“Thở phào” với ASIAD và SGK, nhưng lại “cuống” thu phí Hội An
Tuần qua, những vui buồn đan xen lẫn lộn của xã hội đã khiến các vấn đề tạo nên bức tranh nhiều cung bậc.
Trong khi dịch sởi vẫn hoành hành, gieo rắc nỗi lo cho các vị phụ huynh thì Bộ trưởng Bộ VH- TT& DL cười rất tươi bên ông chủ tịch OCA vì không bị phạt khi xin rút đăng cai ASIAD. Đến cuối tuần, câu chuyện 34.000 tỷ cho SGK của Bộ GD&ĐT cũng đã giảm nhiệt với đơn xin rút chính thức của Bộ trưởng Luận. Tưởng mọi chuyện đều của một tuần đều kết thúc mỹ mãn thì “đùng một cái” du khách quay lưng bỏ đi vì Hội An thu phí tham quan vô tổ chức, dù ông Bí thư đã lên tiếng nhận lỗi, sửa sai.
Việc thu phí phố cổ Hội An làm “dậy sóng” dư luận trong tuần qua – Ảnh: Tuổi trẻ
Dịch sởi có dấu hiệu chững lại
Suốt mấy tuần nay, dịch sởi khiến các bậc phụ huynh căng thẳng không dám cho con em ra khỏi nhà. Mặc dù không công bố dịch, nhưng Bộ Y tế đã phát động chiến dịch tiêm phòng sởi rộng khắp, cộng thêm loa phường sáng tối tuyên truyền về nguyên nhân cách phòng tránh sởi hình như cũng phần nào ngăn làn sóng dịch chững lại.
Box: Ngày 24/4, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh thành, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.
Tại một số bệnh viện Nhi Trung ương, BV Nhiệt Đới, BV Bạch Mai, số bệnh nhân sởi mới nhập viện không còn đông so với những ngày đầu tháng 4/2014 (30 ca ngày). Tại BV Nhi Trung ương ngày 22/4 chỉ có thêm 9 ca sởi nhập viện mới. BV Bạch Mai là 11 trường hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 12 trường hợp. Tuy nhiên, theothông tin trên Dân trí ngày 24/4, thực tế điều trị bệnh nhân sởi tại các bệnh viện vẫn rất”căng” bởi số bệnh nhân nặng lưu trữ nhiều ngày, đẩy số bệnh nhân điều trị nội trú ở mức cao như tại BV Nhi Trung ương có 253 trường hợp với 22 bệnh nhân thở máy. Khoa Nhi BV Bạch Mai có 68 ca nhiễm sởi thì 11 ca nặng, 6 ca thở máy…
Và đến sáng 26/4, sau khi kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Nhi Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho biết “dấu hiệu chiều hướng của bệnh sởi đang chững lại. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp tuyên truyền thì có thể bệnh sẽ tăng cao trở lại.
Qua dịch bệnh lần này có thể thấy thông tin để người dân biết được mức độ của dịch đều bị “nhiễu loạn” khi con số thống kê luôn bất nhất. Ngày 21/4, làm việc với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết Hà Nội có 14 ca tử vong và từ ngày 14/4 đến 21/4 không có thêm ca tử vong nào. Nhưng ngày 22/4, Bộ Y tế lại công bố Hà Nội đã có 54 ca tử vong do sởi chiếm 45,3% số tử vong cả nước. Tình trạng mỗi nơi một số liệu đã khiến người dân không biết rõ về mức độ bệnh dịch và biện pháp phòng ngừa khiến dịch bệnh diễn biến khó lường, nhưng đó cũng là điều thường thấy mỗi khi có vấn đề liên quan đến số liệu ở Việt Nam.
Video đang HOT
“Cuống” với chuyện Hội An thu phí
Trong tuần qua, du khách nước ngoài và ngay cả người dân Việt Nam đều tỏ ra thất vọng và “ngán ngẩm” khi Hội An bỗng nhiên “siết chặt” việc thu phí vào phố cổ. Nhiều tuyến phố ở khu vực 1 như đường Trần Phú, Bạch Đằng, cầu An Hội…trước đây được đi lại tự do thì nay ở đâu cũng gắn bảng “khu vực yêu cầu có vé”. Nhiều du khách tỏ ra bức xúc cho rằng việc thu phí này là vô lý bởi họ không đi vào di tích mà chỉ đi bộ tham quan phố cổ hoặc vào các quán hàng ăn tại đây. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên soát vé lại có thái độ không tử tế, thân thiện, thậm chí còn chặn khách bắt mua vé khiến nhiều du khách tức giận.
