Thỏa thuận Minsk đổ bể: Giờ là hiệp đấu của Mỹ?
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine chồng chéo những mối quan hệ Nga-Mỹ, Nga-EU, EU-Mỹ. Và các bên đều cố gắng dàn xếp lợi ích trên lưng Ukraine.
Bản chất của thỏa thuận Minsk
Từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine cho đến nay, ai cũng có thể xác định được rằng, cả Kiev và Donbass đều là những quân cờ trong cục diện này nhưng có rất ít khả năng tự quyết cho tương lai của mình.
Thế lực chi phối cục diện ở Ukraine được nhắc đến bởi ba cái tên là Nga, EU, và Mỹ. Tuy nhiên, đã không còn thời kỳ hai cực đối đầu để ba bên nói trên chia làm hai phe nữa. Thế giới đa cực và chồng chéo các lợi ích đã khiến câu chuyện Ukraine bị chi phối hỗn loạn trong các mối quan hệ là Nga – Mỹ, Nga – EU và EU – Mỹ.
Về lý thuyết, EU vẫn là đồng minh của Washington, vì thế họ sẽ phải sát cánh cùng nhau để đối phó với kẻ thù chung là Nga. Mỹ và EU, những “lão già tư bản” đã có thể hạ gục được Liên Xô rộng lớn chỉ bằng các biện pháp siết chặt, kiểm soát, làm sụp đổ kinh tế và dẫn đến đổ vỡ thể chế.
Tuy nhiên, nước Nga của Putin giờ đây cũng là một tay “tư bản” như phương Tây. Và từ một quốc gia bị chia tách, sụp đổ, khủng hoảng từ kinh tế đến chính trị, trở thành một cường quốc đáng nể như hiện nay, Nga và EU đã có những sự hợp tác sâu đậm về kinh tế.
Đàm phán bốn bên gồm Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Tổng thống Ukraine
Mối quan hệ kinh tế Nga-EU theo kiểu đôi bên cùng có lợi, khi Nga là thị trường tiêu thụ lớn nhất sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp nặng, xa xỉ phẩm và đặc biệt là nông sản… trong khi EU là nơi tiêu thụ đáng kể khí đốt, năng lượng của Nga.
Tuy nhiên khi sa chân vào cuộc khủng hoảng Ukraine, do sức ép từ Mỹ, từ sự yêu cầu cùng sát cánh trừng phạt Nga nên quan hệ kinh tế giữa EU và Nga gần như bị đóng băng. Ukraine đang khiến EU lâm vào thế khó, khi hàng hóa tồn đọng, kinh tế thâm hụt, lòng tin của người dân vào chính quyền ngày càng sút kém, thậm chí nó đã tạo nên làn sóng biểu tình chống đối các chính phủ châu Âu.
Đó là lý do mà EU muốn nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng Ukraine. Tuy nhiên, tiến lên vướng núi, trở lại mắc sông. Mỹ kiên trì lên tiếng trên lập trường ngoại giao để ràng buộc EU rằng mọi vấn đề khủng hoảng Ukraine chỉ có thể giải quyết được bằng những thỏa thuận của các bên trên bàn đàm phán.
Đó là lý do chính khiến Đức, Pháp chủ động ngoại giao con thoi để cùng Nga cho ra đời thỏa thuận Minsk lần thứ 2. Đó là cách của EU, Nga lách luật cấm vận để cứu chính mình mà Mỹ không có lý do gì bắt bẻ được.
Video đang HOT
Chẳng thế mà Minsk vừa được ký vào ngày 12/2/2015, chưa biết kết quả ra sao, nhưng Tổng thống Pháp đã nhanh nhanh chóng chóng tuyên bố giao tàu Mistral cho Nga vào tháng 3/2015.
