Thỏa thuận Xanh châu Âu: Một khởi đầu không dễ dàng
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài tới 10 giờ để tạm đạt được sự thống nhất cho Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo công bố “Thỏa thuận Xanh” tại Brussels, Bỉ, ngày 11/12/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU)- hội nghị mở đầu của nhiệm kỳ 5 năm- đã trải qua các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài tới 10 giờ để tạm đạt được sự thống nhất cho mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khối, Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Cùng với đó, việc tiến trình nước Anh rời EU bắt đầu trở nên rõ ràng hơn sẽ khiến EU phải cùng lúc đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa, mà trước mắt là khoảng trống ngân sách mà EU phải tìm cách lấp đầy.
Ba Lan, Hungary và CH Séc, những nước có nền kinh tế còn phải phụ thuộc nhiều vào than đá, đã tìm mọi cách để trì hoãn kế hoạch trên của EU. Sau những đàm phán cam go, CH Séc và Hungary cuối cùng đã gật đầu cho Thỏa thuận khi các lãnh đạo EU nhất trí cho phép một số thành viên có thể sử dụng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng hỗn hợp của mình. CH Séc và Hungary là hai nước vẫn đang sử dụng nhiều hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Khác biệt sâu sắc xảy ra giữa các nước châu Âu và Ba Lan, đất nước đã từ chối đăng ký vào mục tiêu lượng thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đưa ra nhiều đề xuất.
Đầu tiên ông Mateusz Morawiecki yêu cầu được nhận 560 tỷ euro từ nay đến năm 2030 để giúp Ba Lan đóng cửa các nhà máy điện than. Quả là một khoản tiền siêu khủng khi so sánh với 100 tỷ euro mà người châu Âu dự định dành cho Quỹ chuyển đổi, được Ủy ban thiết lập để hỗ trợ các quốc gia cần nhất trong kế hoạch ngân sách dài hạn 2021-2027.
Tiếp đó, Thủ tướng Ba Lan đề xuất mục tiêu đạt khí thải bằng 0 vào năm 2070 thay vì năm 2050 như kế hoạch ban đầu của châu Âu.
Video đang HOT
Ba Lan, cùng với các quốc gia thành viên khác của Liên minh, cuối cùng cũng đã thông qua kết luận của Hội nghị về chương trình chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu chung về trung hòa carbon (lượng khỉ thải bằng 0) vào năm 2050, được viết : “một quốc gia, ở giai đoạn này, không thể cam kết thực hiện mục tiêu trên. Hội đồng sẽ trở lại thảo luận vấn đề này vào tháng 6/2020″.
Như vậy, sau thời điểm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố “Thỏa thuận xanh”, các quốc gia thành viên vẫn chưa thể thống nhất được về nền tảng của kế hoạch, nhưng họ hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí vào trước mùa hè năm 2020. Đến lúc đó, EC sẽ xác định rõ về cơ cấu tài chính của Quỹ chuyển đổi cũng như các tiêu chí cần và đủ khác.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bình luận rằng bà “cảm thấy hài lòng”. Bà Merkel nhấn mạnh đã không có sự chia rẽ giữa những người châu Âu, và trên thực tế chỉ có một quốc gia phải cần thêm thời gian.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho biết lịch trình của “Thỏa thuận xanh” sẽ không có gì thay đổi. Hầu hết các luật đã lên kế hoạch sẽ được đưa ra thảo luận trước bởi vì nó phải được sự chấp thuận của đa số tuyệt đối. Trước tiên là luật về khí hậu sẽ được trình bày vào tháng 3 tới. Tiếp đó vào tháng 6, luật này sẽ phải được sửa đổi để có thể kết hợp mục tiêu tạm thời là giảm lượng khí thải CO2 từ 50% đến 55% vào năm 2030.
Khi các lãnh đạo đang “mặc cả” về một kế hoạch Xanh đầy tham vọng thì cũng là lúc chính trường Anh phát đi dấu hiệu chắc chắn về tiến trình ra đi của nước này vào thời điểm 31/12.
Cuộc bỏ phiếu tại Anh với kết quả khẳng định cho Brexit đã đánh dấu một sự giải tỏa về pháp lý cũng như tâm lý cho cả đôi bên, nhưng trên thực tế, nó còn giúp duy trì hiện trạng các mối quan hệ cho đến khi một thỏa thuận thương mại mới được tìm ra.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa sẽ hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU trong vòng chưa đầy một năm, tuy nhiên thời hạn này bị Brussels coi là không thực tế vì theo họ, có những vấn đề phải mất tới vài năm mới có thể ngã ngũ.