Trước sự phản ánh của người dân, TP Hội An đã lên tiếng “đính chính” lại sự việc. Theo đó, quy định du khách phải mua vé vào phố cổ có từ 1/11/2012 (du khách nước ngoài là 120.000 đồng/người; du khách nội địa là 80.000 đồng/người) nhưng chưa được triển khai đồng bộ khiến TP mất đi một nguồn thu lớn. Thế nến bắt đầu từ 16/4, Hội An tăng cường kiểm soát vé thăm quan phố cổ đối với du khách.
Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự nhận lỗi trước việc dư luận bức xúc thu phí vào phố cổ Hội An
Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An thì mỗi năm, phố cổ Hội An thất thu khoảng 40% vé tham quan từ khách lưu trú do nhiều công ty lữ hành nhân cơ hội việc kiểm soát vé “lỏng lẻo” đã đưa khách đi du lịch “chui”. Việc kiểm soát chặt vé là để chống thất thu, tăng kinh phí trùng tu di tích chứ không phải là tận thu.
Tuy nhiên, Hội An cũng nhận lỗi trong việc chưa tuyên truyền chủ trương kịp thời, hiệu quả khiến du khách hiểu nhầm. Ngày 26/4, ông Sự cũng thẳng thắn thừa nhận “việc Hội An thực hiện vừa rồi là kiểm soát chặt nhưng cách làm bất hợp lý. Lỗi này không phải của kiểm soát viên mà của lãnh đạo trong đó có bản thân tôi”. Ông Sự cũng cho biết Hội An sẽ tiếp tục bán vé và sẽ điều chỉnh những bất hợp lý trong việc soát vé. Theo đó, du khách đến Hội An, 1 lần mua vé có giá trị cho cả hành trình dù là 1 ngày hay 1 tháng; du khách đi lẻ thì được mời mua vé, đối với khách Việt đi theo tour thì phải bán vé. Đến cuối năm 2014, Hội An sẽ đưa ra phương án cụ thể về việc bán vé.
Việc thu phí tại các khu du lịch để có kinh phí tu sửa di tích là hợp lý. Nhiều người dân cũng đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên, cách thực hiện và quản lý cần phải minh bạch, thuận tiện thì mới khiến du khách ủng hộ.
“ Thở phào” với ASIAD và dự án SGK 34.000 tỷ đồng
Câu chuyện có đăng cai Á vận hội (ASIAD) năm 2019 hay không đã làm “ nóng” dư luận trong nhiều tuần qua. Có ý kiến tỏ ra không đồng tình với việc rút đăng cai ASIAD vì cho rằngsẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước với bạn bè thế giới. Tuy nhiên, có nhiều người lại cho rằng tổ chức ASIAD sẽ gây lãng phí và để lại khoản nợ khổng lồ cho con cháu.
Đến ngày 17/4, sau khi nghe báo cáo của các ban ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18. Việc rút lui đăng cai này đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ người dân nhưng nhiều người cũng lo ngại Việt Nam sẽ mất đi uy tín trong làng thể thao.
Tuy nhiên, ngày 24/4, sau khi đoàn Việt Nam có buổi làm việc với Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết Hội đồng Olympic châu Á (OCA), ngài Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah đã tỏ rất thông cảm và cam đoan rằng Việt Nam sẽ không bị chịu bất cứ hình phạt nào cho quyết định rút lui này. Đồng thời, vị chủ tịch của OCA cũng cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016 tại Nha Trang.
Bên cạnh niềm vui không bị phạt khi rút đăng cai ASIAD, dư luận cũng tỏ ra rất đồng tình trong việc xin hoãn trình dự án 34.000 tỷ đồng về đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD&ĐT. Trước đó, dư luận đã bị “sốc” khi Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày đề án 34.000 tỷ đồng cho dự án đổi mới chương trình, SGK trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Nhiều người đã tỏ ra nghi ngại về tính khả thi và cho rằng đổi mới chươn trình, SGK cần một số tiền “khủng” như vậy là bất hợp lý.
Ngày 20/4, sau khi đi công tác về, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trần tình và nhận sai sót về con số 34.000 tỷ đồng trên truyền hình. Ông cho biết con số 34.000 tỷ đồng không hề có trong Tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang UBTVQH. Việc xuất hiện con số này trong buổi họp là do…sơ xuất. Đến sáng 25/4, tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ trưởng Luận đã đích thân đọc công văn xin hoãn trình dự án đổi mới chương trình và SGK.