Nhưng cũng chính vì vậy mà cả kiev lẫn quân ly khai đều không cảm thấy hài lòng. Phía ly khai dù sao cũng đang ở thế áp đảo, đường biên giới được mở rộng hơn trước nhiều và đặc biệt, họ đang vây chết cứ điểm chiến lược Debatlsevo của liên quân kiev. Còn với Kiev, thỏa thuận Minsk lần này chỉ khiến họ nổi giận mà thôi: tình thế khốn đốn hơn trước, các mục tiêu cơ bản mà chính thể Ukraine đặt ra đã mất sạch và nguy cơ bị thay thế đã hiện rõ trước mắt họ.
Mỹ nhúng tay để Minsk thất bại?
Khi Mỹ chi tiền để làm cách mạng màu ở Ukraine, chắc chắn mục đích của Washington không phải là mỗi người giữ một chút đất của quốc gia Đông Âu đó, và phần đất đắc địa nhất là bán đảo Crimea đã thuộc về tay Moscow từ lâu. Washington muốn nhiều hơn thế, chí ít cũng phải là một Ukraine nhất quán, thống nhất, để Mỹ dễ bề chi phối và biến quốc gia này thành đội quân tiên phong để chống Nga.
Quân Ukraine ở Donetsk
Và theo kịch bản của Washington, các biện pháp trừng phạt theo kiểu đồng lòng nhất trí giữa EU, Mỹ sẽ đủ sức hạ gục nước Nga, đem biên giới đồng minh Mỹ đến Ukraine, trước cửa nhà của Nga.
Thỏa thuận Minsk được bày ra để các bên EU, Nga có thể đi đường vòng, vin vào cái cớ tích cực, đàm phán… để rút dần chân khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng điều đó vải thưa không thể che được mắt cáo già Mỹ.
Đó là lý do vì sao Quỹ tiền tệ quốc tế IMF (do Mỹ chi phối) cất lời sẵn sàng mở hầu bao cho Kiev vay một khoản tiền kếch xù 40 tỷ USD. IMF sẽ lo gần một nửa, số còn lại là ngân hàng châu Âu và EU phải trả nốt. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ bắt đầu xem xét việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cử thêm cố vấn quân sự.
Mỹ đã bật đèn xanh cho Kiev biết rằng họ vẫn được bao bọc và điều quan trọng nhất của Kiev lúc này là “ăn no đánh giặc”. Những lời hứa của Mỹ, dù chỉ là cái bánh vẽ, chưa có thực tế, nhưng nó đủ để Kiev phải lao vào cuộc chiến bất chấp EU đã thỏa thuận Minsk với Nga. .
Tuy nhiên, ly khai Donbass không phải dạng vừa, nếu Kiev tấn công, họ đáp trả, thậm chí còn trả rất đích đáng. Donbass quyết giữ lợi thế đang có trên thực địa chiến trường: ép chặt Debatlsevo, mở rộng phạm vi kiểm soát 500km, công kích Mariupol…
Ly khai hiểu rằng nếu thỏa hiệp, nếu rút quân thì bản thân những người miền Đông nói tiếng Nga sẽ khó có thể có quyền lợi trong quốc gia này, khi mà chính phủ tối cao vẫn là Kiev – một đại diện cho sự cực đoan thân phương Tây, bài Nga.
Như vậy để thấy, khi EU đã chịu thỏa hiệp để tìm cách chấm dứt vấn đề, quyền lợi của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, và họ lúc này Mỹ mới vào cuộc, mới tính đến chuyện bơm vũ khí, viện trợ chiến phí… Tất cả nhằm theo đuổi cuộc đối đầu với Nga đến cùng. Ukraine có thể sẽ không còn là vấn đề của UE với Nga nữa mà là vấn đề của Nga-Mỹ. Bởi lẽ, nếu Mỹ viện trợ cho Kiev thì tất nhiên, Nga cũng giúp Donbass tương xứng.
