỉ đồng nhưng gánh nặng tài chính quá lớn lên tới 837 tỉ đồng, tình trạng này khiến doanh nghiệp không thể ngóc được đầu lên.
Tập đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét lại các hợp đồng cho vay để kéo dài thời gian vay và giảm áp lực tài chính. Như vậy mới có cơ hội cho doanh nghiệp vì chỉ cần chậm thanh toán 1 kỳ thôi, doanh nghiệp bị chuyển sang nợ xấu và bị phạt 150% và rất nhiều hệ lụy đi theo.
Thứ hai là về lãi suất thì xem xét cho phù hợp hơn để đúng nghĩa là lãi suất cho vay đầu tư từ ngân hàng phát triển đầu tư. Chứ như anh em mới về tập đoàn lãnh đạo 8 tháng, nhưng nhìn mức lãi suất như thế này rất muốn ngất vì cao quá".
Không những thế, hoàn cảnh khó khăn khi cơ thể vốn đã yếu kém, các đơn vị này lại gặp phải các cơ chế làm mất đi sức cạnh tranh.
DUY THIÊN
Theo laodong.vn
Hancorp tiềm ẩn nguy cơ mất vốn? Theo văn bản của Bộ Tài chính, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), mã cổ phiếu trên UPCOM là HAN là đơn vị đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, chậm thoái vốn Nhà nước nên Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường giám sát và chịu trách nhiệm về nội dung giám sát được phân cấp...