Ông Boris Johnson vẫn tin rằng nước Anh có thể ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU- đối tác thương mại lớn nhất của London- vào thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi tức ngày 31/12/2020.
Bóng đen về khả năng “không thỏa thuận” trong lĩnh vực thương mại vẫn không bị loại trừ, vì thời gian chuyển tiếp được Brussels đánh giá là không đủ để kết thúc các cuộc đàm phán về chủ đề thương mại và London vẫn còn thời hạn để đưa ra yêu cầu kéo dài tới trước ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh luôn khẳng định sẽ không xin gia hạn và như vậy một kịch bản Brexit không thỏa thuận vẫn là một nỗi ám ảnh bởi những hậu quả kinh tế có thể trở thành thảm họa.
Chắc chắn là EU sẽ không còn sự góp mặt của nước Anh, và đây là điều không thể đảo ngược. Việc Anh ra đi sẽ để lại một khoảng trống ngân sách cho Liên minh châu Âu, cũng là một nội dung quan trọng đang được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Mục tiêu đi đến thống nhất về ngân sách dài hạn của EU ngay từ đầu đã được xem là rất phức tạp.
Phần Lan, nước nắm giữ chức chủ tịch 6 tháng của Hội đồng châu Âu, đã đưa ra một đề xuất đặt mức đóng góp ngân sách châu Âu ở mức 1,07% tổng thu nhập quốc dân (GDP).
Về phần mình, Ủy ban đã đề xuất mức 1,114% trong khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan và Áo chỉ muốn đóng góp 1,0% GDP. Ở chiều ngược lại, Nghị viện châu Âu lại đang muốn chốt con số 1,3%.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí yêu cầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thúc đẩy các cuộc đàm phán để có thể đi đến được thỏa thuận cuối cùng.
Sự chắc chắn trong kế hoạch ra đi của nước Anh, về mặt nào đó, sẽ là yếu tố thúc đẩy châu Âu tập trung vào công cuộc cải cách và hiện thực hóa các kế hoạch đầy tham vọng của mình. Bất chấp hàng loạt khó khăn trước mắt, các nhà lãnh đạo EU thực sự cho thấy sự nỗ lực trong việc dàn xếp một giải pháp mang tính thỏa hiệp tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới./.
Kim Chung (P/v TTXVN tại Liên minh châu Âu)
Theo bnews.vn
Thủ tướng Đức Angela Merkel lần đầu thăm trại tập trung Auschwitz
Cùng Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, bà Angela Merkel đã đặt hoa và dành một phút tưởng niệm các nạn nhân bị Đức Quốc xã sát hại tại đây.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới thăm trại tập trung Auschwitz. (Nguồn: AFP)
Ngày 6/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới thăm trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan, nơi Đức Quốc xã trước đây dựng lên để giam giữ, hành hình người Do Thái và tù binh chiến tranh.
Đây là lần đầu tiên bà Merkel tới thăm trại Auschwitz trong 14 năm qua lãnh đạo nước Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, cùng Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, bà Merkel đã đặt hoa và dành một phút tưởng niệm các nạn nhân bị Đức Quốc xã sát hại tại đây.
Chuyến thăm trại Auschwitz của nhà lãnh đạo Đức được tiến hành khi một ngày trước đó, thủ hiến 16 bang ở Đức đã nhất trí đóng góp 60 triệu euro (khoảng 66,56 triệu USD) cho việc bảo tồn trại tập trung này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Merkel được thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm giải phóng trại Auschwitz và được xem là cử chỉ quan trọng, thể hiện trách nhiệm lịch sử của nước Đức đối với các nạn nhân bị Đức Quốc xã sát hại.
Trước bà, chỉ có hai thủ tướng Đức tới thăm Auschwitz là ông Helmut Schmidt và ông Helmut Kohl.
Khi phátxít cầm quyền ở Đức trước đây, không có quốc gia nào phải chịu nhiều đau thương như Ba Lan. Cho đến tận ngày nay, nỗi đau từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 vẫn là một vết thương đối với người dân quốc gia Đông Âu.
Auschwitz từng bị coi là cỗ máy giết người của Đức Quốc xã, với khoảng 1,1 triệu người bị giết hại, trong đó chủ yếu là người Do Thái./.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnamplus.vn)
Trung Âu muốn Anh rời EU trong trật tự Các nước Trung Âu hoan nghênh thỏa thuận Brexit mới đồng thời hy vọng vào một quá trình ra đi có trật tự sau ngày 31/10 tới. Các nhà lãnh đạo một số nước Trung Âu ngày 17/10 hoan nghênh thỏa thuận mới về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đạt được giữa Liên minh châu Âu (EU) và...