Một tuần trôi qua với việc nhận lỗi và sửa lỗi “không thông suốt” từ trên xuống dưới trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch và cả thể thao, y tế đã khiến xã hội trở nên muôn màu như vốn thế. Chỉ có điều người dân trong xã hội ấy luôn cần một trái tim khoẻ mạnh và một cái đầu tỉnh táo hóm hỉnh để có thể vượt qua và mỉm cười trước những vấn đề tưởng chừng không thể những vẫn có thể xảy ra.
Theo Songmoi
Côn đồ lộng hành, y bác sỹ hoảng loạn, bảo vệ... chạy trốn
Tình trạng các côn đồ lộng hành tại bệnh viện đang ngày càng tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong khi bệnh nhân và các y bác sỹ đang rất hoang mang thì lực lượng an ninh bệnh viện đang tỏ ra bất lực trước thực trạng này. Sự phân bổ lực lượng bất hợp lý, sự thiếu linh hoạt trong cách điều phối lực lượng khi xảy ra vụ việc đã khiến an ninh bệnh viện hầu như chỉ biết khoanh tay để các nhóm côn đồ lộng hành.
Khi côn đồ tràn vào bệnh viện
Vụ việc 30 côn đồ tấn công bệnh nhân và các y - bác sỹ tại bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) gây ra nhiều bất bình trong dư luận. Theo tìm hiểu của PV, vụ việc xảy ra vào khoảng 23h ngày 22/9, khi bệnh nhân Lê Hoàng Anh Tuấn (SN 1992, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), được đưa vào bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng chấn thương nặng phần mềm ở chân để cấp cứu. Sau đó, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1960, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng được người nhà đưa đến khoa cấp cứu tại bệnh viện nhưng được xác định đã tử vong. Cho rằng chính Tuấn là người giết chết ông Đức, nên vợ và con gái nạn nhân này xông tới hành hung Tuấn. Đồng thời người nhà ông Đức huy động hơn 30 đối tượng vác mã tấu, dao, gậy gộc đi lại lùng sục khắp bệnh viện để "xử" Tuấn.
Một bảo vệ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa bị côn đồ đánh trọng thương.
Hoảng loạn vì bị đe dọa, nhiều bệnh nhân chạy khỏi khoa cấp cứu, các y, bác sỹ cũng phải trốn vào trong một phòng và thay trang phục để lánh nạn vì nhóm người kia lên tiếng nói rằng nếu bác sỹ, y tá nào bao che Tuấn sẽ "xử" ngay". Không gian trong bệnh viện hỗn loạn suốt 3 giờ đồng hồ. Sự việc chỉ tạm lắng xuống khi có sự xuất hiện của lực lượng công an quận Bình Thạnh và các lực lượng chuyên trách khác. Đến ngày 25/9, cơ quan CSĐT công an quận Bình Thạnh cho biết, đã tạm bắt giam 3 đối tượng bao gồm: Lê Hoàng Anh Tuấn, Lê Minh Hiếu và Phan Huy Thịnh (SN 1978, cùng ngụ quận Bình Thạnh) được xác định là các thành viên trong nhóm thanh niên gây ra vụ ẩu đả tại địa chỉ số 602/114 đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, để điều tra làm rõ nghi án giết người và gây rối trật tự công cộng.
Trước đó, tại Đồng Nai đã xảy ra hai vụ côn đồ hành hung bác sỹ để cướp xác khiến dư luận rất hoang mang. Theo đó, vào khoảng 13h30 ngày 22/1, bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất tiếp nhận nạn nhân Nguyễn Trung Hiếu (SN 1983, ngụ phường Tân Hòa) bị tai nạn giao thông và tử vong do vết thương quá nặng. Lập tức, một nhóm người đến đòi đưa xác Hiếu về nhà và tấn công nhân viên bệnh viện, gây thương tích cho một bác sỹ và hai bảo vệ. Đến 15h30 cùng ngày, một nhóm khoảng 20 người kéo đến nhà đại thể dùng hung khí, gậy gộc rượt đuổi bảo vệ, cướp xác nạn nhân về nhà. Vụ việc trên chưa được xử lý thì 5 ngày sau, một án mạng nghiêm trọng đã xảy ra cũng tại bệnh viện này. Khi anh Nguyễn Trung Hậu (SN 1986, ngụ tại phường Tân Hòa) đang nằm ở bệnh viện thì bất ngờ xuất hiện 5 thanh niên trẻ chạy đến dùng dao đâm nhiều nhát làm Hậu gục tại chỗ. Sau đó, chúng còn dùng dao, ghế đánh đuổi những người ngăn cản và nhân viên y tế rồi chạy thoát.
