Thổ Nhĩ Kỳ – Saudi Arabia đấu khẩu vụ nhà báo Jamal mất tích
Vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi – biên tập viên của một tờ báo có tiếng ở Saudi Arabia – làm dấy lên mối quan ngại trên toàn cầu, đặc biệt sau khi hồi cuối tuần qua các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức nước này cho rằng ông Khashoggi đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul.
Cuộc khẩu chiến quanh nghi án nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào cuộc gay gắt, và có những tuyên bố chỉ trích nhắm vào Riyadh. Các nhà chức trách Ankara và Riyadh đã đưa ra những giải trình mâu thuẫn về số phận của nhà báo này, nhân vật thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia về chính sách đối ngoại và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, đòi chính phủ các nước có câu trả lời rõ ràng về số phận của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP
Riyadh phải “chứng minh” nhà báo đã rời khỏi lãnh sự quán
Tổng thống Erdogan, trong tuyên bố đưa ra hôm 9-10, đã yêu cầu giới chức Saudi Arabia phải chứng minh, nhà báo Jamal, người mất tích từ tuần trước, đã rời khỏi lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi phải có được kết quả từ cuộc điều tra này ngay khi có thể. Các quan chức thuộc lãnh sự quán này không thể tự bào chữa chỉ bằng cách nói là “ông ấy đã rời đi”, ông Erdogan nói và nhấn mạnh thêm: “Nếu anh ấy đã rời đi, các bạn phải chứng minh điều đó bằng những hình ảnh cụ thể”.
Hồi cuối tuần, một quan chức chính phủ cho biết, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã kết luận, nhà báo Jamal bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul. Theo quan chức nói trên, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp tình tiết đáng chú ý, đó chính là trong thời gian nhà báo Jamal có mặt tại Lãnh sự quán, một phái đoàn gồm 15 người Saudi Arabia, trong đó có một số quan chức, đã đến thăm tòa nhà này và sau đó tất cả đều rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ những người này đã sát hại ông Jamal và đây là vụ giết người đã được lên kế hoạch từ trước.
Riyadh kịch liệt phủ nhận cáo buộc và nói rằng, nhà báo Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán.
Mở rộng điều tra
Tổng thống Erdogan, người tuyên bố đích thân theo dõi vụ việc cho biết, Ankara hiện không có tài liệu hay bằng chứng nào về vụ việc này, nhưng sẽ tích cực điều tra.
Đó là lý do mà các phương tiện truyền thông cho biết, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực thuyết phục chính phủ Saudi Arabia cho phép lục soát lãnh quán của họ tại Istanbul. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong tuyên bố cuối ngày 8-10 cũng kêu gọi chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự biến mất của ông Jamal và công khai minh bạch kết quả điều tra. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lần thứ 2 triệu tập đại sứ Saudi Arabia về sự biến mất của nhà báo này. Một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận, đại sứ Saudi Arabia đã gặp Thứ trưởng nước chủ nhà Sedat Onal. Đại sứ Saudi Arabia lần đầu tiên được triệu tập về vụ việc này hôm 4-10. Lúc đó, Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, đại sứ Saudi Arabia cho biết, ông không có bất kỳ thông tin nào về việc ông Jamal đang ở đâu.
“Tội ác khủng khiếp”
Video đang HOT
Những người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul với các biểu ngữ: “Chúng tôi sẽ không rời khỏi mà không có Jamal Khashoggi”, yêu cầu có câu trả lời rõ ràng về số phận của nhà báo này. Nhà hoạt động Yemen Tawakkol Karman, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2011, cho biết, đây sẽ là một “tội ác khủng khiếp” nếu những tuyên bố về cái chết của ông Jamal là sự thật.
“Giết chết anh ấy cũng giống như giết chết chúng tôi. Chính sách này chỉ là một chính sách khủng bố. Không có sự khác biệt giữa khủng bố nhà nước và các hành động khủng bố khác”, bà nói thêm. Nhà báo Jamal rời khỏi Saudi Arabia vào năm ngoái do lo sợ bị trừng phạt về những quan điểm của mình, và mất tích trong vòng hơn 48 giờ đồng hồ sau khi đi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbu hôm 2-10. Ông Khashoggi đến lãnh sự quán để đăng ký các thủ tục cần thiết cho cuộc hôn nhân với bà Hatice Cengiz, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng, không có bằng chứng cho thấy ông đã rời khỏi phái bộ ngoại giao này, trong khi đó Riyadh cho hay ông rời khỏi đó cùng ngày.
