Thổ Nhĩ Kỳ tính trưng cầu dân ý để chấm dứt biểu tình
Trước làn sóng biểu tình ngày càng dữ dội, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày hôm qua đã cho biết có thể trưng cầu dân ý về kế hoạch phá bỏ một công viên tại Istanbul, vốn là khởi điểm của các vụ biểu tình chống chính phủ thời gian qua.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã đối thoại với người biểu tình
Tuyên bố trên được người phát ngôn của đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan đưa ra sau cuộc đối thoại giữa ông với đại diện những người biểu tình. Theo hãng tin AFP, bầu không khí tại quảng trường Taksim, gần công viên Gezi đêm qua đã hạ nhiệt và hòa bình hơn, khác hẳn với ngày trước đó.
“Chúng tôi có thể đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý. Tại các quốc gia dân chủ, chỉ có nguyện vọng của người dân mới có giá trị”, Huseyin Celik, người phát ngôn của AKP khẳng định. “Chúng tôi nghĩ rằng sau động thái thiện chí này người dân sẽ quyết định trở về nhà”.
Trước đó, một cuộc tuần hành của người dân Istanbul nhằm cứu các hàng cây trong công viên Gezi khỏi bị chặt bỏ, để dựng một mô hình trại lính thời đế chế Ottoman, đã biến thành cuộc biểu tình lớn sau khi cảnh sát mạnh tay can thiệp. Kể từ đó đến nay hàng trăm người đã cắm trại tại Gezi, biểu tượng của phong trào biểu tình chống chính phủ.
Video đang HOT
Hôm thứ Ba, cảnh sát đã bất ngờ tràn vào quảng trường Taksim, dùng đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng chục nghìn người biểu tình.
Chính phủ của ông Erdogan đã chịu sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong việc xử lý cuộc khủng hoảng, vốn đã khiến 4 người thiệt mạng và gần 5000 người bị thương. Thay vì sử dụng các biện pháp mềm mỏng, ông Erdogan lại chọn những hành động cứng rắn với liên tiếp các tuyên bố đã hết kiên nhẫn với người biểu tình. Nhưng cuối cùng, có vẻ ông đã chịu xuống thang khi chấp nhận gặp đại diện người biểu tình trong ngày hôm qua
Cùng ngày, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton đã thúc giục ông Erdogan cho thấy “sự kết nối thay vì đối kháng” trong cuộc đối thoại với người biểu tình. “Đây là một thời khắc quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, một cơ hội để họ tái khẳng định sự cam kết với các giá trị của châu Âu”, bà Ashton nói.
Còn ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle thì khẳng định hình ảnh người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động rượt đuổi tại Istanbul “gây nhiễu loạn” và gửi đi “thông điệp sai” về các quốc gia châu Âu.
Theo Dantri
Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình chống chính phủ không ngừng lan rộng
Dù đã bước sang ngày thứ 10 liên tiếp nhưng các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hàng chục nghìn người vẫn đổ ra đường. Trong khi đó, Thủ tướng Erdogan đã gọi người biểu tình là "kẻ cướp".
Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài 10 ngày
Theo hãng tin BBC, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo những người biểu tình rằng sự kiên nhẫn của ông "có giới hạn". Đồng thời, phát biểu trước đám đông ủng hộ mình tại sân bay thủ đô Ankara, ông còn gọi người biểu tình là "những kẻ cướp".
Ông cũng cáo buộc những người biểu tình đã uống bia tại các đến thờ Hồi giáo và sỉ nhục phụ nữ quàng khăn trùm đầu. "Với chính phủ của chúng ta, đảng của chúng ta và quan trọng hơn hết là đất nước của chúng ta, chúng ta chính là những người đã bảo vệ và đang tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ nền dân chủ, luật pháp và tự do", ông Erdogan tuyên bố.
Trong khi đó những người ủng hộ ông hô nhiều khẩu hiệu, trong đó có câu "chúng tôi đã sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình vì ông Tayyip".
"Chúng ta đã kiên nhẫn và sẽ tiếp tục kiên nhẫn nhưng sự kiên nhẫn đã hết", vị Thủ tướng nói tiếp trong lúc người ủng hộ hô vang: "Những kẻ giàu có của Istanbul, di tản ngay khỏi công viên Gezi".
Cùng lúc đó, hàng chục nghìn người chống chính phủ đã đổ ra đường tại các thành phố lớn của nước này, trong đó tập trung đông nhất là tại quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul và quảng trường Kizilav ở Ankara.
Các vụ nổi loạn chống chính phủ đã bắt đầu từ hôm 31/5 sau khi cảnh sát dùng vũ lực giải tán những người tham gia phản đối việc phá bỏ một công viên tại Istanbul.
Kể từ đó đến nay, từ chỗ là hoạt động tuần hành phản đối một dự án xây dựng, các cuộc biểu tình đã lan rộng khắp cả nước để phản đối chính sách bị cho là ngày càng bảo thủ, độc tài của chính phủ ông Erdogan. Những người thế tục cho rằng họ đang bị ép phải tuân theo các giá trị Hồi giáo và muốn ông Erdogan phải từ chức.
Đêm qua cũng là đêm thứ hai liên tiếp cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông tại trung tâm Ankara.
Trước đó, trong ngày thứ Bảy, xô xát đã xảy ra tại thành phố Adana giữa những người biểu tình với lực lượng ủng hộ ông Erdogan. Tình hình căng thẳng khiến người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton đã phải lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế.
Đến nay đã có ít nhất 4 người, trong đó có 1 cảnh sát thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương sau 10 ngày diễn ra biểu tình.
Theo Dantri
Các ngân hàng châu Âu chấm dứt giao dịch với Triều Tiên Các nhóm cứu trợ châu Âu tại Bình Nhưỡng cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển tiền tới đây sau khi các ngân hàng châu Âu ngừng giao dịch tới Triều Tiên. Sau Bank of China, thêm nhiều ngân hàng châu Âu quay lưng với Triều Tiên Sau khi ngân hàng Bank of China của Trung Quốc tuyên...