Thổ Nhĩ Kỳ trả chuyên gia S-400 Nga về nước
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ trả chuyên gia Nga về nước, nhằm xoa dịu lo ngại của Washington xoay quanh thương vụ Ankara mua tên lửa S-400.
“Hệ thống S-400 sẽ hoàn toàn do chúng tôi kiểm soát. Chúng tôi đã cử nhiều đoàn kỹ thuật viên đi huấn luyện. Chuyên gia quân sự Nga sẽ không ở lại Thổ Nhĩ Kỳ”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trên truyền hình hôm 31/5, nhưng nhấn mạnh Ankara sẽ không chấp nhận yêu cầu rộng hơn của Washington như từ bỏ hoàn toàn hệ thống phòng không S-400 để được dỡ cấm vận.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chuẩn bị gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 6.
Thành phần hệ thống S-400 chuyển cho Ankara hồi tháng 8/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ .
Sự hiện diện của các chuyên gia quân đội Nga được triển khai để lắp đặt hệ thống S-400 và huấn luyện nhân lực Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lo ngại lớn của Mỹ, khi Washington cho rằng lực lượng của Moskva có thể tiếp cận và thu nhiều dữ liệu tình báo về các công nghệ bí mật của NATO.
Video đang HOT
Việc gửi chuyên gia Nga về nước được cho là động thái xoa dịu Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu bác bỏ yêu cầu không kích hoạt hệ thống S-400 do Mỹ đưa ra. “Không thể chấp nhận lời kêu gọi đừng sử dụng chúng từ một quốc gia khác”, ông cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Nga hoàn tất bàn giao loạt vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2020. Ankara tiến hành đợt bắn thử đầu tiên vào tháng 10/2020 và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà “không cần xin phép Washington”.
Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng, cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ NATO và đe dọa tiêm kích tàng hình F-35. Để trừng phạt hợp đồng S-400, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35.
Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cuối năm ngoái áp lệnh cấm vận nhằm vào Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (SSB) thuộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Những biện pháp trừng phạt gồm cấm mọi giấy phép xuất khẩu của Mỹ cho SSB, đóng băng tài sản và hạn chế đi lại với chủ tịch SSB Ismail Demir cùng nhiều quan chức khác.
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham chiến cùng Azerbaijan
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này sẵn sàng "làm mọi thứ cần thiết" nếu nhận được yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Azerbaijan.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi điều cần thiết nếu Azerbaijan đề nghị giúp đỡ", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn quốc gia Anadolu hôm nay, sau khi được hỏi liệu Ankara có sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Baku hay không.
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh nước này duy trì quan điểm luôn sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan khi căng thẳng leo thang.
Ngoại trưởng Cavusoglu trong cuộc phỏng vấn ngày 30/9. Ảnh: Anadolu.
"Chúng tôi muốn vấn đề Nagorno-Karabakh được giải quyết triệt để và đã thực hiện nhiều nỗ lực để làm điều đó, nhưng tất cả đều vô ích. Thổ Nhĩ Kỳ luôn sát cánh cùng Azerbaijan cả trên chiến trường và bàn đàm phán. Sự đoàn kết này sẽ tiếp tục được duy trì", Ngoại trưởng Savusoglu nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó chỉ trích phát biểu của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi đã chú ý đến tuyên bố chính trị ủng hộ Azerbaijan của họ, tôi nghĩ đó là những lời lẽ hiếu chiến rất nguy hiểm và không được suy xét thấu đáo. Tôi sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày mai để tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng", ông nói thêm.
Yerevan chưa bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cáo buộc Ankara triển khai máy bay không người lái và tiêm kích F-16 thực hiện đòn không kích bằng tên lửa đối đất từ ngoài tầm chiến đấu của các hệ thống phòng không. Bộ Quốc phòng Armenia thông báo đã chặn thu được liên lạc vô tuyến giữa các phi công nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Karabakh.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết ông không đề cập vấn đề huy động quân đội Nga hay binh sĩ Nga triển khai ở Armenia cho xung đột ở Nagorno-Karabakh khi điện đàm với Tổng thống Putin.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan đã bước sang ngày thứ tư, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn từ Nga, Mỹ và nhiều nước, tổ chức quốc tế. Xung đột vũ trang nổ ra từ ngày 27/9 khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, đánh dấu cuộc đụng độ tồi tệ nhất sau khi hai nước đồng ý ngừng bắn tháng 5/1994.
Tình hình leo thang hôm 29/9 khi cả hai bên cáo buộc đối phương tấn công vào lãnh thổ của nhau ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Yerevan tối qua thông báo một cường kích Su-25 nước này bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ lãnh thổ Azerbaijan bắn rơi khi làm nhiệm vụ trong không phận Armenia, nhưng Ankara và Baku đều bác bỏ thông tin.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 29/9 họp kín và bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự, lên án các hành động sử dụng vũ lực và ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân tỉnh này là người Armenia, vốn chiếm thiểu số và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Tranh chấp quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2/1988 tới tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
WHO ghi nhận biến thể B.1.617 của SARS-CoV-2 xuất hiện tại ít nhất 53 vùng lãnh thổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/5 công bố báo cáo cho biết biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (biến thể B.1.617) đã được chính thức ghi nhận xuất hiện tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo báo cáo cập nhật hằng tuần của WHO, ngoài các vùng lãnh thổ trên, cơ quan...