Vụ mất tích của nhà báo Khashoggi – biên tập viên của một tờ báo có tiếng ở Saudi Arabia – làm dấy lên mối quan ngại trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã vào cuộc, tuyên bố bày tỏ “lo ngại” về sự biến mất của nhà báo. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh hàng đầu của ông Trump ở Thượng viện, đã cảnh báo về một tác động “tàn phá” đối với liên minh Mỹ – Saudi Arabia nếu cáo buộc sát hại được xác nhận.
KHẢ ANH
Theo cadn.com.vn
Hoàng gia Ả rập Saudi bị tình nghi sát hại nhà báo đối lập
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra vụ nhà báo Jamal Khashoggi - người thường chống chính quyền hoàng gia Ả rập Saudi, được cho là đã bị giết trong lãnh sự quán Ả rập Saudi ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người ủng hộ trưng di ảnh nhà báo Khahoggi - Ảnh : AP
Theo báo Guardian, ngày 9.10 nhà cầm quyền đang xác minh camera kiểm soát giao thông, nhằm tìm một xe tải màu đen được cho là chở xác ông Khashoggi (người Ả rập Saudi) rời khỏi lãnh sự quán hồi tuần trước.
Chiến dịch bắt cóc và thủ tiêu của đội sát thủ Ả rập Saudi?
Các nhà điều tra nói đó là một trong sáu xe của đội sát thủ thuộc hoàng gia Ả rập Saudi bị nghi là thủ phạm vụ giết chết nhà báo đối lập. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói đoàn xe rời khỏi lãnh sự quán hai giờ sau khi ông Khashoggi vào cơ sở ngoại giao này hôm 2.10.
Camera ghi lại hình ảnh các hộp được chuyển vào xe tải màu đen mang biển số ngoại giao. Sau khi rời khỏi khuôn viên lãnh sự quán, 3 xe rẽ trái ra đường chính, 3 xe còn lại rẽ phải. Các nhà điều tra nói hướng chú ý chính là chiếc xe tải dán kính đen che kín cửa sổ, được ghi nhận đã chạy đến một cao tốc gần tòa lãnh sự.
Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống màn hình kiểm soát giao thông mở rộng, thường dùng để cung cấp chứng cứ trong các vụ điều tra hình sự. Nhà báo Khashoggi, 59 tuổi, là một trong những người chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman cầm quyền ở Ả rập Saudi. Từng là một nhân vật thân cận giới tình báo và hoàng gia Ả rập Saudi, ông đã phải sống lưu vong ở Mỹ trong hầu hết năm 2017, lý do là thái tử Mohammed bin Salman mở đợt truy bắt các hoàng thân, nhà trí thức và người bất đồng với các chính sách của vị thái tử. Tại Mỹ, nhà báo Khashoggi viết bài bình luận chỉ trích chương trình cải cách (như cho phép phụ nữ lái xe hơi) của Ả rập Saudi trên báo Washington Post.
Người bạn Turan Kislakci cho biết ông Khashoggi từng kể đã được mời về Ả rập Saudi làm cố vấn cho Thái tử Mohammed bin Salman. Ông cũng đã tìm cách nhờ một số người bạn Mỹ bảo đảm an toàn khi ông đến lãnh sự quán, và nhờ vợ chưa cưới Hatice Cengiz (công dân Thổ Nhĩ Kỳ) liên lạc với chính quyền, nếu như ông không trở ra.
Chiều 2.10, ông Khahsoggi đã phải xếp hàng chờ vào lãnh sự quán. Đó là lần thứ hai ông đến đây để giải quyết vụ ly dị với vợ trước người Ả rập Saudi, sau khi được thông báo rằng giấy tờ của ông chưa chính xác. Người vợ chưa cưới Cengiz chờ bên ngoài lãnh sự quán đã khẳng định ông không hề trở ra.
Các quan chức ở thủ đô Ankara nói đội sát thủ hoàng gia Ả rập Saudi đã được cử đến Istanbul để bắt cóc hoặc giết nhà báo Khashoggi. Hãng thông tấn ANSA (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn nguồn tin cảnh sát nói 15 người Ả rập Saudi đã đến lãnh sự quán khi ông Khashoggi mất tích.
Hồ sơ các chuyến bay ghi nhận hai máy bay Ả rập Saudi đã đến sân bay Ataturk của Istanbul hôm 2.10 và cất cánh cùng ngày, chỉ vài giờ sau khi nhà báo Khashoggi được nhìn thấy lần cuối.
Ngày 8.10, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Ả rập Saudi, đề nghị nước này hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra. Đài truyền hình tư nhân NTV (Thổ Nhĩ Kỳ) nói chính phủ đề nghị cho các nhà điều tra khám xét lãnh sự quán, nhưng một quan chức Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bác thông tin này.