Phần tiếp theo của cục diện sẽ là cuộc so găng trực tiếp giữa Nga và Mỹ, lấy Ukraine làm võ đài. Chỉ có điều, Mỹ có phần chiếm thế thượng phong khi hiệp một, EU đã giúp Mỹ quần cho Nga mệt tơi tả và thiệt hại nhiều tỉ USD.
Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt
Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Mong manh như đèn trước bão
Sau 16 giờ đàm phán căng thẳng, cuối cùng nhóm "Bộ tứ Normandie" cũng đã ký được một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Ukraine, trong đó việc ngừng bắn ở miền Đông. Tuy nhiên, với những mâu thuẫn cốt lõi giữa các bên, tương lai của văn kiện này chẳng khác gì ngọn đèn trước bão.
Lãnh đạo 4 nước đàm phán tại Minsk (Ảnh: AP)
Việc lãnh đạo nhóm "Bộ tứ Normandie" - gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande - đạt được giải pháp tổng thể dài hạn cho cuộc khủng hoảng Ukraine được xem là một thành công vượt mong đợi của các bên. Thành công đó có được nhờ quyết tâm chính trị rất lớn của Nga và Ukraine, cùng sự trung gian hiệu quả của hai "anh cả" châu Âu là Đức và Pháp.
Trong "Tuyên bố chung" ký sau cuộc họp, lãnh đạo 4 nước khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, coi giải pháp hòa bình là phương thức duy nhất cho cuộc xung đột đang diễn ra, ủng hộ văn kiện "Tổng thể các biện pháp thực thi các thỏa thuận Minsk" được "Nhóm tiếp xúc về Ukraine" thông qua cùng ngày và thiết lập cơ chế giám sát thực hiện văn kiện này.
Văn kiện được "Nhóm tiếp xúc về Ukraine" ký (từ đây gọi tắt là "văn kiện tổng thể") quy định rõ các bên xung đột ở Ukraine phải ngừng bắn toàn diện tại một số khu vực ở Donetsk và Lugansk từ 00h00 ngày 15/2 theo giờ Kiev (tức 5h00 cùng ngày ở Việt Nam).
Các bên cũng sẽ rút tất cả vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự với khoảng cách 50 km đối với hệ thống pháo cỡ nòng 100 mm trở lên, 70 km đối với hệ thống rốc-két đa nòng và 140 km đối với hệ thống rốc-két Tornado-S, Uragan, Smerch và hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U.
Đường cơ sở để binh sĩ Ukraine rút vũ khí hạng nặng được tính từ giới tuyến giao tranh hiện tại, trong khi đối với lực lượng ly khai là giới tuyến cũ quy định trong Bản ghi nhớ Minsk ký ngày 19/9/2014 (hai giới tuyến này cách nhau khoảng 50 km do trong 5 tháng qua, phe ly khai đã đẩy lùi quân chính phủ lui dần về phía Kiev).
"Văn kiện tổng thể" cũng ấn định việc rút vũ khí hạng nặng phải được triển khai trong vòng 2 ngày kể từ khi lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực và kết thúc trong vòng 14 ngày sau đó. Ngoài ra, chính quyền Ukraine phải tiến hành cải cách hiến pháp, thực thi quy chế đặc biệt cho hai vùng Donetsk và Lugansk, đồng thời khôi phục đầy đủ các chương trình phúc lợi xã hội và trao quyền tự quản nhiều hơn cho người dân vùng Donbass.
Có thể nói việc cả "Tuyên bố chung" và "Văn kiện tổng thể" được ký gần như đồng thời tại Belarus tại hai cuộc họp của nhóm "Bộ tứ Normandie" và "Nhóm tiếp xúc về Ukraine" đã tháo được ngòi nổ cho thùng thuốc súng Ukraine. Trước đó, thế giới gần như "ngồi trên đống lửa" khi Mỹ và NATO đã gần như nghiêng về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để có thể đảo ngược cục diện trên chiến trường đang nghiêng về phía quân ly khai.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những kết quả trên bàn đàm phán chưa đủ để mở "cánh cửa hòa bình lâu dài" cho Ukraine chừng nào quan điểm và cách nhìn của các bên về thỏa thuận mới vẫn còn nhiều cách biệt. Các bên chắc hẳn vẫn chưa quên việc "Bản ghi nhớ Minsk" đã bị vô hiệu hóa ngay khi chưa ráo mực hôm 19/9 năm ngoái.