Tiếp đó, vào khoảng 15h30 ngày 23/6, anh Nguyễn Hữu Diên (22 tuổi, quê tỉnh Phú Yên, tạm trú tại quận Bình Tân) điều khiển xe máy chở người bạn lưu thông trên đường số 6B (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) thì bất ngờ đụng vào bé T. (3 tuổi, con của chị Nguyễn Thị Quyển, trú gần đó) chạy từ trong vỉa hè ra. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, anh Diên đã cùng chị Quyển đưa bé Tâm tới bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) để cấp cứu. Khi anh Diên chờ nộp tiền viện phí cho bé Tâm, bỗng xuất hiện 6 thanh niên chở nhau bằng ba xe máy chạy thẳng vào khu vực này, rồi lao vào hành hung anh Diên ngã xuống nền nhà. Chúng còn nắm tóc anh Diên kéo lê từ trong Khu cấp cứu ra đến bồn hoa phía trước và đập đầu anh Diên vào bồn hoa. Sau đó chúng còn kê cổ nạn nhân vào cạnh bồn hoa đập cho đến khi anh Diên gục hẳn. Anh Diên được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, nhưng đã tử vong hai ngày sau đó.
Ngày 12/8, tại Khoa hồi sức tích cực bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh xảy ra vụ việc hết sức nghiêm trọng. Người nhà bệnh nhân đã quá khích đập phá tài sản, đánh trọng thương 4 y, bác sỹ vì cho rằng người thân của họ là ông Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên) chết do các bác sỹ ở đây bất cẩn. Cho rằng ông Hồng chết oan, khoảng chục người thân của bệnh nhân đã lao vào tấn công đội ngũ y, bác sỹ khoa hồi sức tích cực. Hậu quả làm nhiều bác sỹ bị thương nặng ở vùng mặt, đầu. Nhiều máy móc và tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng bị đập phá hư hỏng. Lực lượng công an đã có mặt để ngăn chặn việc quậy phá, đánh người của một số người nhà bệnh nhân bị chết, đồng thời xem xét hiện trường, thu thập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Bệnh nhân và cả đội ngũ y, bác sỹ to ra lo lắng và hoang mang khi lực lượng an ninh bệnh viện không đủ sức ngăn cản các vụ lộng hành của côn đồ tại bệnh viện.
Bảo vệ có như không!?
Sau mỗi vụ côn đồ lộng hành ở bệnh viện, lực lượng chức năng đều rút kinh nghiệm, xử lý những người liên quan, đồng thời chấn chỉnh lực lượng an ninh bệnh viện. Qua đó cho thấy, khi có sự cố xảy ra, lực lượng an ninh bệnh viện vốn quá mỏng này gần như bó tay. Và hầu hết các vụ đe dọa, ẩu đả xảy ra trong bệnh viện đều phải cầu cứu lực lượng công an. Lực lượng bảo vệ tại chỗ không thể ứng cứu kịp đã gây hoang mang cho các bác sỹ và bệnh nhân đang điều trị tại đây. Chị Nguyễn Thanh Hồng (43 tuổi, ngụ đường Nguyễn Duy Dương, quận 10, TP.HCM) bức xúc: "Côn đồ lộng hành tại bệnh viện không còn chuyện lạ nữa và có lỗi một phần của lực lượng bảo vệ. Không ít vụ ẩu đả xảy ra nhưng nhiều bảo vệ chỉ đứng nhìn hoặc làm ngơ vì sợ bị liên lụy".
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, Thành viên Hội Luật gia Châu Á cho biết: "Hành vi gây rối, đe dọa tại bệnh viện dù bất kể lý do gì cũng vi phạm pháp luật và đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc gây rối không được ngăn chặn ngay là do lực lượng bảo vệ tại chỗ chưa đủ đông và làm việc chưa hiệu quả. Hiện nay việc sử dụng người lao động làm bảo vệ tại một số công ty bảo vệ có tính chất "chen ngang", không được đào tạo về đạo đức cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Khi có sự cố về an ninh thì bảo vệ lại bị động và bỏ chạy đầu tiên gây ảnh hưởng và thiệt hại về tài sản cho nơi sử dụng lực lượng bảo vệ là điều vi phạm luật Dân sự. Do trong luật chưa có điều luật cụ thể để phạt tù mà mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, nên việc sử dụng nhân viên bảo vệ không đúng nguyên tắc vẫn đang còn lỏng lẻo".
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền, hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM nhận định: "Việc côn đồ lộng hành tại các bệnh viện vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều xuất phát từ tâm lý lan tràn đám đông dẫn đến những hành vi mất kiểm soát. Về mặt quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tính đến phương án ứng cứu nhanh trong các bệnh viện để xử lý ngay những vụ gây rối khi chúng mới manh nha, tránh gây hoảng sợ cho những người có mặt tại hiện trường.
Theo Người đưa tin