Tuy nhiên, Thái tử Mohammed bin Salman hứa cho phép cuộc khám xét: "Tòa nhà là lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ cho phép họ vào khám xét và làm bất kỳ điều gì họ muốn làm. Chúng tôi không che giấu gì cả".
Nhà cầm quyền Ả rập Saudi tiếp tục khẳng định không giữ vai trò nào trong vụ mất tích của ông Khashoggi. Họ thừa nhận "một đoàn an ninh" đến Istanbul hôm 6.10 nhưng không cho biết lý do chuyến đi.
Từ lâu, Ả rập Saudi bị cáo buộc bắt cóc những hoàng thân và người bất đồng chính kiến rồi dùng máy bay tư nhân đưa họ về nước. Năm 2017, Ả rập Saudi đưa Thủ tướng Saad Hariri của Lebanon đến Riyadh, nơi ông đột ngột từ chức trên sóng truyền hình Ả rập Saudi, sau đó ông trở về Lebanon và rút lại tuyên bố từ chức, khiến có sự đồn đoán ông bị Thái tử Mohammed bin Salman ép.
Nhà báo Khashoggi thường chỉ trích Thái tử cầm quyền - Ảnh : AP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Ả rập Saudi làm rõ vụ việc
Gần một tuần sau khi nhà báo Khashoggi mất tích, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường kêu gọi lãnh đạo Ả rập Saudi giải thích chuyện gì đã xảy ra với người chỉ trích hoàng gia Ả rập Saudi.
Theo Guardian, ông Erdogan phát biểu cẩn thận, nhưng cho phép các quan chức chính phủ và giới truyền thông nhà nước cáo buộc mạnh. Nhật báo Sabah thân chính phủ đã đưa tin về đoàn xe.
Tổng thống Erdogan đang thăm Hungaria, tuyên bố: "Chúng tôi phải có kết quả điều tra càng sớm càng tốt. Các quan chức lãnh sự quán không thể tự cứu mình bằng cách chỉ nói "Ông ấy đã ra về".
Ông cũng cho biết ông đích thân theo dõi cuộc điều tra vốn chưa đạt đến kết quả nào. Guardian dự báo trong những ngày tới, phản ứng của ông Erdogan sẽ sâu sắc hơn, nếu như không có vấn đề nào quan trọng hơn đối với ông bằng sự mất tích của một công dân nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù hai bên cảnh giác lẫn nhau, Ả rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tránh công kích lẫn nhau, vì hai bên đều có quan hệ thương mại và đầu tư đáng kể, và cùng muốn có tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Năm 2017, quan hệ hai bên xuống cấp, vì Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Qatar bị Ả rập Saudi và các nước vùng Vịnh bao vây. Thổ Nhĩ Kỳ cử quân đến các căn cứ ở Qatar và viện trợ lương thực. Ả rập Saudi cũng bực Thổ Nhĩ Kỳ làm thân với Iran, kình địch của Ả rập Saudi.
Vụ nhà báo Khashoggi mất tích gây sốc cho nhiều người ở nước này, và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng yêu cầu Ả rập Saudi làm rõ vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nói đã có những cáo buộc nghiêm trọng, và Anh đang khẩn cấp tìm hiểu vụ việc, gồm cả việc cần chính phủ Ả rập Saudi giải thích.
Anh đều thân cận Ả rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lâm vào tình thế khó xử. Bộ Ngoại giao Anh sẽ bị chỉ trích là đạo đức giả, nếu sau khi phẫn nộ cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên phản Nga Sergei Skripal hồi tháng 3 lại im lặng về nghi án chính phủ Ả rập Saudi giết người đối lập.
Pháp cũng yêu cầu chính quyền Ả rập Saudi giải thích, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, một đồng minh lớn của Ả rập Saudi và hứa không can thiệp vào nội bộ nước này, đã nói ông "quan ngại về những chuyện rất xấu" xung quanh số phận nhà báo Khashoggi.
Con trai ông Trump là Donald Trump Jr có quan hệ cá nhân thân cận với Thái tử Mohammed bin Salman. Nhưng quan hệ Mỹ-Ả rập Saudi sa sút, vì mới đây ông Trump nói Ả rập Saudi "trụ không nổi hai tuần" nếu Mỹ không bảo đảm an toàn cho vương quốc này khi giá dầu tiếp tục tăng.
Bảo Vĩnh ( theo Guardian)
Theo motthegioi
Saudi Arabia triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ về vụ nhà báo mất tích Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 4/10 cho biết, một quan chức cấp cao nước này đã trao đổi với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ về sự mất tích của một nhà báo bất đồng chính kiến Saudi Arabia. Theo thông báo của bộ trên, ông Adel Merdad, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị và kinh tế Saudi...