Thỏa thuận hạt nhân Mỹ – Saudi Arabia sẽ châm ngòi cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử ở Trung Đông?
Bất kỳ thỏa thuận nào cũng liên quan đến sự hợp tác trong tham vọng lâu dài của Saudi Arabia về năng lượng hạt nhân dân sự, một cách để nước này đa dạng hóa khỏi dầu mỏ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại cuộc gặp ở thành phố Jeddah ngày 7/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Một phần của thoả thuận giúp thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Saudi Arabia gần gũi hơn đang đặc biệt gây tranh cãi. Các chuyên gia lo ngại Saudi Arabia có thể sử dụng chương trình năng lượng hạt nhân dân sự, được Mỹ hỗ trợ, để phát triển bom nguyên tử của riêng họ.
Theo Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle, một số phương tiện truyền thông quốc tế gần đây liên tục đưa tin rằng Saudi Arabia đang tiến gần đến một “thỏa thuận lớn” với Mỹ. Những cụm từ khoa trương như “thỏa thuận lớn” hay “món hời lớn” đang được sử dụng vì thỏa thuận này sẽ đưa Mỹ và Saudi Arabia xích lại gần nhau hơn đáng kể, bao gồm cả hiệp ước phòng thủ chung và thông qua hợp tác về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo hay chương trình hạt nhân dân sự.
Một thỏa thuận như vậy ban đầu được cho là gắn chặt với việc bình thường hóa quan hệ của Saudi Arabia với Israel. Tuy nhiên, với việc Saudi Arabia khăng khăng rằng bất kỳ sự bình thường hóa nào đều bao gồm việc Israel công nhận con đường hướng tới nhà nước Palestine và phía Israel cũng nhất quyết không muốn điều đó, quá trình bình thường hóa đã bị trì hoãn.
Thay vào đó, theo nhiều thông tin khác nhau được hang tin Reuters, tờ New York Times, Financial Times và Guardian đăng tải kể từ đầu tháng 5, “thỏa thuận lớn” giữa Saudi Arabia và Mỹ có thể vẫn sẽ diễn ra – chỉ là không có israel.
Chi tiết chính xác vẫn chưa được biết, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể liên quan đến sự hợp tác trong tham vọng lâu dài của Saudi Arabia về năng lượng hạt nhân dân sự, một cách để nước này đa dạng hóa khỏi dầu mỏ. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một trong những khía cạnh dễ xảy ra nhất của một “thỏa thuận lớn” – và cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất.
Video đang HOT
Cuộc tranh cãi bắt nguồn từ việc Saudi Arabia quyết tâm làm giàu uranium ở trong nước, Kelsey Davenport, Giám đốc chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Mỹ, nói.
Công nghệ được sử dụng để làm giàu uranium tạo ra nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân dân sự nhưng cũng có thể tạo ra uranium thích hợp cho vũ khí hạt nhân. “Saudi Arabia kiên quyết về [điều này]. Riyadh sẽ từ bỏ thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Washington trước khi từ bỏ việc làm giàu uranium”, chuyên gia Kelsey lưu ý.
Tháng 9 năm ngoái, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã gây chú ý quốc tế khi ông nói nếu Iran, đối thủ trong khu vực Trung Đông, có được bom hạt nhân thì Saudi Arabia cũng sẽ cần một quả bom nguyên tử.
Khi các báo cáo về thỏa thuận Mỹ – Saudi Arabia bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 5 năm nay, Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Markey đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden. Ông Markey, đồng Chủ tịch của nhóm làm việc về kiểm soát vũ khí và vũ khí hạt nhân của Chính phủ Mỹ, lập luận: “Tôi lo ngại rằng Saudi Arabia có thể không sử dụng chương trình năng lượng hạt nhân dân sự của mình chỉ vì mục đích hòa bình mà thay vào đó sẽ làm giàu uranium và tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân”.
Bên cạnh những lo ngại rằng Saudi Arabia có thể sẽ sở hữu bom hạt nhân, cũng có những lo ngại rằng việc chỉ cho phép họ làm giàu uranium sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
“Việc cho phép Saudi Arabia có được những khả năng như vậy có thể đặt ra tiền lệ ở cấp độ quốc tế. Nó có thể khuyến khích các nước khác trong khu vực, như Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, theo đuổi khả năng hạt nhân tương tự, dẫn đến làn sóng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông vốn đã đầy biến động”, Manuel Herrera, nhà nghiên cứu tập trung vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Istituto Affari Internazionali, một tổ chức nghiên cứu của Italy, nhận định.
Nhà nghiên cứu Herrera và các chuyên gia khác hy vọng rằng nếu chương trình hạt nhân dân sự của Saudi Arabia được thực hiện, Chính phủ Mỹ sẽ thực thi các biện pháp giám sát nghiêm ngặt. Những biện pháp này có thể bao gồm việc trì hoãn việc làm giàu uranium ở Saudi Arabia hoặc thiết lập một cơ sở làm giàu uranium mà chỉ người Mỹ mới có thể tiếp cận.
Saudi Arabia cũng có thể được yêu cầu tuân thủ các điều kiện, bao gồm ký kết các tiêu chí không phổ biến vũ khí hạt nhân cụ thể theo Mục 123 của Đạo luật Năng lượng Nguyên tử Mỹ năm 1954 và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có trụ sở tại Áo tiến hành thanh tra thường xuyên.
