Thoái vốn, Viettel chọn đúng “điểm rơi”
Dòng tiền rẻ dự kiến tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp và kỳ vọng kinh tế hồi phục tốt sẽ thúc đẩy thanh khoản và giá chứng khoán tăng, tạo điều kiện cho hoạt động thoái vốn nhà nước.
Gần đây, thông tin Tập đoàn Viettel thoái vốn tại nhóm công ty con gồm VTP, CTR, VTK thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi đây là thông tin được trông ngóng từ lâu, nhất là trong bối cảnh năm nay thiếu vắng các thương vụ thoái vốn nhà nước.
Ngày 11/11, Viettel đã bán đấu giá thành công toàn bộ gần 5 triệu cổ phần Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (VTP), tương ứng 6% vốn, với giá bình quân 105.907 đồng/ cổ phiếu.
Mức giá này không chênh lệch nhiều so với thị giá trên sàn chứng khoán của cổ phiếu VTP trong 1 quý trước, nhưng nếu nhìn từ mức giá đáy năm nay là gần 63.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3 thì tính đến cuối tháng 9, VTP đã tăng giá 77,2%. Hiện thị giá cổ phiếu VTP là 108.100 đồng/cổ phiếu.
Sở dĩ so sánh mức giá đấu và thị giá của VTP chia thành 2 giai đoạn như trên là bởi chốt chặn “giá bình quân 30 phiên giao dịch trước thời điểm doanh nghiệp công bố thông tin đấu giá”.
Video đang HOT
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước phải dựa trên mức giá do tổ chức có chức năng thẩm định giá đưa ra.
Trường hợp giá do tổ chức có chức năng thẩm định xác định thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần chuyển nhượng thì lấy giá tham chiếu bình quân này làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.
TTCK hồi phục mạnh, dòng tiền nhà đầu tư nội tham gia chưa bao giờ nhiều như năm nay là điều kiện hỗ trợ cho các đợt thoái vốn thành công.
Theo đó, trước những kỳ vọng của nhà đầu tư, hay các nhà đầu tư nhạy tin có thể là chất xúc tác, thị giá cổ phiếu VTP đã leo dốc từ trước và duy trì sự ổn định trong khoảng thời gian trước thềm đấu giá, giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định được giá khởi điểm của cuộc đấu giá.
Một số nhà đầu tư cho biết, mua cổ phiếu đón đầu “sóng” thoái vốn là chiến lược phổ biến, đặc biệt ở những doanh nghiệp có sự chênh lệch đáng kể giữa thị giá và định giá cổ phiếu theo P/E hoặc BV thì cổ phiếu càng có động lực để tăng giá.
Tuy nhiên, chiến lược này chỉ áp dụng với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, áp dụng với các doanh nghiệp yếu kém thì rủi ro rất lớn.
Nhìn lại định giá của một công ty chứng khoán đối với VTP cho thấy, mức giá đấu bình quân không đắt so với giá mục tiêu 130.000 đồng/cổ phiếu dựa trên EPS dự phóng năm 2020 là 6.731 đồng, P/E hợp lý là 19,3 lần, phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) 10 năm để tính giá trị nội tại của VTP là 131.400 đồng/cổ phiếu.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, VTP đạt doanh thu 11.687 tỷ đồng, tăng 130%; lợi nhuận sau thuế 307 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 62% kế hoạch năm. EPS trượt 4 quý là 4.894 đồng.
Hai cổ phiếu sắp được Viettel bán đấu giá tiếp theo là CTR của Tổng công ty Công trình Viettel và VTK của Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel, các doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong vài năm gần đây.
Dự kiến, ngày 7/12 tới, Viettel sẽ bán đấu giá gần 7,8 triệu cổ phiếu CTR, tương ứng 11% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 46.600 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn giá khởi điểm ban đầu là 43.100 đồng/cổ phiếu, do 30 phiên giao dịch trước thời điểm công bố thông tin đấu giá, cổ phiếu CTR thường xuyên được giao dịch trên mức 45.000 đồng/cổ phiếu.
Trong 1 tuần qua, giá cổ phiếu CTR tăng gần 15%, trong 1 tháng qua tăng 22% và trong 1 quý qua tăng 39%. Giá cổ phiếu VTK không biến động nhiều trong 1 tháng qua, nhưng ghi nhận tăng 25% trong 1 quý gần nhất.
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã thực hiện không ít đợt thoái vốn, nhưng bất thành, chẳng hạn tại VOC, AFX, FPT, HND. Trong đó, AFX có thị giá trong khoảng 5.000 – 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giá khởi điểm bán đấu giá được xác định là 18.900 đồng/cổ phiếu.
Thị giá cổ phiếu này được “kéo” lên 12.900 đồng/cổ phiếu sau khi có thông tin thoái vốn nhà nước, nhưng đợt đấu giá vẫn không thành công. Gần đây, AFX được giao dịch trong khoảng 8.000 – 9.000 đồng/cổ phiếu.
Điểm đáng nói là hầu hết các đợt thoái vốn của SCIC đều chào bán cạnh tranh cả lô, tức là mỗi nhà đầu tư tham gia sẽ phải mua toàn bộ lượng cổ phần đấu giá. Giá trị các lô đấu giá rất lớn, không dễ để các nhà đầu tư trong nước tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một số thương vụ bán vốn theo kế hoạch 2020 của SCIC
Năm 2020, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến thực hiện thoái vốn nhà nước tại 85 doanh nghiệp.
Trong 85 doanh nghiệp này, có 28 doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Một số doanh nghiệp xuất hiện liên tục trong kế hoạch bán vốn những năm gần đây như Công ty cổ phần FPT (SCIC sở hữu 6%), Tập đoàn Bảo Việt (SCIC sở hữu 3%), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (SCIC sở hữu 51%), Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (SCIC sở hữu 27%), Công ty Đầu tư Bảo Việt - SCIC (SCIC sở hữu 50%), Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam (SCIC sở hữu 33%).
Một số doanh nghiệp được SCIC dự kiến thoái vốn với tỷ lệ đang nắm giữ tại doanh nghiệp ở mức chi phối như Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà (SCIC sở hữu 100%), Công ty cổ phần Công trình Giao thông Bình Thuận (SCIC sở hữu 92%), Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Á Châu (SCIC sở hữu 79%), Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (SCIC sở hữu 99%), Công ty cổ phần In Tổng hợp Cần Thơ (SCIC sở hữu 97%)...
Viettel tiếp tục thoái hơn 15% vốn VTK sau VTP và CTR Viettel vừa công bố thông tin chi tiết về việc thoái hơn 15% vốn tại Công ty Tư vấn thiết kế Viettel. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đăng ký bán đấu giá 630.748 cổ phiếu, tương đương 15,16% vốn Tư vấn thiết kế Viettel (VTK). Giá khởi điểm cho VTK là 27.500 đồng/cp, thấp hơn 4%...