Chính vì vậy, trong phản ứng đưa ra sau khi các thỏa thuận mới được ký kết, cả Mỹ và Ukraine đều có những tuyên bố khá thận trọng, đặc biệt khi cả hai nước này đều chưa tin tưởng Nga và các văn kiện lại có những điều khoản có lợi cho Nga và phe ly khai ở Đông Ukraine nhiều hơn.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Thỏa thuận là một bước tiến đáng kể có khả năng hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và khôi phục chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, Nga phải ngừng tiếp tay cho lực lượng ly khai, rút binh lính và thiết bị quân sự của mình ra khỏi miền Đông Ukraine".
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thậm chí còn tỏ ra hoài nghi hơn khi ông nói rằng "không có gì đảm bảo thỏa thuận mới sẽ được thực thi". Theo nhà lãnh đạo Ukraine, cuộc đàm phán đã rất khó khăn nhưng quá trình thực thi thỏa thuận còn khó khăn hơn nhiều.
Ở góc độ nào đó, những tuyên bố trên cũng không hẳn không có cơ sở. Để thỏa thuận được thực thi hiệu quả, một trong những yếu tố cốt yếu là Nga và phương Tây phải sử dụng ảnh hưởng của mình để ép các bên xung đột ở Ukraine tuân thủ chặt chẽ các điều khoản đề ra, đồng thời xúc tiến nhanh các thỏa thuận hợp tác năng lượng và thương mại để đặt nền móng cho tiến trình phát triển và hòa bình lâu dài.
Nhưng với cơ chế can dự xung đột đa tầng hiện nay, dù muốn nhưng Nga và phương Tây cũng sẽ khó có thể đảm bảo chắc chắn rằng mọi diễn biến trên thực địa tới đây sẽ không đi chệch hướng. Đơn cử, Nga có thể ép lực lượng ly khai tạm thời rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự nhưng không có gì đảm bảo Kiev sẽ cải cách hiến pháp theo hướng cân bằng (một điều kiện tiên quyết đối Mátxcơva).
Về phía phương Tây cũng vậy, Mỹ và châu Âu có thể ép được chính quyền Kiev chấp nhận nhượng bộ một phần trước các yêu sách tự quản của vùng Donbass, nhưng lại không dám chắc về việc phe ly khai có ngừng ý đồ mở rộng diện tích lãnh thổ kiểm soát ở miền Đông Ukraine hay không. Tương tự, trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, dù hai bên cùng chẳng có lợi ích gì khi Ukraine ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng song những chiến lược tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mỗi bên đang khiến cho đối thủ và cũng là đối tác phải dè chừng, cảnh giác.
Chính sự nghi ngờ và thận trọng dò xét lẫn nhau đó đã khiến cho việc tuân thủ các thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn và mong manh. Các thỏa thuận vừa mới được ký cũng không ngoại lệ. Việc giao tranh tại miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn ác liệt ngay khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Belarus và sau khi các thỏa thuận mới đã được ký càng làm tăng thêm những quan ngại về tương lai mịt mờ của các thỏa thuận này.
Đức Vũ
Theo Dantri
Thế bí" của Tổng thống Ukraine Poroshenko "Cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho người dân khi một phần lãnh thổ (Crimea) bị sáp nhập và các cuộc giao tranh thường xuyên nổ ra trong vài tháng qua; phải nhượng bộ hơn trên bàn đàm phán như là cái giá phải trả để chấm dứt cuộc xung đột - là những thách thức mà Tổng thống Petro...