Chuyên gia Herrera giải thích: “Theo những gì chúng tôi biết, Mỹ đang cố gắng đưa ra một thỏa thuận rất giống với thỏa thuận họ đã làm với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào năm 2009, trong đó họ áp dụng Mục 123″. Tuy nhiên, Saudi Arabia trước đây đã nói không với điều đó.
Ngoại trưởng Libya tiết lộ lý do các nước châu Phi tăng cường hợp tác với Nga
Ngoại giao "có đi có lại" của Nga đã thuyết phục được châu Phi, trong khi lục địa này coi Moskva là nhà bảo đảm chính cho sự ổn định và an ninh của họ.
Nhiều nước châu Phi, trong đó có Libya coi Nga là nhà đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nước ở châu Phi đã mệt mỏi với các cuộc chạy đua vũ trang và xung đột liên miên, đồng thời tin rằng đã đến lúc tập trung xây dựng một thế giới đa cực, Abdul Hadi Al-Hawaij, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Chính phủ lâm thời Libya (kiểm soát phần phía đông của nước này) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Izvestia (Nga) ngày 20/5.
Theo ông Al-Hawaij, Nga, không giống như các nước phương Tây, tương tác với các đối tác trên cơ sở cùng có lợi chứ không phải vũ lực hoặc áp đặt. Ông lưu ý rằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại này của Moskva đã khuyến khích các nước trong khu vực tăng cường quan hệ ngoại giao với Nga.
"Nga hợp tác với các nước trong khu vực trên cơ sở có qua có lại, trong đó mọi người đều được hưởng lợi từ mối quan hệ theo chính sách đối tác bình đẳng. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, đó là lý do tại sao các nước ở châu Phi có xu hướng hợp tác với Nga hơn", ông Al-Hawaij nêu rõ.
Ông Al-Hawaij lưu ý thêm rằng hiện nay một thế giới đa cực không có sự phân biệt mạnh yếu dường như vẫn còn rất xa vời, đồng thời nhấn mạnh: "Tuy nhiên, ngày nay cần phải vẽ lại bản đồ địa chính trị, có tính đến lợi ích của thế giới Arab và Hồi giáo".
Bộ trưởng Al-Hawaij cũng thông báo Libya sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương với Nga: "Nga và Libya đang hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và giáo dục, cũng như trong các ngành công nghiệp năng lượng và ngũ cốc, sản xuất phân bón và vaccine. Tất cả những lĩnh vực này đều rất triển vọng và chúng tôi muốn phát triển, củng cố và mở rộng chúng đến mức tối đa".
Trước đó hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết châu Phi đã coi Moskva là nhà bảo đảm chính cho sự ổn định và an ninh của lục địa này và Nga không lo lắng về việc các nước khác đang tìm cách thay thế vị trí của mình.
"Nga, không bao giờ né tránh một cuộc cạnh tranh công bằng, sẵn sàng đóng góp cho châu Phi, trước hết, với tư cách là người bảo đảm chính cho sự ổn định và an ninh, đồng thời mở rộng các năng lực truyền thống và năng lực mới nổi", ông Bogdanov, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Trung Đông và châu Phi, cho biết. Ông Bogdanov tiết lộ rằng theo đánh giá phản hồi từ các đối tác châu Phi, ở khu vực Sahara-Sahel, cũng như trên khắp lục địa, có nhu cầu ngày càng tăng về sự hỗ trợ từ Nga liên quan đến ổn định và an ninh.
Nhà ngoại giao cấp cao của Nga cũng mô tả châu Phi là "lục địa của tương lai", nơi có "nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người thực sự vô tận" với "một thị trường ngày càng rộng lớn và có lợi nhuận cao". Do đó, có sự cạnh tranh đang diễn ra để giành ảnh hưởng ở châu Phi, ngoài các đối thủ cạnh tranh truyền thống giữa Nga và phương Tây còn có sự tham gia ngày càng tăng của các đại diện như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Ông Bogdanov khẳng định, khi xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nước châu Phi, Nga xác định rằng lục địa này là một cực quyền lực toàn cầu mới, đang phát triển chứ không phải là đấu trường cho sự đối đầu giữa các nước lớn trên thế giới. Ông nói: "Nga sẵn sàng hỗ trợ tích cực trong việc tăng cường tiềm năng hiện có của các nước châu Phi mà không đưa ra bất kỳ điều kiện chính trị nào", đồng thời mô tả đây là lợi thế cạnh tranh của Nga.
Ông Bogdanov kết luận: Ủng hộ chủ quyền của các quốc gia châu Phi và đảm bảo an ninh quốc gia của các quốc gia trên lục địa này là ưu tiên hàng đầu của Nga.
Nga lên án các cuộc tấn công của Israel vào Syria Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva lên án mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel vào vùng ngoại ô Aleppo của Syria. Bầu trời Aleppo, Syria sáng rực trong cuộc không kích của Israel lúc rạng sáng ngày 3/6. Ảnh: Tasnim "Moskva lên án mạnh mẽ những hành động hung hăng này, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Syria và...